"Phá tan" cơn rét với 4 món chè nóng mùa đông ngon, bổ, dễ làm
Photo by Annie Spratt on Unsplash

"Phá tan" cơn rét với 4 món chè nóng mùa đông ngon, bổ, dễ làm

Chè là món ăn vặt quen thuộc với người Việt. Nếu vào ngày hè, một cốc chè đá mát lạnh là lựa chọn lý tưởng để giải khát thì khi gió rét về, một bát chè nóng mùa đông sẽ giúp bạn làm ấm cơ thể và luôn tràn đầy năng lượng.

Không khí lạnh đang tràn về ở cả miền Bắc, Trung và Nam. Do đó, không lúc nào bằng lúc này, bạn hãy học ngay cách nấu các món chè ngon mùa đông để giữ ấm và bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình nhé.

1. Chè sắn – Món chè nóng mùa đông quen thuộc

Củ sắn (còn gọi là củ khoai mì) có lượng calo cao và giàu tinh bột đề kháng. Nhờ vậy, món chè sắn là lựa chọn rất phù hợp để bạn tăng năng lượng cho những ngày rét đậm. Bên cạnh đó, trong món chè này còn có gừng – một loại gia vị có tính ấm, giúp bạn tiêu đờm và xua tan hàn khí.

Nguyên liệu chuẩn bị

  • 1 củ sắn
  • 1 củ gừng nhỏ
  • 150gr đường mật
  • 2 thìa súp bột sắn dây

Cách nấu chè sắn nóng cho mùa đông

  • Sắn rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn rồi cho vào bát nước muối loãng ngâm trong 5-6 tiếng
  • Sau khi ngâm xong, cho sắn vào nồi luộc chín tới. Có thể thêm 1 ít muối để khi luộc xong sắn có vị vừa miệng
  • Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ rồi thái lát mỏng
  • Cho đường vào nồi sạch, đổ thêm chút nước rồi đun sôi để đường tan hết. Sau đó, cho sắn đã luộc vào nồi đường, đun nhỏ lửa. Khi sắn thấm đều đường thì thả gừng vào.
  • Lấy phần bột sắn dây đã chuẩn bị hòa vào bát nước lọc cho tan hết. Sau đó, đổ hỗn hợp sắn dây vào nồi sắn, khuấy đều cho đến khi bột chín, nước sánh lại là được.
  • Múc món chè sắn nóng hổi cho mùa đông ra bát và thưởng thức ngay.

Chè ngô cốm – Hương vị khó quên ngày giá lạnh

Không chỉ có vị thơm ngọt quyến rũ đặc trưng, chè ngô cốm còn là món ăn vặt có nhiều giá trị dinh dưỡng. Bắp ngô – nguyên liệu chính của món chè là thực phẩm giàu tinh bột, giúp bù đắp năng lượng cho cơ thể trong những ngày đông lạnh giá. Không những thế, thực phẩm này cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, pantothenic acid, niacin, magie, kali, mangan, phốt pho… hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.

Nguyên liệu chuẩn bị

  • 2 quả ngô ngọt (bạn nên chọn loại ngô nếp để tăng độ sánh dẻo cho món chè)
  • 100gr cốm tươi
  • 2 thìa súp bột sắn dây
  • Đường trắng

Cách nấu chè ngô cốm nóng cho mùa đông

  • Ngô bóc vỏ, bỏ râu, cho vào nồi luộc chín, để nguội. Sau đó, bạn dùng dao thái mỏng dọc theo chiều dài bắp ngô cho đến sát lõi ngô.
  • Phần nước luộc ngô không đổ đi mà sẽ được dùng để nấu chè. Thêm đường trắng vào nồi nước luộc cho vừa khẩu vị rồi trút phần ngô vừa thái vào. Tiếp tục đun sôi. Lúc này, bạn sẽ thấy các vỏ ngô mỏng hoặc mày ngô nổi lên trên mặt nước. Bạn dùng vợt vớt hết những phần nổi này đi nhé.
  • Khi hạt ngô mềm, bạn cho cốm tươi vào và tiếp tục đun nhỏ lửa.
  • Hòa bột sắn dây với chút nước rồi từ từ rót vào nồi chè, vừa rót vừa khuấy đều tay đến khi chè sôi và sánh lại đẹp mắt thì tắt bếp.
  • Múc chè ra bát và thưởng thức. Bạn có thể cho thêm nước cốt dừa vào ăn chung với chè nóng mùa đông tùy thích.

Chè khoai dẻo nóng – Món ăn vặt ngọt ngào không thể thiếu

Ngoài khoai lang luộc, khoai lang nướng, còn một món ăn vặt làm từ khoai lang cực kỳ hợp với mùa đông là món chè khoai dẻo. Khoai lang là thực phẩm giúp bạn tăng năng lượng nhưng vẫn quản lý cân nặng tốt nhờ hàm lượng chất xơ cao. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, cải thiện thị lực, hỗ trợ hệ tiêu hóa…

Nguyên liệu chuẩn bị

  • 200gr khoai lang ruột tím
  • 200gr khoai lang ruột vàng
  • 340gr bột năng
  • 150gr đường
  • 170ml nước cốt dừa
  • Vừng rang

Cách nấu chè khoai dẻo nóng cho mùa đông

  • Khoai lang tím và vàng rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành từng khoanh rồi đem hấp cách thủy trong 10 phút.
  • Sau khi khoai chín, chia khoai tím và vàng ra 2 bát riêng. Bạn dùng thìa nghiền nhuyễn phần khoai tím, đổ 160gr bột năng vào bát khoai và trộn đều hỗn hợp. Thực hiện các bước tương tự đối với phần khoai lang vàng.
  • Khi hai phần khoai đã tạo thành hỗn hợp mềm mịn, bạn nặn bột khoai thành từng viên tròn nhỏ, vừa ăn
  • Cho nước vào nồi sạch, đun sôi, sau đó thả lần lượt từng viên khoai vào luộc chín. Bạn nên luộc riêng từng loại khoai để chúng không bị phai và dính màu vào nhau. Các viên khoai chín sẽ nổi lên trên mặt nước. Lúc này, bạn vớt các viên khoai ra cho vào tô nước lọc lạnh để khoai không bị dính.
  • Bước tiếp theo, bạn cho phần nước cốt dừa đã chuẩn bị và 1 lít nước vào nồi, thêm đường và đun sôi
  • Hòa 20gr bột năng còn lại với một chút nước. Khi nước cốt dừa sôi thì cho bột năng vào khuấy đều đến khi hỗn hợp sánh lại. Sau đó, lần lượt thả các viên khoai dẻo vào đun sôi trở lại là được.

Múc chè ra bát, rắc thêm một ít vừng rang là bạn đã có ngay một món chè nóng mùa đông thơm phức, vừa thổi vừa ăn rồi đấy.

Chè trôi gấc nóng – “trôi” luôn cái lạnh mùa đông

Chè trôi gấc gồm 2 thành phần chính là đậu xanh và gấc. Các loại đậu nói chung và đậu xanh nói riêng rất tốt cho sức khỏe. Chúng là nguồn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất rất tốt cho hệ tiêu hóa. Trong khi đó, gấc lại có tác dụng ngăn ngừa ung thư, cải thiện thị lực và làm chậm quá trình lão hóa.

Nguyên liệu chuẩn bị

  • 150gr đậu xanh bỏ vỏ
  • 170gr bột nếp
  • 100gr gấc tươi
  • 80gr đường trắng
  • 250gr đường nâu
  • ½ thìa cà phê tinh dầu hoa bưởi hoặc vani
  • Một ít dừa non bào
  • Một ít gừng thái lát

Cách nấu chè trôi gấc

  • Đậu xanh ngâm qua đêm, vo sạch. Cho 700ml nước vào nồi sạch bắc lên bếp, thêm một ít muối, thả phần đậu đã ngâm vào. Đun lửa vừa cho đến khi đậu mềm thì tắt bếp.
  • Làm nhân bánh trôi: Vớt đậu ra cho vào máy xay nhuyễn. Sau đó, cho hỗn hợp đậu xanh, đường trắng, tinh dầu bưởi/vani vào chảo và đun lửa nhỏ. Khi hỗn hợp sánh lại thì cho dừa non vào đảo đều rồi tắt bếp. Đợi hỗn hợp nguội đi thì bạn vo viên tròn nhỏ để làm nhân bánh.
  • Làm vỏ bánh trôi: Cho gấc ra tô, đổ từ từ nước ấm vào trộn đều. Sau đó, lược qua rây để thu được phần nước gấc (khoảng 100ml). Đổ bột, vani và nước gấc vào tô lớn rồi bạn mang bao tay vào trộn. Khi bột tạo thành khối dẻo không dính tay thì bọc lại. Khoảng nửa tiếng sau, bạn lấy một ít bột, vo tròn, đè bẹp rồi cho nhân đậu xanh vào để tạo thành viên bánh trôi. Làm lần lượt cho đến hết phần bột hoặc nhân bánh.
  • Cho nước vào nồi rửa sạch, đun sôi. Sau khi nước sôi, bạn cho các viên trôi gấc vào luộc lửa vừa. Viên trôi gấc chín sẽ nổi lên trên mặt nước. Lúc này, bạn vớt ra và cho vào tô nước lạnh.
  • Cho đường nâu, gừng vào 1 lít nước rồi nấu sôi. Vớt các viên trôi gấc từ tô nước lạnh cho vào nước đường đun nhỏ lửa khoảng 10-15 phút rồi tắt bếp.
  • Múc chè trôi gấc ra bát rồi thưởng thức.

Thưởng thức một bát chè nóng mùa đông là điều không thể tuyệt vời hơn trong mùa lạnh giá. Song dù thơm ngon, bổ dưỡng nhưng các món chè nói chung khá nhiều đường. Do đó, bạn chỉ nên ăn vừa phải. Hãy kết hợp các món ăn lành mạnh khác và luyện tập thường xuyên để cơ thể luôn linh hoạt và khỏe mạnh bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.