ECG Holter 24 giờ

Tại sao phải mang máy theo dõi?

Máy theo dõi Holter được sử dụng để kiểm tra đáp ứng của tim với các hoạt động bình thường. Ngoài ra, máy Holter còn được sử dụng trong các trường hợp:

  • Khi đưa ra các quyết định dùng thuốc tim mạch
  • Sau một cơn đột quị
  • Để chẩn đoán nhịp tim bất thường hoặc nguy hiểm

Máy hoạt động như thế nào?

Các điện cực (là những miếng dẫn điện nhỏ) được đặt lên ngực và gắn với một máy theo dõi nhỏ có chức năng ghi nhớ mà người bệnh có thể mang trong túi áo hoặc trong một bao nhỏ đeo quanh cổ. Máy này được chạy bằng pin.

Các hoạt động điện tim của bệnh nhân được ghi nhận(tương tự như đo ECG)thường trong suốt 24 giờ, trong khi người bệnh ghi chép nhật ký về các hoạt động của họ. Sau đó, những thông tin được phân tích, sắp xết theo thứ tự các hoạt động của tim, và những ghi nhận bất thường về điện tim được đối chiếu với hoạt động của bệnh nhân tại thời điểm đó.

Việc các bệnh nhân ghi nhận chính xác triệu chứng và các hoạt động của họ là rất quan trọng để người bác sĩ có thể đối chiếu chúng với những phát hiện trên máy theo dõi Holter.

Chuẩn bị trước khi dùng máy.

Không cần sự chuẩn bị đặc biệt nào khi sử dụng máy. Nhân viên y tế sẽ khởi động máy theo dõi, sau đó người bệnh được hướng dẫn cách đặt lại các điện cực khi chúng bị lỏng. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cách ghi chép lại các hoạt động trong nhật ký.

Hãy khai báo với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng đối với bất cứ loại băng dính nào cũng như các loại chất keo khác.Nên tắm trước khi bắt đầu gắn máy-người bệnh sẽ không được tắm khi mang máy Holter.

Cảm giác đeo máy như thế nào?

Sẽ không có cảm giác khó chịu nào khi dùng máy. Có thể phải cạo lớp lông ngực để dán các điện cực. Người bệnh cần để máy sát với cơ thể, hoặc để trong túi áo hoặc  trong bao đeo quanh vai, cổ.

Trong khi mang máy, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường.

Các yếu tố nguy cơ

Không có một yếu tố nguy cơ nào khi sử dụng máy. Tuy nhiên, người bệnh nên đảm bảo máy không bị ướt.

Những điều cần lưu ý

Các điện cực phải được gắn chặt vào thành ngực để cho phép ghi nhận chính xác các hoạt động của tim.

Tránh các nam châm, máy dò tìm kim loại, chăn(mền)bằng điện và những khu vực có điện thế cao khi mang máy.

Các giá trị bình thường

Nhịp tim thay đổi bình thường tuỳ theo các hoạt động. Nhịp tim không có những thay đổi đáng kể nào hoặc không có đoạn ST chênh lên.

Những kết quả bất thường

Các kết quả bất thường có thể gồm các loại loạn nhịp. Những thay đổi về đoạn ST (những thay đổi về hình dạng sóng của các kiểu dẫn truyền điện thể của tim) có thể cho thấy tim không nhận đủ oxy và cũng có thể tương quan đến triệu chứng đau ngực.

Những chỉ định khác của máy theo dõi bao gồm:

  • Rung nhĩ/cuồng nhĩ
  • Nhịp nhanh nhĩ đa ổ
  • Nhịp nhanh kịch phát trên thất
  • Đánh trống ngực
  • Ngất

Những nơi nào thực hiện nghiệm pháp này:

1. Viện Tim TPHCM. 04 Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10, TP.HCM

2. Bệnh viện Tim Tâm Đức. 04 Nguyễn Lương Bằng - Khu Đô Thị Mới Phú Mỹ Hưng Phường Tân Phú, Quận 7 -TPHCM 

3. Phòng khám Tim mạch BSCK2 Phạm Xuân Hậu. 336A Phan Văn Trị, P11, Bình Thạnh, TPHCM

Tài liệu tham khảo:

  • Khuyến cáo của Hội Tim Mạch Học Việt Nam giai đoạn 2006-2010 về chẩn đoán, điều trị loạn nhịp tim.
  • Khuyến cáo 2008 của Hội Tim mạch học Việt Nam về xử trí bệnh tim thiếu máu cục bộ (đau thắt ngực ổn định)
  • http://en.wikipedia.org/wiki/Holter_monitor

 

Có thể bạn quan tâm

Siêu âm tim Doppler

Chụp động mạch vành tim

Điện não đồ (EEG)

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.