Siêu âm màng phổi và những thông tin cần biết

Siêu âm màng phổi là một trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh truyền thống đã được ứng dụng từ rất lâu cùng với X quang ngực, chụp CT, MRI,… Phương pháp này giúp chẩn đoán các bệnh đường hô hấp và/hoặc tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Đây còn được gọi là siêu âm tràn dịch màng phổi nhưng liệu siêu âm màng phổi chỉ có giá trị đánh giá tràn dịch màng phổi hay còn ứng dụng nào khác không?

Nếu bạn đang quan tâm về xét nghiệm hình ảnh này, hãy cùng HSSK tìm hiểu rõ hơn về siêu âm màng phổi qua các thông tin dưới đây nhé!

1. Siêu âm màng phổi được chỉ định khi nào?

Các bệnh lý về hô hấp có thể gây nên những triệu chứng không đặc hiệu, chẳng hạn như ho, khó thở và đau ngực. Nếu chỉ căn cứ vào biểu hiện mà bệnh nhân gặp phải thì hầu như không thể nào biết được vấn đề chính xác mà họ đang gặp phải là gì. Lúc này, người bệnh cần được chỉ định tiến hành các xét nghiệm kiểm tra để xác định nguyên nhân gây ra những triệu chứng đó.

Thông thường X quang ngực được chỉ định để xác định các bệnh lý ở phổi và đường thở nhưng siêu âm thể hiện ưu thế hơn trong trường hợp phân biệt các tình trạng đều chỉ biểu hiện có một mảng mờ trên hình ảnh X quang. Cụ thể, siêu âm màng phổi thường được chỉ định để:

  • Phát hiện và đánh giá tình trạng tràn dịch màng phổi
  • Xác định dịch hay khối u là nguyên nhân làm mờ thành ngực, thành phổi
  • Phân biệt tràn dịch màng phổi hay dịch khu trú dưới cơ hoành.
  • Phát hiện và đánh giá dày màng phổi.
  • Phát hiện và đánh giá khối u màng phổi, khối u phổi xâm lấn vào thành ngực.
  • Đóng vai trò hướng dẫn bác sĩ để chọc dò, dẫn lưu hay sinh thiết dịch màng phổi. Từ đó tăng tỷ lệ thành công của thủ thuật, giảm biến chứng, đảm bảo độ an toàn cho bệnh nhân.
  • Phát hiện tràn khí màng phổi.

Ngoài ra, đây cũng là một công cụ mạnh hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở thành ngực, viêm phổi, liệt cơ hoành.

2. Quy trình thực hiện siêu âm màng phổi ra sao?

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này thường được thực hiện ở 2 tư thế là nằm ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi. Theo đó, các bước siêu âm màng phổi gồm:

  • Bước 1: Đầu dò được đặt dọc trên đường nách sau ngang với vòm cơ hoành.
  • Bước 2: Di chuyển đầu dò dọc theo liên sườn. Quan sát phổi, màng phổi và các cấu trúc lân cận như thành ngực, gan, lá lách và cơ hoành. Nếu xuất hiện hình ảnh khoảng trống âm (giống như gan) cho thấy biểu hiện của tràn dịch màng phổi.
  • Bước 3: Quan sát hình ảnh siêu âm sẽ không thấy hình ảnh trượt màng phổi trong hô hấp là dấu hiệu chính để chẩn đoán tràn dịch màng phổi. Nếu như mất dấu hiệu trượt màng phổi và dấu hiệu “bờ biển” thì có thể chẩn đoán tràn khí màng phổi.

Siêu âm màu Doppler và siêu âm dòng M có thể được bổ sung để quan sát sự di chuyển và dòng chảy của dịch màng phổi. Từ đó, việc chẩn đoán tràn dịch màng phổi sẽ cụ thể và dễ dàng hơn.

3. Những ưu, nhược điểm của siêu âm màng phổi

Ưu điểm

  • An toàn cho bệnh nhân bởi vì siêu âm màng phổi không cần sử dụng bức xạ. Đó cũng là nguyên nhân mà phương pháp này có thể lặp lại nhiều lần
  • Chi phí thực hiện không quá tốn kém
  • Thời gian làm thủ thuật diễn ra nhanh chóng
  • Không xâm lấn và không gây đau. Không cần chuẩn bị quá nhiều trước khi thực hiện siêu âm màng phổi.
  • Có thể sử dụng ngay trên giường bệnh, cho kết quả nhanh chóng, thuận lợi ngay cả khi bệnh nhân đang cấp cứu hay nằm viện.

Có thể bạn quan tâm: “Chụp CT: Những điều cần biết

Nhược điểm

  • Độ phân giải (độ sắc nét) của hình ảnh siêu âm màng phổi còn phụ thuộc vào chất lượng thiết bị.
  • Do phổi chủ yếu chứa khí, nên việc sử dụng siêu âm màng phổi trong chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn.
  • Kết quả không được khách quan vì sẽ phụ thuộc vào người thực hiện. Điều này xảy ra do việc đào tạo chuyên khoa của mỗi người là khác nhau.
  • Một số hình ảnh khó để phân tích, chẳng hạn bị che lấp bởi xương sườn.

Trên đây là các thông tin về siêu âm màng phổi mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng sẽ hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này!

Có thể bạn quan tâm