Hệ tiêu hóa của con người tồn tại hàng nghìn tỷ vi khuẩn. Chúng tạo thành một “cộng đồng” mà người ta thường gọi là hệ vi khuẩn đường ruột. Nhiều vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Chúng giúp chuyển hóa thức ăn, tăng cường hoạt động của đường ruột và chống lại một số bệnh lý.
Do vậy, các loại vi khuẩn đường ruột tốt sẽ gia tăng nếu bạn tuân thủ theo chế độ ăn dựa trên nền tảng thực vật.
Giảm nguy cơ viêm ruột nhờ chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm y tế Đại học Groningen (Hà Lan) đã có sự đánh giá về mối liên quan giữa thói quen ăn uống và vi khuẩn đường ruột của hơn 1.400 người tham gia.
Thông qua cuộc nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải có ảnh hưởng đến sự khỏe mạnh của hệ vi khuẩn đường ruột. Mặt khác, chế độ này cũng liên quan đến mức độ viêm được tìm thấy trong phân.
Kết quả đã chỉ ra vai trò của chế độ ăn giàu thực vật trong việc bảo vệ và chống lại các bệnh đường ruột, bao gồm cả bệnh viêm ruột (IBD).
Laura Bolte – điều tra viên chính của nghiên cứu cho biết: “Chế độ ăn Địa Trung Hải giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa thói quen ăn uống và bệnh đường ruột. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc áp dụng khẩu phẩn ăn giàu thực vật có khả năng trở thành một phương pháp điều trị hoặc kiểm soát bệnh đường ruột thông qua cơ chế tự điều chỉnh hệ vi sinh trong đường ruột”.
Để chứng minh cho tác dụng giảm viêm ở ruột của chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải, nghiên cứu của Laura Bolte đã huy động bốn nhóm người tham gia.
Đối tượng tham gia bao gồm: Những người không mắc các vấn đề về ruột, bệnh nhân Crohn (viêm ruột từng vùng), người bị viêm loét đại tràng (UC) và bệnh nhân của Hội chứng ruột kích thích (IBS). Trong đó, bệnh Crohn và Hội chứng ruột kích thích là các dạng viêm mãn tính ở ruột.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra bảng câu hỏi về tần số dung nạp các loại thực phẩm ở mỗi nhóm người, đồng thời thu thập mẫu phân của họ. Qua đó, nghiên cứu đã tìm ra nhiều mối liên hệ giữa thói quen ăn uống, hệ vi sinh đường ruột và các dấu hiệu của bệnh viêm ruột.
Theo Medical News Today, một chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải giàu trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc và cá có liên quan đến sự phong phú của các vi khuẩn có lợi. Chế độ này thúc đẩy tổng hợp các chất dinh dưỡng thiết yếu trong ruột, hỗ trợ sản xuất các tế bào trong ruột kết và giảm viêm.
Ngược lại, một chế độ ăn nhiều thịt, đường tinh chế hoặc các thức ăn chế biến sẵn sẽ làm tăng các dấu hiệu viêm ở ruột và làm giảm số lượng của các vi khuẩn đường ruột có lợi.
Julie Julieansanki, người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho biết: “Không quá ngạc nhiên khi một chế độ ăn uống có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim, ung thư, tăng tuổi thọ cũng mang đến lợi ích cho đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có vai trò chứng minh làm cách nào để tăng lợi khuẩn đường ruột, cũng như xác định hỗn hợp vi khuẩn nào là cần thiết cho sức khỏe. Đây có thể là chìa khóa để giải quyết nhiều bệnh mãn tính về đường ruột”.
Đóng góp của nghiên cứu
Nghiên cứu này đã bổ sung kết quả vào một nhóm nghiên cứu lớn. Nó cho thấy chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải (và các kiểu ăn uống giàu thực vật) không những tăng lợi khuẩn đường ruột, mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Trên thực tế, một số nghiên cứu đã liên kết các mô hình ăn uống dựa trên nền tảng thực vật với tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột. Song chỉ đến nghiên cứu mới này, các chuyên gia mới có thể giải thích nguyên nhân của các kết quả nghiên cứu trước đó.
“Từ lâu, chúng ta đã biết những người ăn ít thịt đỏ và ăn nhiều thực vật sẽ có tỷ lệ bị viêm ruột thấp hơn (bao gồm bệnh Crohn, viêm đại tràng)”, bác sĩ Arun Swaminath – Giám đốc chương trình Viêm ruột tại bệnh viện Lenox Hill, New York, cho biết.
Bác sĩ này cũng nói thêm: “Tôi nghĩ rằng điều đáng lưu ý ở đây là chúng tôi không biết tại sao kết quả đó là đúng. Việc tăng lợi khuẩn đường ruột là minh chứng thể hiện mối liên kết giữa chế độ ăn uống và bệnh viêm ruột trên cơ thể người”.
Cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu thêm về mối quan hệ tiềm năng giữa chế độ ăn uống, hệ vi sinh vật đường ruột và sức khỏe đường ruột. Bên cạnh đó, các thử nghiệm lâm sàng là rất cần thiết để có thể kiểm tra được tính chính xác của nghiên cứu này.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm y tế Đại học Groningen đang lên kế hoạch tiến hành một thử nghiệm khác. Họ hy vọng có thể kiểm tra tác động của mô hình ăn uống giàu thực vật kiểu Địa Trung Hải ở những người mắc bệnh Crohn.
Song song với đó, một nghiên cứu tương tự cũng đang được tiến hành ở Mỹ. Các nhà điều tra đang so sánh ảnh hưởng của chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn kiêng carbohydrate ở người trưởng thành mắc bệnh Crohn.
Lời khuyên của chuyên gia về việc tăng lợi khuẩn đường ruột từ chế độ ăn Địa Trung Hải
Trong khi nghiên cứu về hệ vi sinh ruột và chế độ ăn Địa Trung Hải vẫn đang tiếp tục, Swaminath và Stefanski khuyến khích bệnh nhân bị viêm ruột nên hợp tác với các chuyên gia y tế để phát triển các kế hoạch ăn kiêng phù hợp.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh Crohn hoặc UC (viêm loét đại tràng) đã bị thu hẹp một số đoạn trong ruột gặp nhiều khó khăn hơn khi bài tiết chất thải giàu xơ. Vì vậy, đối tượng này nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ hơn so với người bình thường. Họ không phải là đối tượng phù hợp của chế độ ăn này. Ngược lại, những bệnh nhân không bị các vấn đề về hẹp ruột có thể ăn nhiều chất xơ với chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải để tăng lợi khuẩn đường ruột.
Nguyễn Anh Thư /