Tăng sức đề kháng: Đừng bỏ qua ba vi chất quan trọng
Photo by Joel Cross on Unsplash

Tăng sức đề kháng: Đừng bỏ qua ba vi chất quan trọng

Tăng sức đề kháng là việc làm quan trọng để nâng cao sức khỏe tổng thể của mỗi người. Khi sức đề kháng mạnh mẽ, cơ thể sẽ có được “tuyến phòng thủ” vững chắc để chống chọi với các mầm bệnh xâm nhập.

Cách tăng sức đề kháng nào giúp bạn dễ dàng áp dụng mỗi ngày? Những vi chất nào không thể bỏ qua khi muốn tăng sức đề kháng cho cơ thể? Hãy tìm hiểu ở bài viết sau.

Tầm quan trọng của việc tăng sức đề kháng

Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp chống lại các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… Sức đề kháng của cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch.

Người có sức đề kháng tốt sẽ có nhiều khả năng ngăn ngừa các tác nhân gây hại từ môi trường xung quanh hoặc chống chọi và tiêu diệt khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Ngược lại, người có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Vì vậy, việc tăng sức đề kháng cũng chính là tăng cường sức mạnh phòng thủ cho hệ miễn dịch.

Những yếu tố làm ảnh hưởng đến sức đề kháng

Mầm bệnh: virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng…

Tùy theo mức độ nguy hiểm của loại mầm bệnh, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng theo các cấp độ khác nhau. Nếu hệ miễn dịch của bạn mạnh mẽ, cơ thể sẽ kích hoạt các cơ chế tự nhiên khác, với sự tham gia của các yếu tố dịch thể và các tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính, đại thực bào, tế bào lympho B, lympho T… nhằm nhận diện tác nhân gây bệnh và tấn công, phá hủy chúng.

Không khí ô nhiễm

Khi bạn hít thở trong bầu không khí ô nhiễm, các hạt bụi mịn được đưa vào trong cơ thể, và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là hệ mũi xoang – phổi. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện không khí bẩn ngăn chặn sự phát triển của tế bào T (tế bào cần thiết để có hệ miễn dịch khỏe mạnh). Từ đó, sức đề kháng của bạn cũng bị suy yếu.

Stress

Theo phân tích của giới chuyên gia, thường xuyên căng thẳng khiến cho não tăng cường sản sinh hormone cortisol làm suy yếu chức năng của các tế bào lympho T. Từ đó, hệ miễn dịch cũng bị suy yếu chức năng chống lại các loại mầm bệnh.

Thiếu ngủ

Chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng quan trọng trong điều hòa chức năng của hệ miễn dịch. Ngủ đủ giấc tạo điều kiện cho sự phát triển của các tế bào lympho T và có vai trò đối với trí nhớ miễn dịch.

Ngược lại, mất ngủ làm giảm đáp ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, đồng thời làm giảm sản xuất cytokine từ tế bào lympho T.

Thiếu hụt dưỡng chất

Các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin (C, D…) và khoáng chất (kẽm, sắt…) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự toàn vẹn của hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Lối sống thụ động, không tập thể dục, ít hoạt động thể chất

Thói quen ít vận động làm chậm tốc độ trao đổi chất trong cơ thể. Điều này cũng làm cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng trở nên yếu kém. Từ đó, hệ miễn dịch không có đủ chất dinh dưỡng để hoạt động khỏe mạnh. Sức đề kháng yếu đi cũng đồng nghĩa với việc bạn dễ mắc bệnh hơn.

Cách tăng sức đề kháng cho cơ thể: Đừng bỏ qua ba vi chất kẽm, vitamin C và vitamin D

Vì phải làm việc chăm chỉ để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại, hệ miễn dịch cũng sẽ có lúc bị suy yếu. Khi đó, cơ thể cũng kém khả năng đề kháng với các yếu tố gây hại. Để giữ cho hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh, một trong những việc làm khả thi nhất là chú trọng vào việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

Khẩu phần ăn phong phú sẽ bổ sung thêm nhiều dưỡng chất, vi chất nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. Trong đó, vitamin C, vitamin D và kẽm là ba vi chất rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng ở cả người lớn và trẻ em.

Kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình tăng sinh và biệt hóa của rất nhiều loại tế bào khác nhau liên quan đến phản ứng miễn dịch. Nó cũng hỗ trợ quá trình sản xuất kháng thể từ các tế bào lympho.

Vitamin C có vai trò quan trọng trong quá trình sinh tổng hợp collagen, giúp da và niêm mạc khỏe mạnh. Vitamin C còn là chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các tế bào bạch cầu chống lại các tác động có hại của các gốc oxy hóa. Nó cũng giúp tăng cường hoạt động tiêu diệt vi sinh vật có hại của các đại thực bào. Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp đẩy mạnh quá trình tăng sinh các tế bào lympho B và lympho T.

Vitamin D là một trong những vi chất quan trọng giúp kích thích sự biểu hiện của các peptid kháng vi sinh vật. Ngoài ra, nó còn có tác động trực tiếp và gián tiếp lên tế bào lympho T.

Mỗi loại vi chất có một vai trò khác nhau khi tham gia vào nhiệm vụ tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tác dụng hiệp đồng giữa vitamin C, vitamin D và kẽm giúp duy trì tính toàn vẹn của các hàng rào miễn dịch. Vì thế, nếu bạn chỉ bổ sung vitamin C mà “bỏ quên” vitamin D và kẽm, hệ miễn dịch sẽ không có đủ dưỡng chất để hoạt động hiệu quả.

Các bữa ăn thông thường có thể bị thiếu hụt hàm lượng ba vi chất này do thói quen chế biến hoặc thành phần có trong mỗi món ăn. Để đảm bảo bổ sung đủ, bạn có thể tìm kiếm các giải pháp dễ dàng và thuận tiện hơn như dùng viên uống bổ sung, cải thiện cách chế biến thức ăn để bảo toàn dưỡng chất…

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.