Quả mận, miền Bắc gọi là mận hậu, miền Nam gọi là mận Hà Nội thường chín rộ vào khoảng tháng 3 Âm lịch hằng năm. Đây là một loại quả có vị chua, ngọt, hơi chát xen lẫn rất thú vị. Điều thú vị là ngoài việc cho bé ăn mận như một loại trái cây hay uống nước ép mận để trị táo bón, bạn có thể dùng loại quả này làm nguyên liệu để nấu ra món siro mận thơm ngon cho bé đổi vị.
Hàm lượng dinh dưỡng của quả mận
Mận là loại cây phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, quả có vị ngọt xen lẫn vị chua, hơi chát, nhiều nước, chín rộ vào đầu hè và được nhiều người ưa thích. Quả mận giàu chất xơ, không có chất béo hoặc cholesterol xấu. Một quả mận chỉ chứa 30 calo, 6,5g đường, 0,5g protein, 1g chất xơ cùng các dưỡng chất như kali, isatin, sorbitol… tốt cho sức khỏe.
Nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng ăn mận đem lại các lợi ích như: bảo vệ tim mạch, tốt cho xương, cải thiện trí nhớ, hỗ trợ cải thiện lượng đường trong máu, trợ tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, ngừa ung thư, cải thiện thị lực… Do đó, mẹ hoàn toàn có thể thêm loại quả này vào thực đơn của bé.
Mách bạn cách làm siro mận đơn giản
Cách làm siro mận không quá khó, mẹ hãy thực hiện theo các hướng dẫn sau:
1. Cách làm siro mận đơn giản
Nguyên vật liệu cần chuẩn bị
- Mận tím: 2kg
- Đường cát trắng: 1,5kg
- Muối hột
- Hũ thủy tinh hoặc thố lớn dung tích 3 – 5 lít: 1 cái
- Rây
Thực hiện
Bước 1: Mận rửa sạch, ngâm với nước pha muối loãng trong khoảng 5 phút, vớt ra, xả lại dưới vòi nước sạch, để ráo.
Bước 2: Bổ đôi quả mận, nhẹ nhàng dùng mũi dao tách bỏ hạt.
Bước 3: Mận sau khi tách xong cho vào hũ thủy tinh hoặc thố. Cứ một lớp mận thì rải phủ lên một lớp đường. Bạn cần căn chỉnh sao cho lớp trên cùng là đường. Đậy nắp hũ lại, để vào nơi thoáng mát, tránh ánh sáng chiếu vào trực tiếp. Nếu ướp mận trong thố, bạn nên dùng màng bọc thực phẩm hoặc màng bao silicon bọc kín lại. Để như vậy trong trong 1 – 2 ngày cho đường tan hết.
Bước 4: Khi thấy đường tan hết, bạn trút hỗn hợp mận ngâm đường và nồi, nấu trên lửa vừa cho sôi trong khoảng 15 phút. Khi nấu nhớ dằm nhẹ cho mận tiết ra nước. Tắt bếp, đợi nồi siro mận nguội.
Bước 5: Khi nồi siro mận nguội, bạn dùng rây lọc lấy phần siro, đổ vào chai để bảo quản.
Bước 6: Phần xác mận sau khi lọc lấy siro, bạn trộn với khoảng 300g đường cho tan rồi đem sên để có món mứt mận cho bé ăn kèm bánh mì như một món ăn vặt hay dùng làm nhân bánh bông lan cũng là gợi ý hay. Trước khi sên mứt, bạn có thể dùng máy xay xay nhuyễn để mứt được ngon hơn.
2. Cách làm siro mận không cần nấu
Với cách làm siro mận này, sau khi sơ chế mận như trên, bạn ướp mận với đường trong khoảng 2 -3 ngày hoặc khi thấy đường tan hết, mận tiết nước thì có thể lọc lấy siro. Siro mận sau khi lọc cho vào chai và cần được bảo quản trong tủ lạnh. Bạn có thể dùng siro này để pha nước uống.
Phần xác mận, bạn cho vào hũ rộng miệng, trữ trong tủ lạnh để nhâm nhi dần hoặc xay nhuyễn rồi trộn với chút đường đem sên để có món mứt mận thơm ngon.
Bí quyết chọn nguyên liệu để có món siro mận thơm ngon
Để có món siro mận thơm ngon cho bé giải nhiệt mùa nắng nóng, bạn nên lưu ý ở khâu chọn mận: chọn quả mận chín thẫm, mọng nước, nên ưu tiên mận Bắc Hà, quả to, chín mọng. Các mẹ sinh sống ở nước ngoài không có sẵn mận Hà Nội có thể thay thế bằng mận Úc. Tuy nhiên, hương vị siro làm từ mận Úc sẽ không được đậm vị bằng mận Hà Nội.
Ngoài dùng để pha nước cho bé và cả gia đình giải khát trong những ngày nắng nóng, bạn có thể dùng siro mận để làm thạch, phủ lên kem trang trí, làm siro đá bào…
Hy vọng với những hướng dẫn cách làm siro mận ở trên, bạn đã có thể nấu cho bé những chai siro mận thơm ngon giúp giải nhiệt ngày hè nắng nóng.
Lan Quan/