Cho đến giữa những năm 1980, khoảng 98% sản lượng bột bình tinh có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới như Tây Ấn, Nam Mỹ và Úc được sử dụng làm thực phẩm tại Anh, Canada, châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, bột còn được dùng để sản xuất giấy, mỹ phẩm và dược phẩm. Bột bình tinh hay bột huỳnh tinh là một loại bột được mài từ củ bình tinh. Ở miền Bắc, loại củ này được biết đến với tên gọi phổ thông hơn đó là củ dong. Đây là loại củ có tính mát, rất tốt cho hệ tiêu hóa cũng như hỗ trợ điều trị một số bệnh liên quan đến da, nóng trong người.
Bột bình tinh là lựa chọn thay thế cho bột bắp
Bột bình tinh được chiết xuất từ củ bình tinh. Quá trình thực hiện là ngâm củ vào nước nóng, lột bỏ lớp vỏ ngoài, xay củ thành bột, trong quá trình xay, đổ thêm nước vào. Dùng miếng vải cotton, bọc lên một cái xô, lọc nước bình tinh nhiều lần. Ngâm một đêm cho tinh bột lắng xuống, kết tinh lại dưới đáy. Gạn bỏ nước, chỉ còn lại tinh bột. Phơi tinh bột này với nắng. Nếu phơi được nắng tốt, bột sẽ có màu trắng đẹp. Nếu không, bột xỉn màu. Bột bình tinh hoàn toàn an toàn và không có tác dụng phụ, ngay cả đối với trẻ sơ sinh.
Từ khi công nghệ biến đổi gen (GMO) ra đời, bột bắp thường được làm từ ngô biến đổi gen và được chiết xuất bằng một quá trình hóa học có sử dụng hóa chất và nhiệt độ cao để biến ngô thành bột. Bạn có thể mua bột ngô không biến đổi gen nhưng thường có giá đắt hơn. Do đó, bột bình tinh là một lựa chọn thay thế lành mạnh cho bột bắp.
Những lợi ích của bột bình tinh
Bột bình tinh là một nguồn cung cấp carbohydrate tự nhiên rất tốt.
1. Bình tinh rất tốt cho người bị rối loạn tiêu hóa
Bình tinh chứa một số vitamin nhóm B, bao gồm thiamin, niacin và pyridoxine và các khoáng chất như đồng, sắt, mangan, magiê, phốt pho và kẽm. Tất cả đều là các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Các nghiên cứu cho thấy bình tinh có hàm lượng protein cao hơn so với các loại tinh bột khác. Dù bình tinh là một loại tinh bột, nhưng nó không chứa gluten. Đây là một lựa chọn tốt để ngăn ngừa chứng đầy hơi, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa.
Những người mắc bệnh celiac phải loại bỏ gluten ra khỏi khẩu phần ăn của mình để cải thiện tình trạng bệnh. Vì vậy, bình tinh là lựa chọn thay thế mà không gây khó chịu cho người bệnh. Bình tinh cũng được tìm thấy là có hiệu quả để điều trị tiêu chảy ở người mắc hội chứng ruột kích thích.
Bạn có thể dùng củ bình tinh như các loại củ khác khi chế biến thức ăn. Tuy nhiên, củ già thường rất xơ và ăn ít ngon miệng hơn. Nếu bạn có ý định mua bột bình tinh, hãy tìm sản phẩm của thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng và độ tinh khiết của bột.
2. Bình tinh có thể cải thiện nhiều chức năng trong cơ thể bạn
Bình tinh có nhiều chất dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe:
- Cân bằng pH: Canxi clorua trong bình tinh giúp duy trì sự cân bằng giữa axit và kiềm của cơ thể.
- Tiêu hóa: Chất xơ giúp đẩy thực phẩm qua hệ tiêu hóa hiệu quả đồng thời cho phép các chất dinh dưỡng hấp thụ. Quá trình này có thể ngăn ngừa táo bón và giúp kiểm soát lượng đường huyết và bệnh đái tháo đường.
- Lưu thông: Trong bình tinh chứa đồng và sắt. Đây là các thành phần cấu tạo hồng cầu quan trọng, ngăn ngừa mệt mỏi, yếu và giảm chức năng nhận thức, các triệu chứng thiếu máu. Tăng lưu thông oxy đến các cơ quan và các khu vực cung cấp năng lượng.
- Giảm cholesterol: Bình tinh thúc đẩy sản xuất mật, làm tăng sự hấp thu cholesterol của túi mật để tổng hợp mật cần thiết. Theo cách này, bình tinh có thể giúp tối ưu hóa mức cholesterol trong cơ thể.
- Giữ cân nặng: Nếu so với khoai tây và các loại tinh bột khác, bình tinh cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng khác nên ít gây đói giữa các bữa ăn. Vì vậy, bạn tránh thèm ăn vặt, nguyên nhân gây tăng cân.
- Trao đổi chất: Vitamin B trong bình tinh giúp tối ưu hóa chức năng enzyme và điều chỉnh các quá trình trao đổi chất chẳng hạn như nhịp sinh học và quá trình oxy hóa glucose.
- Tăng trưởng, phát triển: Bình tinh chứa nhiều protein hơn các loại rau củ và tinh bột khác. Protein thực vật được cho là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu nhất, tối ưu hóa sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh, dễ tiêu hóa hơn.
- Ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh: Folate (vitamin B9) là một loại vitamin nhóm B có mặt trong bình tinh. 100g bình tinh cung cấp 84% folate cần thiết trong một ngày. Phụ nữ được nạp đầy đủ vitamin B9 khi mang thai giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
- Tốt cho tim: Lượng kali cao trong bình tinh giúp làm mềm các mạch máu và động mạch, ngăn ngừa các cơn đau tim, huyết áp cao, đột quỵ và thúc đẩy lưu lượng oxy đến não để kích thích sức khỏe của não.
3. Bột bình tinh giúp làm lành vết thương, hấp thụ và cải thiện làn da
Nhiều người cho rằng bình tinh có tác dụng như một phương thuốc kỳ diệu như đắp bột lên vết thương giúp tiêu độc, vết loét tự hoại, vết cắn của bọ cạp, hoại tử và thậm chí là bệnh đậu mùa.
Bình tinh được công nhận là một liệu pháp thảo dược giúp làn da mềm mại, mịn màng hơn và còn có khả năng hút dầu. Bình tinh có thể được sử dụng trong mỹ phẩm như phấn mặt và phấn nền để làm giảm vết thâm và giữ làn da sạch sẽ. Loại này có đặc tính vượt trội hơn so với bột talc thường chứa chất gây ung thư.
Các món chế biến với bình tinh
Bạn có thể dùng bình tinh để chế biến thành những món ăn bằng những cách sau đây:
- Món snack khoai lang: Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, bào mỏng, xóc với hỗn hợp gồm muối, tiêu và bột bình tinh, cho vào lò nướng
- Các món tráng miệng: Dùng bột bình tinh để làm bánh pudding, món sữa trứng và nước sốt chocolate.
- Bánh mì: Bột bình tinh là một thành phần có mặt trong nhiều loại bánh mì ngọt thường đi cùng với bột dừa, bột hạnh nhân, bột hạt lanh.
- Món xào hoặc rau hầm: Cho bột bình tinh vào để tạo hỗn hợp sệt. Khi nấu ăn với bột bình tinh, tốt nhất là bạn nên thêm vào giai đoạn cuối cùng của quá trình nấu ăn để không làm mất đi các chất dinh dưỡng do nhiệt độ cao.
Bột bình tinh làm bánh nào?
1. Cách làm bánh in bột bình tinh
Chuẩn bị
- 400g bột bình tinh
- 150g đường
- 180ml nước cốt dừa
- 6 lá dứa cắt khúc nhỏ
- Khuôn làm bánh in
Thực hiện
- Rang bột bình tinh với lá dứa trên lửa nhỏ. Nếu rang với lửa quá lớn thì bột dễ bị cháy khét, ngả màu vàng sẽ mất đi hương thơm tự nhiên của bình tinh.
- Tay đảo đều cho đến khi lá dứa chuyển màu xanh rêu, hương lá dứa thơm nồng là lúc bột chín. Đợi bột nguội, dùng rây lược bỏ lá dứa.
- Vắt nước cốt dừa, cho vào một lượng đường vừa đủ. Nhấc lên bếp, nấu cho đến khi nước cốt dừa sệt lại.
- Chia nước cốt dừa làm hai: Một phần để nguyên, phần còn lại trộn với nước lá dứa để tạo màu xanh. Muốn có bánh màu hồng, cam… có thể trộn với màu thực phẩm. Sau khi trộn với màu, nấu nước dừa sôi lên lần nữa trước trộn bột làm bánh.
- Rưới nước cốt dừa vào bột bình tinh, nhồi trộn từ từ để bột vừa đủ độ ẩm, không ướt hoặc khô quá, bột khó kết dính. Bí quyết là khi nắm chặt bột lại, khi mở tay ra nếu thấy khối bột kết dính, không bị vỡ là đạt yêu cầu.
- Cho bột vào đầy các lỗ khuôn, ém chặt bột. Úp ngược mặt khuôn xuống và gõ nhẹ để lấy bánh ra.
- Dùng giấy kiếng nhiều màu gói bánh lại, cất vào hộp khô ráo để dùng dần.
2. Bánh thuẫn
Chuẩn bị
- 800g bột bình tinh
- 200g bột năng
- 10 quả trứng gà
- 1kg đường trắng
- 2 ống vani
- 1 khuôn bánh thuẫn
- 50 – 60 chiếc giấy nến lót bánh
Thực hiện
- Đập toàn bộ phần trứng gà đã chuẩn bị vào trong một chiếc tô lớn. Dùng phới đánh đều trứng cho tới khi bông mịn thì cho đường vào. Đánh tan đường với trứng đến khi hỗn hợp nổi bong bóng, dừng lại. Nhỏ một giọt trứng vào chén nước. Nếu trứng không tan là đạt yêu cầu.
- Cho phần bột bình tinh, bột năng, vani vào một chiếc tô lớn, trộn đều. Từ từ cho 300ml nước lọc vào nhào bột sao cho phần bột không bị vón cục. Khi bột ngấm vừa nước, bạn dừng lại không cho thêm nước nữa để tránh bột bị nhão.
- Nhào bột trong khoảng từ 1 – 2 phút, sau đó cho từ từ hỗn hợp trứng vào. Nhào kỹ trứng với bột sao cho khối bột trở thành dạng sánh, sệt. Trường hợp lượng trứng không đủ để tạo hỗn hợp bột, bạn có thể tiếp tục nhào thêm với nước lọc.
- Rửa sạch và lau khô khuôn bánh thuẫn, phết lớp dầu ăn mỏng lên trên để tránh bánh bị dính. Đặt khuôn vào trong nồi hấp, hấp cho nóng khuôn.
- Khi khuôn bánh đã nóng, dùng thìa múc phần bột đã chuẩn bị vào khuôn sao cho bột chỉ cao bằng khoảng 2/3 khuôn. Đậy vung nồi hấp lại và hấp chín bánh trong khoảng từ 5 – 7 phút.
- Bạn có thể dùng một chiếc que tăm nhỏ chọc nhẹ vào bánh. Khi bột không còn dính vào que tăm nữa tức là bánh đã chín.
3. Bình tinh chiên
Chuẩn bị
- 1kg củ bình tinh
- 1 nhánh nghệ nhỏ
- Gia vị: nước mắm, đường, tiêu, hạt nêm
- Vài cọng hành lá
- Dầu ăn
Thực hiện
- Rửa sạch củ bình tinh, lột vỏ, cắt củ bình tinh thành từng khúc nhỏ bằng lóng tay, dùng chày cối ra giã nát.
- Nhánh nghệ nhỏ rửa sạch, giã chung cho món ăn có màu đẹp.
- Nêm vào hỗn hợp bình tinh, nghệ chút nước mắm, đường, tiêu, hạt nêm, hành lá, trộn đều để đó.
- Bắt chảo dầu lên, tép tỏi đập giập, trút hỗn hợp bình tinh đã giã nát vào chảo, dùng muỗng ép ra cho kín chảo và thấm đều dầu.
- Chiên bình tinh phải để lửa riu riu để chín từ từ, không bị khét. Khi một mặt đã vàng, dùng sạn lật mặt còn lại. Khi hai mặt của bánh bình tinh vàng đều, dùng sạn xúc ra dĩa. Dùng nóng sẽ ngon hơn.
Vi Cao/