Các chiến lược tiếp thị luôn dựa trên thị hiếu của số đông, nhưng điều đó không có nghĩa là những thông tin quảng cáo thực phẩm an toàn là sự thật 100%. Ngay cả người ăn uống lành mạnh đôi khi vẫn mắc sai lầm khi chọn thực phẩm do một số loại thức ăn có vẻ rất tốt cho sức khỏe nhưng thật ra lại rất nhiều đường và chất bảo quản.
Vì thế, hãy cùng HSSK tìm hiểu để tránh các sai lầm dễ mắc phải khi lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe nhé!
1. Tin tưởng các thực phẩm hữu cơ
Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm hữu cơ (organic) tốt cho sức khỏe và an toàn hơn các sản phẩm thông thường, nhưng thật ra không có bằng chứng khoa học chứng minh điều này. Thậm chí, người trồng các sản phẩm này không sử dụng thuốc trừ sâu được kiểm duyệt mà thay bằng thuốc trừ sâu tự nhiên có thể gây tác dụng phụ chưa được kiểm chứng.
Các sản phẩm có chữ “Eco” hoặc “Natural” trên bao bì không phải lúc nào cũng tốt và lành mạnh hơn. Đôi khi đây chỉ là một chiến lược tiếp thị để tăng doanh thu. Khi mua các sản phẩm này, bạn cần chú ý đến thành phần, nguồn gốc và màu sắc của thực phẩm.
2. Chọn sản phẩm không chứa gluten
Gần đây, các sản phẩm có chứa gluten được xem là có hại cho sức khỏe và nhiều người đã lập tức săn lùng các thực phẩm không chứa chất này.
Đúng là một số người cần thực hiện chế độ ăn uống không chứa gluten nếu mắc bệnh celiac và không dung nạp được chất này. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1% số người mắc phải căn bệnh này.
Đối với những người dung nạp được gluten, không có bằng chứng nào chứng minh việc tránh thức ăn có chứa gluten sẽ tốt cho sức khỏe. Thậm chí, nghiên cứu mới nhất còn cho thấy rằng loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn uống sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3. Ưu ái các sản phẩm ít chất béo
Để theo đuổi lối sống lành mạnh, nhiều người đã lựa chọn các sản phẩm ít béo. Tuy nhiên, ít người trong chúng ta nhận ra rằng khi cắt giảm chất béo, nhà sản xuất sẽ bù đắp bằng các thành phần khác giúp làm tăng hương vị.
Các thực phẩm có hàm lượng chất béo trung bình là rất cần thiết trong chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Bạn không cần loại bỏ chất béo nếu không có chỉ định từ bác sĩ nhé.
4. Uống nước ép trái cây
Nước trái cây chứa nhiều đường nhưng không hề có chất xơ, điều này có thể dẫn đến sự thèm ăn, ăn quá nhiều và tăng cân. Các loại nước trái cây này không khác gì nước ngọt có ga, chỉ làm bạn thêm khát và thèm ăn.
Thay vì mua nước trái cây, bạn hãy ăn trái cây tươi hoặc ngâm trái cây vào nước lọc để làm nước detox.
5. Cứu đói bằng thanh năng lượng
Các thanh thực phẩm cung cấp năng lượng là sự lựa chọn lý tưởng, tiện lợi và thường được bày bán trong các khu vực thực phẩm trong siêu thị. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều chứa đường, chocolate, caramel, hương vị nhân tạo và các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Các thanh thực phẩm này cũng rất nhiều calo nữa đấy.
Bạn hãy dành thời gian ăn uống đầy đủ nếu thấy đói bụng. Nếu thèm đồ ngọt, bạn có thể thử một chút chocolate đen. Chocolate đen tốt cho sức khỏe và có thể thỏa mãn cơn thèm ngọt của bạn.
6. Ăn trái cây sấy khô làm sẵn
Trái cây sấy khô tốt hay không đều phụ thuộc vào cách xử lý và bảo quản của nhà sản xuất. Tuy nhiên, đa số các nhà sản xuất đều thêm các chất phụ gia để tăng thời gian bảo quản nên các chất dinh dưỡng cho trái cây khô không còn nhiều.
Trái cây sấy khô chỉ tốt cho sức khỏe và an toàn khi bạn tự chế biến và sấy khô tại nhà. Khi mua ở cửa hàng, bạn nên mua những sản phẩm không quá hấp dẫn, bóng bẩy mà hơi thô ráp sẽ lành mạnh hơn.
7. Chọn trứng có vỏ màu nâu
Nhiều người nghĩ rằng trứng có vỏ màu nâu sẽ tốt hơn. Thật ra kích thước và màu sắc của một quả trứng phụ thuộc vào giống gà, trong khi đó màu sắc của lòng đỏ cho bạn biết gà được nuôi bằng gì.
Nguyên tắc khi lựa chọn trứng an toàn là bạn hãy dựa vào tình trạng vỏ trứng và cách bảo quản trứng của cửa hàng. Bạn nên lựa chọn trứng vỏ sạch, không có vết nứt và được bảo quản trong tủ lạnh.
8. Dùng nước uống thể thao
Lối sống lành mạnh bao gồm việc luyện tập thể thao nên nhiều người cho rằng các thành phần trong nước uống thể thao là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây là một ngộ nhận về nước uống. Các loại nước uống thể thao chứa rất nhiều chất tạo ngọt, siro, các phụ gia thực phẩm và chất tạo màu.
Các nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm có thể thỏa mãn cơn khát trong quá trình tập luyện nhưng thực chất nước uống thể thao có thể làm giảm hiệu quả luyện tập. Bạn hãy tự làm thức uống thể thao cho mình ngay tại nhà.
9. Ưu tiên thực phẩm nhập khẩu
Nhiều người nghĩ hàng ngoại luôn tốt hơn hàng nội địa nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Các loại trái cây trong nước được trồng theo mùa sẽ tốt cho sức khỏe hơn là trái cây nhập khẩu từ nước ngoài. Một quả táo trồng trong nước và được bán ngay lập tức chứa nhiều giá trị dinh dưỡng hơn là táo được bảo quản bằng thành phần hóa học để vận chuyển đường dài.
Bạn không cần loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm nhập khẩu vì đây cũng là một cách thay đổi khẩu vị. Tuy nhiên, khi lựa chọn, bạn nên đặc biệt chú ý hạn sử dụng, thành phần, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu thực phẩm.
10. Cắt khẩu phần thay vì cắt calo
Nhiều người ăn uống lành mạnh nghĩ rằng ăn ít hơn đồng nghĩa với việc nạp ít calo hơn. Tuy nhiên, khẩu phần ăn và calo là hai vấn đề riêng biệt. Hai quả trứng luộc chứa 188 calo trong khi chỉ một quả trứng chiên đã có tới 160 calo.
Nếu bạn muốn ăn uống no nê nhưng vẫn kiểm soát được lượng calo thì hãy ưu tiên đồ ăn luộc hoặc hấp. Các món chiên xào thường nhiều calo hơn nên sẽ không lành mạnh được như các món luộc hấp.
Những sai lầm trên đây rất phổ biến mà ngay cả những người ăn uống lành mạnh cũng có khả năng mắc phải. Do đó, bạn hãy lưu ý chọn thông tin về cách chọn thức ăn từ những nguồn uy tín để có thể xây dựng chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe nhé!
Minh Thư