Tên chung quốc tế: Miconazole.
Mã ATC: A01A B09, A07A C01, D01A C02, G01A F04, J02A B01, S02A A13.
Loại thuốc: Chống nấm loại imidazol.
Dạng thuốc và hàm lượng
Kem: 2%; mỡ: 2%; bột: 2%; thuốc xức: 2%; gel rà miệng: 2%; viên nén: 250 mg, 125 mg; viên đặt âm đạo: 100 mg, 200 mg; viên nang: 1200 mg; dung dịch tiêm: 200 mg/10 ml (được hòa trong 200 ml natri clorid 0,9% hoặc glucose 5% để truyền tĩnh mạch.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Miconazol là thuốc imidazol tổng hợp có tác dụng chống nấm đối với các loại như: Aspergillus, Blastomyces, Candida, Cladosporium, Coccidioides, Epidermophyton, Histoplasma, Madurella, Pityrosporon, Microsporon, Paracoccidioides, Phialophora, Pseudallescheria và Trichophyton. Miconazol cũng có tác dụng với vi khuẩn Gram dương. Miconazol ức chế tổng hợp ergosterol ở màng tế bào nấm gây ức chế sự sinh trưởng của tế bào vi khuẩn nấm.
Khi dùng ngoài, miconazol hấp thụ qua lớp sừng của da và hấp thụ vào máu dưới 1%. Nhưng nếu đặt vào đường âm đạo thì sẽ hấp thụ vào máu khoảng dưới 1,3%.
Khi dùng đường uống, miconazol hấp thụ không hoàn toàn, khả dụng sinh học vào khoảng 25 - 30%. Sau khi uống liều 1g, nồng độ cao nhất trong huyết tương đạt được sau 4 giờ là 1 microgam/lít. Khoảng 50% liều uống được đào thải theo phân dưới dạng không đổi và có từ 20 - 30% được đào thải qua nước tiểu dưới dạng chuyển hóa.
Khi dùng đường tĩnh mạch, truyền với liều cao hơn 9 mg/kg thể trọng, nồng độ huyết tương đạt cao hơn 1 microgam/1 ml. Có một tỷ lệ cao các nấm nhạy cảm với miconazol được ức chế bởi những nồng độ huyết tương 2 microgam/ ml hoặc ít hơn. Sự chuyển hóa của miconazol theo đường truyền tĩnh mạch qua 3 giai đoạn: Nửa đời giai đoạn đầu khoảng 0,4 giờ, giai đoạn giữa 2,5 giờ và nửa đời thải trừ kéo dài khoảng 24 giờ. Trong máu có khoảng 90% miconazol gắn với protein huyết tương và được chuyển hóa ở gan thành các chất không còn tác dụng. Có từ 10 - 20% được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa.
Chỉ định
Miconazol dùng bôi tại chỗ trong các bệnh do nấm chủ yếu là Candida albican (hiệu quả khỏi 80 - 90%), và một số trường hợp nhiễm nấm khác như nấm mắt, nấm ngoài da, nấm âm đạo, nấm đường tiêu hóa. Miconazol cũng được dùng chữa nhiễm nấm toàn thân hoặc nấm màng não nặng qua truyền tĩnh mạch hoặc tiêm vào màng cứng nhưng hiện nay một số azol khác được dùng phổ biến hơn. Dùng miconazol qua đường uống để chữa nhiễm nấm Candida ở miệng và đường tiêu hóa.
Chống chỉ định
Quá mẫn với miconazol
Người mang thai.
Người có tổn thương gan. Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Phối hợp với warfarin, astemizol, cisaprid.
Thận trọng
Dùng tại chỗ có thể kích ứng nhẹ, nổi mẩn.
Khi tiêm truyền: Mỗi liều phải pha loãng với ít nhất 200 ml dịch truyền để có nồng độ 1 mg/ml, tốc độ truyền chậm 100 mg mỗi giờ để giảm thiểu độc tính đối với tim phổi. Cần kiểm tra đều đặn hematocrit, huyết sắc tố, điện giải huyết, lipid huyết.
Kem bôi âm đạo và viên đặt âm đạo chứa miconazol có thể tương tác với các sản phẩm latex (màng ngăn tránh thụ thai và túi cao su).
Thời kỳ mang thai
Ở động vật, miconazol không thể hiện tác dụng sinh quái thai nhưng độc với thai khi cho uống liều cao. Ở người tác dụng này chưa rõ. Tuy nhiên, cũng như với các imidazol khác, nếu có thể nên tránh sử dụng cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Không tìm thấy miconazol trong sữa người mẹ uống thuốc trong thời kỳ đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Miconazol dùng dưới dạng bôi ngoài da, đặt âm đạo, uống và tiêm tĩnh mạch, tiêm trong màng.
Dùng ngoài được coi là dung nạp tốt, nhưng đôi khi có thể gây kích ứng hoặc rát bỏng. Dùng uống có thể gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn hoặc đôi khi ỉa chảy. Dùng đường tiêm gây tác dụng phụ chiếm tỷ lệ cao nhất.
Thường gặp, ADR > 1/100
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đôi khi ỉa chảy.
Gan: Cảm ứng enzym gan, phải tăng liều để duy trì hiệu lực của thuốc.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tim mạch: Có thể gây viêm tĩnh mạch tại chỗ khi tiêm truyền. Tiêm tĩnh mạch nhanh có thể xảy ra trụy mạch, một số trường hợp bị nhịp nhanh thất, kể cả ngừng tim, ngừng thở mà người ta cho là do tác dụng giải phóng histamin của cremophor (chất mang). ở trẻ nhỏ, trọng lượng thấp dùng liều cao 150 mg/kg/ngày trong vòng 2 ngày có thể gây nhịp tim chậm và rối loạn dẫn truyền trong thất.
Tiêu hóa: Dùng đường uống có tai biến nhẹ, như buồn nôn, nôn, đầy bụng, ỉa chảy. Dùng đường tiêm gây ỉa chảy nhiều hơn.
Cân bằng nước điện giải: Giảm natri huyết.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Thần kinh: Viêm màng nhện sau khi tiêm tủy sống. Một số trường hợp bị tăng cảm giác lâng lâng, lơ mơ, loạn thần cấp.
Tuần hoàn: Kết tụ hồng cầu khi tiêm tĩnh mạch. Một vài trường hợp tăng tiểu cầu. Nhiều trường hợp có tăng lipid huyết có lẽ do dung môi đem dùng.
Ngoài da: Ngứa, ban đỏ.
Liều lượng và cách dùng
Miconazol được dùng tại chỗ, truyền tĩnh mạch và tiêm trong màng cứng.
Miconazol tiêm truyền tĩnh mạch chỉ dùng điều trị bệnh nấm toàn thân nặng, tuy nhiên theo ý kiến của chuyên gia y tế thì miconazol là thuốc chọn lựa thứ cấp. Nên thay thế bằng amphotericin B, fluconazol, itraconazol và ketoconazol vì lý do trường hợp điều trị với miconazol không kết quả, miconazol lại có thể gây độc cao và số lượng nghiên cứu trên người bệnh còn hạn chế, trong khi đó các thuốc fluconazol, itraconazol và ketoconazol có hiệu quả trên một số bệnh nấm hơn miconazol.
Không nên dùng miconazol đường tĩnh mạch để điều trị bệnh nhiễm nấm thông thường.
Ðường tĩnh mạch
Liều thường dùng người lớn: Liều truyền tĩnh mạch điều trị nhiễm nấm trong khoảng từ 200 mg đến 1,2 g, mỗi ngày truyền 3 lần. Mỗi liều hòa tan trong ít nhất 200 ml natri clorid 0,9% hoặc glucose 5%, truyền chậm trong 30 - 60 phút (nồng độ 1 mg/ml và tốc độ 100 mg mỗi giờ).
Sau đây là các liều hàng ngày, có thể chia làm 3 lần truyền để điều trị các bệnh nhiễm nấm:
Bệnh nhiễm nấm Candida: 600 mg đến 1,8 g/ngày, trong 1 đến 20 tuần.
Bệnh nhiễm nấm Coccidioides immitis: 1,8 đến 3,6 g/ngày, trong 3 đến 20 tuần.
Bệnh nhiễm nấm Cryptococcus neoformans: 1,2 đến 2,4 g/ngày, trong 3 đến 12 tuần.
Bệnh nhiễm nấm Paracoccidioides brasiliensis: 200 mg đến 1,2 g/ngày, trong 2 đến 16 tuần.
Bệnh nhiễm nấm Pseudalles cheria boydii: 600 mg đến 3 g/ngày, trong 5 đến 20 tuần.
Trong viêm màng não do nấm, truyền tĩnh mạch miconazol có thể bồi phụ thêm bằng tiêm trong màng cứng miconazol với liều đơn 20 mg, cứ 3 đến 7 ngày một lần.
Trong bệnh nhiễm nấm bàng quang, truyền tĩnh mạch miconazol kèm theo rửa bàng quang với liều 200 mg, 2 đến 4 lần/ngày.
Liều thường dùng cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên: Truyền tĩnh mạch với liều 20 - 40 mg/kg thể trọng/ngày, mỗi lần truyền không được quá 15 mg/kg thể trọng.
Ðường uống
Người lớn: Dùng viên nén hoặc gel với liều 125 - 250 mg, 4 lần/ngày, trong 10 ngày để điều trị nhiễm nấm Candida miệng và đường tiêu hóa.
Có thể điều trị tại chỗ miệng và họng bằng cách ngậm viên thuốc để miconazol tan từ từ trong miệng.
Bôi tại chỗ
Nấm da, móng tay, móng chân: Dùng dạng kem, thuốc nước, bột miconazol nitrat 2% bôi vào chỗ nhiễm nấm 1 - 2 lần/ngày.
Nấm phổi: Dùng khí dung miconazol.
Nấm mắt: Dùng dung dịch nhỏ mắt.
Nấm âm đạo do Candida: Tra vào âm đạo 5 - 10 g kem 2% hàng ngày, hoặc dùng viên đặt âm đạo 100 mg/ngày, trong 7 đến 14 ngày, hoặc dùng viên đặt âm đạo 200 mg/ngày, trong 3 đến 7 ngày, hoặc dùng một liều duy nhất 1,2 g.
Tương tác thuốc
Kích hoạt tác dụng của thuốc chống đông máu đường uống (cumarin và warfarin), cụ thể dùng miconazol đường tĩnh mạch, đường uống, gel thoa miệng đều có thể gây xuất huyết trầm trọng do làm tăng dạng tự do tuần hoàn trong máu và ức chế chuyển hóa warfarin.
Với astemizol, cisaprid hoặc terfenadin: Tăng nguy cơ gây nhịp nhanh thất, rung thất.
Với phenytoin: Tăng hàm lượng phenytoin trong huyết tương đến mức gây độc do ức chế chuyển hóa phenytoin ở gan.
Với sulfamid hạ đường huyết: Tăng tác dụng hạ đường huyết, gây hạ đường huyết trầm trọng thậm chí hôn mê.
Carbamazepin: Dùng đồng thời với miconazol có thể gây tác dụng phụ.
Ðộ ổn định và bảo quản
Tránh ánh sáng, bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Quá liều và xử trí
Rửa dạ dày, sau đó điều trị các triệu chứng.
Nguồn: Dược Thư 2002