Coomb gián tiếp

Tên gọi khác : test kháng – globulin gián tiếp

Định nghĩa :

Coomb gián tiếp là một xét nghiệm thực hiện nhằm đo nồng độ kháng thể kháng tế bào hồng cầu hiện diện trong máu.

Xét nghiệm này được thực hiện ra sao ?

Đối với người lớn và trẻ lớn :

Máu được lấy ra từ tĩnh mạch, thường là những tĩnh mạch vùng khuỷu tay, hay mặt sau cẳng tay. Vùng lấy máu, trước tiên được sát trùng bằng các dung dịch sát trùng. Sau đó một băng co dãn sẽ được băng xung quanh cánh tay bạn, ngay trên chỗ định lấy máu, chiếc băng này giúp duy trì áp lực và hạn chế máu chảy qua tĩnh mạch. Điều này cho phép các tĩnh mạch phía dưới chỗ băng sẽ căng phồng lên vì máu ứ lại và sẽ dễ dàng hơn khi đâm kim vào tĩnh mạch. Một cây kim nhỏ được đưa vào trong lòng mạch, và máu được rút từ lòng mạch ra khi người thầy thuốc rút nhẹ lòng ống kim. Người ta sẽ bảo quản máu này trong một lọ thuỷ tinh chân không hoặc chứa trong một xylanh. Trong suốt quá trình thực hiện, băng quanh tay bạn được gỡ ra để phục hồi lưu thông tuần hoàn bình thường. Khi máu đã lấy xong, rút kim ra, và chỗ đâm kim được chèn vào một miếng gạc hoặc một miếng băng cá nhân để máu không chảy ra.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ còn nhỏ :

Chỗ định lấy máu cũng được sát trùng bằng dung dịch sát trùng, sau đó máu được lấy bằng một kim nhọn, hoặc bằng lưỡi trích (lancet), máu lấy ra được đựng vào một ống nghiệm nhỏ (gọi là pipette), hoặc nhỏ giọt trên một tấm kiếng, hoặc một ống nhựa nhỏ...Chỗ lấy máu cũng được chèn bông gòn hay dán một miếng băng cá nhân để cầm máu.

Bạn cần chuẩn bị gì trước xét nghiệm này ?

Đối với người lớn : không cần chuẩn bị gì cả

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ : Việc chuẩn bị về tâm lý và thể chất cho trẻ tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ, vào những điều trẻ quan tâm, vào việc trẻ đã từng được làm những xét nghiệm tương tự trước đây hay chưa, hoặc tuỳ thuộc vào lòng tin của trẻ dành cho bạn. Cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm dưới đây được phân chia theo từng độ tuổi khi chuẩn bị cho con bạn :

·         Trẻ nhũ nhi (từ lúc sinh đến 1 tuổi)

·         Trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ (từ 1 – 3 tuổi)

·         Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo (từ 3 – 5 tuổi)

·         Trẻ ở tuổi thiếu nhi (từ 6 – 12 tuổi)

·         Trẻ ở tuổi thanh thiếu niên (từ 12 – 18 tuổi)

Thủ thuật này có gây đau hay không ?

Khi kim đâm vào, một số người sẽ cảm thấy hơi đau, còn đa phần chỉ cảm giác như kiến cắn, như một vật nhọn đâm nhẹ vào. Cuối cùng là một cảm giác hơi nhoi nhói ở chỗ kim đâm.

Xét nghiệm này nhằm mục đích gì ?

Xét nghiệm Coomb gián tiếp nhằm phát hiện kháng thể kháng tế bào hồng cầu lưu hành trong máu bệnh nhân. Mục đích chính của xét nghiệm là xác định xem liệu bệnh nhân có kháng thể trong máu mà có khả năng bám dính lên hồng cầu hay không (đây phải là những kháng thể không thuộc hệ nhóm máu ABO và hệ Rhesus).

Xét nghiệm này ít khi dùng trong chẩn đoán bệnh, nhưng rất hay dùng trong các phòng thí nghiệm y khoa đặc biệt là ở các ngân hàng máu. Ở đây, người ta dùng xét nghiệm Coomb gián tiếp để phát hiện các phản ứng chéo giữa máu người nhận và máu người cho trong trường hợp truyền máu.

Nguy cơ khi làm thủ thuật này là gì?

Nguy cơ của thủ thuật này, nói chung là không đáng kể, có thể :

·     Chảy máu nhẹ sau khi rút kim ra

·     Choáng nhẹ đầu

·     tạo khối máu bầm dưới da

·     nhiễm trùng, nhất là khi da có trầy xước nhiều

·     phải đâm kim nhiều lần trong trường hợp tìm tĩnh mạch khó khăn

Một số điều khác cần lưu ý khi thực hiện thủ thuật 

Tỉnh mạch và động mạch có kích thước khác nhau ở mỗi bệnh nhân, thậm chí khác nhau ở mỗi bên của cùng một bệnh nhân, vì thế việc lấy máu có thế khó khăn ở một số người.

Kết quả bình thường

Trong trường hợp bình thường không có phản ứng gây ngưng kết.

Những kết quả bất thường

Xét nghiệm Coomb giúp Bác sĩ phát hiện các kháng thể do chính cơ thể tạo ra kháng lại các kháng nguyên mà cơ thể coi là vật lạ đối với cơ thể :

·     Kháng thể kháng lại kháng nguyên có trong cơ thể từ những lần truyền máu đầu tiên, những kháng nguyên này không phải của hồng cầu.

·     Bệnh rối loạn nguyên hồng cầu sơ sinh (xuất hiện trong máu những hồng cầu rất non, gọi là nguyên hồng cầu, do trẻ bị tán huyết - hồng cầu bị vỡ) hay bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh.

·     Bất đồng nhóm máu gây phản ứng chéo (thường thấy ở các ngân hàng máu)

Khi trong cơ thể bạn xuất hiện những kháng thể kháng lại chính hồng cầu của bạn, phản ứng Coomb gián tiếp sẽ phát hiện ra điều này nếu như nồng độ kháng thể đó vượt quá khả năng hấp thu của hồng cầu. Đó có thể là một trường hợp thiếu máu tán huyết do tự miễn (tự cơ thể tạo kháng thể chống lại hồng cầu của chính mình khiến hồng cầu bị vỡ) hoặc thiếu máu tán huyết do dùng thuốc.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.