Có nên hâm nóng thức ăn cho trẻ trong lò vi sóng?
Photo by Osha Key on Unsplash

Có nên hâm nóng thức ăn cho trẻ trong lò vi sóng?

Hâm thức ăn trong lò vi sóng là thói quen của nhiều người, tuy nhiên, khi gia đình đón chào một thành viên mới, thói quen này lại có thể khiến nhiều người băn khoăn.

Nhiều người nghĩ rằng hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng sẽ làm phá hủy các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Mặc dù điều này không hoàn toàn đúng nhưng nếu trong gia đình bạn có một bé cưng nho nhỏ, bạn sẽ băn khoăn nhiều về điều này đấy. Có nên hâm nóng thức ăn cho bé trong lò vi sóng? Hãy xem tiếp những chia sẻ dưới đây của HSSK để có câu trả lời cho vấn đề này nhé.

Có nên hâm thức ăn cho bé bằng lò vi sóng không?

Sau khi trải qua quá trình làm lạnh hoặc hâm nóng, tất cả các loại thực phẩm đều có sự thay đổi về đặc tính vật lý, cấu trúc hóa học và các thành phần dinh dưỡng. Lý do này là nguyên nhân chính khiến các bà mẹ cảm thấy băn khoăn không biết có nên dùng lò vi sóng để hâm thức ăn cho bé hay không. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc hâm thức ăn trong lò vi sóng có thể gây hại cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu có ý định hâm thức ăn bằng lo vi sóng, bạn cần biết rõ một số rủi ro cùng những lưu ý quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu.

Rủi ro khi hâm thức ăn cho trẻ trong lò vi sóng

Dưới đây là một số rủi ro có thể gặp phải khi hâm thức ăn cho trẻ bằng lò vi sóng:

  • Lò vi sóng làm nóng thức ăn không đều. Nhiệt độ ở một số phần có thể nóng vừa, trong khi một số chỗ khác sẽ rất nóng. Do đó sau khi hâm, nếu không kiểm tra cẩn thận trước khi cho bé ăn, bé có thể bị bỏng.
  • Nếu bạn đựng thực phẩm cần hâm nóng trong những hộp nhựa rẻ tiền, khi hâm, những hộp nhựa này sẽ sản sinh ra nhiều chất độc hại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.
  • Bức xạ phát ra trong quá trình nấu hoặc hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Lưu ý khi sử dụng lò vi sóng để hâm thức ăn cho trẻ

Dưới đây là một số điều mà cha mẹ cần thực hiện khi sử dụng lò vi sóng để hâm thức ăn cho bé:

  • Sử dụng hộp đựng an toàn cho lò vi sóng hoặc hộp thủy tinh chịu nhiệt để hâm thức ăn. Tránh sử dụng hộp nhựa.
  • Đậy thức ăn bằng nắp thủy tinh trong khi hâm để giữ nước.
  • Đảm bảo nhiệt độ đủ nóng để có thể tiêu diệt hết vi khuẩn, tránh ngộ độc.
  • Không hâm thức ăn khi bạn đang bận làm việc nhà để tránh thức ăn bị cháy.
  • Sau hâm xong, bạn cần chuyển thức ăn sang một chiếc tô hoặc bát (chén) khác, khuấy đều, để nguội nhằm tránh bé bị bỏng.

Mách bạn một số bí quyết an toàn khi hâm nóng thức ăn cho trẻ bằng lò vi sóng

Câu hỏi phổ biến mà hầu hết các mẹ đều thắc mắc là có thể hâm sữa bột đã pha cho bé trong lò vi sóng không? Câu trả lời là có nếu bạn đựng sữa trong bình được làm từ chất liệu an toàn. Ngoài ra, hãy nhớ làm nóng nó không quá 10 – 15 giây. Trước khi cho bé uống, hãy lắc đều và kiểm tra kỹ để tránh tình trạng sữa quá nóng có thể khiến bé bị bỏng:

  • Luôn luôn sử dụng hộp đựng thức ăn an toàn khi hâm nóng thức ăn cho trẻ để tránh gặp phải các vấn đề sức khỏe.
  • Tuyệt đối không dùng những loại bát đĩa có nhiều hoa văn, có viền sắt, kim loại để đưa vào lò vi sóng vì có thể sinh ra độc tố hoặc thậm chí gây tai nạn nổ lò vi sóng.
  • Cần lựa chọn chế độ nấu nướng trước khi sử dụng lò vi sóng. Kèm theo đó là khoảng thời gian cần thiết để làm chín thức ăn. Tuyệt đối không luộc trứng trong lò vi sóng vì sẽ gây nổ lò.
  • Đọc và làm theo hướng dẫn sử dụng của lò vi sóng để tránh mọi rủi ro.
  • Số lượng chất dinh dưỡng bị thất thoát trong quá trình chế biến bằng lò vi sóng phụ thuộc vào từng loại thức ăn. Một số loại giữ được chất tốt hơn dùng cách hấp (luộc) nhưng lại có loại mất khá nhiều chất, chẳng hạn súp lơ xanh (bông cải xanh) là loại rau bị bay mất phần lớn chất dinh dưỡng nếu nấu qua lò vi sóng. Do đó, trong khi chế biến những thực phẩm này, bạn nên nấu bằng bếp gas, bếp điện thay vì dùng lò vi sóng.
  • Khi thức ăn được hâm nóng, nhiệt độ sẽ cao ở rìa và thấp ở chính giữa. Do đó, bạn cần khuấy để thực phẩm nóng đều.
  • Luôn khuấy đều và kiểm tra nhiệt độ của thức ăn trước khi cho bé ăn để tránh bé bị bỏng.
  • Nhớ chỉ hâm lại thức ăn cho bé một lần duy nhất, không hâm nóng nhiều lần vì đồ ăn dễ bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc.
  • Để rã đông thực phẩm, bạn cần đặt lò vi sóng ở chế độ rã đông trong 30 – 40 giây.
  • Sau khi rã đông, cần làm nóng ngay lập tức trong khoảng 5 – 15 giây nếu không vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển mạnh.
  • Để thức ăn nóng sang một bên cho đến khi nhiệt độ thức ăn phù hợp với bé.

Cách hâm nóng sữa bằng lò vi sóng

Sữa mẹ đông lạnh hay sữa công thức đã nguội cần được hâm nóng trước khi cho bé bú. Sữa có thể được hâm nóng trong một cái nồi nước trên bếp hoặc thả vào một bát nước ấm. Để nhanh và thuận tiện hơn, bạn có thể dùng lò vi sóng:

  • Trước hết, bạn cần đổ sữa vào bình nhựa (thủy tinh, loại an toàn cho lò vi sóng). Tháo bỏ các núm vú và nắp của bình, nếu có.
  • Đặt bình sữa vào lò vi sóng và bật lò trong vòng 20 giây. Khuấy đều hoặc lắc chai để phân tán nhiệt trong toàn bình sữa. Sau khi hâm xong, bạn nhỏ 2 – 3 giọt sữa lên cổ tay để kiểm tra nhiệt độ sữa, sữa hơi ấm là được.
  • Nếu cần, hãy hâm nóng sữa thêm lần nữa, trong 10 giây, cho đến khi bạn thấy sữa có độ nóng thích hợp. Nếu kiểm tra thấy sữa quá nóng, hãy làm nguội sữa bằng cách ngâm bình sữa trong một bát nước ấm.
  • Khi cho bé uống, hãy lắc đều chai sữa trước khi cho bé bú. Sữa hâm từ lò vi sóng thường rất nóng ở bên trong, còn bên ngoài lại có vẻ nguội.
  • Khi hâm sữa hoặc bất cứ đồ ăn gì của bé trong lò vi sóng, bạn nên đậy kín rồi hãy nhấn nút thực hiện. Những chất lỏng như sữa, cháo loãng… khi hâm lại bằng lò vi sóng cũng phải được để trong đồ hộp rộng miệng, mặt thoáng, chất lỏng thấp hơn thành đựng đồ để tránh nứt vỡ.
  • Không nên sử dụng lò vi sóng để hâm nóng sữa mẹ bởi việc này sẽ làm mất vitamin và khoáng chất trong sữa. Muốn làm nóng sữa mẹ đựng trong bình, chỉ cần ngâm bình sữa vào bát đựng nước nóng trong vài phút là được. Không dùng lò vi sóng để khử khuẩn bình sữa cho bé.

Mặc dù không có nghiên cứu nào chứng minh thực phẩm được hâm nóng trong lò vi sóng có hại cho sức khỏe của bé nhưng tốt nhất bạn cũng không nên quá lạm dụng.

Ngân Phạm /

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.