5 dấu hiệu dưa hấu bị tiêm nitrat bạn nên biết để tránh bị ngộ độc
Photo by Crystal Jo on Unsplash

5 dấu hiệu dưa hấu bị tiêm nitrat bạn nên biết để tránh bị ngộ độc

Dưa hấu là loại trái cây được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt thanh mát và giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn ăn phải những quả dưa hấu bị tiêm nitrat thì sẽ có nguy cơ bị ngộ độc đấy!

Nitrat là một chất cần thiết cho sự phát triển của cây cối. Tuy nhiên, một số người trồng dưa đã tiêm thuốc có nồng độ nitrat cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép để kích thích dưa tăng 11kg chỉ trong 3 tuần. Bạn hãy lưu tâm một số chi tiết của trái dưa như màu vỏ hay trọng lượng để tránh những loại dưa độc hại này.

Làm sao để biết dưa hấu bị tiêm nitrat?

Những quả dưa hấu bị tiêm nitrat có một số đặc điểm không quá khó nhận ra. Bạn hãy chú ý những đặc điểm sau:

1. Lớp vỏ dưa màu vàng

Người mua hoàn toàn có thể nhận biết dưa hấu bị tiêm nitrat hay không bằng cách quan sát vỏ dưa. Khi bổ dưa hấu, bạn hãy chú ý tới phần vỏ trắng nằm giữa lớp vỏ xanh và lớp thịt đỏ của dưa. Nếu lớp vỏ này có màu vàng chứ không phải trắng thì quả dưa đã bị tiêm nitrat nhiều đấy.

2. Dưa hấu có lỗ

Nếu bạn thấy trên vỏ dưa có các lỗ sâu, nhỏ thì đây chính là vết kim tiêm khi người trồng tiêm nitrat vào dưa. Ngay cả khi những lỗ này không phải vết tiêm thì những lỗ sâu này cũng khiến dưa dễ bị hư và giá trị dinh dưỡng từ dưa hấu không còn nguyên vẹn. Vậy nên bạn hãy tránh những trái dưa có những lỗ nhỏ để an toàn hơn.

3. Dưa hấu bị rỗng ruột

Những quả dưa hấu có lỗ hổng lớn ở giữa có thể là do bị chín quá hoặc do có chứa các chất kích thích tăng trưởng. Nếu dưa hấu bị chín quá thì sẽ có vị hơi đắng, vì vậy bạn không nên ăn. Những quả dưa hấu bị tiêm nitrat hay các chất kích thích tăng trưởng khác có thể gây ngộ độc. Bạn không nên ăn những trái dưa hấu bị rỗng ruột này.

4. Dưa làm hồng nước

Bạn có thể kiểm tra nồng độ của nitrat trong dưa hấu và tránh bị ngộ độc bằng một cách đơn giản. Hãy chuẩn bị một cốc nước lọc ở nhiệt độ phòng và thả một miếng dưa hấu vào. Nếu dưa hấu bị tiêm nitrat, nước sẽ có màu hồng.

5. Trái dưa không chắc tay

Đôi khi dù trái dưa có vỏ ngoài trông rất hứa hẹn cũng khó có thể đảm bảo đó sẽ là một trái dưa ngon. Bạn nên nhấc thử trái dưa trước khi mua và chọn những trái chắc và nặng. Nếu không có cân trong siêu thị hoặc cửa hàng, bạn hãy dựa vào cảm nhận của mình. Trái dưa hấu ngon thường tương đối nặng và chắc tay nếu bạn nhấc lên.

Cách chọn dưa hấu an toàn

Khi đã biết cách tránh những trái dưa hấu bị tiêm nitrat, bạn hãy học thêm cách chọn được trái dưa chín tới và ngọt nhất.

1. Chọn dưa hấu không lõm và dập

Một trái dưa hấu chín và ngọt sẽ có lớp vỏ sáng bóng, mịn màng và hoàn toàn nguyên vẹn. Những chỗ lõm nhỏ trên trái dưa có thể là do va đập trong quá trình vận chuyển. Điều này sẽ khiến dưa nhanh chóng bị hỏng và bạn có thể sẽ phải bỏ cả trái dưa.

2. Chọn dưa có vết côn trùng cắn

Tuy các lỗ nhỏ, sâu trên dưa có thể là vết kim tiêm nitrat, nhưng những lỗ nông, hơi to trên quả dưa lại là vết côn trùng cắn. Bạn không nên lo lắng vì những vết cắn này không ảnh hưởng tới chất lượng hay hương vị của trái dưa.

3. Chọn dưa có cuống khô

Dưa hấu có cuống màu xanh và tươi thường chưa chín. Bạn nên chọn dưa hấu có cuống khô. Nếu dưa hấu được bày bán không còn cuống, bạn hãy chú ý đến phần núm dưa. Những trái dưa chín hẳn thường có núm màu nâu.

4. Chọn dưa hấu có đốm vàng lớn

Dưa hấu có đốm màu vàng lớn ở phần đáy nơi trái dưa tiếp xúc với đất là dưa hấu đã chín và rất ngọt. Đốm vàng này có thể có màu vàng nhạt hoặc vàng cam.

5. Chọn dưa nguyên trái

Nhiều người thường muốn nhìn thấy bên trong trái dưa rồi mới mua nên chọn dưa hấu đã bị cắt ra. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên mua dưa hấu còn nguyên vẹn vì khi dùng dao để cắt dưa hấu, các vi khuẩn từ dao có thể lây nhiễm vào quả dưa. Ở môi trường ấm và ngọt, vi khuẩn sẽ nhanh chóng tăng trưởng và nhân lên, đây có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột cho người ăn.

Dưa hấu rất ngon và bổ dưỡng nhưng những trái dưa hấu bị tiêm nitrat có thể gây ngộ độc. Bạn có thể tránh những trái dưa này nếu biết cách thử dưa trước khi mua. Bạn hãy chú ý để bảo vệ sức khỏe của mình và cả nhà nhé.

Hồng Nhung

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.