12 điều bạn nên thuộc nằm lòng khi sử dụng lò vi sóng
Photo by CHUTTERSNAP on Unsplash

12 điều bạn nên thuộc nằm lòng khi sử dụng lò vi sóng

Nếu không biết cách sử dụng lò vi sóng, bạn không những làm hỏng món ăn ngon mà còn gây hại cho sức khỏe của cả nhà nữa đấy!

Khi mới mua lò vi sóng về nhà, không phải ai cũng đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và nhớ hết tất cả những lưu ý trong đó. Và thế là bạn quên mất những lời dặn dò của anh nhân viên kỹ thuật để rồi mắc phải những sai lầm có thể khiến bạn ân hận như cháy, nổ, vỡ…

Sử dụng lò vi sóng đúng cách sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian tối đa và đảm bảo an toàn khi vào bếp. Hãy lưu ý tránh 12 sai lầm sau đây và thuộc nằm lòng cách sử dụng lò vi sóng để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà nhé.

1. Hâm nóng ly cà phê giấy

Mặc dù được chế tạo để đựng đồ uống nóng, nhưng ly cà phê giấy không thể chịu được nhiệt của lò vi sóng. Nhiệt độ cực đại có thể làm cho chảy keo dán khiến ly bị rò rỉ nước ra ngoài. Nếu được nung nóng đủ lâu, các ly giấy thậm chí có thể bốc cháy.

Thay vì hâm nóng trực tiếp, bạn nên đổ cà phê vào ly thủy tinh hoặc tách làm bằng gốm sứ an toàn với vi sóng. Tốt nhất là bạn nên uống hết cà phê, như thế sẽ chẳng cần phải hâm nóng nữa!

2. Không canh chừng thức ăn

Bạn không nên đứng gần lò vi sóng, nhưng nếu bạn bỏ đi quá lâu thì có thể sẽ gặp sự cố như: thức ăn cháy khét, bắp rang nổ, hộp thủy tinh vỡ… vì bạn trót canh nhiệt độ quá cao. Bạn cần luôn để mắt đến thức ăn trong lò vi sóng để có thể kịp thời xử lý trong tình huống xấu nhất có thể.

Để cảm thấy an tâm hơn, bạn chỉ nên để trong khoảng thời gian ngắn tùy theo mục đích sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh hâm nóng một số loại thức ăn sau đây trong lò vi sóng vì sẽ gây hại cho sức khỏe: nấm, cần tây, trái cây, thức ăn chiên, nước sốt và sữa mẹ.

3. Dùng đồ chứa đựng bằng nhựa

Mặc dù có một số đồ chứa đựng bằng nhựa an toàn có thể được sử dụng trong lò vi sóng, nhưng bạn vẫn nên cẩn thận để tránh bị tan chảy, biến dạng và gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, các chất liệu bọc thực phẩm đông lạnh cũng không an toàn khi dùng trong lò vi sóng.

Còn màng bọc để bảo quản thức ăn thì sao? Mặc dù màng bọc được khuyến cáo an toàn khi không chạm vào thức ăn, nhưng tốt nhất là bạn nên gỡ ra trước khi cho vào lò vi sóng để tránh mọi khả năng rủi ro.

4. Tận dụng đĩa giấy tái chế

Các loại đĩa giấy tái chế cũng như khăn giấy được xem là không an toàn khi bạn cho vào lò vi sóng. Nhiều sản phẩm tái chế, bao gồm giấy sáp, có thể chứa các mảnh kim loại nhỏ có thể tạo tia lửa khi nướng bằng lò vi sóng. Bạn nên cho thức ăn ra đĩa sứ hoặc hộp thủy tinh để hâm sẽ đảm bảo an toàn hơn nhé!

5. Không khuấy đều thức ăn

Lò vi sóng làm ấm các phân tử nước không đồng đều nên thức ăn nóng lên nhanh chóng, nhưng chúng chỉ được khoảng 70 – 80%. Điều này có nghĩa là thực phẩm của bạn thường nóng ở bên ngoài và lạnh ở giữa. Các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao như rau quả sẽ nóng nhanh hơn các loại thực phẩm khác như thịt, cá…

Thức ăn không nóng đều chẳng những khó ăn mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe vì phần lạnh cho phép vi khuẩn có hại tồn tại. Vì thế, bạn nên khuấy đều hoặc đảo thức ăn rồi hâm thêm một chút nữa cho nóng đều nhé.

6. Lấy thức ăn ra quá nhanh

Bạn đã từng đói bụng đến mức không thể đợi quá 2 phút khi hâm nóng thức ăn? Vẫn biết cơn đói có thể khiến bạn mất kiên nhẫn, nhưng đây là một sai lầm có thể gây nguy hại cho hệ tiêu hóa của bạn đấy!

Bạn cần chờ đợi đúng thời điểm mới lấy thức ăn ra. Lò vi sóng được thiết kế làm cho các phân tử nước, đường và chất béo rung chuyển đến 2,5 triệu lần mỗi giây để tạo ra nhiệt. Các phân tử tiếp tục chuyển động và sản sinh ra nhiệt thậm chí ngay cả sau khi ngừng lò vi sóng.

Do đó, thời gian chờ sẽ cho phép các phân tử này từ từ dừng lại và kết thúc quá trình nấu. Hãy chắc chắn là bạn luôn đọc hướng dẫn và chú ý đến thời gian hâm nóng hoặc rã đông cho từng loại thực phẩm để đảm bảo nấu ăn đúng cách.

7. Luôn bật nút công suất cao

Không phải tất cả các loại thực phẩm đều có thể bật nút công suất cao (high power). Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA – United States Department of Agriculture), trong khi các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao như rau hâm nóng nhanh thì thức ăn đặc như thịt và phô mai có thể bị nấu chín hoặc nóng không đều.

Do đó, bạn nên nấu hoặc rã đông các thực phẩm đặc như những miếng thịt lớn, với công suất trung bình (khoảng 50% tổng khối lượng) trong một khoảng thời gian dài hơn. Điều này giúp rã đông hoặc làm nóng bên trong thức ăn mà không cần nấu chín quá mức bên ngoài.

8. Không dùng găng tay

Khi lò vi sóng báo hiệu đã xong, bạn mở cửa lò và dùng tay lấy thức ăn ra ngay? Các vật chứa đựng thức ăn rất nóng, thậm chí hơi nước cũng có thể gây bỏng! Đặc biệt, trẻ em rất dễ có nguy cơ bị bỏng khi tò mò mở lò vi sóng. Một cuộc nghiên cứu gần đây (khảo sát trong khoảng từ năm 2002 đến năm 2012) cho thấy gần 11.000 trẻ em trong độ tuổi 1–4 đã được điều trị tại khoa cấp cứu vì bỏng do ảnh hưởng của lò vi sóng.

Vì vậy, bạn nên chuẩn bị sẵn đôi bao tay ngay trên lò vi sóng và cẩn thận đợi vài giây cho hơi nóng bốc ra bớt rồi mới lấy thức ăn ra. Ngoài ra, bạn nên đặt lò vi sóng ở vị trí cao để trẻ không thể với tới nhé. Trong trường hợp bị bỏng bạn cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu để tránh bị bỏng nặng hơn.

9. Không nấu thức ăn đủ lâu

Ngay cả khi bạn không nấu thức ăn trong lò vi sóng, bạn cũng cần đảm bảo thức ăn của bạn được làm nóng triệt để ở nhiệt độ an toàn. Điều này không những đặc biệt quan trọng khi nấu trứng hay cá và thịt tươi mà cũng đúng đối với tất cả các loại thực phẩm bạn đang hâm nóng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên làm nóng tất cả các loại thực phẩm ít nhất 70°C.

Nếu bạn cảm thấy thức ăn vẫn còn lạnh thì cần nhanh chóng hâm thêm một chút nữa. Hãy ghi chú lại thời gian vừa đủ đối với từng loại thức ăn nếu không muốn hệ tiêu hóa của bạn gặp vấn đề vì thức ăn nguội lạnh nhé.

10. Hâm nóng thức ăn trong bao bì

Các loại thực phẩm đựng trong bao bì hay khay xốp trong siêu thị tuyệt đối không nên đưa vào lò vi sóng, kể cả khi bạn muốn rã đông. Các chất liệu này có thể bị cong vênh, tan chảy, hoặc đưa các hóa chất độc hại như BPA vào thực phẩm theo USDA. Các loại túi bảo quản bằng nhựa, túi giấy màu nâu, và giấy nhôm cũng không an toàn.

Đối với thực phẩm đông lạnh từ siêu thị, tốt nhất là bạn lấy thức ăn ra khỏi bao bì và cho vào hộp thủy tinh trước khi hâm nóng hay rã đông nhé.

11. Đun chất lỏng ở nhiệt độ quá cao

Mặc dù hiếm khi xảy ra, song chất lỏng đun quá nóng có thể sôi bùng dữ dội trong lò vi sóng. Điều này xảy ra khi nước hoặc chất lỏng khác (canh, súp…) được nung nóng cao hơn điểm sôi 100°C. Chất lỏng ban đầu sẽ có bề mặt phẳng lặng, sau đó sẽ phun ra hoặc nổ tung tóe khi bạn lấy ra. Điều này rất nguy hiểm vì bạn có nguy cơ bị bỏng ở mức độ nghiêm trọng khi không kịp tránh.

Nếu cần phải hâm nóng chất lỏng, bạn nên lưu ý các điều sau:

  • Tránh đun nước quá lâu so với lượng nước cần đun.
  • Chọn vật chứa có thành cao (như ly hoặc cốc)
  • Dùng một vật khác chạm vào thành ngoài của vật chứa vài lần nhằm làm giảm bớt nhiệt độ chất lỏng được đun.
  • Dùng kẹp hay gắp dài nhằm tránh xa vật chứa (trong trường hợp chất lỏng bùng lên thành dạng hơi gây bỏng)
  • Luôn để mặt tránh xa khi mang nước sôi ra khỏi lò.

12. Để thức ăn tung tóe trong lò vi sóng

Lò vi sóng của bạn vương vãi thức ăn và thậm chí bốc mùi? Đó là do bạn không trải giấy lót hoặc khăn ăn bên dưới đấy! Bạn có thể úp ngược một cái bát hoặc đĩa vừa có tác dụng giữ nhiệt vừa duy trì tốc độ nấu đồng đều hơn.

Nếu lò vi sóng quá bẩn, bạn nên vệ sinh bằng các cách đơn giản sau đây để tránh trở thành một trong những “ổ bệnh” nguy hiểm trong nhà nhé:

  • Chanh tươi: Bạn cắt nửa quả chanh đặt úp trên mặt chiếc đĩa, đổ thêm một ít nước, sau đó cho vào lò vi sóng quay 1 – 2 phút. Khi trái chanh nóng lên sẽ xuất hiện hơi nước trong lò có tác dụng khử mùi và làm mềm các vết bẩn. Bạn chỉ cần dùng giấy hoặc giẻ lau sạch bên trong lò rồi rửa đĩa quay là lò vi sóng sẽ sạch sẽ hoàn toàn.
  • Giấm trắng: Bạn lấy nửa tô nước, thêm một muỗng canh giấm trắng vào tô rồi cho vào lò vi sóng. Bật lò quay trong 5 phút, nếu lò vi sóng nhà bạn có công suất cao thì chỉnh thời gian tầm 2 – 3 phút. Cũng giống như chanh, khi dung dịch giấm trắng bốc hơi lên sẽ làm bong các vết bẩn cứng đầu trong lò. Chờ hết thời gian cài đặt, bạn tắt lò, lấy tô giấm ra rồi dùng giẻ lau chùi bên trong khoang lò. Nhớ tháo đĩa xoay ra rồi rửa sạch như khi rửa chén đĩa thông thường nhé.
  • Nước rửa chén: Bạn đổ nước ấm vào một cái tô rồi cho nước rửa chén vào, đặt tô vào trong lò vi sóng khoảng 1 phút, hơi nước rửa chén sẽ làm loãng các vết bẩn giúp bạn dễ dàng làm sạch bên trong lò vi sóng. Bạn có thể cho thêm vài muỗng baking soda vào tô nước rửa chén để khử mùi thức ăn trong khoang lò.
  • Nước lau kiếng: Bạn trộn nước lau kiếng và nước theo tỷ lệ 2:1, dùng miếng bọt biển thấm dung dịch tẩy rửa rồi kỳ cọ bên trong lò. Bạn nên tháo đĩa quay ra chùi sạch, lau phần đế quay, chùi thật kỹ lỗ thông gió của lò để làm sạch những vết bẩn tích tụ. Cẩn thận chùi kỹ cả 4 phía thành lò vì thức ăn thường bị văng và dính lên phía trên thành lò. Sau khi chùi sạch bên trong lò, bạn nên lau lại lần nữa bằng nước sạch. Cẩn thận lau thật kỹ để không còn thừa hóa chất từ dung dịch nước lau kính. Dùng giẻ khô lau lại thêm một lần nữa.

Khi lau chùi lò vi sóng, bạn không nên dùng miếng nhám rửa chén vì dễ để lại những mảnh vụn và chúng có thể bắt lửa nếu bật lò. Đồng thời, bạn cũng nên tránh dùng các hóa chất tẩy rửa mạnh để không gây nhiễm độc thực phẩm. Hãy dùng những cách vệ sinh lò vi sóng tự nhiên bằng giấm trắng và chanh để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Lưu ý rút phích điện của lò ra trước khi lau chùi bạn nhé.

Cách sử dụng lò vi sóng tuy chỉ đơn giản là cho thức ăn vào và chọn thời gian quay, nhưng nếu quên mất các khuyến cáo trên đây thì bạn sẽ tự làm tổn hại đến sức khỏe của chính mình mà không hề hay biết. Hãy ghi nhớ nằm lòng để luôn đảm bảo an toàn khi được ăn ngon bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.