Phương pháp xét nghiệm nước tiểu có giúp chẩn đoán bệnh chính xác?

Phương pháp xét nghiệm nước tiểu là một phân tích được thực hiện trên mẫu nước tiểu, dùng để phát hiện và quản lý một số những rối loạn, tình trạng bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận và đái tháo đường.

Tìm hiểu chung về phương pháp xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là gì?

Xét nghiệm nước tiểu sẽ kiểm tra cả về sự xuất hiện, nồng độ các chất có trong nước tiểu cũng như chất lượng nước tiểu. Kết quả xét nghiệm bất thường có thể cho thấy tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.

Khi bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nước tiểu có thể trông đục hơn bình thường hay nồng độ protein trong nước tiểu tăng có khả năng là dấu hiệu của bệnh thận. Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu bất thường, bạn thường được yêu cầu thực hiện vài xét nghiệm khác để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.

Xét nghiệm nước tiểu để làm gì?

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm phổ biến, hay được sử dụng vì nhiều lý do như:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng thể: bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nước tiểu như một phần của quá trình kiểm tra sức khỏe thông thường, kiểm tra trong thai kỳ hay để chuẩn bị trước phẫu thuật hoặc nhập viện, giúp sàng lọc một số rối loạn, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh thận và bệnh gan.
  • Chẩn đoán một tình trạng bệnh lý nào đó: bác sĩ cũng đề nghị bạn tiến hành xét nghiệm nước tiểu khi bạn thấy đau bụng, đau lưng, đi tiểu thường xuyên hoặc đau đớn khi tiểu, tiểu ra máu và các vấn đề tiết niệu khác. Phương pháp xét nghiệm nước tiểu có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân của các triệu chứng này.
  • Theo dõi tình trạng bệnh lý: nếu bạn đã được chẩn đoán mắc một số bệnh như bệnh thận hoặc bệnh đường tiết niệu, bác sĩ sẽ đề nghị bạn xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để theo dõi tình trạng và hiệu quả điều trị.

Các xét nghiệm như thử thai và sàng lọc thuốc cũng có thể dựa vào mẫu nước tiểu, nhưng các xét nghiệm này tìm kiếm các chất không có trong phân tích nước tiểu điển hình. Ví dụ, khi thử thai, bạn cần đo được nồng độ của hormone hCG trong nước tiểu.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về xét nghiệm nước tiểu khi mang thai thông qua bài viết “Xét nghiệm hCG“.

Quy trình thực hiện của phương pháp xét nghiệm nước tiểu

Trước khi xét nghiệm nước tiểu, bạn cần chuẩn bị những gì?

Nếu bạn chỉ thực hiện phân tích nước tiểu, bạn có thể ăn, uống bình thường trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, khi bạn có những kiểm tra khác cùng lúc, bạn cần phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi kiểm tra tùy thuộc vào loại xét nghiệm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cũng như lưu ý những gì bạn cần thực hiện trước khi tiến hành xét nghiệm.

Ngoài ra, nhiều loại thuốc bao gồm cả thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng… có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Vì vậy, trước khi lấy mẫu nước tiểu, bạn hãy thông báo với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng.

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nước tiểu bao gồm:

Điều gì sẽ xảy ra trong khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu?

Tùy thuộc vào điều kiện và tình trạng sức khỏe, bạn có thể lấy mẫu nước tiểu tại nhà hoặc tại cơ sơ y tế. Nhân viên y tế sẽ đưa cho bạn một lọ đựng mẫu nước tiểu và thường mẫu đầu tiên được lấy vào buổi sáng, vì khi đó nước tiểu cô đặc hơn, kết quả có thể rõ ràng hơn. Bạn cũng được phát phiếu để ghi thông tin cá nhân và điền thông tin trên lọ đựng mẫu để tránh thất lạc.

Để kết quả xét nghiệm nước tiểu được chính xác nhất, mẫu nước tiểu thu nhận nên là nước tiểu giữa dòng. Bạn có thể thực hiện theo các bước sau để lấy được mẫu nước tiểu sạch theo yêu cầu:

  • Vệ sinh sạch sẽ lỗ tiểu; rửa sạch tay bằng xà phòng, lau khô
  • Tháo nắp lọ đựng mẫu và đặt sang một bên. Không chạm vào bên trong nắp, vành hoặc bên trong lọ đựng.
  • Bắt đầu đi tiểu vào nhà vệ sinh, bỏ qua lượng nước tiểu lúc đầu
  • Đưa lọ đựng mẫu vào giữa dòng nước tiểu, hứng khoảng 30–60ml nước tiểu (khoảng 1/2–2/3 lọ đựng)
  • Lấy lọ đựng mẫu ra ngoài, bạn có thể tiếp tục đi tiểu hết phần còn lại trong bàng quang vào nhà vệ sinh
  • Đậy nắp, vặn chặt và đưa mẫu cho nhân viên y tế theo hướng dẫn.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chèn một ống mỏng, linh hoạt (ống thông) qua lỗ mở đường tiết niệu, đẩy vào bàng quang để lấy mẫu nước tiểu.

Sau đó, mẫu nước tiểu được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn có thể trở lại các hoạt động thông thường ngay sau đó.

Kết quả xét nghiệm nước tiểu

Khi áp dụng phương pháp xét nghiệm nước tiểu, mẫu nước tiểu của bạn sẽ được đánh giá theo 3 cách: kiểm tra cảm quan, phân tích bằng que thăm dò (dipstick test) và kiểm tra dưới kính hiển vi.

Kiểm tra cảm quan

Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ quan sát mẫu nước tiểu được lấy để nhận định cảm quan. Màu sắc hay mùi nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của một số vấn đề như nhiễm trùng.

Sự xuất hiện của máu trong nước tiểu có thể khiến mẫu nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu. Tuy nhiên, màu sắc nước tiểu có thể bị ảnh hưởng bởi những gì bạn vừa ăn, chẳng hạn như khi bạn ăn củ cải đường hoặc đại hoàng, nước tiểu cũng có thể có màu đỏ.

Phân tích bằng que thăm dò

Que thăm dò là một thanh nhựa mỏng có tẩm sẵn các hóa chất ở trên, dùng nhúng vào mẫu nước tiểu để phát hiện những bất thường. Các dải hóa chất trên que thăm dò sẽ thay đổi màu sắc khi có sự xuất hiện của một số chất hoặc nồng độ các chất trên mức bình thường. Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu có thể nhận biết qua que thăm dò gồm:

  • Độ pH: cho thấy mức độ axit trong nước tiểu. pH ở mức bất thường có thể chỉ ra một rối loạn ở thận hoặc đường tiết niệu.
  • Nồng độ các chất trong nước tiểu: đo nồng độ các chất hay tỷ trọng riêng của nước tiểu, cho thấy mức độ “đậm đặc” của các chất có trong nước tiểu. Nồng độ các chất cao hơn bình thường thường là kết quả của việc không uống đủ nước.
  • Protein: nồng độ protein trong nước tiểu bình thường thường thấp. Sự tăng nhẹ lượng protein trong nước tiểu cũng không phải là một tình trạng đáng lo ngại nhưng nếu protein xuất hiện lượng lớn có thể chỉ ra vấn đề về thận.
  • Đường: thông thường lượng đường (glucose) trong nước tiểu khá thấp để được phát hiện. Khi phát hiện đường trong xét nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu làm các kiểm tra theo dõi bệnh đái tháo đường.
  • Ketone: cũng như đường, bất kỳ lượng ketone nào được phát hiện có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường và cần phải xét nghiệm theo dõi thêm.
  • Bilirubin: đây là một sản phẩm của sự phân hủy hồng cầu. Thông thường, bilirubin được mang trong máu và đi vào gan, sau đó được loại bỏ và trở thành một phần của dịch mật. Bilirubin xuất hiện chỉ ra tổn thương gan hoặc bệnh về gan.
  • Nitrit hoặc leukocyte esterase: là các sản phẩm từ tế bào bạch cầu, nếu một trong hai chất này xuất hiện, có khả năng bạn đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Máu: khi máu xuất hiện, bạn sẽ được làm các xét nghiệm bổ sung. Đó có thể là dấu hiệu của tổn thương thận, nhiễm trùng, sỏi thận hoặc bàng quang, ung thư thận hoặc bàng quang, rối loạn máu.

Kiểm tra dưới kính hiển vi

Kỹ thuật viên sẽ lấy vài giọt nước tiểu của bạn và đem quan sát dưới kính hiển vi. Nếu các phát hiện nào sau đây ở trên mức trung bình, bạn cần làm các xét nghiệm bổ sung:

  • Tế bào bạch cầu: bạch cầu tăng cao có thể là dấu hiệu nhiễm trùng
  • Tế bào hồng cầu: đây có thể là một dấu hiệu của bệnh thận, rối loạn máu hoặc một tình trạng y tế tiềm ẩn khác, chẳng hạn như ung thư bàng quang
  • Vi khuẩn hoặc nấm men: cho thấy nguy cơ bị nhiễm trùng
  • Các mảnh protein hình ống: có thể được tạo thành do các rối loạn ở thận
  • Các tinh thể: hình thành từ các chất có trong nước tiểu, có thể là dấu hiệu của sỏi thận

Đối với câu hỏi phương pháp xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì? Câu trả lời là xét nghiệm nước tiểu thường không cung cấp đầy đủ bằng chứng để chẩn đoán bệnh chắc chắn. Tùy thuộc vào lý do mà bác sĩ yêu cầu bạn xét nghiệm, kết quả xét nghiệm hơi bất thường có thể không cần phải theo dõi và lo lắng nhiều.

Bác sĩ có thể đánh giá kết quả phân tích nước tiểu cùng với các xét nghiệm khác hoặc yêu cầu các xét nghiệm bổ sung, để xác định các bước điều trị tiếp theo. Để biết cụ thể về ý nghĩa của kết quả, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

HSSK không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2024 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.