Chọc dò dịch não tủy

Còn có những tên gọi khác :

Đây là một thủ thuật thực hiện nhằm lấy một mẫu dịch não tuỷ để xét nghiệm. Dịch não tuỷ là một chất dịch bao bọc, che chở và bảo vệ bộ não cũng như toàn bộ tuỷ sống của chúng ta. Dịch này lưu thông xuyên qua hộp sọ, đi vào khoang dưới nhện, nằm ngay dưới màng nhện, một màng cũng làm nhiệm vụ bao bọc bộ não.

Thủ thuật này thực hiện như thế nào ?

Chọc dò tuỷ sống là một phương pháp phổ biến nhất để lấy được một mẫu dịch não tuỷ. Bạn nằm nghiêng trên giường, hai chân co lên sao cho hai đầu gối của bạn ép sát vào ngực. Đôi khi, thủ thuật này cũng được thực hiện khi bệnh nhân ngồi gập người ra trước.

Vùng da định chọc dò được rửa và sát trùng sạch, rồi được gây tê tại chỗ ngay tại cột sống, kim được chọc dò khi đâm vào thường là vùng gian đốt sống thắt lưng 3 – 4.

Khi kim đã vào đến khoang dưới nhện, các kỹ thuật viên sẽ đo áp lực trong dịch não tuỷ, sau đó một lượng dịch sẽ được rút ra để làm xét nghiệm. Sau khi lấy được dịch não tuỷ rồi, kim sẽ rút ra, vùng da được sát trùng một lần nữa, và một miếng băng cá nhân được đặt vào vị trí đó. Bạn sẽ phải nằm ngửa, đầu bằng, trong khoảng 6 – 8 giờ sau khi thủ thuật thực hiện xong.

Chọc dò tuỷ sống (kèm với lấy dịch não tuỷ) còn được thực hiện khi tiến hành một số thủ thuật khác, đặc biệt trong kỹ thuật chụp cột sống đồ ( để đưa chất cản quang vào dịch não tuỷ rồi chụp X-quang hay CT scan ).

Còn nhiều phương pháp khác để lấy được dịch não tuỷ, nhưng rất ít khi thực hiện, trừ khi bệnh nhân có những vấn đề đặc biệt như dị dạng cột sống, hay bị nhiễm trùng ngoài da, điều này có thể khiến không thể chọc dò tuỷ sống được hay khi chọc dò lấy dịch cho kết quả không đáng tin cậy.

Chọc dịch não tuỷ trực tiếp từ bể hành tiểu não, một bể chứa dịch não tuỷ, bằng cách đưa kim vào từ dưới xương chẩm từ phía sau hộp sọ. Phương pháp này khá nguy hiểm khi thực hiện vì vùng này rất gần thân não, và kim đưa vào có thể phạm vào thân não.

Chọc dò dịch não tuỷ từ não thất, thủ thuật này còn hiếm được thực hiện hơn nữa, nhưng cũng chỉ định trong một số trường hợp cần dịch não tuỷ để xét nghiệm ở những bệnh nhân đang đe doạ thoát vị não hay còn gọi là tụt não (một phần của não di chuyển khỏi vị trí bình thường của nó). Thủ thuật này thường được thực hiện trong phòng mổ, một lỗ nhỏ được khoét trên hộp sọ, và kim chọc dịch được đưa trực tiếp vào não thất bên.

Bạn cần chuẩn bị gì cho thủ thuật này ?

Bạn cần phải ký vào một bản cam kết trước khi thực hiện thủ thuật này. Bạn cần chuẩn bị để nằm viện sau khi thực hiện thủ thuật ít nhất 6 – 8 giờ, và tất nhiên là phải nằm ngửa, để đầu bằng với thân.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ :Việc chuẩn bị về tâm lý và thể chất cho trẻ tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, vào những điều mà trẻ quan tâm, vào việc trẻ đã từng có những kinh nghiệm tương tự như vậy chưa, vào lòng tin của trẻ dành cho bạn. Cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm dưới đây được phân chia theo từng độ tuổi khi chuẩn bị cho con bạn :

·     Trẻ nhũ nhi (từ 0 đến 1 tuổi)

·     Trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ (từ 1 – 3 tuổi)

·     Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo (từ 3 – 5 tuổi)

·     Trẻ ở tuổi thiếu nhi (từ 6 – 12 tuổi)

·     Trẻ ở tuổi thanh thiếu niên (từ 12 – 18 tuổi)

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi được thực hiện thủ thuật này ?

Tư thế nằm sẽ khiến bạn hơi khó chịu, nhất là khi bạn phải nằm yên như vậy để tránh không cho kim chọc dò phạm vào tuỷ sống và gây tổn thương cho bạn.

Việc rửa và sát trùng vùng da có thể khiến bạn cảm thấy lạnh và ẩm ướt. Thuốc gây tê lúc ban đầu khiến bạn cảm giác đau nhói và rát. Sau đó sẽ là cảm giác căng tức khi kim được đâm vào, và tiếp theo là một cảm giác khá đau khi kim xuyên qua màng cứng. Nhưng cảm giác đau này chỉ kéo dài chừng vài giây.

Tóm lại, cảm giác khó chịu này chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Toàn bộ quá trình kéo dài trung bình 30’, nhưng có khi còn lâu hơn. Trong khi đó việc quan trọng nhất của thủ thuật là đo áp lực dịch não tuỷ và lấy dịch não tuỷ chỉ kéo dài chừng vài phút.

Thủ thuật này được thực hiện nhằm mục đích gì ?

Thủ thuật này nhằm đo áp lực trong dịch não tuỷ, và để lấy dịch não tuỷ xét nghiệm. Xét nghiệm dịch não tuỷ là một xét nghiệm giúp chẩn đoán được rất nhiều bệnh lí của hệ thần kinh, đặc biệt là nhiễm trùng của não, màng não.

Nguy cơ khi thực hiện thủ thuật này :

·     Nguy cơ của chọc dò tuỷ sống :

1.       Phản ứng quá mẫn (hypersensitivity-tăng sự nhạy cảm) đối với thuốc gây tê (ở người có cơ địa dị ứng)

2.       Cảm giác khó chịu khi thực hiện thủ thuật

3.       Cảm giác đau đầu sau khi thực hiện thực hiện thủ thuật

4.       Chảy máu trong kênh tuỷ sống

·     Thoát vị não (tụt não), nhất là ở những bệnh nhân có tăng áp lực sọ não. Sự tụt não này có thể gây tổn thương nặng nề cho não thậm chí có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

·     Gây tổn thương cho tủy sống, nhất là khi bệnh nhân không nằm yên khi thực hiện thủ thuật.

·     Trong trường hợp chọc dò bể não hay não thất, thì nguy cơ nhiều hơn, nhất là nguy cơ gây tổn thương cho thân não, tổn thương mô não, gây chảy máu trong não, và để lại di chứng, hay nặng hơn là gây tử vong cho bệnh nhân.

Một số vấn đề khác cần lưu ý :

Ở bệnh nhân nghi ngờ tăng áp lực nội sọ, không nên chọc dò dịch não tuỷ.

Kết quả dịch não tuỷ bình thường :

·     Áp lực dịch não tuỷ bình thường : 50 – 180 mm H2O

·     Dịch trong và không màu

·     Nồng độ protein toàn phần trong dịch não tuỷ : 15 – 45 mg / 100 ml

·     Gamma globulin chiếm 3 – 12 % lượng protein toàn phần

·     Nồng độ glucose trong dịch não tuỷ : 50 – 80 mg / 100 ml ( hay khoảng 2/3 nồng độ glucose trong máu)

·     Tế bào trong dịch não tuỷ : 0 – 5 tb Bạch cầu, không có hồng cầu trong dịch não tuỷ

·     Cl¯ : 110 – 125 mEq / l

Kết quả bất thường của xét nghiệm dịch não tuỷ :

·     Tăng áp lực dịch não tuỷ, trong trường hợp tăng áp lực nội sọ ở bệnh nhân chấn thương sọ não hay bị nhiễm trùng não

·     Giảm áp lực dịch não tuỷ : Tắc nghẽn lưu thông dịch não tuỷ ở phía trên chỗ chọc dò (có thể do u của tuỷ sống gây tắc nghẽn), shock, mệt mỏi, hôn mê do tiểu đường.

·     Thay đổi tính chất dịch :

1.   Đục : nhiễm trùng, tăng bạch cầu trong dịch não tuỷ, protein trong dịch, các loại vi trùng, virus nhiễm trong dịch.

2.   Màu đỏ, có máu trong dịch : Chảy máu trong não hay khoang dưới nhện, tắc nghẽn thân tuỷ sống, chấn thương khi chọc dò (trong trường hợp này máu là máu mới, thường còn trong)

3.   Dịch có màu nâu, màu vàng, màu cam : Tăng hàm lượng protein trong dịch não tuỷ, hay trong dịch có máu cũ (thường trên 3 ngày) .

·     Tăng hàm lượng protein :  do máu trong dịch não tuỷ, chấn thương, tiểu đường, viêm đa thần kinh, u bướu, hoặc bất kì một tình trạng viêm hay nhiễm trùng nào của hệ thần kinh

·     Giảm hàm lượng protein : tăng sản xuất dịch não tuỷ

·     Tăng gamma globulin : bệnh thoái hoá myelin (như bệnh xơ cứng lan toả), giang mai thần kinh, hội chứng Guillain-Barre – viêm đa rễ thần kinh.

·     Glucose tăng : tăng đường huyết hệ thống (tăng nồng độ đường trong máu)

·     Giảm nồng độ glucose : hạ đường huyết hệ thống (đường huyết thấp), nhiễm nấm hay vi trùng (chẳng hạn như viêm màng não), nhiễm lao, ung thư màng não.

·     Tăng bạch cầu : viêm màng não hoạt động, nhiễm trùng cấp tính, khởi đầu của một bệnh lí mãn tính nào đó, u bướu, ápxe, thuyên tắc mạch máu não gây đột quỵ, thoái hoá myelin (như bệnh xơ cứng lan toả)

·     Máu : chảy máu trong dịch não tuỷ, hoặc do chấn thương nơi chọc dò.

Một số tình trạng dưới đây, ngoài ra cũng ảnh hưởng đến kết quả dịch não tuỷ :

·     Viêm mãn tính đa thần kinh

·     Tình trạng sa sút trí tuệ do các nguyên nhân chuyển hoá

·     Động kinh

·     Sốt cao co giật ở trẻ em

·     Não úng thuỷ

·     Bệnh than

·     Não úng thuỷ với áp lực nội sọ bình thưởng

·     U tuyến yên

·     Hội chứng Reye

 

Có thể bạn quan tâm

Siêu âm tim Doppler

Chụp động mạch vành tim

Điện não đồ (EEG)

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.