Nồi thủy tinh là lựa chọn an toàn cho sức khỏe để thay thế các dụng cụ nấu ăn độc hại trong bếp như chảo chống dính có Teflon, nồi đồng hay nồi nhôm. Thế nhưng, bạn đã biết cách sử dụng và bảo quản để tăng tuổi thọ cho bộ nồi sang trọng của mình chưa? Hãy cùng điểm qua một số ưu, nhược điểm của bộ nồi thủy tinh và cách sử dụng loại dụng cụ nhà bếp này nhé.
Ưu điểm của các loại nồi thủy tinh
Các dụng cụ nấu ăn bằng thủy tinh không chỉ làm đẹp cho không gian bếp mà còn có một số lợi ích như sau:
• Dùng được trong lò vi sóng: Nếu muốn hâm nóng thức ăn trong nồi thủy tinh, bạn sẽ thoải mái bỏ thẳng nồi vào lò vi sóng. Ngoài ra, bạn cũng có thể để thẳng lên bếp đun mà không mất công đổ đồ ăn ra chén, tô hay nồi khác.
• Dùng được trong lò nướng: Khi dùng nồi thủy tinh, bạn sẽ không cần xếp đồ ăn ra khay nướng riêng mà có thể bỏ thẳng đồ ăn vào nồi để nướng. Điều này sẽ giúp bạn không phải dùng quá nhiều dụng cụ nấu nướng để chuẩn bị bữa ăn nhanh gọn.
• Dễ quan sát đồ ăn bên trong: Nồi thủy tinh thường trong suốt nên bạn có thể quan sát được thức ăn đang nấu trong nồi. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng nước tràn ra ngoài do quá sôi hay thức ăn bị khét.
• Dùng được trong tủ lạnh và tủ đông: Nếu muốn bảo quản thức ăn thừa vừa nấu bằng nồi thủy tinh, bạn không cần chuyển thức ăn qua hộp đựng mới mà dễ dàng bỏ thẳng nồi vào tủ lạnh hay tủ đông. Bạn cần đợi nồi nguội rồi mới bỏ vào tủ lạnh để đảm bảo tuổi thọ nồi.
• Tận dụng để bày thức ăn: Khi tiếp khách, bạn có thể nấu rồi bày biện thực phẩm ngay trong dụng cụ nấu nướng bằng thủy tinh mà không cần thêm đĩa hay tô. Loại nồi này vẫn đủ tinh tế và sang trọng để bạn trang trí những món ăn đẹp mắt.
• Đảm bảo an toàn thực phẩm: Thủy tinh không chứa chất độc hại hay gây ra phản ứng hóa học với thực phẩm nên thức ăn nấu bằng nồi này rất an toàn cho sức khỏe, tránh ngộ độc thực phẩm.
• Không ám mùi thức ăn: Các dụng cụ nấu ăn bằng thủy tinh khá dễ làm sạch và không bị ám mùi thức ăn sau khi nấu. Nếu bạn biết cách bảo quản, nồi sẽ luôn bền đẹp mà không có dấu hiệu bị ám mùi hay dính vết cháy từ thức ăn.
Khi có một bộ nồi thủy tinh, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian nấu, bảo quản hay hâm nóng thức ăn.
Nhược điểm của các loại nồi thủy tinh
Tuy nồi thủy tinh có khá nhiều ưu điểm nhưng bạn vẫn cần cân nhắc một số nhược điểm của loại nồi này trước khi quyết định mua nồi. Một số nhược điểm có thể kể đến là:
• Dễ trầy xước hay vỡ: Nếu bạn không bảo quản cẩn thận, nồi thủy tinh rất dễ bị rơi vỡ hay trầy xước. Điều này khá nguy hiểm, đặc biệt là nếu có trẻ nhỏ hay thú cưng trong nhà. Khi nồi đã bị xước hay có vết nứt, bạn không nên dùng tiếp vì nồi sẽ dễ bị vỡ sau đó.
• Phân phối nhiệt không đều: Thủy tinh phân phối nhiệt không đều nên bạn cần quan sát thức ăn cẩn thận khi nấu để tránh thực phẩm bị cháy khét.
• Trọng lượng nồi hơi nặng: Các dụng cụ nấu ăn bằng thủy tinh nặng hơn nồi nhôm hay đồng nên bạn có thể gặp chút khó khăn khi sử dụng hay bưng bê, di chuyển nồi.
• Giá thành khá cao: Giá của một chiếc nồi thủy tinh rơi vào tầm 1.000.000 – 2.000.000 đồng một sản phầm tùy kích cỡ và chất lượng. Đây là một mức giá cao so với tầm giá 200.000 – 500.000 đồng của nhiều loại nồi khác.
Những món ăn có thể nấu bằng nồi thủy tinh
Dụng cụ nấu nướng bằng thủy tinh thích hợp để nấu những món nước. Bạn có thể dùng loại nồi này cho một số mục đích nấu nướng như:
- Luộc mì
- Luộc rau
- Nấu cà ri
- Luộc trứng
- Nướng thực phẩm
- Nấu canh hoặc súp
- Pha chế các loại đồ uống nóng
Bạn nên tránh dùng các dụng cụ nấu nướng thủy tinh để chiên rán hay xào vì việc lau chùi dầu mỡ sẽ hơi vất vả đấy.
Cách bảo quản nồi thủy tinh
Các dụng cụ nấu ăn bằng thủy tinh khá nặng và dễ nứt vỡ nên bạn cần hết sức cẩn thận khi lau chùi và sắp xếp.
• Cách lau rửa: Trước khi rửa nồi thủy tinh, bạn hãy ngâm nồi với nước xà phòng để các vết bẩn loãng ra và dễ rửa hơn. Ngoài ra, bạn chỉ nên sử dụng nước rửa chén nhẹ và miếng rửa chén mềm khi rửa để tránh làm xước nồi. Bạn cũng có thể bỏ nồi vào máy rửa chén nếu nồi của bạn có thể dùng được trong loại máy này.
• Cách sắp xếp: Khi sắp xếp dụng cụ nấu ăn bằng thủy tinh vào tủ hay kệ, bạn cần xếp riêng từng cái chứ không nên chồng lên nhau để tránh tình trạng va đập. Nếu muốn xếp chồng nồi lên nhau để tiết kiệm không gian, bạn hãy úp ngược mặt nồi xuống dưới rồi chồng dần từ nhỏ đến lớn. Ngoài ra, bạn cũng nên để một lớp lót bằng khăn mềm giữa các nồi để bảo vệ nồi tốt hơn.
Nồi thủy tinh nấu bếp từ được không?
Thường thì các dụng cụ nấu ăn bằng thủy tinh không dùng được với bếp từ vì thủy tinh là chất liệu không nhiễm từ nên không hấp thụ nhiệt từ bếp. Hơn nữa, việc dùng nồi không tương thích cũng không phải cách sử dụng bếp từ an toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có cách vừa tận dụng được chức năng nấu nhanh của bếp từ, vừa dùng được một bộ nồi sang trọng.
• Mua thêm đĩa chuyển nhiệt: Đĩa chuyển nhiệt là một tấm thép không rỉ có khả năng nhiễm từ và chuyển hóa thành nhiệt để làm nóng nồi thủy tinh. Khi nấu, bạn đặt đĩa chuyển nhiệt trực tiếp lên bếp rồi mới đặt nồi lên trên đĩa. Sản phẩm này cũng hỗ trợ những loại nồi không tương thích với bếp từ để bạn thoải mái sử dụng nồi đất, gốm, sứ, nhôm… để nấu ăn.
• Chọn nồi thủy tinh nấu bếp từ: Hiện nay, có một số loại nồi thủy tinh được thiết kế với phần đáy có khả năng nhiễm từ để bạn có thể dùng trực tiếp trên bếp từ. Bạn hãy tìm mua loại nồi này của các hãng uy tín để có được sản phẩm chất lượng.
• Dùng bếp từ kết hợp hồng ngoại: Nếu muốn trang bị bếp cho căn nhà của mình, bạn hãy cân nhắc dùng bếp từ kết hợp hồng ngoại. Đây là loại bếp có cả vùng nấu từ và vùng nấu hồng ngoại. Bạn có thể dùng các dụng cụ nấu nướng bằng thủy tinh ở vùng nấu hồng ngoại và dùng đồ inox ở vùng nấu từ rất tiện lợi.
Nồi thủy tinh sang trọng, an toàn cho sức khỏe nhưng đòi hỏi bạn phải bỏ công sức chăm sóc kỹ càng thì mới bền đẹp. Vậy nên, bạn hãy cân nhắc kỹ những ưu nhược điểm của loại nồi này trước khi quyết định mua về dùng nhé.
Như Vũ