Tên chung quốc tế: Potassium chloride.
Mã ATC: A12B A01, B05X A01.
Loại thuốc: Chất điện giải.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc uống: Viên nang, tác dụng kéo dài 8 mmol và 10 mmol kali clorid; dung dịch 10, 15, 20, 30, 40 và 45 mmol/15 ml; thuốc bột để pha dung dịch 15, 20 và 25 mmol/gói (mùi hoa quả); thuốc bột để chế dịch treo 20 mmol; viên nén, tác dụng kéo dài 6;7;8;10 mmol.
Thuốc tiêm: Kali clorid đậm đặc pha tiêm 1,5 mmol/ml và 2,0 mmol/ml (50 ml).
Chú ý: 1 mmol tương đương 75 mg kali clorid.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Kali là một cation chủ yếu (xấp xỉ 150 đến 160 mmol/lít) trong tế bào. Ở dịch ngoại bào, hàm lượng kali thấp (3,5 đến 5 mmol/lít). Một enzym liên kết với màng là Na+ - K+ - ATP - ase có tác dụng vận chuyển tích cực, bơm Na+ ra ngoài và K+ vào trong tế bào để duy trì sự chênh lệch nồng độ này. Chênh lệch nồng độ K+trong và ngoài tế bào cần thiết cho dẫn truyền xung động thần kinh ở các mô đặc biệt như tim, não, và cơ xương, cũng như duy trì chức năng thận bình thường và cân bằng kiềm toan.
Kali clorid hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, và hấp thu tốt hơn các muối kali khác không phải kali clorid, thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận (khoảng 90%), và phân (khoảng 10%). Không giống natri, khả năng giữ kali của thận kém, ngay cả khi cơ thể thiếu nặng.
Chỉ định
Kali clorid thường được lựa chọn để điều trị giảm kali máu, và ion clorid cũng cần để điều chỉnh giảm clo máu thường xảy ra cùng với giảm kali máu. Kali clorid được chỉ định điều trị giảm kali máu nặng ở người bệnh dùng thuốc lợi tiểu thải kali để điều trị cao huyết áp vô căn chưa biến chứng. Kali clorid còn được dùng để phòng giảm kali máu ở những người đặc biệt có nguy cơ giảm kali máu (ví dụ: người bệnh dùng digitalis bị loạn nhịp tim nặng, vì giảm kali máu làm tăng độc tính của glycosid tim).
Kali clorid cũng có thể chỉ định cho người bị xơ gan có chức năng thận bình thường, một số trạng thái ỉa chảy, kể cả do sử dụng thuốc nhuận tràng dài ngày, nôn kéo dài, hội chứng Bartter, bệnh thận gây mất kali, và ở những người bệnh (kể cả trẻ em) điều trị corticosteroid kéo dài.
Chống chỉ định
Kali clorid chống chỉ định khi tăng kali máu, vì tăng thêm kali có thể gây ngừng tim.
Kali clorid dạng viên chống chỉ định khi thực quản bị chèn ép, dạ dày chậm tiêu, tắc ruột, hẹp môn vị, vì cản trở kali clorid qua dạ dày - ruột có thể gây kích ứng dạ dày ruột nặng hơn, do nồng độ kali cao tại chỗ.
Thận trọng
Sử dụng thận trọng ở người bị suy thận hoặc suy thượng thận, bệnh tim, mất nước cấp, say nóng, phá hủy mô rộng như bỏng nặng, hoặc người dùng thuốc lợi tiểu ít thải kali.
Ở người loét dạ dày tá tràng, phải chống chỉ định dùng dạng viên. Phải thận trọng khi ghi đơn thuốc có kali uống dạng rắn, đặc biệt khi dùng liều cao cho người mang thai hoặc người bệnh đồng thời dùng thuốc kháng acetylcholin, vì có khả năng làm giảm nhu động dạ dày - ruột.
Ở người bị suy giảm chức năng thận, cần cẩn thận khi kê đơn kali clorid, vì có thể có nguy cơ tăng kali máu. Theo dõi các chất điện giải trong huyết thanh đặc biệt cần thiết ở những người bị bệnh tim hoặc thận.
Ở một số người bệnh thiếu magnesi do dùng thuốc lợi tiểu sẽ ngăn cản hấp thu kali ở ruột, vì vậy cần phải điều chỉnh giảm magnesi huyết để điều trị giảm kali máu.
Nếu dùng kali clorid khi có tiêu chảy, mất dịch kết hợp với sử dụng kali clorid có thể gây độc tính trên thận, và có thể có nguy cơ tăng kali máu.
Kali clorid có thể làm trầm trọng thêm bệnh liệt chu kỳ có tính chất gia đình hoặc các bệnh loạn trương lực cơ bẩm sinh, vì vậy cần phải thận trọng.
Thời kỳ mang thai
Sử dụng thận trọng ở người mang thai, vì kali clorid có trong cấu tạo tự nhiên của mô và dịch. Nồng độ kali cao hay thấp đều có hại cho chức năng tim của mẹ và thai, nên phải theo dõi sát kali huyết thanh.
Thời kỳ cho con bú
Việc dùng kali được xem là an toàn trong thời kỳ cho con bú. Sữa người bình thường có ít kali. Nếu nồng độ kali huyết thanh của mẹ được duy trì ở mức sinh lý, thì không có hại gì cho đứa trẻ bú mẹ, khi mẹ dùng kali clorid.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Khi dùng lâu dài kali clorid, có thể xảy ra tăng kali máu, nhịp tim không đều là dấu hiệu lâm sàng sớm nhất của tăng kali máu và được phát hiện dễ dàng bằng điện tâm đồ.
Thường gặp, ADR > 1/100
Tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày, khó chịu, hoặc trướng bụng nhẹ, nôn.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tuần hoàn: Tăng kali máu, nhịp tim không đều hoặc chậm.
Xương: Mất cảm giác hoặc như kim châm ở bàn tay, bàn chân hoặc môi, chi dưới yếu hoặc có cảm giác nặng.
Hô hấp: Thở nông hoặc khó thở.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Tiêu hóa: Ðau bụng hoặc đau dạ dày, chuột rút, phân có máu (màu đỏ hoặc màu đen).
Hô hấp: Ðau ngực hoặc họng, đặc biệt khi nuốt.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Loạn nhịp tim là dấu hiệu lâm sàng sớm nhất, phát hiện được bằng điện tâm đồ.
Ngừng dùng kali clorid ngay.
Ỉa chảy, buồn nôn, đau bụng thường xảy ra khi dùng thuốc uống, phải uống cùng thức ăn hoặc phải pha loãng.
Liều lượng và cách dùng
Uống muối kali phải uống vào bữa ăn hoặc sau bữa ăn với nhiều nước. Thuốc nước phải pha đủ loãng trước khi dùng.
Tiêm tĩnh mạch: Phải pha loãng nồng độ kali clorid với một thể tích lớn (1000 ml) của dịch thích hợp để truyền tĩnh mạch, nồng độ kali tốt nhất là 40 mmol trong một lít, và không vượt quá 80 mmol trong một lít. Ðể tránh tăng kali máu trong khi truyền tĩnh mạch, tốc độ truyền không được nhanh, tốc độ 10 mmol trong một giờ thường là an toàn, khi lượng nước tiểu thải ra thỏa đáng (trong điều trị cấp cứu, tốc độ truyền là 20 mmol/giờ). Thông thường, tốc độ truyền không bao giờ được phép vượt quá 1 mmol trong một phút cho người lớn và 0,02 mmol cho một kg thể trọng trong một phút đối với trẻ em. Nếu tốc độ truyền vượt quá 0,5 mmol/kg/giờ, thầy thuốc phải ngồi bên cạnh và theo dõi điện tâm đồ liên tục. Trong suốt thời gian dùng ở tốc độ cao, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên về lâm sàng và điện tâm đồ. Nếu có rối loạn chức năng thận, đặc biệt là suy thận cấp như có dấu hiệu thiểu niệu và/ hoặc tăng creatinin huyết thanh, xảy ra trong khi truyền kali clorid, cần ngừng truyền ngay. Có thể truyền lại nếu cần, nên dùng rất thận trọng và theo dõi chặt chẽ.
Ðiều trị giảm kali máu
Người lớn: Uống phòng trong liệu pháp lợi niệu: 40 mmol/ngày kali clorid có thể phòng được giảm kali huyết ở phần lớn số người bệnh dùng thuốc lợi niệu dài ngày. Ðối với người tăng huyết áp không biến chứng, không phù, điều trị ngoại trú, thường không cần bổ sung kali; tuy nhiên, nếu kali huyết thanh dưới 3 mmol/lít, nên dùng 50 - 60 mmol kali/ngày. Ðối với người bệnh phù (thí dụ suy tim, xơ gan cổ trướng) cho 40 - 80 mmol/ngày (thiếu nhẹ) hoặc 100 - 120 mmol/ngày (thiếu nặng) kèm theo dõi cẩn thận kali huyết thanh.
Tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch ngoại biên (kali huyết thanh nhỏ hơn 2,5 mmol/lít) tốc độ truyền 10 - 20 mmol/giờ; dành tốc độ nhanh hơn 20 mmol/giờ cho những trường hợp cấp cứu; có thể lặp lại cách 2 - 3 giờ nếu cần, nhưng nồng độ kali trong dịch truyền không được vượt quá nồng độ tối đa 40 mmol/lít.
Trẻ em: Uống 1 - 2 mmol/kg trong liệu pháp lợi niệu.
Người cao tuổi: Liều thấp hơn ở người bình thường vì chức năng thận giảm ở một số người do tuổi cao.
Các trường hợp khác: Liều duy trì dựa vào kali huyết thanh. Tổn thương thận, giảm nhu cầu. Ðối với người có tổn thương thận hoặc bị blốc tim bất cứ thể nào, phải giảm tốc độ truyền xuống một nửa và không được vượt quá 5 - 10 mmol/giờ.
Liều lượng phụ thuộc vào ion - đồ huyết thanh và cân bằng kiềm toan. Thiếu kali được tính theo công thức: mmol kali = kg thể trọng x 0,2 x 2 x (4,5 - kali huyết thanh hiện tại tính theo mmol); (thể tích ngoài tế bào được tính từ thể trọng kg x 0,2)
Tương tác thuốc
Kali clorid có thể tương tác với amphotericin B, corticosteroid, glucocorticoid, corticotropin, ACTH, gentamicin, penicilin (kể cả azlocilin, carbenicilin, mezlocilin, piperacilin, ticarcilin), polymyxin B. Nhu cầu kali có thể tăng ở những người dùng các thuốc trên, do tăng bài tiết kali qua thận, cần theo dõi chặt chẽ kali huyết thanh.
Các thuốc ức chế enzym chuyển, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), các tác nhân chẹn beta giao cảm, máu từ ngân hàng máu (có thể chứa kali tới 30 mmol trong một lít huyết tương hoặc tới 65 mmol trong một lít máu khi bảo quản quá 10 ngày), cyclosporin, thuốc lợi tiểu ít thải kali, heparin, sữa có ít muối, chất thay thế muối, sử dụng đồng thời với kali clorid có thể tăng nồng độ kali huyết thanh, làm tăng kali máu nặng gây ngừng tim, đặc biệt trong suy thận, và khi sử dụng các chất chống viêm không steroid cùng với kali clorid có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ đối với dạ dày - ruột.
Kali clorid cần sử dụng thận trọng ở người dùng muối calci đường tiêm, vì có nguy cơ gây loạn nhịp tim.
Khi dùng kali clorid kết hợp với thuốc lợi tiểu thiazid (làm mất nhiều kali), có nguy cơ tăng kali máu nếu ngừng thuốc lợi tiểu.
Kali clorid dùng đồng thời với insulin hoặc natri bicarbonat gây giảm kali huyết thanh do thúc đẩy ion kali vào trong tế bào.
Kali clorid không được dùng đồng thời ở người bị blốc tim hoàn toàn hoặc nặng đang dùng digitalis (ví dụ như: digoxin), tuy nhiên nếu phải bổ sung kali để đề phòng hoặc điều trị hạ kali máu ở những người dùng digitalis thì phải theo dõi chặt chẽ nồng độ kali huyết thanh.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản dưới 300C, tránh làm đông lạnh, bảo quản trong thùng kín hoặc gói lá kim loại.
Tương kỵ
Kali clorid không được pha vào manitol, máu hoặc các sản phẩm máu, hoặc dung dịch chứa aminoacid hoặc có chứa lipid, vì có thể làm kết tủa những chất này hoặc gây tan hồng cầu truyền vào.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Gặp những thay đổi trên điện tâm đồ điển hình (sóng T tăng biên độ và nhọn, sóng P biến mất, phức hợp QRS giãn rộng).
Ðiều trị: Dùng dextrose 10% pha thêm 10 đến 20 đơn vị insulin trong một lít và truyền với tốc độ 300 đến 500 ml dịch trong một giờ.
Ðiều chỉnh nhiễm toan bằng natri bicarbonat 50 mmol tiêm tĩnh mạch trong 5 phút. Có thể nhắc lại liều này trong vòng 10 đến 15 phút.
Dùng calci gluconat (0,5 đến 1 gam, tiêm tĩnh mạch trong 2 phút) để chống lại tác dụng độc trên tim.
Sử dụng nhựa trao đổi ion để rút kali thừa ra khỏi cơ thể bằng sự hấp phụ và/ hoặc trao đổi kali.
Uống natri polystyren sulfonat 20 đến 50 gam nhựa trao đổi ion pha trong 100 đến 200 ml dung dịch sorbitol 20%. Liều có thể cho 4 giờ một lần, 4 đến 5 lần trong một ngày tới khi nồng độ kali trở về mức bình thường.
Có thể cần thiết sử dụng lọc máu thận nhân tạo hoặc thẩm phân màng bụng để làm giảm nồng độ kali huyết thanh ở người suy giảm chức năng thận.
Nguồn: Dược Thư 2002