Các bữa ăn chính trong ngày thường bao gồm những món ăn đa dạng khác nhau giúp cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất đa lượng. Bữa ăn chính không chỉ giúp cơ thể bạn nạp đầy năng lượng mà còn làm dịu các hormone gây đói, đồng thời bổ sung đường cho máu. Tuy nhiên, các bữa ăn nhẹ, hay còn gọi là ăn vặt, lại không hề mang lại những lợi ích sức khỏe này! Hãy cùng HSSK tìm hiểu lý do tại sao nhé!
Dạ dày cần thời gian để tiêu hóa thức ăn
Khi bạn ăn, cơ thể sẽ bắt đầu quá trình tiêu hóa thức ăn. Đây là tiến trình cần có khoảng thời gian và năng lượng nhất định để phân hủy thức ăn thành các phân tử, giúp cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn. Thời gian trung bình mà dạ dày cần để tiêu hóa hoàn toàn thức ăn là khoảng từ 6 tiếng trở lên.
Tuy nhiên, nếu bạn ăn một bữa ăn nhẹ trong khoảng giữa các bữa ăn chính, bạn đang “tạo gánh nặng” cho hệ tiêu hóa của mình. Khi bạn ăn các món ăn nhẹ, não bộ sẽ yêu cầu dạ dày cần phải bắt đầu lại quá trình tiêu hóa thức ăn – dù cho trước đó, lượng thức ăn từ bữa ăn chính vẫn chưa được hấp thu hoàn toàn.
Vì thế, quá trình tiêu hóa bữa ăn nhẹ không chỉ lấy bớt đi lượng năng lượng dùng để sửa chữa và phục hồi cơ thể mà còn làm tăng cân. Khi cơ thể của bạn không thể hấp thu và tiêu thụ thức ăn, nó sẽ tích tụ lại gây nên tình trạng mỡ thừa. Ngoài ra, việc bắt đầu tiêu hóa thức ăn lại từ đầu sẽ làm giảm khả năng đốt cháy chất béo trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn chính.
Cơ thể của bạn cần được nghỉ ngơi
Một nghiên cứu ngẫu nhiên được thực hiện vào năm 2014 đã so sánh các lợi ích về mặt sinh học của việc ăn 5–6 bữa ăn nhỏ trong ngày so với việc ăn 2 bữa ăn chính lớn hơn (cùng cung cấp hàm lượng calo bằng nhau). Nghiên cứu nhằm mục đích xác định các lợi ích sinh học bao gồm cân nặng cơ thể, lượng chất béo chứa trong gan, khả năng đề kháng insulin và chức năng của tế bào beta.
Cuối cùng, nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng việc ăn ít bữa hơn (nhưng chỉ gồm bữa ăn chính) có tác dụng giúp làm giảm cân nặng cơ thể, hàm lượng chất béo chứa trong gan, hàm lượng glucose trong máu lúc đói, C-peptide và glucagon. Ngoài ra, thói quen chỉ ăn 3 bữa chính mỗi ngày sẽ làm tăng khả năng hấp thu insulin và glucose trong khoang miệng.
Insulin trong bữa ăn nhẹ khiến bạn thèm ăn hơn
Insulin đóng vai trò như một chất vận chuyển – giúp lấy glucose (đường huyết) từ trong dòng máu và vận chuyển nó đến các tế bào. Nhờ đó, hệ thần kinh, cơ bắp, mô và các cơ quan khác có thể sử dụng glucose để duy trì các chức năng hoạt động diễn ra chính xác.
Sau khi insulin đã hoàn thành nhiệm vụ, nó có thể lưu lại trong dòng máu trong vòng 6–8 giờ. Trong khoảng thời gian này, nó sẽ ngăn cản quá trình đốt cháy chất béo, làm bạn có cảm giác đói bụng và thèm ăn đồ ngọt để bổ sung lại đường. Vào cuối ngày, có lẽ bạn nên ăn một bữa ăn chính để làm dịu cơn đói và giữ cho cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ thay vì chọn ăn các món ăn vặt – nguyên nhân khiến cho insulin tích tụ tạm thời trong máu và làm cho bạn thèm ăn khuya.
Tốt hơn hết là bạn nên hạn chế ăn các bữa ăn phụ và ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày để đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ dinh dưỡng nhé!