Thực tế cho thấy những người ăn nhiều rau củ, trái cây và thường xuyên đưa chúng vào chế độ ăn uống hàng ngày có khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Trái cây cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, chẳng hạn như kali, chất xơ, vitamin C, và folate (axit folic). Hầu hết các loại trái cây tự nhiên đều ít chất béo, natri, và calo.
Đặc biệt hơn cả, chúng không chứa cholesterol. Bất kì loại trái cây hoặc nước ép nguyên chất nào cũng đều được xem là một phần của “nhóm trái cây”. Trái cây có thể ở dạng tươi, đóng hộp, đông lạnh, sấy khô, còn nguyên, cắt ra hoặc xay nhuyễn.
Loại trái cây nào tốt nhất?
Không có loại trái cây hay rau củ nào tốt nhất. Ăn nhiều trái cây và đa dạng các loại rau củ sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều nhóm dưỡng chất cần thiết.
Dù bạn đang áp dụng chế độ ăn nào, bạn cũng nên thêm trái cây vào khẩu phần cho các bữa ăn chính của mình. Bạn cũng có thể ăn trái cây thay cho các loại thức ăn khác trong các bữa ăn phụ.
Khi mua rau và trái cây đóng hộp, sấy khô hoặc đông lạnh, bạn hãy nhớ so sánh nhãn thực phẩm và chọn sản phẩm có lượng natri và đường bổ sung thấp nhất.
Làm sao để ăn nhiều trái cây hơn?
Với nhiều người, ăn nhiều trái cây không phải là thói quen. Họ phải cố gắng ghi nhớ để bổ sung loại thực phẩm này cho cơ thể. Nếu bạn là một trong số đó, hãy áp dụng 10 cách sau đây để ăn trái cây nhiều hơn.
1. Luôn có trái cây trong nhà
Bạn có thể mua sẵn trái cây, sơ chế hoặc rửa sạch, chia từng phần nhỏ vừa ăn rồi để trong tủ lạnh ăn dần. Nếu làm việc tại văn phòng, bạn có thể để trái cây vào hộp rồi mang theo đi làm để thưởng thức mỗi ngày.
2. Quan tâm đến hương vị
Để ăn nhiều trái cây hơn, bạn hãy ưu tiên các loại trái cây mình thích. Thêm nữa, bạn hãy chọn mua những loại trái cây theo mùa. Điều này vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế nguy cơ trái cây bị thúc chín bằng hóa chất ở những loại trái cây trái mùa.
3. Hướng đến sự đa dạng để ăn nhiều trái cây hơn
Thay vì ăn trái cây, thỉnh thoảng bạn có thể đổi sang hình thức uống nước ép từ các loại trái cây bạn thích. Lưu ý, nước ép trái cây cũng chứa nhiều đường nên bạn đừng lạm dụng. Nước ép nguyên chất sẽ tốt cho sức khỏe hơn nước ép pha đường hoặc những chất làm ngọt khác.
4. Hãy là tấm gương cho trẻ noi theo
Nếu bạn ăn nhiều trái cây, có thể con bạn cũng sẽ học theo cách ăn trái cây của bạn. Vì thế, nếu muốn những đứa trẻ hoặc các thành viên khác trong gia đình ăn trái cây nhiều hơn, bạn hãy “làm gương” nhé!
5. Thêm trái cây vào bữa ăn sáng
Không nhiều người Việt có thói quen ăn trái cây vào bữa sáng. Tuy nhiên, nếu muốn ăn nhiều trái cây hơn, bạn có thể chủ động thay đổi thói quen. Bạn có thể ăn chuối, nho, đào hoặc dâu tây chung với ngũ cốc. Bạn cũng có thể uống nước ép cam hoặc nước ép bưởi nguyên chất vào buổi sáng để bổ sung dưỡng chất từ trái cây cho cơ thể.
6. Ăn nhiều trái cây vào bữa trưa
Vào bữa trưa, hãy nhớ mang theo quýt, chuối, nho, hoặc bất kỳ loại trái cây nào bạn thích để tráng miệng sau bữa ăn. Để ăn trái cây giảm cân, bạn có thể ăn trước bữa ăn trưa để giảm cảm giác đói. Như vậy, bạn sẽ ăn ít thức ăn hơn trong bữa ăn chính.
7. Nhâm nhi trái cây vào bữa tối
Vào bữa tối, bạn hãy thử ăn xà lách trộn, dứa nghiền, múi cam, nam việt quất khô hay nho sau khi ăn tối nhẹ nhàng.
8. Xem trái cây là món ăn vặt
Thay vì chọn những món ăn vặt khác, bạn hãy sử dụng trái cây thay cho bữa phụ để ăn nhiều trái cây hơn.
9. Luôn giữ trái cây an toàn
Hãy luôn rửa sạch trái cây trước khi ăn. Chà xát chúng nhẹ nhàng khi rửa dưới vòi nước sạch nhằm loại bỏ chất bẩn và các vi sinh vật bám trên bề mặt trái cây. Lau khô trái cây bằng khăn sạch sau khi đã rửa kỹ.
Thói quen ăn nhiều trái cây sẽ giúp bạn cải thiện nhiều tình trạng sức khỏe. Nếu chưa tạo lập được thói quen này, bạn hãy thực hiện từng bước một. Nếu cảm thấy khó ghi nhớ, hãy luôn để các loại trái cây yêu thích trong tầm mắt để có thể thường thức bất cứ khi nào.