Lò vi sóng ngày nay đã trở thành trợ thủ đắc lực cho bạn khi vào bếp để rã đông, hâm nóng và chế biến thức ăn. Tuy đã thành vật dụng không còn quá xa lạ nhưng có nhiều sai lầm khi sử dụng lò vi sóng bạn có thể chưa biết và dễ bỏ qua.
Nếu không biết sử dụng lò vi sóng đúng cách, bạn sẽ không thể chế biến được những món ăn như mong muốn cũng như không đảm bảo được tuổi thọ cho lò. Hãy cùng HSSK xem bạn có mắc phải sai lầm nào khi sử dụng lò vi sóng không để khắc phục và tìm cách tối ưu công dụng của vật dụng nhà bếp này nhé.
1. Không dùng lò vi sóng chế biến rau củ
Có thể không biết nhưng bạn hoàn toàn có thể sử dụng chiếc lò vi sóng ở nhà để chế biến các món ăn từ đơn giản đến phức tạp với các loại rau củ quả. Rau củ có thể giữ lại hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhất khi tiếp xúc với nhiệt độ và lượng nước ít nhất.
Nếu sử dụng lò vi sóng hấp bông cải xanh, bạn có thể giúp hạn chế tối đa sự thất thoát vitamin C và chất chống ung thư glucosinolate so với các phương pháp khác.
Bạn có thể cho bông cải xanh vào bát dùng được trong lò vi sóng và thêm chút nước. Hãy chọn dùng bát sứ to hoặc khay sứ nhỏ đều được, tốt nhất nên có nắp đậy. Với 450g bông cải xanh (khoảng một bông), bạn sẽ cần thêm 2 – 3 thìa canh nước.
2. Để nhiều đồ vật lên lò vi sóng
Trường hợp không gian nhà bếp hạn chế, bạn sẽ thường tận dụng lò vi sóng như một chiếc bàn để đồ để đặt những lọ gia vị, chén, đĩa hay thậm chí là úp lên đó cả nồi, niêu, xoong, chảo… Đây là một thói quen cực kỳ sai lầm vì khi hoạt động, lò vi sóng sẽ giải phóng các tia nhiệt gây ảnh hưởng đến các vật thể xung quanh.
Nguyên tắc quan trọng bạn cần nhớ là phải giữ cho không gian bên trên và xung quanh lò vi sóng trống trải và thông thoáng.
Nếu không gian quá hẹp và bạn buộc phải để đồ lên thì hãy nhớ dọn chúng đi khi bắt đầu mở lò vi sóng. Khi đã dùng xong, bạn hãy chờ đến khi lò vi sóng nguội hẳn rồi hãy để các đồ vật lên lại.
3. Sử dụng hộp chứa bằng nhựa
Trừ khi hộp nhựa đựng thức ăn của bạn có ghi nhãn “sử dụng được trong lò vi sóng” thì bạn tuyệt đối không được sử dụng hộp nhựa để trong lò vi sóng. Nhiều loại hóa chất trong các hộp chứa có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, tim mạch và thậm chí là vô sinh. Các hóa chất có thể được giải phóng vào thức ăn thông qua quá trình đun nấu.
Bạn nên chọn hộp thức ăn bằng thủy tinh hoặc đồ gốm sứ. Các chất liệu này không những đảm bảo an toàn trong lò vi sóng mà còn giúp bạn tăng cảm giác ngon miệng.
4. Đun sôi nước quá lâu
Khi bạn đun sôi một lượng nước ít quá lâu trong lò vi sóng có thể gây ra hiện tượng quá nhiệt. Nước bị quá nhiệt không có dấu hiệu sôi nhưng sẽ giải phóng nhiệt nếu bị dịch chuyển. Khi lấy ra khỏi lò, chất lỏng dễ bắn lên và gây bỏng cho bạn, nước sôi có thể bắn vào mắt gây bỏng giác mạc và thậm chí mù lòa.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên hạn chế không đun sôi nước trong lò vi sóng, vì bạn sẽ không biết được rằng khi nào thì chất lỏng bị đun sôi quá nhiệt. Nếu trong trường hợp cần nước sôi mà không có thời gian đun bằng ấm thông thường thì bạn vẫn có thể đun sôi bằng lò vi sóng nhưng phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc an toàn sau đây:
- Tránh đun nước quá lâu.
- Dùng một chiếc thìa gỗ cho vào cốc nhằm làm giảm bớt nhiệt độ chất lỏng được đun.
- Để mặt tránh xa khi mang nước sôi ra khỏi lò.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Vì sao bạn không nên đứng gần lò vi sóng đang hoạt động?
5. Không vệ sinh lò thường xuyên
Những mẩu thức ăn còn sót lại có thể dính trên thành lò và trở nên thối rữa, sản sinh các vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn này có thể lây lan sang thức ăn và khiến bạn mắc bệnh. Ngoài ra, bụi bẩn, thức ăn thừa cũng có thể làm giảm hiệu suất hoạt động của lò, khiến lò vi sóng của bạn nhanh hỏng hơn.
Bạn cần vệ sinh trong lò vi sóng ít nhất một lần mỗi tuần và lau bên ngoài lò mỗi hai ngày.
Nhiều người bận rộn không chùi rửa thường xuyên cũng là một sai lầm phổ biến khi sử dụng lò vi sóng. Ngay cả khi nhìn lò vi sóng trông không hề bẩn tí nào thì bạn vẫn nên lên lịch vệ sinh thường xuyên. Bạn có thể dùng vải ướt lau sạch lò từ trong ra ngoài để loại bỏ vi khuẩn trong lò.
6. Luộc trứng trong lò sai cách
Trứng là một loại thực phẩm đặc biệt vì đây là một protein dạng lỏng. Khi gặp nhiệt, trứng sẽ đông lại thành khối nước và sinh nhiệt mạnh nên gây nổ, phá vỡ lớp protein rắn ở lớp vỏ, làm trứng nổ tung tóe trong lò.
Bạn có thể khắc phục bằng cách cho trứng vào một cái tô dùng được cho lò vi sóng, đổ nước ngập trứng cùng 1/2 thìa muối, để công suất cao trong 10 phút. Khi lò tắt, bạn mang tô trứng ra, lấy trứng bỏ sang nước lạnh và bóc vỏ như bình thường. Nước và muối bên ngoài sẽ sinh nhiệt hỗ trợ làm chín trứng nhanh hơn, hạn chế hơi nước hình thành bên trong trứng.
7. Không thay đổi công suất của lò
Khi sử dụng lò, bạn có thể chỉ sử dụng một mức công suất chung để áp dụng cho mọi loại thực phẩm để dễ thao tác. Tuy nhiên, việc thay đổi công suất của lò cho từng loại thực phẩm sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và giữ lại giá trị dinh dưỡng của món ăn. Dưới đây là một số mức công suất phù hợp cho từng loại thực phẩm mà bạn nên chú ý:
• Công suất thấp: dùng để rã đông những thực phẩm nhẹ như bánh, chocolate…
• Công suất trung bình – thấp: dùng để rã đông thực phẩm, công suất này được thiết kế nhằm rã đông đồng đều các phần thực phẩm.
• Công suất trung bình: dành cho những thực phẩm cần thời gian nấu dài ngay cả với cách nấu truyền thống như các món hầm. Thời gian dài với công suất trung bình sẽ giúp thực phẩm mềm hơn.
• Công suất trung bình – cao: dùng để nấu những thức ăn đặc với thời gian dài như thịt tảng, cá… ưu điểm là làm chín đồng đều các bề mặt của thức ăn.
• Công suất cao: dùng để hâm thức ăn với thời gian nhanh như nước, cơm, thức ăn đã qua chế biến.
Mức công suất phù hợp sẽ giúp thức ăn đạt độ chín phù hợp, giữ được chất dinh dưỡng và mùi vị thơm ngon.
Để chế biến được những món ăn ngon và đảm bảo dinh dưỡng bằng lò vi sóng, bạn cần xem kỹ hướng dẫn sử dụng đối với từng loại lò vi sóng để có thao tác sử dụng đúng. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến một vài bí quyết nhỏ trong quá trình chế biến để sử dụng lò vi sóng hiệu quả hơn.
Tuyết Trinh