Thiếu vitamin B2 gây bệnh gì? Top 6 thực phẩm bổ sung vitamin B2 cho cơ thể
Photo by Claudio Schwarz on Unsplash

Thiếu vitamin B2 gây bệnh gì? Top 6 thực phẩm bổ sung vitamin B2 cho cơ thể

Vitamin B2 là gì? Thiếu vitamin B2 gây bệnh gì và nên ăn gì để bổ sung vitamin B2 cho cơ thể là băn khoăn của nhiều người khi muốn cải thiện dinh dưỡng cho bản thân và gia đình. Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết những thông tin liên quan đến vitamin B2.

Vitamin B2 là gì?

Vitamin B2 thuộc phức hợp vitamin nhóm B, tên gọi khác là Riboflavin. Vitamin B2 đóng vai trò quan trọng với cơ thể, giúp các tế bào máu khỏe mạnh, tăng cường năng lượng, giảm viêm, duy trì sự trao đổi chất và ngăn ngừa tổn thương do các gốc tự do gây ra. Bên cạnh đó, vitamin B2 còn có chức năng quan trọng đối với hệ thần kinh, tim mạch, nội tiết, tiêu hóa, giúp duy trì da, tóc, móng khỏe mạnh.

Vitamin B2 tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng giúp cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, là thành phần của một số enzym quan trọng trong quá trình hô hấp tế bào. Tham gia tái tạo và bảo vệ các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là vùng da, niêm mạc quanh miệng. Ngoài ra cũng ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ ánh sáng của mắt đặc biệt là sự nhìn màu. Thiếu vitamin B2 sẽ gây nhiệt miệng, lưỡi, lở mép, viêm da, đau mỏi mắt…

Vitamin B2 tan trong nước. Cơ thể người không có khả năng dự trữ vitamin B2, khi dư thừa cơ thể sẽ đào thải qua nước tiểu. Do đó, vitamin B2 cần được cung cấp cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, bổ sung mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm: 6 vitamin nhóm B phổ biến và những điều cần biết

Thiếu vitamin B2 gây bệnh gì?

Là dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe, vậy thiếu vitamin B2 gây bệnh gì? Tình trạng thiếu hụt vitamin B2 không quá phổ biến bởi có rất nhiều loại thực phẩm chứa dưỡng chất này. Bạn có thể dễ dàng bổ sung dưỡng chất này thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Các trường hợp thiếu hụt vitamin B2 thường xảy ra đối với những người bị rối loạn nội tiết hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Khi thiếu vitamin B2, cơ thể sẽ dễ gặp phải các tình trạng sau:

  • Tổn thương mắt: Mắt là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên khi cơ thể thiếu hụt vitamin B2. Khi đó, mắt dễ bị viêm kết mạc, xung huyết mắt, viêm bờ mi hoặc loét vùng mi mắt. Do đó, người thiếu vitamin B2 sẽ cảm thấy ngứa mắt, dễ chảy nước mắt, rát mắt hoặc sợ ánh sáng. Nếu không khắc phục kịp thời, mắt có thể sẽ gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn như: quáng gà, chảy máu võng mạc, đục thủy tinh thể…
  • Cơ thể mệt mỏi: Quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thực phẩm sang năng lượng tế bào có sự tham gia của vitamin B2. Do đó, khi thiếu hụt vitamin B2 quá trình chuyển hóa này sẽ bị ảnh hưởng, khiến cơ thể không cung cấp đủ năng lượng, từ đó dẫn đến tình trạng mệt mỏi và căng thẳng.
  • Rụng tóc, gãy tóc: Vitamin B2 là thành phần của hai loại coenzyme quan trọng là flavin mononucleotide và flavin adenine dinucleotide. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và chức năng của tế bào trong đó có tế bào nang tóc.
  • Tổn thương khóe miệng: viêm mép (nứt, loét); viêm lưỡi (có màu tím hoặc đỏ), phù nề miệng và cổ họng, đau họng,…
  • Chậm phát triển ở trẻ: Trẻ em thiếu hụt vitamin B2 trong giai đoạn lớn sẽ bị biếng ăn, chậm phát triển, dễ mắc các bệnh về da. Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu với vitamin B2 nhiều hơn và nếu thiếu dưỡng chất này, thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao.
  • Thiếu vitamin B2 gây mụn: Sự thiếu hụt vitamin nhóm B nói chung và vitamin B2 nói riêng được biết tới như nguyên nhân làm tình trạng mụn thêm trầm trọng. Bởi vitamin B là một vi chất chống oxy hóa, có thể cải thiện sự lưu thông trong máu và giúp da được thông thoáng.

Có thể bạn quan tâm: Con của bạn có thiếu vitamin B không?

Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin B2

Muốn chẩn đoán chính xác cơ thể bạn có thiếu hụt vitamin B2 hay không cần phải tiến hành các xét nghiệm phân tích:

– Flavin hồng cầu.

– Glutathione Reductase hồng cầu.

– Nồng độ vitamin B2 trong nước tiểu.

Khi có kết quả từ các xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp bổ sung và điều trị thiếu hụt vitamin B2 thông qua đường uống hoặc đường tiêm. Với phương pháp đường uống, vitamin B2 sẽ được bổ sung vào cơ thể dưới dạng viên uống được sử dụng nhiều lần trong ngày kết hợp cùng với chế độ dinh dưỡng. Còn phương pháp đường tiêm chỉ phù hợp với các đối tượng kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa hoặc cần bổ sung vitamin B2 khẩn cấp.

Bổ sung vitamin B2 bao nhiêu là đủ?

Những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được thiếu vitamin B2 gây bệnh gì. Vậy nên bổ sung vitamin B2 thế nào cho đủ? Lượng vitamin B2 được khuyến nghị hàng ngày đối với nam giới từ 19 tuổi trở lên là 1,3 miligam mỗi ngày và đối với phụ nữ là 1,1 miligam mỗi ngày. Khi mang thai, mỗi ngày phụ nữ nên bổ sung 1,4 miligam và khi cho con bú là 1,6 miligam. Đối với trẻ em, từ 9 – 13 tuổi cần bổ sung 900 miligam vitamin B2 mỗi ngày.

Thiếu vitamin B2 nên ăn gì?

Vì cơ thể con người không thể tự tổng hợp và dự trữ vitamin B2 nên bạn cần cung cấp vitamin B2 hàng ngày thông qua việc bổ sung bằng thực phẩm ăn uống giàu vitamin B2 hoặc sử dụng thực phẩm chức năng chứa vitamin B2 hoặc vitamin B – complex.

Để bổ sung vitamin B2 thông qua chế độ ăn uống hàng ngày, bạn có thể tham khảo 6 loại thực phẩm dưới đây:

1. Các sản phẩm từ sữa

Sữa tươi, sữa chua, phô mai, bơ đều là những thực phẩm giàu vitamin B2. Theo đó, một cốc sữa tươi 240ml có thể cung cấp 26% nhu cầu khuyến nghị bổ sung vitamin B2 hàng ngày cho cơ thể.

2. Gan bò

Đây là một trong những thực phẩm giàu vitamin B2 nhất. Bên cạnh đó, gan bò cũng chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như: vitamin A, sắt, đồng… Tuy vậy, bạn không nên tiêu thụ quá nhiều gan bò vì sẽ khiến cơ thể dễ đối mặt với nguy cơ tăng cholesterol trong máu.

3. Thịt bò

Thịt bò nạc là nguồn cung cấp vitamin nhóm B dồi dào, trong đó có vitamin B2. Bạn có thể tiêu thụ lượng thịt bò từ 300 – 500 gram/tuần để đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng cho cơ thể một cách lành mạnh.

4. Trứng

Lòng đỏ trứng rất giàu vitamin B, bao gồm vitamin B2. Một quả trứng chứa 0,2 mg vitamin B2 hoặc khoảng 15% giá trị khuyến nghị hàng ngày. Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng chỉ nên ăn 3 quả trứng/tuần thôi nhé!

5. Ngũ cốc

Vitamin B2 và các vitamin nhóm B khác thường được tìm thấy trong hầu hết các loại ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm carbohydrate bao gồm bánh mì, ngũ cốc và mì ống.

6. Cá

Các loại cá khác như cá thu, cá trích, cá hồi, cá ngừ cũng chứa lượng khá lớn vitamin B2. Bổ sung vitamin B2 từ cá rất an toàn vì hạn chế được lượng cholesterol khi nạp vào cơ thể. Ngoài ra, trong cá cũng chứa nhiều omega 3, rất tốt cho não bộ và thị lực.

Có thể thấy, vitamin B2 đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã biết cách bổ sung vitamin B2 và thông tin cần thiết để trả lời cho câu hỏi thiếu vitamin B2 gây bệnh gì. Nếu thấy những thông tin trong bài viết này có ích đừng ngại chia sẻ cho bạn bè và người thân để hiểu hơn về vitamin B2 nhé!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.