Chụp cắt lớp phát xạ positron (chụp PET)

Trong vài trường hợp, chụp PET có thể phát hiện ra bệnh trước khi làm thêm các xét nghiệm hình ảnh khác. Thông thường, chụp PET được kết hợp với chụp CT hoặc MRI để phát huy tối đa các lợi thế về kỹ thuật.

Tìm hiểu chung

Chụp PET là gì?

Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) là một xét nghiệm hình ảnh giúp tiết lộ cách các mô và cơ quan hoạt động. Chụp PET sử dụng chất phóng xạ (chất đánh dấu) để hiển thị hình ảnh chụp được. Khi chụp PET, các khu vực có chất đánh dấu sẽ hiển thị dưới dạng các điểm sáng.

Khi nào bạn cần thực hiện chụp PET?

Chụp PET là một cách hiệu quả để kiểm tra hoạt động hóa học trong các bộ phận của cơ thể. Kỹ thuật này rất hữu ích trong chẩn đoán một số tình trạng bệnh ung thư, bệnh tim và rối loạn não bộ như động kinh hoặc Alzheimer. Tuy nhiên, chụp PET đo hoạt động hóa học của các mô nên một số bệnh như tiểu đường hoặc các rối loạn chuyển hóa khác có thể cho kết quả sai.

Ung thư

Chụp PET rất hữu ích trong việc phát hiện hoạt động của tế bào ung thư. Kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ có một cái nhìn bao quát về độ xâm lấn của khối u hoặc theo dõi hiệu quả điều trị của ung thư đã được chẩn đoán.

Các tế bào ung thư xuất hiện như những điểm sáng trên ảnh chụp PET vì chúng có tốc độ trao đổi chất cao hơn so với các tế bào bình thường. Do đó, PET được sử dụng để:

  • Phát hiện ung thư
  • Kiểm tra di căn ung thư
  • Kiểm tra kết quả điều trị ung thư
  • Phát hiện ung thư tái phát

Kết quả chụp PET cần được giải thích cặn kẽ với người bệnh do có một số khối u là lành tính. Ngoài ra, chụp PET không chẩn đoán hết tất cả các loại ung thư. Kỹ thuật này có thể phát hiện khối u rắn ở:

  • Não
  • Cổ tử cung
  • Đại trực tràng
  • Thực quản
  • Đầu và cổ
  • Phổi
  • U lymphô
  • Tuyến tụy
  • Tuyến tiền liệt
  • Tuyến giáp
  • Những khối u ác tính khác

Bệnh tim

Chụp PET có thể cho thấy các khu vực mà máu qua tim bị giảm lưu lượng. Kết quả chụp có thể giúp người bệnh và bác sĩ quyết định thủ thuật y tế sẽ áp dụng, như nong mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Các rối loạn não bộ

Chụp PET có thể được sử dụng để đánh giá tình trạng bệnh về rối loạn não bộ như khối u, bệnh Alzheimer và động kinh co giật kháng thuốc. Bằng cách phát hiện những thay đổi về trao đổi chất trong não, bác sĩ phẫu thuật có thể xác định chính xác khu vực não gây ra các cơn động kinh.

Điều cần thận trọng

Chụp PET có nguy hiểm không?

Đối với người bệnh, khi thực hiện kỹ thuật chụp PET, một loại thuốc phóng xạ (chất đánh dấu) sẽ được đưa vào cơ thể. Vì lượng phóng xạ tiếp xúc ít nên nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực từ nó là khá thấp. Tuy nhiên, những trường hợp sau đây vẫn có thể xảy ra:

  • Phản ứng dị ứng nặng trong trường hợp rất hiếm
  • Thai nhi bị phơi nhiễm phóng xạ nếu người mẹ đang mang thai
  • Trẻ bị phơi nhiễm phóng xạ nếu người mẹ đang cho con bú

Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của việc chụp PET trước khi tiến hành thực hiện. Nhìn chung, kỹ thuật chụp PET không gây đau.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn:

  • Từng có một phản ứng dị ứng xấu
  • Bị ốm gần đây đang mắc một bệnh khác chẳng hạn như bệnh tiểu đường
  • Đang sử dụng thuốc, vitamin hoặc thảo dược bổ sung
  • Đang mang thai hoặc cho rằng mình có thể đang có thai
  • Đang cho con bú
  • Mắc chứng sợ không gian kín (claustrophobia)

Bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị cho kỹ thuật chụp PET. Một nguyên tắc chung là hãy tránh tập thể dục gắng sức trong một vài ngày và nhịn ăn vài giờ trước khi làm thủ thuật.

Tại một số cơ sở y tế, 2 kỹ thuật PET và CT sẽ được kết hợp để thực hiện. Trước khi bắt đầu tiến hành, người bệnh có thể được yêu cầu:

  • Thay áo choàng bệnh viện
  • Đi vệ sinh để làm trống bàng quang

Sau đó, người bệnh được nạp một loại thuốc phóng xạ (chất đánh dấu). Thuốc này có thể tiêm hoặc hít, nuốt, tùy thuộc vào loại thuốc. Nếu được tiêm, người bệnh có thể cảm thấy lạnh khi dòng thuốc di chuyển trong cánh tay. Người bệnh sẽ cần đợi 30 – 60 phút để chất đánh dấu được cơ thể hấp thụ.

Trong khi thực hiện

Khi đã sẵn sàng, người bệnh được nằm trên một chiếc bàn hẹp, có đệm trượt di chuyển chậm vào máy quét. Trong quá trình quét chụp, người bệnh cần nằm cố định thật yên để hình ảnh không bị mờ. Mất khoảng 30 phút để hoàn thành thủ thuật. Máy PET/CT có thể tạo ra âm thanh ù ù và tiếng bấm (click). Tùy thuộc vào thông tin mà bác sĩ đang cần, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ nhất định như đọc hoặc nói để kích thích các khu vực cụ thể trong não có chức năng liên quan.

Nếu mắc chứng sợ không gian kín, người bệnh có thể cảm thấy lo lắng khi ở bên trong máy quét. Nếu có bất kỳ khó chịu nào, người bệnh cần báo ngay cho y tá hoặc kỹ thuật viên để được trợ giúp.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể chụp CT và PET trong cùng một máy và cùng 1 lần làm thủ thuật. Chụp CT sẽ được thực hiện trước và mất khoảng 10 phút.

Sau khi thực hiện

Sau khi hoàn thành chụp PET, người bệnh có thể quay về các hoạt động như bình thường. Nếu bác sĩ có chỉ định riêng, người bệnh cần tuân thủ nhằm bảo đảm sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước để giúp loại bỏ chất đánh dấu phóng xạ ra khỏi cơ thể.

Kỹ thuật chụp PET thường mất khoảng 2 giờ và có thể được thực hiện tại cơ sở ngoại trú (không phải nằm viện qua đêm).

Kết quả

Kết quả chụp PET là gì?

Hình ảnh từ máy quét PET hiển thị những điểm sáng nơi tập trung các chất phóng xạ. Những điểm sáng này tiết lộ mức độ hoạt động hóa học cao hơn và chi tiết về cách các mô và cơ quan của người bệnh đang hoạt động. Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên khoa y học hạt nhân sẽ giải thích các ảnh quét chụp PET, sau đó tổng hợp kết quả và báo cáo cho bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên cũng có thể so sánh hình ảnh chụp PET của người bệnh với hình ảnh từ các xét nghiệm khác mà người bệnh đã trải qua gần đây như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), từ đó có cái nhìn bao quát lẫn chi tiết hơn về tình trạng bệnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

HSSK không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2024 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.