13 thực phẩm dễ làm giả bạn nên cẩn thận khi mua
Photo by Lauren Mancke on Unsplash

13 thực phẩm dễ làm giả bạn nên cẩn thận khi mua

Bạn có thể mua phải thực phẩm dễ làm giả mà không hề hay biết như táo, trứng, mì tôm, thịt băm, sò điệp… Làm sao để bạn nhận ra các loại thực phẩm giả luôn ẩn chứa nhiều rủi ro về sức khỏe này?

Có rất nhiều thực phẩm dễ làm giả có mặt trên thị trường khiến người dùng khó phân biệt, hoang mang và lo sợ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tránh được những thực phẩm giả độc hại nếu biết quan sát các đặc điểm của thực phẩm thật.

1. Đậu Hà Lan

Đậu Hà Lan là một trong những loại thực phẩm dễ bị làm giả. Đậu Hà Lan giả có thể là đậu nành hay đậu tuyết được nhuộm chất tạo màu và ướp natri metabisulfite, một chất bị cấm ở nhiều quốc gia vì có thể gây ung thư và làm ảnh hưởng quá trình trao đổi chất.

Để tránh đậu Hà Lan giả, bạn nên mua đậu từ các nguồn uy tín. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh đậu có màu quá xanh vì điều này có nghĩa là sản phẩm có chứa chất tạo màu.

2. Trứng

Hầu như bất kỳ phần nào của trứng đều có thể là giả từ vỏ trứng tới lòng đỏ. Theo Bộ Y tế Trung Quốc, trứng giả chứa rất nhiều thành phần gây hại như axit benzoic, natri alginate… Vậy nên, bạn cần hết sức cẩn thận khi mua một thực phẩm dễ làm giả như trứng.

Trứng giả có vỏ rất sần sùi và thường lớn hơn trứng thật. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý phân biệt lòng đỏ của trứng giả sẽ có màu rất vàng.

3. Mì

Năm 2010, người ta đã phát hiện ra rằng một lượng lớn mì giả được sản xuất tại Trung Quốc. Mì giả được làm bằng ngũ cốc đã hư và các chất phụ gia độc hại hay thậm chí được làm bằng nhựa!

Tuy loại mì giả có vị rất dễ nhận biết nhưng lại được “ngụy trang” bằng các loại nước lèo hay nước sốt. Bạn hãy hạn chế mua mì ăn liền và nên mua mì tươi ở những địa chỉ uy tín để có thể giảm nguy cơ mua phải mì giả.

4. Táo

Táo là loại trái cây ưa thích của nhiều người nhưng cũng là một loại thực phẩm dễ làm giả. Người trồng có thể tiêm các chất phụ gia nguy hiểm để tạo vẻ ngoài hấp dẫn cho quả táo. Ngoài ra, táo còn có thể bị bôi một loại sáp giúp kéo dài hạn sử dụng có hại cho sức khỏe.

Vẻ ngoài tươi tắn và bóng bẩy của táo có thể được làm giả bởi nhiều loại hóa chất. Bạn hãy tránh những quả táo có vẻ ngoài quá hoàn hảo như vậy nhé.

5. Cá tuyết

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Dublin (Ireland) phát hiện ra rằng 90% cá tuyết hun khói không phải cá tuyết thật. Sai lầm này có thể nằm ở giai đoạn phân loại cá sau khi đánh bắt.

Bạn rất khó phân biệt thịt cá tuyết với các loại cá khác nên chỉ còn cách ăn nhiều loại cá và luyện cho mình vị giác nhạy bén để nhận biết cá giả.

6. Quế

Cassia, một loại cây khá rẻ, có thể được dùng để làm giả quế. Quế thật đến từ vỏ một loại cây chỉ mọc ở Sri Lanka và Tây Ấn Độ còn cassia được sản xuất từ ​​những cây ở Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia. Loại cây này nguy hiểm vì mùi hương của cây có thể khiến bạn bị đau nửa đầu.

Quế thật rất dễ bẻ, nhẹ và có màu giống màu giấy nến trong khi cassia lại rất cứng và có màu nâu sáng. Bạn hãy để ý những đặc điểm này nếu muốn chọn được quế chất lượng.

7. Việt quất

Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng Mỹ nghiên cứu các thực phẩm được cho là có chứa việt quất trên thị trường. Kết quả cho thấy hầu hết các loại thực phẩm này đều không chứa việt quất. Hương vị việt quất trong sản phẩm là sự kết hợp của tinh bột, chất tạo màu, hương liệu và dầu không bão hòa.

Bạn chỉ cần đọc bảng thành phần dinh dưỡng in trên vỏ các sản phẩm được cho là có việt quất là có thể tránh những sản phẩm giả. Nếu bạn thấy một sản phẩm có chứa Indigo carmine (E132) thì sản phẩm này không hề chứa việt quất thật.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Mách bạn cách đọc thành phần dinh dưỡng khi mua thực phẩm.

8. Whipped cream

Whipped cream là kem tươi được đánh bông lên để trang trí các món tráng miệng. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất không dùng kem để làm whipped cream. Các sản phẩm whipped cream giả thường gồm dầu dừa, si rô ngô, hương liệu tự nhiên và một chất làm đặc. Hàm lượng sữa tươi trong các sản phẩm này rất ít.

Whipped cream làm từ sữa và kem thật sẽ không có chất béo thực vật và đường. Vậy nên bạn hãy đọc bảng thành phần để chọn được sản phẩm an toàn.

9. Sò điệp

Sò điệp là một món ăn đắt tiền và không phải ai cũng có thể biết được hình dáng, hương vị chuẩn của món này nên là một trong những thực phẩm dễ làm giả. Đây là lý do tại sao nhiều nhà sản xuất đã sử dụng cá băm, thịt cá đuối, cá ngựa và thậm chí cả thịt cá mập để làm sò điệp giả. Đôi khi, sò điệp giả còn được làm từ nấm tuyết để trộn vào món salad.

Nếu muốn mua sò điệp thật, bạn hãy chọn loại còn vỏ vì sò điệp còn vỏ không thể làm giả. Nếu bạn không mua sò điệp tươi mà mua hàng đông lạnh, hãy chọn loại có màu hồng nhạt hoặc màu be.

10. Trứng cá muối caviar

Trứng cá muối caviar là trứng chưa được thụ tinh của cá tầm. Ngoài ra, trứng cá muối cũng có thể có màu đỏ nếu là trứng từ cá hồi hoặc cá chuồn. Đây là một món ăn rất đắt.

Trứng cá muối đen được làm giả rất nhiều bằng cách nhuộm màu cho trứng của loại cá trứng. Trứng cá muối đỏ giả lại có thể làm từ gelatin, nước hầm từ cá và chất tạo màu. Nếu chỉ nếm, bạn sẽ rất khó phân biệt được thật giả.

Trứng cá muối đen thật có kích thước rất đa dạng và mỗi viên trứng đều có kích cỡ khác nhau. Đối với trứng cá muối đỏ, bạn hãy chọn loại không dính và không có mùi tanh.

11. Bít tết

Các mảnh thịt vụn thường được tái sử dụng để tránh hao phí và đây là lý do tại sao các nhà hóa học phát minh ra transglutaminase, hay còn gọi là keo thịt. Chất này được sử dụng để “dán” các miếng thịt vụn lại với nhau để tạo thành một miếng bít tết hoàn chỉnh.

Transglutaminase có thể gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa và bệnh celiac, một chứng làm rối loạn sự hấp thụ chất béo, vitamin, sắt và canxi. Để tránh mua phải thịt bít tết giả có chứa chất này, bạn hãy mua thực phẩm từ các nguồn uy tín và tránh mua thực phẩm đông lạnh.

12. Thịt bằm

Hamburger là một món thức ăn nhanh khá nhiều gia vị và những gia vị khiến miếng thịt bằm trong bánh trở thành một trong những thực phẩm dễ làm giả. Miếng thịt bằm trong hamburger có thể không phải là thịt mà được làm từ tinh bột, men biến đổi gien và lúa mì. Ngoài ra, thịt trong hamburger cũng có thể được làm từ đậu nành và các loại đậu khác.

Bạn rất khó để phân biệt thịt giả khi ăn hamburger ngoài tiệm. Vậy nên, bạn hãy tự bằm thịt để làm hamburger tại nhà nhé.

13. Thực phẩm hun khói

Quá trình hun khói tự nhiên rất lâu và khó khăn nên các nhà sản xuất có thể chỉ sử dụng hương liệu để tạo vị hun khói cho thức ăn. Hương liệu này có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm nếu dùng quá nhiều.

Thịt và cá hun khói thường khô và không sáng màu và màu sắc của thực phẩm cũng thường đều chứ không phải chỗ đậm chỗ nhạt. Những đặc điểm này có thể giúp bạn chọn được thực phẩm không có hương liệu.

Các thực phẩm dễ làm giả xuất hiện trên thị trường có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa hay thậm chí là ung thư. Bạn hãy bảo vệ sức khỏe bằng cách lựa chọn cẩn thận và mua thực phẩm ở những nơi uy tín nhé.

Như Vũ

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.