Bệnh béo phì không chỉ khiến nhiều người thiếu tự tin về ngoại hình mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Bạn hãy cùng HSSK tìm hiểu 8 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh béo phì để phòng ngừa ngay từ bây giờ nhé!
1. Nguyên nhân béo phì do di truyền
Bệnh béo phì có mối liên quan chặt chẽ đến yếu tố di truyền. Ví dụ, con cháu của người béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn. Mặc dù yếu tố di truyền có ảnh hưởng lớn tới nguy cơ mắc bệnh béo phì nhưng điều này không có nghĩa cứ mang gene là chắc chắn sẽ bị bệnh béo phì.
Những thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày có ảnh hưởng lớn tới sự biểu hiện gene quy định mỗi tính trạng.
Tỷ lệ mắc bệnh béo phì ở các nước phương Tây ngày càng tăng cao là do chế độ ăn phương Tây đa số nhiều chất béo và đồ ăn nhanh.
2. Nguyên nhân béo phì do thức ăn chế biến sẵn
Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất phụ gia, giá thành rẻ, bảo quản được lâu và tạo cảm giác ăn ngon miệng. Điều đó cũng gián tiếp khiến người tiêu dùng ăn thực phẩm chế biến sẵn nhiều hơn và thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị luôn bày bán rất nhiều loại đồ ăn chế biến sẵn. Các loại đồ ăn nhanh này tuy dễ dàng sử dụng nhưng hầu hết không tốt cho sức khỏe do chứa nhiều chất bảo quản, chất béo và muối.
Thức ăn chế biến sẵn càng phổ biến thì tỷ lệ người béo phì càng gia tăng.
3. Nguyên nhân béo phì do nghiện ăn
Một số loại thức ăn như thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt… có thể kích thích trung tâm hưng phấn ở não bộ và gây nghiện. Các loại thực phẩm này có thể gây nghiện ăn ở những người có nguy cơ cao, khiến họ mất kiểm soát và bị rối loạn ăn uống.
Nghiện ăn là một vấn đề phức tạp và rất khó vượt qua. Lúc này, bạn không còn khả năng đưa ra lựa chọn mà các tín hiệu ở não ảnh hưởng và thôi thúc bạn ăn thật nhiều.
Hệ quả của tình trạng nghiện ăn là nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống và bệnh béo phì.
4. Nguyên nhân béo phì do quảng cáo tràn lan
Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh luôn rất năng nổ chinh phục thị trường để tăng doanh số bán hàng. Vì vậy họ có nhiều chiến lược kinh doanh và tăng cường tiếp thị, quảng cáo mọi nơi mọi lúc để có thể tiếp cận khách hàng.
Thậm chí nhiều nhà sản xuất còn quảng cáo sản phẩm nhằm vào trẻ em và trẻ vị thành niên – những người chưa đủ sáng suốt, cũng như đủ kiến thức và kinh nghiệm để nhận ra thực phẩm nào lành mạnh và tốt cho sức khỏe.
Quảng cáo hấp dẫn chính là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc béo phì, tiểu đường và nghiện đồ ăn nhanh ở trẻ em tăng nhanh.
5. Nguyên nhân béo phì do kháng insulin
Insulin là một hormone quan trọng giúp bạn kiểm soát đường huyết, phát tín hiệu cho các tế bào mỡ dự trữ chất béo và duy trì lượng mỡ. Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể thúc đẩy tình trạng kháng insulin ở những người thừa cân và người béo phì.
Chức năng của insulin đối với bệnh béo phì còn đang có nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu cho thấy sự đề kháng insulin có thể là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì.
Bạn nên tăng cường ăn nhiều chất xơ, giảm carbohydrate để kiểm soát insulin ở mức cho phép. Điều này cũng giúp bạn giảm lượng calo và giảm cân hiệu quả.
6. Nguyên nhân béo phì do dùng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ là gây tăng cân. Ví dụ dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chống loạn thần… Các loại thuốc này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của cơ thể và não bộ, giảm tỷ lệ trao đổi chất hoặc tăng cảm giác thèm ăn.
7. Nguyên nhân béo phì do kháng leptin
Leptin là một hormone đóng vai trò quan trọng đối với bệnh tiểu đường. Leptin được sản sinh bởi các tế bào mỡ, hàm lượng leptin trong máu tăng kèm theo sự gia tăng lượng mỡ.
Ở những người khỏe mạnh, hàm lượng leptin cao có thể giúp làm giảm cảm giác thèm ăn. Nếu hệ thống tín hiệu leptin hoạt động tốt, leptin sẽ thông báo cho não bộ là cơ thể đã dự trữ nhiều chất béo.
Ở những người béo phì, leptin thường không hoạt động tốt do leptin không thể vượt qua hàng rào máu não. Hệ quả của tình trạng kháng leptin là cơ thể không ngừng thèm ăn mà vẫn tiếp tục dự trữ nhiều mỡ, chất béo và gây ra bệnh béo phì.
Tình trạng kháng leptin được coi là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh béo phì.
8. Nguyên nhân béo phì do ăn nhiều đường
Chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm thay đổi hoạt động của hormone và gây tăng cân, béo phì. Đường phụ gia trong thực phẩm có chứa một nửa là glucose, một nửa là fructose. Glucose có trong nhiều loại thực phẩm như tinh bột, hoa quả nhưng đa số fructose có nguồn gốc từ đường phụ gia.
Việc tiêu thụ quá nhiều fructose gây ra tình trạng kháng insulin và làm tăng hàm lượng insulin. Điều này làm tăng năng lượng dự trữ, chính là nguyên nhân béo phì ở nhiều người.
Để có thể giảm cân hoặc ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì, bạn có thể thực hiện các cách sau:
– Tránh ngồi quá lâu, tăng cường vận động.
– Ăn nhiều trái cây, rau, quả hạch và ngũ cốc.
– Cắt giảm tiêu thụ thực phẩm chất béo và đường.
– Sử dụng dầu thực vật thay vì chất béo từ động vật.
– Tập thể dục đều đặn và thường xuyên trong ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa được các nguyên nhân béo phì bằng cách điều chỉnh thói quen sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu kiên trì áp dụng các lời khuyên, cân nặng sẽ không còn là nỗi ám ảnh mỗi khi bạn bước lên bàn cân. Điều quan trọng nhất là bạn sẽ tránh được nhiều rủi ro thầm lặng để bảo vệ cơ thể luôn tràn đầy sức sống!
Hồng Nhung