Vậy uống cà phê có thật sự tốt cho sức khỏe? Câu trả lời sẽ là “không” nếu bạn lạm dụng caffeine để có được sự tỉnh táo nhất thời mà bất chấp tác dụng phụ của chất kích thích gây nghiện này. Tuy nhiên, bạn cũng có thể trả lời “có” nếu như thực hiện 5 cách uống cà phê lành mạnh sau đây!
1. Chọn cà phê nguyên chất
Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên chúng ta nên hạn chế cà phê trong chế độ ăn uống hàng ngày vì chất cafeine trong cà phê có thể gây một số tác hại đến sức khỏe. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải bỏ cà phê. Thay vào đó, bạn cần chọn cà phê nguyên chất để đảm bảo không lẫn các tạp chất gây hại.
Cà phê nguyên chất không pha trộn các loại tạp chất như đậu rang, bắp rang, cơm cháy rang hay các phụ phẩm khác. Hạt cà phê rang nguyên chất có thể được tẩm rượu, bơ và được ủ trong môi trường nhiệt độ nhất định để tạo ra phong vị đậm đà riêng biệt. Cà phê nguyên chất thường có vị hơi nhạt và nếu uống không quen thì sẽ thấy không ngon bằng cà phê pha trộn, nhưng sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn. Hãy tránh xa các loại cà phê được tẩm ướp hương vị, tuy ngon hơn nhưng lại toàn là chất hóa học!
2. Không nên thêm đường
Đây là có thể là bí quyết quan trọng nhất để uống cà phê một cách lành mạnh và tốt cho sức khỏe của bạn. Thực tế, rất ít người có thể uống cà phê mà không cho thêm đường hoặc sữa. Khi bạn uống cà phê, thậm chí cơ thể bạn còn hấp thụ đường nhiều hơn cả caffeine.
Hãy thử loại bỏ đường ra khỏi ly cà phê, bạn sẽ cảm nhận được hương vị cà phê thơm ngon hơn. Đây chính là lý do tại sao đàn ông thường hay gọi cà phê đen thay vì cà phê sữa. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ thích uống cà phê lại không quen với vị đắng nguyên chất này. Làm sao cắt giảm đường để phòng ngừa bệnh mà vẫn thưởng thức được cà phê đây? Hãy thử cho thêm một chút kem phía trên. Chất béo có trong kem sẽ làm dịu vị đắng của cà phê. Kem cũng là một chất làm ngọt tự nhiên giúp bạn kiêng đường dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên sử dụng các loại kem tạo hương thường dùng để trang trí bánh nhé! Các loại kem này được làm bằng dầu thực vật hydro hóa (hydrogenated vegetable oils) – chất béo xấu, sirô bắp và rất nhiều hóa chất độc hại khác. Bạn nên chọn các loại kem tươi whipping cream không chứa đường do được tách ra từ sữa bò nguyên chất, tuy giá thành cao hơn nhưng sẽ đảm bảo sức khỏe hơn nhé.
3. Xay cà phê nguyên hạt tại nhà
Đối với những ai nghiện cà phê, mùi thơm tỏa ra khắp gian nhà mỗi khi rang xay cà phê có sức quyến rũ thật khó cưỡng! Nếu yêu hương vị cà phê nguyên chất và thích tự tay mày mò cách chế biến các kiểu cà phê hệt như ở quán, hãy đầu tư mua máy pha cà phê chất lượng tốt. Bạn có thể pha chế cà phê theo nhiều phương pháp khác nhau như pha phin, espresso, capuchino, latte…
Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên lưu ý cách bảo quản cà phê trước và sau khi xay. Cà phê nguyên hạt, cũng giống như các loại hạt khác, sẽ bắt đầu tan rã và có mùi ôi thiu khi phần bên trong tiếp xúc với oxy và độ ẩm. Để xem quá trình phân hủy này bằng mắt thường, bạn có thể cắt một quả táo và quan sát những gì xảy ra: thịt màu trắng bắt đầu biến màu nâu khá nhanh. Các chất béo trong cà phê rang xay cũng rất dễ dàng bị hư hỏng. Trong điều kiện ẩm, chúng dễ dàng bị thủy phân và oxy hóa. Đó là nguyên nhân làm mất mùi thơm và giảm chất lượng cà phê một cách nhanh chóng.
Oxy và độ ẩm còn là kẻ thù của chất chống oxy hóa chính là thành phần giúp ngăn ngừa bệnh tật. Vì thế, tốt nhất là bạn nên uống cà phê ngay khi vừa rang xay. Nếu muốn để dành cà phê cho lần sau, bạn nên bảo quản trong hộp thép tráng thiếc có phủ verni, bao bì bằng lá kim loại và plastic ép vào nhau hay lọ thủy tinh có nắp đậy thật kín.
4. Uống 1 ly mỗi ngày
Bạn uống bao nhiêu ly cà phê mỗi ngày? Đối với những người nghiện cà phê, uống 3 – 5 ly mỗi ngày là chuyện bình thường. Dường như bất cứ khi nào họ cũng có thể uống cà phê được!
Cà phê tuy có một số lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu bạn uống nhiều quá thì sẽ dễ dẫn đến “say cà phê” kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, tim đập nhanh, mất ngủ… Bạn chỉ nên uống 400mg cà phê mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.
Nếu cảm thấy khó khăn khi cai nghiện cà phê, bạn có thể giảm dần dần từ 4 – 5 ly cà phê xuống còn 2 – 3 ly cà phê/ngày. Một mẹo nhỏ giúp bạn có thể giảm lượng caffeine là hãy chia lượng cà phê của 1 ly thành 2 – 3 ly để uống trong một ngày. Như thế thì bạn sẽ không có cảm giác “thèm cà phê” khi đến các khung thời gian uống cà phê quen thuộc.
5. Uống cà phê sau bữa ăn
Hầu hết mọi người đều có thói quen uống cà phê vào buổi sáng. Tốt nhất là bạn nên thưởng thức tách cà phê thơm ngon sau bữa ăn khi bụng đã có thức ăn lót dạ. Caffeine có thể kích thích cơ thể của bạn giải phóng đường vào máu, làm cho tuyến tụy xuất ra insulin. Dạ dày rỗng có thể làm giảm lượng đường trong máu và khiến bạn nổi cơn thèm đường.
Do đó, caffeine chính là một trong những nguyên nhân làm tăng đột biến đường trong máu dẫn đến biến chứng tăng đường huyết khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hơn nữa, caffeine trong cà phê có thể ngăn chặn cảm giác thèm ăn khiến bạn cảm thấy không đói. Điều này sẽ làm giảm lượng đường trong máu và tăng cảm giác thèm cà phê và đường. Thức ăn trong dạ dày của bạn sẽ giúp điều chỉnh đáp ứng lượng đường trong máu và kiểm soát cơn thèm muốn một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bạn không nên uống cà phê sau bữa ăn tối muộn vì sẽ gần với giờ đi ngủ. Để có giấc ngủ ngon và sâu, hãy tránh dung nạp caffeine khoảng 4 – 6 tiếng trước khi ngủ nhé!