Xét nghiệm magie máu
Photo by Mitchell Griest on Unsplash

Xét nghiệm magie máu

Magie đóng vai trò thiết yếu trong nhiều phản ứng sinh hóa của cơ thể. Do đó, việc giữ hàm lượng khoáng chất này ổn định góp phần không nhỏ trong quá trình duy trì sức khỏe tổng thể.

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm magie máu là gì?

Để đảm bảo nồng độ magie vẫn nằm trong phạm vi cho phép, bạn sẽ cần làm xét nghiệm magie máu.

Các chuyên gia phân loại xét nghiệm trên vào nhóm xét nghiệm máu. Điều này có nghĩa là khi tiến hành thủ thuật này, bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ máu của người bệnh để gửi đến phòng thí nghiệm định lượng magie.

Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm magie máu?

Xét nghiệm magie máu không thuộc danh mục xét nghiệm định lượng nồng độ các chất điện giải thông thường. Do đó, bạn sẽ cần có lý do cụ thể để thực hiện xét nghiệm này.

Phần lớn trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành thủ thuật định lượng magie trong máu nếu họ nghi ngờ nồng độ loại khoáng chất này trong cơ thể người bệnh quá cao hoặc quá thấp. Cả hai vấn đề trên đều có rủi ro cao kéo theo hàng loạt tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, magie còn có khả năng điều chỉnh nồng độ canxi và kali trong cơ thể. Vì vậy, không ít trường hợp các chuyên gia chỉ định người bị thiếu hụt kali hoặc canxi mãn tính thực hiện thủ thuật này nhằm xác định hàm lượng magie trong cơ thể người bệnh, từ đó loại trừ các yếu tố nguyên nhân.

Mặt khác, đôi khi xét nghiệm magie máu còn được tiến hành nếu bác sĩ nghi ngờ một người bị suy dinh dưỡng hoặc khả năng hấp thụ dưỡng chất kém.

Ngoài ra, một số người đang tiếp nhận liệu pháp điều trị với thuốc hoặc gặp phải những vấn đề như đái tháo đường, tiêu chảy mãn tính… cũng sẽ cần làm xét nghiệm trên thường xuyên để bác sĩ kiểm soát tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Điều cần thận trọng

Xét nghiệm magie máu có nguy hiểm không?

Xét nghiệm magie máu là một trong những thủ thuật y tế được đánh giá cao về độ an toàn. Mặc dù vậy, đôi khi bạn cũng có thể gặp phải một số biến cố nhỏ sau khi lấy máu, ví dụ như:

  • Đau nhức hoặc bầm tím ở vị trí kim tiêm đâm vào da để rút máu.
  • Tình trạng chảy máu đôi khi sẽ kéo dài vài phút.
  • Trong vài trường hợp hy hữu, người làm xét nghiệm cũng có rủi ro bị ngất xỉu, nhiễm trùng hay thậm chí là viêm.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Hầu hết trường hợp, khi thực hiện xét nghiệm magie máu, bạn sẽ không cần đặc biệt chuẩn bị trước đó. Tuy nhiên, với mục đích đảm bảo kết quả nhận được chính xác nhất, bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn uống vào đêm hôm trước ngày làm xét nghiệm.

Trong khi thực hiện

Bạn không cần làm gì trong công đoạn này. Các chuyên viên y tế sẽ dùng kim tiêm tiệt trùng để rút mẫu máu phân tích. Các mao mạch nằm ở mặt trong khuỷu tay thường rất dễ nhận thấy nên đây là vị trí lấy máu thông dụng nhất.

Sau đó, các chuyên viên sẽ đem mẫu máu qua phòng xét nghiệm để tiến hành định lượng nồng độ magie.

Sau khi thực hiện

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá và phân tích cho bạn. Đồng thời, họ cũng sẽ cùng bạn thảo luận về những gì bạn cần làm để cải thiện tình trạng sức khỏe, nếu cần thiết, trong thời gian tới.

Nếu kết quả nằm ngoài phạm vi bình thường, bạn cũng không cần lo lắng quá. Trong một số trường hợp, hàm lượng magie của một người có thể rất thấp, ví dụ như mẹ bầu ở tháng thứ hai hoặc thứ ba trong thai kỳ.

Nồng độ magie trong cơ thể mẹ bầu thường không cao

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của xét nghiệm magie máu là gì?

Sau khi làm xét nghiệm magie máu, bạn có thể nhận được kết quả như sau:

Kết quả bình thường

Theo nhận định từ các chuyên gia, phạm vi cho phép của nồng độ magie ở một người từ 17 tuổi trở lên là 1,7 – 2,3mg/dl. Thực tế, giá trị tiêu chuẩn không áp dụng cho mọi trường hợp. Đôi khi, chỉ số này có thể thay đổi bởi một số yếu tố, ví dụ như:

  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe
  • Tạng người
  • Giới tính
  • Quy trình thực hiện của mỗi phòng xét nghiệm

Kết quả bất thường

Kết quả xét nghiệm không thuộc phạm vi tiêu chuẩn có thể có nhiều nguyên nhân, ví dụ như:

Hàm lượng magie quá cao

Cơ thể chứa một lượng lớn magie có khả năng do người bệnh dùng quá nhiều chất bổ sung hoặc đang gặp vấn đề với quá trình bài tiết magie thừa, thường liên quan đến suy thận và chứng ít nước tiểu (thiểu niệu).

Hàm lượng magie quá thấp

Trong khi đó, tình trạng thiếu magie có thể là “thông điệp” đề cập đến vấn đề người bệnh không ăn đủ thực phẩm chứa loại khoáng chất này. Mặt khác, nồng độ magie thấp còn cảnh báo cơ thể không thể tích lũy magie bởi những nguyên nhân như:

  • Tiêu chảy mãn tính
  • Chạy thận nhân tạo
  • Một số vấn đề rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn
  • Liên tục sử dụng thuốc lợi tiểu

Bên cạnh đó, các yếu tố góp phần khiến hàm lượng magie giảm xuống còn có thể gồm:

  • Rong kinh
  • Xơ gan
  • Cường aldosterone
  • Suy tuyến cận giáp
  • Bỏng nặng
  • Viêm tụy
  • Bài tiết nhiều mồ hôi
  • Tiền sản giật
  • Viêm loét đại tràng
  • Tiểu đường không kiểm soát

Đôi khi, cơ thể thiếu hụt magie còn có nguy cơ phát sinh bởi một số rối loạn do uống rượu hoặc thậm chí là cuồng sảng rượu cấp, phát sinh khi người nghiện rượu nặng ngưng uống rượu đột ngột.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

HSSK không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

 

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2024 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.