Xét nghiệm canxi máu thường được sử dụng để cung cấp thông tin liên quan đến tình trạng chuyển hóa canxi, chức năng suy tuyến cận giáp và các bệnh lý gây tăng nồng độ canxi trong máu. Bạn hãy cùng HSSK tìm hiểu 5 điều nên biết khi xét nghiệm canxi máu nhé!
Bạn cần xét nghiệm canxi máu định kỳ vì đây là thành phần đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Tình trạng canxi cao hoặc thấp quá mức có thể gây ra các nguy cơ loãng xương, sỏi thận…
1. Xét nghiệm canxi máu là gì?
Xét nghiệm canxi máu được sử dụng để đo tổng lượng canxi có trong máu của bạn. Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng nhất trong cơ thể bạn, hầu hết được lưu trữ trong xương. Cơ thể bạn cần canxi để duy trì xương, răng khỏe mạnh và cũng rất cần thiết để giữ cho các dây thần kinh, tim và cơ bắp hoạt động tốt.
Canxi rất quan trọng đối với nhiều chức năng cơ thể, nên bạn cần xét nghiệm canxi máu nhằm đảm bảo mức độ cần phải nằm trong một phạm vi chặt chẽ.
Xét nghiệm canxi máu thứ hai được gọi là xét nghiệm canxi ion hóa, để đo lượng canxi tự do có trong máu của bạn. Canxi tự do là canxi không liên kết với bất kỳ protein nào và anion trong máu của bạn. Ngoài hai xét nghiệm máu canxi này, bạn cũng có thể đo mức độ canxi trong nước tiểu của bạn.
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm canxi máu nếu bạn có triệu chứng nồng độ canxi cao, thấp hoặc nghi ngờ rằng bệnh thận, bệnh tuyến cận giáp, ung thư hoặc suy dinh dưỡng.
2. Chuẩn bị trước khi xét nghiệm canxi máu
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng một số loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung trước khi xét nghiệm canxi. Những loại thuốc này có thể bao gồm:
- Thuốc lithium
- Thuốc bổ sung canxi
- Thuốc lợi tiểu thiazide
- Thuốc bổ sung vitamin D
- Thuốc antacid có chứa canxi
Ngoài ra, bạn tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm hoặc đồ uống có chứa canxi có thể làm tăng mức canxi trong máu và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Bạn hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc và chất bổ sung bạn đang dùng để họ có thể cung cấp cho bạn các hướng dẫn phù hợp trước khi xét nghiệm canxi máu.
3. Quá trình xét nghiệm canxi máu
Để thực hiện xét nghiệm canxi máu, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ cánh tay của bạn. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim đưa vào tĩnh mạch ở cánh tay lấy một lượng máu nhỏ cho vào ống. Thao tác lấy máu thường sẽ mất chưa đến 5 phút, bạn có thể cảm thấy hơi đau nhẹ khi kim đâm vào cánh tay.
Phạm vi tham chiếu bình thường cho xét nghiệm tổng canxi trong máu ở người trưởng thành là khoảng 8,6 – 10,2 mg/dL. Phạm vi này có thể khác biệt không đáng kể giữa các phòng thí nghiệm.
Để có thể đánh giá kết quả kiểm tra cá nhân, bạn phải luôn sử dụng phạm vi tham chiếu được cung cấp cùng với báo cáo kết quả xét nghiệm canxi máu.
4. Kết quả xét nghiệm canxi máu cao
Nếu giá trị kết quả xét nghiệm canxi nằm trên mức phạm vi tham chiếu có nghĩa là mức canxi trong máu cao hơn bình thường. Các triệu chứng của mức canxi cao có thể bao gồm:
- Chán ăn
- Táo bón
- Đau bụng
- Đau xương
- Khát nước quá mức
- Mệt mỏi hoặc yếu đuối
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đi tiểu thường xuyên hơn
Sau đây là một số bệnh hoặc tình trạng có thể gây tăng canxi máu:
– Bệnh tuyến giáp
– Suy thận hoặc tuyến thượng thận
– Các loại thuốc như thuốc lợi tiểu thiazide, lithium
– Nằm liệt giường hoặc không vận động trong một thời gian dài
– Một số loại ung thư như ung thư máu, ung thư vú, ung thư phổi
– Tình trạng bổ sung quá nhiều canxi hoặc vitamin D thông qua thực phẩm bổ sung
– Cường cận giáp nguyên phát (một nhóm tuyến cận giáp hoạt động quá mức)
– Bệnh sarcoidosis hay còn gọi là bệnh u hạt, một bệnh viêm gây ra sự tăng trưởng quá mức các tế bào viêm
Nếu kết quả xét nghiệm canxi máu cho thấy nồng độ canxi tăng, bác sĩ sẽ xác định và điều trị tình trạng này.
Dưới đây là một số cách phòng ngừa tăng canxi máu:
• Uống nhiều nước: Việc uống nước giúp duy trì thể tích nước trong cơ thể, làm giảm lượng canxi trong máu và giúp ngăn ngừa sỏi thận.
• Không hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tăng mất xương và các nguy cơ về vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
• Tập luyện sức khỏe: Việc thực hiện các bài tập luyện giúp xây dựng cơ bắp và sức khỏe của xương.
• Sử dụng đúng liều lượng thuốc: Trước khi bạn có ý định sử dụng thuốc hay thực phẩm bổ sung canxi, bạn cần được bác sĩ tư vấn và đọc kỹ hướng dẫn tránh nguy cơ quá liều.
5. Kết quả xét nghiệm canxi máu thấp
Khi giá trị kết quả xét nghiệm canxi dưới mức phạm vi tham chiếu có thể gây nên tình trạng hạ canxi máu. Thông thường, tình trạng hạ canxi máu xảy ra khi mất quá nhiều canxi qua nước tiểu hoặc khi không đủ canxi được chuyển từ xương vào máu. Các triệu chứng của mức canxi thấp bao gồm:
- Nhịp tim không đều
- Cảm giác tê ở ngón tay
- Chuột rút ở bụng hoặc cơ bắp
Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây hạ canxi máu bao gồm:
- Suy thận
- Viêm tụy
- Vấn đề hấp thu canxi
- Giảm albumin trong máu
- Suy tuyến cận giáp (tuyến cận giáp hoạt động kém)
- Thiếu canxi hoặc vitamin D trong chế độ ăn uống của bạn
- Một số loại thuốc bao gồm corticosteroid, thuốc chống co giật và thuốc kháng sinh rifampin
Một số cách giúp bạn phòng ngừa hạ canxi máu bao gồm:
• Chế độ ăn uống: Bạn nên ăn những thực phẩm chứa nhiều canxi như tôm, cua, ốc…
• Tắm nắng: Bạn nên dành thời gian tắm nắng khoảng 10 phút trước 9 giờ sáng.
• Thực phẩm bổ sung: Bạn chỉ nên dùng viên bổ sung canxi dưới chỉ định của bác sĩ.
Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm canxi máu cho kết quả cao hay thấp đều có thể điều trị và kiểm soát được. Bạn cần trao đổi với bác sĩ để xác định, điều trị bệnh hoặc tình trạng gây ảnh hưởng đến mức canxi của bạn.
Hoàng Trí