Các loại bệnh theo mùa thường nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng ngừa chúng bằng cách tăng cường hệ miễn dịch của mình đấy. Sau đây là những thông tin về hệ miễn dịch mà bạn cần biết và một số cách giúp bạn xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh thông qua việc ăn uống phù hợp.
Hệ miễn dịch chính là màng bảo vệ cơ thể tốt nhất
Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Các lợi khuẩn trong ruột là một trong những cánh cửa của hệ thống này. Do đó, nếu bạn biết cách tăng cường các lợi khuẩn đường ruột, chúng có thể là “một đội quân mạnh mẽ” sẵn sàng chiến đấu giúp bạn xua đuổi bệnh tật.
Cách hệ miễn dịch hoạt động
Cuộc chiến miễn dịch của cơ thể bắt đầu từ khoang miệng. Chắc hẳn nhiều người không hề biết rằng trong nước bọt có chứa các thành phần chống vi khuẩn cực mạnh như lysozyme, alpha-amylase và lactoferrin, giúp cơ thể ngăn ngừa một số bệnh do vi khuẩn gây ra.
Ngoài ra, bất kỳ mầm bệnh nào khi “lẻn” vào cơ thể chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với axit hydrochloric (HCl) có trong dạ dày.
Sau đó, nếu vi khuẩn vẫn còn tồn tại, chúng sẽ phải có một “cuộc chiến sinh tồn” chống lại các protein và các hợp chất hóa học có trong hệ thống tiêu hóa.
Cuối cùng, nếu các hàng rào miễn dịch trên vẫn không có tác dụng thì các lợi khuẩn (probiotic) sẽ bắt đầu làm việc, ngăn chặn và tấn công các vi khuẩn gây hại không cho chúng xâm nhập vào máu hoặc bắt rễ trong ruột non và ruột già.
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho các lợi khuẩn hoạt động tốt
Đường tiêu hóa chiếm hơn 70% hệ thống miễn dịch. Đây cũng là nơi cư ngụ của các lợi khuẩn giúp chống lại những loại vi khuẩn và virus gây hại cho sức khỏe.
Nếu muốn những vi khuẩn này hoạt động tốt, bạn phải cho chúng ăn đầy đủ và nuôi dưỡng chúng thật tốt. Các lợi khuẩn thích hấp thu những loại thực phẩm nguyên chất, giàu chất xơ và có độ dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, chúng thường không dung nạp những loại thực phẩm đã qua chế biến, chất béo và đường. Đó là lý do tại sao một chế độ ăn uống cân bằng với những loại thực phẩm nguyên chất chính là sự bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, giúp cơ thể chống lại tất cả các loại virus, vi khuẩn và các dạng nhiễm trùng.
Prebiotic và probiotic cho hệ miễn dịch khỏe mạnh
Prebiotic thực chất là nguồn thức ăn cho probiotic, giúp nuôi dưỡng những lợi khuẩn trong cơ thể, giúp chúng ta có được một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Về cơ bản, prebiotic là một dạng chất xơ bán tiêu hóa. Bạn nên ăn ít nhất 2–3 khẩu phần thức ăn giàu chất prebiotic mỗi ngày. Nếu sức khỏe không tốt thì bạn cần thêm bổ sung prebiotic nhiều hơn để tăng cường lợi khuẩn đường ruột.
Sau đây là một số nguồn thực phẩm tốt nhất để nuôi dưỡng các lợi khuẩn (prebiotic):
- Rau củ như măng tây, tỏi, a-ti-sô Jerusalem, tỏi tây và hành tây
- Thực phẩm giàu carbohydrate như lúa mạch, đậu, yến mạch, hạt diêm mạch, lúa mạch đen, lúa mì, khoai tây và khoai lang
- Trái cây như táo, chuối, quả mọng, trái cây thuộc họ cam
- Chất béo gồm hạt lanh và hạt chia.
Bạn cũng có thể uống thuốc bổ sung prebiotic, nhưng hãy nhớ rằng thuốc bổ sung không có tác dụng thay thế hoàn toàn các loại thực phẩm cung cấp prebiotic.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm những loại thức ăn tăng cường quân số lợi khuẩn cho ruột sau đây:
- Thực phẩm giàu bơ sữa: sữa chua, phô mai và nấm sữa kefir
- Các loại rau củ lên men: muối dưa, dưa cải muối, kim chi
- Đậu nành lên men: miso, tempeh
- Thực phẩm hỗn hợp: nước tương, nước sốt, rượu, trà kombucha.
Bạn cũng có thể uống thuốc bổ sung probiotic để tăng cường lợi khuẩn cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn nhớ xin ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Hấp thu nhiều prebiotic và probiotic sẽ giúp bạn xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, thậm chí ngay cả khi có chế độ ăn uống lành mạnh nhất cũng không thể bảo vệ bạn khỏi mọi vi khuẩn xâm nhập. Đó cũng chính là lý do vì sao đôi khi bạn sẽ bị ốm.
Những thực phẩm giúp cơ thể nói “không” với bệnh tật
Những loại thực phẩm sau có thể giúp bạn khỏe mạnh và hồi phục nhanh hơn khi bị bệnh:
- Tỏi: loại thực phẩm này hoạt động như một chất kháng sinh và làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn cảm lạnh cũng như các bệnh nhiễm trùng khác
- Súp gà: súp gà thực sự có hiệu quả trong việc chống lại bệnh tật. Món ăn này cung cấp nước, chất điện giải và các thành phần chống viêm, làm giảm các triệu chứng cảm lạnh. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý ăn món súp gà dùng nước hầm thịt gà để nấu chứ không phải là loại súp gà đóng hộp.
- Trà xanh: trà xanh giúp thúc đẩy sự sản xuất kháng thể tế bào B, giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh xâm nhập.
Việc tăng cường hệ miễn dịch rất quan trọng trong việc giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật. Vậy thì bạn còn chần chừ gì nữa mà không bổ sung những loại thực phẩm trên vào chế độ ăn hằng ngày của mình ngay bây giờ và có được một hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn?!