Để chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, bạn phải chú ý ngay từ khâu lựa chọn và sơ chế, đồng thời tránh những sai lầm phổ biến khi chế biến món ăn. Hãy cùng HSSK tìm hiểu cách chế biến thực phẩm an toàn qua bài viết sau bạn nhé!
Cách chọn thực phẩm an toàn
Để chế biến thực phẩm ngon và bổ dưỡng, khâu đầu tiên và quan trọng nhất chính là lựa chọn thực phẩm tươi ngon và đảm bảo an toàn.
1. Thịt
Đối với những ai cần theo dõi cân nặng và cholesterol nghiêm ngặt, việc chọn đúng loại thịt là rất quan trọng. Để chọn được thịt ngon, không bị nhiễm bẩn, bạn cần chú ý đến một số yếu tố:
• Hình dạng: Lúc mua thịt, bạn nên nhớ chọn thịt mềm nhưng không quá mịn, khi ấn tay vào thịt có độ đàn hồi tốt và không dính tay. Thịt cũng phải không có vết bầm tím, bị biến màu hay phần xương bị gãy gập.
• Màu sắc: Màu sắc tự nhiên của thịt nên là màu đỏ tươi, trừ các loại thịt gia cầm. Thịt để lâu ngày thường sẽ không giữ được màu tươi. Khi sắc tố đỏ trong thịt bị tác động, thịt sẽ chuyển sang màu xám hoặc xanh.
• Mùi: Thịt tươi sẽ có mùi tự nhiên của thịt, khi thịt bị ôi thiu sẽ có mùi khó ngửi và bạn nên tránh ngay. Nếu ngửi thấy thịt có mùi hôi, thối hoặc sulfuric thì chứng tỏ thịt đã bị nhiễm độc.
Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc khi chọn thịt nguyên xương hay đã rút xương. Thịt còn nguyên xương khi nấu sẽ nhanh chín hơn bởi xương là chất truyền nhiệt tốt nên bạn có thể rút ngắn thời gian nấu nướng. Ngoài ra, nhiều đầu bếp chuyên nghiệp cũng đánh giá rằng thịt còn nguyên xương có mùi vị thơm ngon và đậm đà hơn.
2. Cá
Trước tiên, bạn hãy quan sát thật kĩ phần nước đá dùng để trưng bày cá. Nếu cá tươi, người bán thường bày hàng với rất nhiều đá để giữ cá tươi lâu, còn cá ướp hàn the thì thường không cần ướp với nhiều đá nữa.
Cá tươi sẽ có lớp vảy sáng bóng và nằm sát da. Mắt cá cũng phải rõ ràng và lồi ra, mang phải có màu đỏ và ẩm, không dính. Khi bạn ấn nhẹ vào da cá, thịt sẽ nẩy lại và không để lại vết lõm.
Khi ngửi cá có mùi tanh đặc trưng chứ không phải mùi khai, hôi. Nếu bạn rửa cá qua vài nước, cá vẫn không bị mềm, lúc chiên hay kho cá sẽ vẫn giữ nguyên khối thịt và có mùi thơm tự nhiên.
3. Rau củ
Chất xơ từ rau củ là lựa chọn không thể thiếu trong công thức chế biến thực phẩm hàng ngày của bạn. Để chọn được loại rau ngon, không bị nhiễm thuốc trừ sâu thì bạn cần chú ý với một số nhóm sau:
• Các loại củ (cà rốt, củ cải, củ dền): Củ với phần rễ còn dính đất là hoàn toàn bình thường. Bạn nên tránh chọn những củ bị mềm, giập, héo hay quá vẹo vọ.
• Họ cải (bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải): Bạn cần sờ vào phần cuống bông cải và chọn bông cải nào có cuống rắn chắc không mềm dẻo là được. Bông cải khít, không có khoảng trống cũng như có phần chính giữa nhô cao lên sẽ là loại bông cải ngon.
• Rau lá xanh (rau chân vịt, cải cầu vồng, cải xoăn kale): Bạn nên lựa lá có màu tươi xanh tự nhiên, không bị héo hoặc úa vàng.
Khi mua thực phẩm, bạn có thể tranh thủ hỏi người bán hàng về một số công thức chế biến món ăn ngon nhưng để lựa chọn được thực phẩm tươi thì bạn phải dựa nhiều vào giác quan và kinh nghiệm của mình.
Những sai lầm phổ biến khi chế biến thực phẩm
Bạn vẫn thường chế biến thực phẩm theo thói quen, nhưng có một số điều khi chế biến thực phẩm sẽ gây hại cho sức khỏe nên cần tìm cách khắc phục.
1. Để thực phẩm rã đông ở nhiệt độ thường
Vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng ở nhiệt độ phòng. Do các phần thịt sẽ được rã đông không đồng đều nên vi khuẩn sẽ bắt đầu xâm nhập vào phần đã rã đông trước khi bạn chế biến thực phẩm. Thay vào đó, bạn hãy chọn cách rã đông bằng nước lạnh hoặc trong lò vi sóng.
• Rã đông bằng nước lạnh: Bạn cho thực phẩm vào túi zip chuyên đựng thực phẩm, sau đó nhúng vào nước lạnh và thay nước mỗi 30 phút. Mỗi 1/2 kg thịt, gia cầm hay hải sản sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để rã đông hoàn toàn. Sau khi đã rã đông, bạn nên chế biến thực phẩm ngay.
• Rã đông trong lò vi sóng: Đây cũng là một cách rã đông hiệu quả và nhanh nhất nhưng tùy theo loại thực phẩm mà bạn sẽ cần chỉnh nhiệt độ và công suất khác nhau. Rã đông thịt bằng lò vi sóng có thể khiến miếng thịt chín một phần nên bạn cần chế biến ngay để không cho vi khuẩn phát triển.
2. Rửa thịt gia cầm trong bồn rửa
Rất nhiều bà nội trợ có thói quen rửa thịt gia cầm trong bồn trước khi nấu. Nếu bạn cũng thường làm điều này thì nên dừng lại ngay.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, thịt gia cầm sống thường mang vi khuẩn Campylobacter có khả năng gây các bệnh đường ruột mà phổ biến là tiêu chảy. Khi đó, việc rửa thịt gia cầm không giúp loại bỏ vi khuẩn mang mầm bệnh mà ngược lại, nước rửa thịt còn làm nhiễm khuẩn bồn rửa cũng như tay của bạn.
Cách an toàn nhất để chế biến thịt gia cầm chính là nấu chín ở nhiệt độ thích hợp tùy theo kích thước của thịt. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn rửa sạch thịt để an tâm hơn thì hãy dùng khăn giấy thấm khô nước còn đọng lại trên thịt để loại bỏ độ ẩm dễ làm vi khuẩn phát triển.
Bạn có thể dùng thau riêng để rửa thịt và lau khô lại, đồng thời luôn nhớ rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh nhiễm bẩn chéo.
3. Không rửa trái cây không ăn vỏ
Dù là bơ, nhãn hay các loại trái cây không ăn vỏ khác thì bạn cũng phải rửa trước khi ăn trực tiếp hoặc chế biến thành những món ăn khác. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị rửa toàn bộ trái cây trước khi lột vỏ hoặc cắt nhỏ để không làm lây nhiễm vi khuẩn hay bụi bẩn từ lớp vỏ vào phần ruột bên trong.
Một báo cáo gần đây của FDA đã phát hiện thấy loại vi khuẩn Listeria monocytogenes(cóthể gây nhiễm trùng nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong) trên vỏ của 17% trong số 361 trái bơ được kiểm nghiệm.
Rửa trái cây trước khi ăn là cách đơn giản để giảm bớt vi khuẩn gây bệnh. Với một số loại trái có vỏ cứng như bơ, bạn có thể dùng thêm bàn chải nhỏ để chà ngoài lớp vỏ cho sạch hơn.
4. Lơ là vệ sinh tay hay khu vực chế biến thực phẩm
Bạn thường rửa tay trước khi ăn nhưng bạn có biết là mình cũng cần vệ sinh tay sạch sẽ trong một số công đoạn tưởng như chẳng có gì như sau khi mở bao bì túi đựng thịt gà? Có thể hơi tốn công nhưng lời khuyên là bạn nên rửa sạch tay sau mỗi lần tiếp xúc với các loại thịt với mục đích là để tránh lây nhiễm chéo.
Để loại bỏ vi khuẩn hiệu quả, bạn cần rửa tay bằng xà phòng với nước trong ít nhất khoảng 20 giây.
Ngoài ra, bạn cũng cần rửa thật sạch các bề mặt đã tiếp xúc với thịt chưa nấu để tránh lây nhiễm vi khuẩn sang các thực phẩm khác. Chẳng hạn như nếu bạn đã dùng một cái đĩa đựng thịt sống trước khi cho vào lò nướng thì bạn không thể dùng lại chiếc đĩa đó để đựng thịt đã nấu chín được. Một lưu ý quan trọng nữa không thể bỏ qua là bạn phải thường xuyên thay miếng bọt biển rửa chén vì đó chính là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn đấy.
5. Để chung thịt sống với các thực phẩm khác
Một nghiên cứu năm 2018 trên 402 mẫu thịt đã đóng gói cho thấy vi khuẩn có thể dễ dàng lây nhiễm qua các thực phẩm khác. Nguyên nhân là bởi ngay từ lúc mua, nước từ thịt tươi sống chưa qua chế biến có thể rỉ ra qua lớp bao bì.
Khi mua thực phẩm tươi sống, ngoài lớp bao bì trực tiếp ngoài sản phẩm, bạn nên bọc thêm một lớp bao nữa ở bên ngoài để đảm bảo nước trong thịt không rò rỉ ra ngoài.
6. Để thực phẩm lâu sau khi chế biến
Thực phẩm sau khi đã chế biến không nên để bên ngoài quá 2 giờ đồng hồ và cả khi nó đã được giữ lạnh thì bạn cũng nên lấy ra sử dụng vào ngày tiếp theo. Thực phẩm phải được hâm nóng đủ để tiêu diệt vi khuẩn. Nhiệt độ cần thiết khi hâm nóng lại lượng thức ăn còn dư lại đã chế biến trước đó là vào khoảng 70°C. Bạn cũng cần lưu ý là vi khuẩn có thể sinh sôi lại rất nhanh ngay khi thức ăn bắt đầu nguội dần.
Đối với lượng thức ăn sau khi chế biến mà không dùng hết thì bạn nên cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt.
Cách chế biến thực phẩm tốt cho sức khỏe
Có rất nhiều cách chế biến thực phẩm mang lại các món ăn ngon khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý cách chế biến sao cho giữ lại được nhiều giá trị dinh dưỡng nhất.
1. Sử dụng lò vi sóng
Một số nghiên cứu cho thấy dùng lò vi sóng có thể là cách nấu ăn lành mạnh nhất vì thời gian nấu ngắn nên cũng hạn chế thời gian chất dinh dưỡng bị phân hủy.
Bạn có thể tận dụng lò vi sóng để chế biến rất nhiều thực phẩm khác nhau từ rau củ đến thịt, trứng… Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nấu chín thực phẩm bằng lò vi sóng có thể là cách thức tốt nhất để giữ lại các chất dinh dưỡng có trong rau.
Điều quan trọng cần lưu ý là bạn phải chọn những vật dụng có thể sử dụng được cho lò vi sóng, đa số là thủy tinh và một số loại nhựa có thể dùng trong lò vi sóng.
2. Luộc
Luộc là phương thức nấu chín thực phẩm đơn giản ở nhiệt độ cao. Nhưng cùng với lượng nước mất đi thì những loại vitamin tan trong nước cũng bị phân hủy và khoảng 60 – 70% các khoáng chất khác trong thực phẩm cũng có thể biến mất.
Tuy luộc sẽ phân hủy một số vitamin và khoáng chất trong một vài loại thực phẩm nhưng phương pháp này cũng có một vài ưu điểm. Một số chất chống oxy hóa sẽ kích hoạt khi luộc chín thực phẩm chẳng hạn như lycopene (phòng ngừa ung thư và bệnh tim mạch) trong cà chua hay beta-carotene (tiền chất của vitamin A giúp tăng cường sức khỏe cho mắt) trong cà rốt cũng tăng lên đáng kể sau khi luộc chín.
Bạn có thể biến tấu món luộc đơn thuần thành món súp hay các món hầm để có thể tận dụng lượng vitamin đã bị hòa tan trong nước.
3. Hấp
Nhiều nghiên cứu cho thấy hấp chính là phương thức nấu giúp thực phẩm chịu ít tác động của nhiệt. Món hấp giúp bạn giữ giá trị chất dinh dưỡng cho món ăn vì không bị chất lỏng hay lửa tác động trực tiếp.
Trở ngại khiến nhiều người không thích món hấp là do hương vị thường không đậm đà và việc chế biến tương đối mất thời gian. Để món hấp không bị đơn điệu, thiếu mùi vị, bạn có thể linh hoạt trong việc kết hợp các loại gia vị thêm vào.
Hấp là cách nấu mà thực phẩm chịu ít tác động của nhiệt, giúp giữ giá trị chất dinh dưỡng cho món ăn vì không bị chất lỏng hay lửa tác động trực tiếp.
4. Nướng
Để nhận được dinh dưỡng tối đa mà không làm mất hương vị món ăn thì nướng chính là một phương pháp nấu ăn hợp lý. Nếu muốn tạo được hương vị tối đa cho món nướng, bạn có thể phải thêm vào một ít chất béo để giữ thịt và rau củ được tươi.
Tuy vậy, có một vài khuyến cáo khi bạn sử dụng cách nướng để chế biến thực phẩm. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thường xuyên tiêu thụ thịt nướng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy và ung thư vú.
Nướng ở nhiệt độ cao cũng có thể tạo ra phản ứng hóa học giữa chất béo và protein trong thịt, sinh ra độc tố làm mất cân bằng các chất chống oxy hóa trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.
Bạn không nhất thiết phải tránh xa tuyệt đối thực đơn các món BBQ. Điều cần lưu ý là bạn nên để các miếng thịt chín vừa và không để thịt bị cháy xém quá mức.
5. Chiên
Chiên là cách nấu tốt nhất để rau có thêm chất béo, từ đó giúp các vitamin và khoáng chất được hấp thụ dễ dàng hơn vào cơ thể. Khi chiên thực phẩm, rất ít và hầu như không có nước thoát ra, các vitamin cũng sẽ được giữ lại khá nhiều. Chẳng hạn như với khoai tây, hầu như lượng vitamin C sẽ không bị hao hụt trong quá trình chiên.
Mặt khác, nếu bạn chiên đi chiên lại nhiều lần, dầu sẽ xuất hiện nhiều tạp chất và bị cháy khiến thực phẩm của bạn có mùi khét. Dầu tái sử dụng nhiều lần cũng sẽ mất đi nhiều dinh dưỡng.
Để chiên thực phẩm ngon và bổ dưỡng, bạn nên loại bỏ các tạp chất trong dầu càng thường xuyên càng tốt và tất nhiên không sử dụng dầu chiên đi chiên lại.
Thưởng thức được một món ăn ngon là cảm giác vô cùng tuyệt vời cho cả quy trình chế biến món ăn đã tốn nhiều công sức của bạn. Vì thế, hãy chú ý hơn đến cách chế biến thực phẩm để có những món ăn thơm ngon mà vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe của bạn và cả gia đình nhé!