Có kinh nên ăn gì và không nên ăn gì để giảm sự khó chịu ngày "đèn đỏ"?
Photo by CHUTTERSNAP on Unsplash

Có kinh nên ăn gì và không nên ăn gì để giảm sự khó chịu ngày "đèn đỏ"?

Sự khó chịu của những ngày “rụng dâu” có thể khiến bạn mất tinh thần và giảm sút khả năng học tập, làm việc kém hiệu quả hơn. Nhiều chị em có thể phải “vật lộn” với các triệu chứng như đau bụng, chuột rút, chóng mặt… khi hành kinh và cảm thấy bất lực với tình trạng này. Vậy có kinh nên ăn gì và không nên ăn gì để trải qua ngày “đèn đỏ” một cách dễ chịu nhất?

Bài viết sau đây sẽ gợi ý những thực phẩm có lợi cho sức khỏe phụ nữ bạn nên bổ sung trước và trong khi khi hành kinh. Bên cạnh đó, HSSK cũng sẽ “mách nước” cho bạn những thực phẩm cần tránh để trải qua kỳ “rụng dâu” dễ chịu hơn.

Có kinh nên ăn gì? Gợi ý 7 thực phẩm lý tưởng cho ngày “đèn đỏ”

Nếu bạn thường trải qua những cảm giác tồi tệ trước hoặc trong ngày “rụng dâu” thì hãy bổ sung những thực phẩm sau đây vào chế độ ăn của mình nhé!

1. Cá hồi

Cá hồi là thực phẩm giàu omega-3 (còn được quen gọi là dầu cá) nổi tiếng với đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Đối với phụ nữ đang hành kinh, việc thêm cá hồi vào bữa ăn sẽ đem lại những lợi ích như giúp tử cung thư giãn, giảm đau bụng kinh và chống chuột rút.

Ngoài ra, dầu cá hồi còn có tác dụng làm loãng máu kinh nên đây có thể là món ăn cần thiết đối với những chị em có máu kinh nguyệt đông đặc, sẫm màu. Mách nhỏ là bạn có thể cân nhắc với thực đơn cá hồi nướng, cá hồi áp chảo hoặc sushi cá hồi để bổ sung nhiều protein và vitamin B cho cơ thể.

2. Bột yến mạch

Yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt giàu canxi, vitamin A, vitamin B, chất xơ và là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Nhờ những thành phần dinh dưỡng này mà bột yến mạch trở thành thực phẩm có thể giúp bạn giảm bớt các triệu chứng khó chịu trước khi hành kinh cũng như giảm đau bụng khi có kinh.

3. Dưa hấu, quả sung và mận

Dưa hấu, quả sung và mận là những loại trái cây có chứa lượng đường tự nhiên an toàn cho sức khỏe nên có thể đáp ứng cảm giác thèm ngọt của nhiều chị em trước khi hành kinh. Bên cạnh đó, những trái cây này… còn rất mọng nước và giàu vitamin nên có thể giữ nước cho cơ thể, giúp giảm sưng và ngăn đầy hơi.

4. Có kinh nên ăn gì? Chọn ngay cam quýt giàu vitamin C

Trái cây họ cam quýt luôn chứa nhiều vitamin C và chất xơ giúp bạn giảm đầy hơi và cải thiện tâm trạng khó chịu khi “rụng dâu”. Đồng thời, những loại trái cây này cũng có hàm lượng nước cao nên sẽ giúp bạn luôn bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Không những vậy, một ly nước chanh hoặc sinh tố cam ngọt nhẹ không đường có thể giúp bạn chống lại cảm giác buồn nôn và mệt mỏi (nếu có).

5. Trứng và thịt nạc

Trứng không chỉ là món ăn ngon miệng đối với nhiều người mà còn cung cấp nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng như chất sắt, vitamin B, axit béo, protein có trong lòng đỏ… Đây là những dưỡng chất vô cùng cần thiết đối với phụ nữ trong ngày “đèn đỏ”. Tuy nhiên, nếu dạ dày của bạn nhạy cảm như dễ đầy hơi, ợ chua thì không nên ăn trứng luộc quá kỹ.

Song song đó, thịt nạc như thịt đỏ hay thịt gà cũng là những món không thể thiếu trong chế độ ăn của phụ nữ đang trải qua chu kỳ kinh nguyệt. Đây là nguồn cung cấp nhiều protein và chất sắt để bù lại dưỡng chất cần thiết khi bạn ra kinh nguyệt nhiều.

6. Sô cô la đen

Sô cô la đen chứa nhiều chất chống oxy hóa nên sẽ là một thực phẩm tuyệt vời đối với phụ nữ, kể cả khi bạn đang trải qua kỳ hành kinh. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn sô cô la nguyên chất và cần tránh những loại sô cô la dạng kẹo chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe.

7. Trà hoa cúc

Đối với câu hỏi có kinh nên ăn gì? Ngoài việc bổ sung những thực phẩm kể trên thì bạn cần uống nhiều nước. Đồng thời, đừng bỏ qua thức uống giúp thư giãn thần kinh và làm dịu tử cung như trà hoa cúc nhé! Đây là loại trà nhẹ nhàng có tác dụng giúp những cơn chuột rút, sự căng thẳng và lo lắng của bạn được giải tỏa đáng kể, thậm chí là có thể giúp bạn ngủ ngon hơn khi “đến tháng”.

Có kinh không nên ăn gì? 4 loại thực phẩm và đồ uống cần tránh

Trong quá trình hành kinh, phụ nữ sẽ bị mất máu và trải qua sự “biến động” về hormone. Do đó, chị em cần tránh những nhóm thực phẩm sau đây để không làm tình trạng cơ thể trở nên tệ hơn:

1. Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn như thịt, cá đóng hộp, xúc xích… thường có chất bảo quản và hàm lượng natri cao. Những thành phần này có thể khiến cơ thể giữ nước không hiệu quả và khiến bụng dễ đầy hơi. Do đó, bạn cần tránh tối đa việc dung nạp nhóm thực phẩm này để tránh gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là khi đang có kinh.

2. Kẹo ngọt và đồ ăn vặt

Nếu bạn “buồn miệng” hoặc thèm đồ ngọt khi có kinh thì nên chọn nước ép trái cây thay vì ăn các loại bánh kẹo ngọt hoặc snack. Những món ăn vặt không lành mạnh thường làm tăng cảm giác đầy hơi cũng như tăng mức đường huyết trong thời gian ngắn. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn trong kỳ kinh.

3. Đồ uống có chất kích thích

Khi bạn đang trải qua ngày “đèn đỏ”, hãy giảm bớt hoặc không nên dung nạp đồ uống có chất kích thích như rượu, cà phê… Bởi vì khi hành kinh, bạn sẽ bị mất máu và kéo theo đó là giảm huyết áp. Vì vậy, nếu dùng rượu hoặc cà phê trong giai đoạn này có thể khiến tình trạng đau bụng kinh, mệt mỏi… của chị em trở nên tồi tệ hơn.

4. Thức ăn cay

Không ít phụ nữ phải “vật lộn” với sự mệt mỏi, chuột rút và ra nhiều máu khi hành kinh. Do vậy, việc tiêu thụ những món ăn cay trong lúc này dường như không thích hợp. Mặc dù có một số chị em cho rằng ăn cay giúp họ giảm bớt đau bụng kinh. Tuy nhiên, nếu hệ tiêu hóa của bạn nhạy cảm thì việc ăn cay khi hành kinh có thể gây buồn nôn, đầy hơi hoặc chướng bụng.

Có kinh nên ăn gì và không nên ăn gì là những thông tin hữu ích bạn cần ghi nhớ để chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong ngày “đèn đỏ”. Nhìn chung, để vượt qua cơn đau và sự khó chịu thì bạn hãy tránh đồ ăn nhiều đường, thức ăn mặn, dầu mỡ, có chất bảo quản hoặc đồ uống kích thích. Thay vào đó là bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết như protein, chất xơ, vitamin… Thêm một điều quan trọng nữa là bạn không nên nhịn ăn hoặc bỏ bữa khi đang hành kinh để tránh bị mệt mỏi và kiệt sức nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.