1. Thiết lập nguyên tắc cho chính mình
Điều quan trọng là phải giữ vững được các mục tiêu mà bạn đặt trong tâm trí nếu bạn muốn hạn chế rượu bia. Đồng thời, lập một quy tắc riêng cho việc uống rượu, bạn có thể tham khảo một số quy tắc sau:
- Hạn chế số lần uống rượu bia bằng cách như chỉ cho phép uống với những người khác, không uống một mình và chỉ uống rượu trong những trường hợp cần thiết (như hôn lễ của một người bạn vô cùng thân thiết, gặp gỡ đối tác quan trọng) và bạn nên giới hạn những trường hợp này càng ít càng tốt.
- Giới hạn lượng rượu bia trong mỗi lần uống. Đối với phụ nữ, bạn có thể quy định không uống quá 3 ly một ngày và không quá 7 ly một tuần. Đối với nam giới có thể là không uống quá 4 ly một ngày và không nhiều hơn 14 ly mỗi tuần.
Bạn có thể cố gắng giữ vững ý chí của mình bằng cách tập trung vào việc nói chuyện và nên tránh uống rượu với những người đã say hoặc có vấn đề với rượu.
2. Học cách nói “không” khi bị bạn bè thúc ép uống rượu bia
Khi cảm thấy mình đã uống đủ lượng rượu đặt ra trong quy tắc, bạn nên dừng uống. Tuy nhiên, nếu bị bạn bè thúc ép thì đây là lúc bạn cần nói lời từ chối. Bạn hãy nhìn thẳng vào mắt họ một cách nghiêm túc và nói rằng bạn không thể uống thêm nữa. Bạn có thể đưa lý do rằng mình đang cảm thấy không khỏe, bạn còn phải lái xe hay ngày mai có việc quan trọng phải dậy sớm. Bạn có thể nói rằng bạn không thích uống rượu vì nó có hại cho sức khỏe. Dù là lý do gì đi nữa thì điều quan trọng nhất là bạn phải thể hiện được kiên định của mình một cách nhẹ nhàng và lịch sự, người khác sẽ hiểu là bạn đang nghiêm túc và tôn trọng quyết định của bạn.
Tuy nhiên, đừng bảo rằng bạn không biết uống rượu hay chưa từng uống qua, điều này sẽ khiến mọi người muốn thúc ép bạn nhiều hơn.
3. Uống nước nhiều gấp bốn lần rượu, bia
Rượu là một chất lợi tiểu, nghĩa là nó sẽ khử nước. Cơ thể của bạn có thể thải ra nhiều nước gấp 4 lần nếu bạn uống một thức uống có cồn. Uống nhiều nước cũng làm chậm quá trình hấp thu rượu vào cơ thể, giúp bạn không bị đau đầu và choáng vào ngày hôm sau. Ngoài ra, bạn có thể uống nhiều nước trước khi vào bàn tiệc. Nước sẽ khiến bạn cảm thấy no, từ đó hạn chế bớt lượng rượu bia tiêu thụ.
Hãy uống nước nhiều gấp 4 lần bia rượu, ví dụ như bạn quy định mình sẽ uống 4 ly rượu trong buổi tiệc, thì trước đó bạn hãy uống khoảng 16 ly nước. Bạn cũng có thể “nghỉ giữa hiệp” bằng cách uống nước giải khát đan xen vào những lúc uống đồ có cồn. Nhấm nháp một soda hoặc coca sẽ khiến bạn uống rượu bia chậm hơn. Tuy nhiên, uống nước giải khát cùng bia rượu sẽ khiến bạn dễ tăng cân hơn.
4. Kết hợp với việc ăn uống để hạn chế uống rượu bia
Hãy ăn một ít trước khi uống rượu. Vì nếu uống lúc bụng đói sẽ khiến cơ thể hấp thu rượu nhanh hơn và mau mệt. Ăn một bữa ăn lành mạnh trước hoặc trong khi uống sẽ làm chậm khả năng hấp thụ chất cồn và tạo nhiều thời gian hơn để cơ thể chuyển hóa nó. Chất béo và đường bột đặc biệt tốt để ăn trước khi bạn đến buổi “nhậu”.
Khi bữa ăn đã xong, bạn hãy chuyển sang cà phê hay nước lọc. Đừng tiếp tục uống rượu khi thức ăn đã hết. Nếu đang ở trong một nhà hàng, bạn nên đứng lên rời tiệc khi đồ ăn đã hết và đó là cách để bạn kiểm soát chính mình.
5. Nhờ giúp đỡ từ bạn bè và gia đình
Nếu bạn cảm thấy mình uống quá nhiều rượu hay cơ thể đã có dấu hiệu “xuống dốc” nhưng bạn lại không thể kiềm chế cơn thèm rượu. Bạn nên mời một người bạn hay dẫn người thân trong gia đình đi tiệc cùng bạn để giúp nhắc nhở bạn ngừng uống khi số lượng bia rượu đã đạt mức bạn quy định trước đó. Ví dụ như bạn tính toán rằng mình sẽ say khi uống 5 ly bia, bạn có thể dẫn theo anh trai của mình đi tiệc và bảo anh ấy ngăn cản bạn uống thêm khi bạn đã uống được 4 ly. Ngoài ra, việc mà bạn cần làm trong lúc đó là nghe lời người bạn hay người thân của mình ngay khi nhận được lời nhắc nhở.
Rượu bia có thể là chất xúc tác cho tình hữu nghị bạn bè nhưng nó tuyệt đối không phải là đồng minh của sức khỏe. Vì vậy, hãy học cách cân bằng giữa việc vui vẻ cùng bạn bè và bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách vận dụng những lời khuyên trên nhé.