Những lợi ích và hạn chế của chế độ ăn ayurvedic
Photo by Gabe Pierce on Unsplash

Những lợi ích và hạn chế của chế độ ăn ayurvedic

Ayurvedic là một chế độ ăn của người Ấn Độ đã xuất hiện từ hàng nghìn năm. Nhiều người không biết chế độ ăn ayurvedic là gì và liệu phương pháp này có thật sự mang lại những lợi ích cho sức khỏe hay không?

Đây là chế độ ăn rất phổ biến vì không chỉ giúp tăng cường thể chất mà còn nâng cao sức khỏe tinh thần của bạn. Để khám phá rõ hơn về ayurvedic và những lợi ích mà phương pháp này mang lại, mời bạn cùng HSSK tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Chế độ ăn ayurvedic là gì?

Ayurvedic là chế độ ăn được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của y học Ayurveda và tập trung vào việc cân bằng các loại năng lượng khác nhau trong cơ thể để cải thiện sức khỏe. Không giống như nhiều chế độ ăn khác, ayurvedic đưa ra những gợi ý về chế độ ăn khác nhau cho từng cá nhân riêng biệt.

Hệ thống y học Ayurveda là một hệ điều trị toàn diện tập trung vào việc thúc đẩy sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần của bạn. Theo hệ thống này, năm nguyên tố tạo nên vũ trụ bao gồm: vayu (khí), jala (thủy), akash (trời), teja (hỏa) và prithvi (thổ).

Người ta tin rằng, năm yếu tố này sẽ tạo thành ba loại năng lượng khác nhau lưu thông trong cơ thể, gọi là dosha. Mỗi dosha chịu trách nhiệm cho các chức năng sinh lý cụ thể. Ba dosha này là pitta, vata và kapha. Dosha pitta có vai trò kiểm soát sự đói, khát và nhiệt độ cơ thể. Trong khi đó, dosha vata duy trì sự cân bằng điện phân và chuyển động của con người còn dosha kapha thúc đẩy các chức năng khớp.

Chế độ ăn ayurvedic tác dụng dựa trên việc xác định dosha chiếm ưu thế trong cơ thể bạn và lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp để thúc đẩy sự cân bằng giữa cả ba doshas.

Những tác dụng của chế độ ăn Ayurvedic là gì?

Chế độ ăn ayurvedic đưa ra những kế hoạch ăn uống có thời gian, phương pháp cũng như thực đơn cụ thể phù hợp với từng cơ thể riêng biệt. Dưới đây là một số đặc điểm chính của mỗi dosha để giúp bạn xác định xem mình thuộc nhóm dosha nào:

  • Pitta (hỏa + thủy): Thông minh, chăm chỉ và quyết đoán. Những người thiên về yếu tố dosha này thường có cấu trúc thể chất trung bình, nóng tính và có thể bị mắc các chứng bệnh như khó tiêu, bệnh tim hoặc huyết áp cao.
  • Vata (khí + trời): Sáng tạo, tràn đầy năng lượng và hoạt bát. Những người có dosha này thường gầy với khung xương nhẹ. Họ có thể gặp vài vấn đề về tiêu hóa, mệt mỏi hoặc lo lắng khi mất cân bằng.
  • Kapha (thổ + thủy): Bình tĩnh bẩm sinh, trầm ổn và trung thành. Những người có yếu tố dosha kapha thường có tạng người chắc chắn hơn và có thể có vấn đề với cân nặng, hen suyễn, trầm cảm hoặc tiểu đường.

Theo chế độ ăn này, việc xác định xem bản thân thuộc nhóm dosha nào giúp bạn chọn được loại thực phẩm phù hợp để thúc đẩy sự cân bằng bên trong cơ thể bạn.

Ví dụ, những người thuộc nhóm dosha pitta nên ăn những thực phẩm có tính mát và cung cấp năng lượng, hạn chế đồ ăn cay nóng và các loại hạt. Trong khi đó, người trong nhóm dosha vata ưa thích các loại thực phẩm ấm, mềm và được trồng bằng đất. Ngược lại, họ cần hạn chế các loại trái cây khô, cây cỏ có vị đắng và rau sống. Cuối cùng, dosha kapha hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm khó tiêu như ngũ cốc, các loại hạt, dầu có vị trái cây, rau và các loại đậu.

Thịt đỏ, chất làm ngọt nhân tạo và các thực phẩm đóng hộp cần được hạn chế trong chế độ ăn của cả ba nhóm dosha. Bên cạnh đó, chế độ ăn ayurvedic khuyến khích mọi người nên ăn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh và trái cây.

Lợi ích của chế độ ăn ayurvedic đối với sức khỏe là gì?

Dưới đây là vài lợi ích tiềm năng mà chế độ ăn Ayurvedic đem lại:

Khuyến khích ăn nhiều thực phẩm toàn phần

Chế độ ăn ayurvedic đưa ra những loại thực phẩm cụ thể phù hợp cho từng dosha. Tuy nhiên, chế độ ăn này nhìn chung khuyến khích bạn nên ăn các loại thực phẩm toàn phần như trái cây, rau, ngũ cốc và các loại đậu. Đây đều là những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.

Phương pháp này cũng giúp bạn hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, thậm chí là tử vong. Do đó, chế độ ăn ayurvedic có thể giúp tăng cường sức khỏe và bảo vệ bạn khỏi những căn bệnh mạn tính nguy hiểm.

Giúp giảm cân

Chế độ ăn ayurvedic thường tập trung vào những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, vì vậy chúng cũng có thể giúp bạn giảm cân.

Một nghiên cứu trên 200 người thuộc nhóm dosha pitta và kapha cho thấy rằng việc ăn uống theo chế độ ayurvedic trong ba tháng có thể giúp giảm cân đáng kể. Những người này ban đầu thường có xu hướng nặng cân hơn người thuộc nhóm dosha vata.

Một nghiên cứu nhỏ khác cho thấy việc tuân thủ theo chế độ ăn ayurvedic và tham gia các lớp yoga có thể giúp bạn giảm trung bình khoảng 6kg chỉ trong 9 tháng.

Mặc dù các nghiên cứu về tác dụng giảm cân của ayurvedic còn hạn chếnhưng thực tế là tác dụng này vẫn được ghi nhận.

Thúc đẩy chánh niệm

Ngoài những thực phẩm bạn tiêu thụ, chánh niệm là một phần quan trọng khác của chế độ ăn ayurvedic. Chánh niệm liên quan mật thiết đến việc chú tâm đến cảm giác hiện tại của bạn.

Đặc biệt, ăn uống chánh niệm nhấn mạnh đến việc giảm thiểu các phiền nhiễu trong bữa ăn để bạn có thể tập trung hoàn toàn vào hương vị, kết cấu cũng như mùi vị của món ăn.

Theo một nghiên cứu nhỏ trên 10 người, thực hành ăn uống chánh niệm giúp giảm trọng lượng cơ thể, trầm cảm, căng thẳng và rối loạn ăn uống. Việc ăn uống chánh niệm cũng có thể tăng cường khả năng tự kiểm soát bản thân và thúc đẩy sự liên kết của cơ thể với thực phẩm.

Những hạn chế của chế độ ăn ayurvedic

Mặc dù chế độ ăn ayurvedic mang tới nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng chế độ ăn này cũng tiềm ẩn những hạn chế nhất định. Dưới đây là một vài nhược điểm của ayurvedic:

Gây bối rối và nhầm lẫn

Một trong những hạn chế chính của chế độ ăn ayurvedic là dễ gây nhầm lẫn và khó theo dõi cho người ăn. Sở dĩ xảy ra việc này xảy ra là vì ayurvedic không chỉ quy định những loại thực phẩm cụ thể mà mỗi nhóm dosha nên ăn mà còn quy định cả về thời gian, tần suất và lượng thực phẩm mà bạn nên tiêu thụ mỗi ngày. Không những vậy, danh sách thực phẩm mà bạn có thể ăn và nên tránh có thể thay đổi tùy theo mùa trong năm. Cũng chính vì lý do này mà một số người mới bắt đầu ăn theo chế độ ayurvedic cảm thấy bối rối.

Khiến bạn cảm thấy quá gò bó

Trong chế độ ăn ayurvedic, có danh sách những loại thực phẩm mà bạn nên ăn hoặc tránh ăn tùy thuộc vào từng loại dosha riêng. Chính vì vậy, có một số loại thực phẩm tốt cho sức khỏe lại bị loại khỏi chế độ ăn vì được cho là gây ra gánh nặng cho cơ thể và không phù hợp với loại dosha của bạn.

Thịt đỏ hoặc thực phẩm chế biến sẵn cũng bị loại khỏi chế độ ăn. Bạn có thể phải thay đổi chế độ ăn uống hiện tại của bản thân rất nhiều và điều này làm bạn khó thích ứng với chế độ ăn mới ngay lập tức.

Thực tế là chế độ ăn ayurvedic có thể khiến bạn cảm thấy gò bó hơn các chế độ ăn khác, đôi lúc có thể gây khó khăn cho bạn trong việc tuân thủ chế độ ăn này một thời gian dài.

Khó xác định nhóm dosha của bản thân một cách chính xác

Chế độ ăn này được xây dựng dựa trên việc xác định yếu tố dosha chiếm ưu thế trong cơ thể bạn căn cứ vào tập hợp các đặc điểm thể chất và tính cách của bạn, từ đó chọn ra những loại thực phẩm phù hợp giúp thúc đẩy các dosha đó.

Mặc dù có rất nhiều phương pháp giúp xác định xem bạn thuộc nhóm dosha nào nhưng những cách này thường không đảm bảo độ chính xác hoàn toàn. Chế độ ăn ayurvedic của mỗi người được xây dựng và điều chỉnh tùy vào nhóm dosha của người đó. Vì vậy, việc xác định sai nhóm dosha có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chế độ ăn cũng như sức khỏe của bạn.

Thêm vào đó, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào củng cố cho khái niệm dosha hoặc những nhận định về mối liên hệ giữa tính cách và loại thực phẩm mà bạn nên ăn hoặc nên tránh. Do đó, lợi ích của phương pháp ăn kiêng ayurvedic không rõ ràng, ngay cả khi bạn đã xác định chính xác dosha của mình.

Những loại thực phẩm bạn nên ăn dựa trên chế độ ayurvedic

Trong hệ thống y học Ayurveda, thực phẩm được phân loại dựa trên năng lượng chúng cung cấp và cách chúng ảnh hưởng đến cơ thể bạn. Điều này giúp xác định danh sách các loại thực phẩm phù hợp cho mỗi dosha.

Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên ăn dựa trên dosha cụ thể của bạn.

Pitta

  • Protein: lượng nhỏ thịt gia cầm, lòng trắng trứng, đậu phụ
  • Chế phẩm từ sữa: sữa, bơ thanh lọc (ghee), bơ
  • Hoa quả: hoa quả ngọt, chín hoàn toàn như cam, lê, dứa, chuối, dưa hấu và xoài
  • Rau: rau có vị ngọt hoặc đắng, bao gồm bắp cải, súp lơ, cần tây, dưa leo, bí xanh, rau xanh, khoai lang, cà rốt, bí, và cải Brussel.
  • Đậu: đậu gà, đậu lăng, đậu xanh, đậu lima, đậu đen, đậu tây
  • Ngũ cốc: lúa mạch, yến mạch, gạo basmati, lúa mì
  • Hạt: một lượng nhỏ hạt bí, hạt lanh, hạt hướng dương…
  • Rau thơm và gia vị: một lượng nhỏ hạt tiêu đen, nghệ, quế, ngò, thì là

Vata

  • Protein: lượng nhỏ thịt gia cầm, hải sản, đậu phụ
  • Chế phẩm từ sữa: sữa, bơ, sữa chua, phô mai, bơ thanh lọc (ghee)
  • Hoa quả: hoa quả ngọt, chín hoàn toàn chẳng hạn như chuối, việt quất, dâu tây, bưởi, xoài, đào và mận
  • Rau: rau đã nấu chín, bao gồm củ dền, khoai lang, khoai tây, hành tây, củ cải, cà rốt và đậu que
  • Đậu: đậu gà, đậu lăng, đậu xanh
  • Ngũ cốc: yến mạch chín, cơm
  • Hạt: bất kỳ loại hạt nào, có thể là hạnh nhân, quả óc chó, hạt dẻ cười, hạt chia, hạt lanh và hạt hướng dương
  • Rau thơm và gia vị: Bạch đậu khấu, gừng, thì là, húng quế, đinh hương, kinh giới, húng tây, hạt tiêu đen.

Kapha

  • Protein: lượng nhỏ thịt gia cầm, hải sản, lòng trắng trứng
  • Chế phẩm làm từ sữa: sữa tách kem, sữa dê, sữa đậu nành
  • Hoa quả: táo, việt quất, lê, lựu, cherry và các loại trái cây khô như nho khô, sung và mận
  • Rau: măng tây, rau xanh, hành tây, khoai tây, nấm, củ cải, đậu bắp
  • Đậu: bất kỳ loại nào, có thể là đậu đen, đậu gà, đậu lăng và đậu trắng
  • Ngũ cốc: yến mạch, lúa mạch đen, kiều mạch, lúa mạch, ngô, kê
  • Hạt: một lượng nhỏ hạt bí, hạt hướng dương, hạt lanh
  • Rau thơm và gia vị: bao gồm thì là, hạt tiêu đen, nghệ, gừng, quế, húng quế, kinh giới và húng

Thực phẩm cần tránh ăn cho người theo chế độ ayurvedic

Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên hạn chế ăn hoặc tránh dựa trên dosha của bạn.

Pitta

  • Protein: thịt đỏ, hải sản, lòng đỏ trứng
  • Chế phẩm từ sữa: kem chua, phô mai, sữa lên men (buttermilk)
  • Hoa quả: trái cây chua hoặc chưa chín, chẳng hạn như nho, mơ, đu đủ, bưởi và cherry chua
  • Rau: ớt, củ cải đường, cà chua, hành tây, cà tím
  • Ngũ cốc: gạo lứt, kê, ngô, lúa mạch đen
  • Hạt: hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, hạt thông, hạt dẻ cười, quả óc chó, mè
  • Rau thơm và gia vị: tất cả gia vị không được kể ở trên

Vata

  • Protein: thịt đỏ
  • Hoa quả: trái cây khô, chưa chín hoặc còn xanh, chẳng hạn như nho khô, nam việt quất (cranberry), lựu và lê
  • Rau: bất kỳ loại rau sống nào, ngoài ra còn có bông cải xanh nấu chín, bắp cải, súp lơ, nấm, khoai tây và cà chua
  • Đậu: các loại đậu như đậu đen, đậu tây và đậu hải quân (navy beans)
  • Ngũ cốc: kiều mạch, lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì, ngô, diêm mạch, hạt kê
  • Rau thơm và gia vị: rau thơm có vị đắng hoặc chứa chất làm săn se như rau mùi tây, húng tây và hạt rau mùi

Kapha

  • Protein: thịt đỏ, tôm, lòng đỏ trứng
  • Hoa quả: chuối, dừa, xoài, quả sung tươi
  • Rau: khoai lang, cà chua, bí xanh, dưa leo
  • Đậu: đậu nành, đậu tây, tương đậu (tương miso)
  • Ngũ cốc: gạo, lúa mì, ngũ cốc nấu chín
  • Hạt: hạt điều, hồ đào, hạt thông, mè, óc chó.

Chế độ ăn ayurvedic là một kế hoạch ăn uống dựa trên các nguyên tắc của hệ thống y học Ayurveda, một hình thức của y học cổ truyền có từ hàng nghìn năm trước. Chế độ ăn này được xây dựng dựa trên những loại thực phẩm nên ăn và hạn chế ăn dựa trên từng loại dosha hoặc từng thể trạng cơ thể riêng biệt. Nhiều người tin rằng chế độ ăn này giúp giảm cân và củng cố sức khỏe tinh thần của bạn

Tuy nhiên, chế độ ăn này có thể gây bối rối và làm người ăn cảm thấy gò bó, phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như tính cách, thể trạng cũng như cơ thể bạn. Thêm vào đó, chưa có nhiều nghiên cứu sâu về chế độ ăn ayurvedic. Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã phần nào giúp bạn trả lời câu hỏi chế độ ăn ayurvedic là gì và tác dụng của nó đối với sức khỏe như thế nào.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.