Cách làm mứt khoai lang vàng ươm đón Tết
Photo by Luke Michael on Unsplash

Cách làm mứt khoai lang vàng ươm đón Tết

Nếu biết cách làm mứt khoai lang ngon, khách đến chơi nhà sẽ trầm trồ khen ngợi tay nghề của bạn khi nhâm nhi cùng tách trà nóng đầu năm đấy.

Khoai lang từ lâu đã là thực phẩm rất quen thuộc và chứa nhiều dưỡng chất tốt đối với sức khỏe. Ngoài các cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, chiên… khoai lang còn giúp ngày Tết của người Việt thêm ý nghĩa với món mứt khoai lang.

Miếng mứt khoai vàng ươm, thơm lừng, nhâm nhi cùng tách trà nóng sẽ khiến bạn cảm nhận được vị ngọt ngào, ấm áp bên gia đình. Vì vậy, đừng quên bổ sung món ngon này vào danh sách thực phẩm đầu xuân nhé.

Cách làm món mứt khoai lang

Nguyên liệu

  • Khoai lang
  • Nước vôi trong
  • Vani
  • Đường cát trắng
  • Muối

Thực hiện

1. Sơ chế nguyên liệu

  • Pha muối với nước để tạo thành dung dịch muối loãng.
  • Pha vôi với nước theo tỷ lệ 1 lít nước pha với 20g vôi trắng, để qua đêm cho lắng hết vôi đi, lấy phần nước trong để ngâm khoai.
  • Khoai lang gọt sạch vỏ rồi thái thành những miếng dọc vừa ăn. Các bạn nhanh chóng ngâm các miếng khoai vừa gọt xong vào chậu nước muối loãng để tránh cho khoai bị thâm và sạch hết nhựa. Thời gian ngâm khoai kéo dài khoảng 25 – 30 phút, sau đó bạn vớt ra cho ráo nước.
  • Ngâm khoai với nước vôi trong đã pha sẵn khoảng 3 giờ rồi vớt ra, xả nhiều lần với nước cho thật sạch.

2. Làm mứt khoai lang

  • Bắc một nồi nước lên bếp đun sôi, thả khoai lang vào đun sơ.
  • Vớt khoai lang ra rổ đồng thời xả nước lạnh cho khoai nguội bớt và giữ được độ giòn, sau đó để khoai thật ráo nước.
  • Bạn ướp khoai với đường theo tỷ lệ 1kg khoai lang – 500g đường. Để khoai chừng 5 – 6 tiếng cho đường tan hết, thỉnh thoảng bạn nhớ đảo đều khoai để đường ngấm dần vào khoai.
  • Cho khoai và nước đường vào chảo hoặc nồi. Ban đầu, do lượng nước khá nhiều nên bạn hãy đun trên ngọn lửa lớn cho nước nhanh cạn, thỉnh thoảng đảo nhẹ tay tránh làm khoai bị vỡ.
  • Khi nước đường bắt đầu keo lại, bạn nhìn sẽ thấy màu hơi óng ánh. Lúc này, bạn bắt đầu hạ nhiệt xuống mức thấp nhất và đảo khoai liên tục.
  • Thời gian sau đó, bạn sẽ thấy đường khô dần, khi đảo sẽ thấy hơi nặng tay.
  • Theo dõi đến khi đường kết tinh màu trắng bám vào khoai, bạn vẫn tiếp tục đảo đều tay để các miếng khoai tách riêng biệt không bị dính vào nhau. Đồng thời, cho vài giọt hoặc 1 ống vani vào chảo khoai, đảo thêm 1 phút nữa thì tắt bếp.
  • Đổ mứt khoai ra mâm cho thật nguội rồi cho vào lọ thủy tinh dùng dần.

Với cách làm mứt khoai lang như trên, bạn đã có được một món mứt thơm ngon cho những ngày Tết. Thành phẩm mứt khoai lang sau khi hoàn thành được trình bày rất bắt mắt, từng miếng khoai lang được bao phủ bởi một lớp đường trắng mỏng rất hấp dẫn.

Mứt khoai lang có vị ngọt nhẹ, vừa ăn kết hợp vị dẻo, bùi, rất thơm ngon và lạ miệng. Không chỉ hợp khẩu vị, tác dụng của khoai lang đối với sức khỏe vẫn được giữ nguyên khi chế biến thành món mứt hấp dẫn.

Lưu ý khi làm mứt khoai lang

  • Các bạn nên chọn loại khoai có vỏ màu đỏ, bên trong màu vàng, bởi đây là loại khoai bột, khi chín khoai khá rắn nên sẽ không bị nát, ăn mứt rất ngon và có màu đẹp mắt.
  • Nếu bạn muốn ăn mứt khoai lang có độ dẻo nhiều thì để mứt khoai lang nguội rồi cho vào lọ thủy tinh bảo quản để dùng, trường hợp bạn muốn ăn mứt khoai lang giòn và khô hơn một chút có thể mang mứt khoai lang ra phơi nắng thêm 1 – 2 tiếng nữa, để nguội rồi mới cho vào lọ bảo quản.
  • khoai lang đã khá ngọt nên bạn có thể bớt lượng đường đi tùy thích nhưng không nên cho quá ít vì mứt sẽ không đủ để kết tinh trong quá trình sên.
  • Với mứt khoai lang, bạn có thể dùng kèm trà nóng cùng một số loại mứt, bánh khác trong ngày Tết Nguyên Đán đều rất phù hợp.

Cách bảo quản mứt ngon ngày Tết

Cách tốt nhất để bảo quản và giữ không làm mất dinh dưỡng trong khoai lang là bạn nên cho mứt vào trong một hũ thủy tinh rồi đổ một lớp đường trắng lên trên. Trong trường hợp chưa sử dụng, mứt của bạn vẫn giữ được mùi thơm ban đầu và không bị chảy nước, vì đường có khả năng hút ẩm.

Một số người hay cho mứt vào ngăn đá của tủ lạnh, nhưng cách này dễ làm hỏng mứt, mứt dễ bị chảy nước khi đưa ra ngoài.

Đối với mứt đã được dọn ra khay, đặc biệt là mứt khoai lang dẻo, bạn nên lưu ý đậy kín sau khi dùng, chuẩn bị những cây nĩa để sử dụng mứt vệ sinh hơn. Bạn không nên bỏ quá nhiều ra khay, nếu sử dụng không hết thì khó bảo quản được lâu dài.

Khi dọn mứt, bạn nên tránh nơi có ánh nắng chiếu vào. Nhiệt độ cao khiến mứt bị chảy nước và dễ sinh ra những loại vi khuẩn gây đau bụng.

Mứt khoai lang ngào đường rất thơm, cắn một miếng mứt ngọt đến tận đáy lòng và nhâm nhi cùng một tách trà nóng lại càng tuyệt vời hơn. Bao nhiêu bộn bề lo toan của năm cũ cứ theo đó âm thầm bị cuốn đi hết, chỉ còn những giây phút đầm ấm bên gia đình. Vậy thì bạn còn ngần ngại gì mà không tự tay làm món mứt khoai lang cho cả nhà cùng thưởng thức để ngày Tết thêm ấm cúng nào!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.