Các món ăn sau Tết không chỉ giúp cân bằng lại khẩu vị sau thực đơn quá dầu mỡ ngày Tết, mà còn đem lại nhiều lợi ích với sức khỏe. Đặc biệt, cách chế biến các món này lại đơn giản và không tốn nhiều thời gian.
1. Món ăn sau Tết tốt cho sức khỏe: Súp lơ trộn đậu phụ
Nguyên liệu
- 1 bông súp lơ xanh
- 1 miếng đậu phụ
- 20-30 ml nước tương
- 1 thìa canh xốt mayonnaise
- 1 thìa canh nước cốt chanh leo
- 1 thìa canh mật ong
- Đường, muối, vừng rang
Cách làm
- Cắt súp lơ thành từng miếng vừa ăn rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch.
- Bắc nồi nước đun sôi với một ít muối, rồi cho súp lơ vào luộc chín. Sau đó, vớt súp lơ ra để ráo nước.
- Tiếp tục cho đậu phụ vào nồi nước đã luộc súp lơ và luộc sơ qua.
- Vớt đậu phụ ra để vào khăn và vắt đậu cho bớt nước. Kế tiếp, đổ đậu phụ ra bát và dùng muỗng nghiền nát đậu ra.
- Cho một ít nước tương, sốt mayonnaise, nước cốt chanh leo, mật ong và đường vào bát đậu, rồi trộn đều lên.
- Sau đó, cho súp lơ đã luộc vào bát đậu và trộn đều. Lúc này, bạn có thể nêm nếm gia vị sao cho hợp khẩu vị.
- Cho hỗn hợp súp lơ đã trộn đậu phụ ra đĩa, thêm một ít vừng rang lên trên là đã hoàn thành. Món ăn có vị ngọt thanh của súp lơ, vị béo của đậu phụ và chua ngọt của hỗn hợp gia vị rất dễ ăn. Đây là một trong những món ăn giải ngán sau Tết bổ dưỡng để thay đổi khẩu vị cho gia đình bạn đấy.
Lợi ích của súp lơ với sức khỏe
- Chống ung thư: Theo một số nghiên cứu cho thấy súp lơ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư ở các cơ quan như: ung thư vú, dạ dày, thận, bàng quang,…
- Ổn định đường huyết: Việc ăn súp lơ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn ở những người bị tiểu đường. Bên cạnh đó, nguồn chất xơ có trong súp lơ còn có tác dụng giảm lượng đường trong máu và giúp đường huyết ổn định hơn.
- Tăng cường sức khỏe tim mạch: Việc bổ sung súp lơ trong bữa ăn không chỉ giúp giảm đi nồng độ triglyceride và LDL cholesterol, mà còn tăng thêm lượng HDL cholesterol tốt. Điều này giúp hạn chế các nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch cũng như xơ vữa động mạch.
Có thể bạn quan tâm: Cách làm gỏi vịt siêu ngon khó cưỡng làm mới khẩu vị gia đình
2. Củ cải trắng nhồi thịt
Nguyên liệu
- 2 củ cải trắng
- 250g thịt heo
- 6 cây nấm hương
- 1 thìa rượu nấu ăn
- 2 thìa xì dầu nhạt
- 1 thìa dầu hào
- 1 thìa muối
- nửa thìa đường
- 1 thìa nhỏ bột mì hoặc bột ngô
Cách làm
- Rửa sạch thịt heo để ráo nước và băm nhỏ.
- Ngâm nấm hương với nước mềm, vớt ra để ráo rồi băm nhỏ và cho vào với thịt băm. Cho thêm xì dầu nhạt, dầu hào, muối, đường, rượu vào trộn đều. Sau đó, cho thêm một lượng nhỏ bột mì hoặc bột bắp để hỗn hợp thịt có độ kết dính.
- Chọn những củ cải trắng to dày càng tốt. Gọt vỏ củ cải và rửa sạch, rồi cắt thành từng khúc nhỏ khoảng 4-5 cm.
- Sử dụng thìa để khoét rỗng các khúc củ cải vừa cắt tạo thành những cái bát. Khi khoét nên dùng lực vừa phải, không nên làm thủng lớp ngoài của củ cải.
- Cắt nhỏ phần thịt củ cải đã khoét thành hạt lựu rồi trộn đều với hỗn hợp thịt băm. Nhồi phần nhân thịt băm vào những chiếc củ cải đã khoét, ấn thật chặt phần thịt. Nên nhồi thịt vừa phải và tránh nhồi quá nhiều thịt.
- Bắc nồi nước đun sôi, xếp củ cải vào trong dĩa rồi cho vào nồi để hấp cách thủy tầm 20 phút.
- Trong lúc hấp củ cải, nước từ củ cải sẽ chảy ra. Bạn không nên bỏ phí chúng mà hãy đổ nước hấp này vào chảo và đun nóng ở lửa nhỏ. Sau đó, cho thêm dầu ăn, hỗn hợp bột ngô hòa với nước lạnh vào và đun đến khi hỗn hợp sệt lại.
- Rưới phần nước sốt này lên bề mặt củ cải vừa hấp là đã hoàn thành món ăn và có thể thưởng thức rồi đấy.
Lợi ích của củ cải trắng
- Giảm cholesterol: Theo một nghiên cứu cho thấy, việc ăn nhiều củ cải không chỉ giúp làm hạ nồng độ cholesterol, giảm lượng chất béo trung tính, mà còn làm tăng HDL (cholesterol tốt).
- Khả năng chống ung thư: Củ cải giàu hàm lượng vitamin C, từ đó giúp cơ thể chống lại những tác động xấu của vi-rút và bảo vệ cơ thể tốt nhất. Bên cạnh đó, củ cải còn chứa dầu cải và glycosid, giúp hình những thành chống ung thư.
- Giảm cân hiệu quả: Củ cải có hàm lượng calo thấp nhưng lại chứa nhiều chất xơ giúp tăng cảm giác no lâu khi ăn. Điều này sẽ giúp giảm cơn thèm ăn và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
3. Món ăn sau Tết bổ dưỡng: Nộm su hào
Nguyên liệu
- 3 củ su hào
- 1 củ cà rốt
- Tỏi, ớt, chanh tươi, lạc rang, vừng rang
- Rau húng, rau mùi, kinh giới.
- Gia vị: Dấm, đường, mì chính, muối, nước mắm.
Cách làm
- Gọt vỏ su hào rồi cắt thành từng sợi, cho vào một cái bát to. Tiếp đó, bỏ một thìa muối vào rồi trộn đều lên và ướp trong khoảng 30 phút.
- Sau đó, chuẩn bị một chiếc khăn tay mỏng và cho một ít cà rốt lẫn su hào vào khăn và vắt hết nước. Điều này giúp món nộm khi chế biến xong sẽ khô và không bị ra nước. Lấy phần nước để ở một bát riêng. Bạn có thể vắt bằng tay nếu không có khăn tay mỏng.
- Chuẩn bị nước chấm để trộn: Cho vào chén nước lọc, nước mắm, đường, bột ngọt, tỏi với tỷ lệ tùy vào khẩu vị mỗi gia đình. Thêm một ít nước chanh và ớt cắt lát đã loại bỏ hạt vào cùng rồi khuấy đều lên.
- Rưới phần nước chấm lên hỗn hợp su hào và cà rốt, sau đó trộn đều lên để món nộm ngấm gia vị. Sau đó, thêm ít lạc rang giã nhỏ, rau mùi và húng quế đã cắt vào, trộn lên lần nữa để khoảng 10 phút rồi cho đĩa thưởng thức nhé.
Tác dụng của su hào với sức khỏe
- Tốt cho tim mạch: Su hào chứa hàm lượng kali dồi dào giúp ổn định nhịp tim và hạn chế những nguy cơ bệnh lý về tim mạch. Vì vậy, bạn có thể kết hợp uống nước ép su hào với các bài tập thể dục tốt cho sức khỏe tim mạch để tăng hiệu quả hơn.
- Tăng sức đề kháng: Bên cạnh đó, su hào còn giàu hàm lượng vitamin C. Một chén su hào có thể bổ sung đủ lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể trong một ngày. Vitamin C sẽ giúp nâng cao hệ thống miễn dịch, hỗ trợ phòng ngừa những bệnh cảm cúm, ho, mệt mỏi,…
- Cải thiện tiêu hoá: Với hàm lượng chất xơ dồi dào, su hào vừa giúp no lâu lại còn tốt cho đường ruột, hỗ trợ trị táo bón và đầy hơi hiệu quả. Nếu gặp vấn đề về đường tiêu hóa, bạn chỉ cần uống một ly nước ép su hào, cà rốt và cần tây sẽ giúp xoa tan cảm giác khó chịu.
Có thể bạn quan tâm: Thực đơn 6 món ăn chay rằm tháng Giêng vừa thanh đạm lại bổ dưỡng
4. Cải ngồng sốt dầu hào
Nguyên liệu
- 300g cải ngồng
- 1 củ tỏi băm nhuyễn
- Dầu hào, muối, đường, nước tương, tiêu.
Cách làm
- Cải ngồng chỉ lấy phần ngọn non rồi đem ngâm với nước và rửa sạch.
- Bắc nồi nước sôi rồi cho thêm một thìa muối, cho cải vào luộc sơ qua rồi vớt ra.
- Băm tỏi, bắc chảo lên cho dầu vào rồi cho tỏi vào phi thơm lên, sau đó vớt ra chén.
- Tiếp tục cho thêm 2 thìa dầu hào vào chảo, 1,5 thìa nước tương, ½ thìa đường, tiêu xanh, một ít muối và nửa chén nước vào cùng. Đun sôi hỗn hợp nước sốt với lửa vừa phải. Khi nước sốt sệt lại hãy cho tỏi phi vào. Thêm một ít dầu mè nữa là đã xong phần nước sốt để chấm.
- Thành phẩm chính là rau cải xanh mướt giòn ngọt, kèm theo hương tỏi phi thơm, vị đậm đà của nước sốt. Đây chính là món ăn sau Tết vừa dễ làm lại tốt cho sức khỏe nếu bạn muốn đổi khẩu vị cho bữa cơm gia đình đấy.
Tác dụng của cải ngồng với sức khỏe
- Làm đẹp da: Vitamin C trong rau cải không những giúp tăng sức đề kháng mà còn có tác dụng làm đẹp da. Vitamin C kích thích sản xuất collagen giúp làm da căng mịn, đàn hồi, ngăn ngừa nếp nhăn. Bên cạnh đó, rau cải ngồng cũng chứa lượng nước dồi dào bổ sung cho cơ thể, giúp cấp ẩm và nuôi dưỡng làn da tốt nhất.
- Cải thiện thị giác: Ngoài ra, cải ngồng còn chứa nhiều vitamin A giúp hỗ trợ phòng ngừa các bệnh liên quan đến mắt như: thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể,.. Không chỉ vậy, vitamin A còn giúp cải thiện triệu chứng quáng gà.
- Hạn chế nguy cơ loãng xương: Những chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng nên bổ sung cải ngồng vào thực đơn bữa ăn hằng ngày sẽ giúp ngăn ngừa loãng xương. Vì rau cải ngồng chứa một lượng canxi giúp cải thiện sức khỏe của xương và răng. Bên cạnh đó, vitamin K trong rau cải ngồng giúp tăng khả năng hấp thụ canxi tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển của xương và làm tăng mật độ xương.
Trên đây là những món ăn sau Tết giúp bạn giảm đi cảm giác chán ăn và làm mới thực đơn của gia đình. Đây đều là các món dễ làm tại nhà với những nguyên liệu quen thuộc. Còn chờ gì mà không bắt tay vào chế biến ngay để “đổi gió” bữa ăn cho gia đình nào.