Mệt mỏi, uể oải cả ngày, khó tập trung và không có tinh thần làm việc là những dấu hiệu suy nhược cơ thể thường gặp ở người trẻ trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, dù phải đối mặt với tình trạng này hằng ngày, nhiều người vẫn có tâm lý “chủ quan, mặc kệ” vì nghĩ rằng đây chỉ là một vấn đề tạm thời và sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Trái với những suy nghĩ này, suy nhược cơ thể là một “nhân tố nguy hiểm” có thể âm thầm làm sức khỏe của bạn yếu đi và khiến cơ thể xuất hiện thêm nhiều vấn đề như sút cân nhanh, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, sống khép kín, sợ hãi vô cớ… từ đó dẫn đến các hệ lụy như tư duy kém, khó tập trung, hay quên, giảm khả năng phán đoán và đưa ra quyết định.
Vì sao người trẻ bị suy nhược cơ thể?
Tình trạng suy nhược có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 20 đến 40. Nguyên nhân là do những người này vẫn còn đang trong độ tuổi lao động, vì vậy thường hay làm việc quá sức hoặc lao động nặng nhọc với nhiều áp lực.
Không những thế, hiện nhiều người trẻ còn có xu hướng “nghiện” công việc, không chú ý nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể hay vận động hợp lý nên dần khiến cuộc sống cá nhân trở nên mất cân bằng. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy, làm việc quá sức sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo đó, làm việc hơn 55 tiếng một tuần có thể làm tăng nồng độ hormone gây căng thẳng cortisol, dẫn đến sương mù não, huyết áp cao và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra, làm việc quá sức còn khiến bạn ngủ không đủ giấc, ăn uống thiếu khoa học, không có thời gian tập thể dục và có xu hướng lạm dụng các chất kích thích, từ đó khiến sức khỏe suy yếu hơn.
Thêm vào đó, nếu bạn thường xuyên làm việc ca đêm, làm trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với hóa chất, tiếng ồn, nhiệt độ cao hoặc môi trường có quá ít sự tương tác với người khác thì cũng rất dễ bị suy nhược cơ thể.
Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến công việc, người trẻ có thể bị suy nhược cơ thể do các thói quen không lành mạnh thường gặp trong xã hội hiện đại như:
- Thiếu ngủ, ngủ quá nhiều hoặc bị rối loạn giấc ngủ
- Thường xuyên sử dụng rượu, bia và các chất kích thích
- Thói quen sống ít vận động, lười tập thể dục
- Ăn uống thiếu khoa học, không lành mạnh, thường xuyên bỏ bữa, ăn các món không tốt cho sức khỏe hoặc thường xuyên ăn “cơm hàng cháo chợ”, ít ăn rau và trái cây.
Dưỡng chất vàng giúp bạn “đánh bay” mệt mỏi, suy nhược
Nhìn chung, rất nhiều cách có thể giúp bạn “đẩy lùi” tình trạng suy nhược cơ thể. Trong đó, cách hiệu quả và đơn giản nhất chính là bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết thông qua các loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe để giúp cơ thể tạo ra năng lượng và hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là các chất:
- Protein
- Vitamin nhóm B
- Carnitine
- CoQ10 (Coenzyme Q10)
- Creatine
- Sắt
- Magiê
- Kali
Trong đó, bạn nên lưu ý đến 2 dưỡng chất rất có lợi cho người bị suy nhược cơ thể là protein và các vitamin nhóm B như vitamin B1, B2, B3, B6, B12, axit folic và biotin.
Protein là thành phần chính tạo nên nhiều cấu trúc trong cơ thể con người như da, tóc, cơ bắp và các cơ quan. Vì vậy, việc bổ sung đầy đủ protein sẽ giúp các cấu trúc này phát triển khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả hơn. Không những thế, phân tử protein còn hỗ trợ quá trình dẫn truyền thần kinh trong não và điều hòa hoạt động của nhiều hormone khác trong cơ thể, chẳng hạn như insulin.
Trong khi đó, vitamin nhóm B giúp cơ thể “mở khóa” năng lượng từ các chất dinh dưỡng như carbohydrate, chất béo và protein, đồng thời tăng cường sức khỏe của não bộ và hệ thần kinh. Một số lợi ích của các vitamin nhóm B (vitamin B1, B2, B3, B6, B12, axit folic và biotin) bao gồm:
- Đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa thức ăn thành năng lượng để giúp cơ thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Thúc đẩy quá trình chuyển hóa homocysteine, giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ, đồng thời tăng cường chức năng của não bộ.
- Duy trì sự khỏe mạnh của tế bào thần kinh nhờ vào khả năng kích thích hoạt động của các enzym, tạo ra và sửa chữa các ADN. Thiếu hụt vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12, có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, trầm cảm, lú lẫn và mất trí nhớ.
- Hỗ trợ cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu.
- Cải thiện tuần hoàn máu, ổn định huyết áp và nồng độ cholesterol trong cơ thể.
5 thực phẩm bồi bổ sức khỏe khi bị suy nhược cơ thể
Người bị suy nhược cơ thể nên ăn gì để bồi bổ sức khỏe? Để đẩy lùi tình trạng mệt mỏi, suy nhược và giúp duy trì nguồn năng lượng tích cực cho cơ thể, bạn nên bổ sung vào thực đơn ăn uống của mình 5 nhóm thực phẩm bồi bổ sức khỏe chứa nhiều dưỡng chất kể trên, bao gồm:
Cá béo là loại thực phẩm giúp bổ sung năng lượng, bồi bổ cơ thể
Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá mòi là những thực phẩm có khả năng bồi bổ cơ thể, cung cấp năng lượng và “đánh bay” mệt mỏi, uể oải vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, nhóm thực phẩm này còn mang lại nhiều lợi ích cho não bộ và hệ thần kinh.
Thành phần của các loại cá béo rất giàu protein và vitamin B, những dưỡng chất có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng. Đặc biệt, đây còn là nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào có tác dụng chống viêm – một trong những “thủ phạm giấu mặt” khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức.
Thịt nạc
Thịt nạc là loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể bởi chúng chứa nhiều protein và các dưỡng chất như:
- I-ốt giúp thúc đẩy quá trình sản xuất hormone tuyến giáp
- Sắt giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể
- Kẽm tốt cho hệ miễn dịch, da và giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng, phát triển của cơ thể
- Vitamin B12 tốt cho hệ thần kinh
- Omega-3 giúp cải thiện và tăng cường sức khỏe của tim và não.
Trong số các loại thịt nạc thì thịt gà là loại thịt bổ dưỡng, thơm ngon và nên được bổ sung vào thực đơn hằng ngày cho những người trẻ tuổi bị suy nhược cơ thể. Theo đó, thịt gà rất giàu protein; axit amin; khoáng chất như kẽm, phốt pho, magie, sắt…; vitamin như vitamin A, E, C, PP và đặc biệt là vitamin nhóm B giúp mang lại nhiều lợi ích trong việc bồi bổ cơ thể và tăng cường sức khỏe của não bộ cũng như hệ thần kinh.
Một trong những sản phẩm từ thịt gà được đánh giá là có hiệu quả cao trong việc bồi bổ cơ thể chính là nước cốt gà. Nước cốt gà làm giảm tình trạng mệt mỏi và suy nhược nhờ vào khả năng cải thiện tỷ lệ trao đổi chất, từ đó sản sinh ra nhiều năng lượng để cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Không những vậy, nước cốt gà còn có tác dụng tăng cường lưu thông máu đến vùng vỏ não trước trán, giúp cải thiện và nâng cao khả năng tập trung.
Đặc biệt, Nước cốt gà còn dễ tiêu hóa và hấp thu nhanh vào cơ thể do trong quá trình chế biến (nấu khoảng 10 tiếng ở nhiệt độ và áp suất cao), các protein tự nhiên trong thịt gà đã được phá vỡ và tạo thành những phân tử nhỏ, dễ đi vào cơ thể. Đồng thời, một số sản phẩm nước cốt gà cũng được loại bỏ hoàn toàn lượng chất béo và cholesterol dư thừa để giúp mang lại nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe.
Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất đã kết hợp thêm hương vị sô-cô-la thơm ngon để giúp nước cốt gà dễ uống và phù hợp hơn với khẩu vị của những người trẻ tuổi. Dòng sản phẩm này còn được bổ sung các vitamin nhóm B như vitamin B1, 2, 3, 5, 6, 12 và biotin giúp tăng cường chức năng của hệ thần kinh, giảm mệt mỏi và nâng cao khả năng miễn dịch.
Thực phẩm bồi bổ sức khỏe: Ngũ cốc
Ngũ cốc là nguồn cung cấp carbohydrate dồi dào giúp bạn “nạp nhanh” năng lượng khi cơ thể mệt mỏi, kiệt sức. Đồng thời, trong ngũ cốc còn có chất xơ, vitamin B và các khoáng chất giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
- Chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ giúp cơ thể duy trì cảm giác no lâu và làm giảm nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, táo bón…
- Vitamin nhóm B: Như đã đề cập, vitamin nhóm B giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo thành năng lượng.
- Khoáng chất: Ngũ cốc chứa nhiều sắt, magiê và selen giúp tăng cường khả năng vận chuyển oxy trong máu, giải phóng thêm năng lượng từ cơ bắp và nâng cao sức đề kháng cho bạn.
Một số loại ngũ cốc mà bạn nên thêm vào thực đơn ăn uống khi bị suy nhược cơ thể là gạo lứt, yến mạch, lúa mì nguyên cám, gạo trắng…
Sữa
Sữa là loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe nên có trong thực đơn ăn uống hằng ngày của người bị suy nhược cơ thể. Sữa rất giàu protein và các vitamin nhóm B, tốt cho hoạt động của não bộ và hệ thần kinh. Đồng thời, sữa còn có tác dụng như một loại “thuốc” giúp giảm căng thẳng tự nhiên do chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Sữa bò là loại sữa giàu protein và năng lượng nhất. Bên cạnh sữa bò, các loại sữa từ thực vật cũng chứa nhiều dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe như:
- Sữa hạnh nhân: Chứa hàm lượng cao kali, sắt, magie và protein
- Sữa gạo: Chứa nhiều vitamin B và protein
- Sữa đậu nành: Chứa nhiều vitamin B2, magie, protein và kali.
Rau quả là nhóm thực phẩm giúp bồi bổ sức khỏe hiệu quả
Trái cây và rau củ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin và khoáng chất. Đồng thời, một số loại rau củ còn chứa nhiều protein rất tốt cho người bị suy nhược, dù lượng protein này thường thấp hơn so với thịt, trứng, sữa, các loại đậu và hạt.
Những loại trái cây, rau củ giúp giảm mệt mỏi, phục hồi năng lượng mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày là táo, chuối, việt quất, cam, chanh, dâu tây, bơ, măng tây, cà rốt, bông cải xanh, súp lơ, rau bina, bí đỏ, khoai lang…
Suy nhược cơ thể có khả năng đưa đến nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt hàng ngày của người trẻ tuổi. Tuy nhiên, nếu đang phải đối mặt với tình trạng này thì bạn cũng đừng nên quá lo lắng. Chỉ cần “nạp thêm” các loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe kể trên là bạn đã giúp cơ thể lấy lại năng lượng để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.