13 sự thật về giảm cân sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn
Photo by K. Mitch Hodge on Unsplash

13 sự thật về giảm cân sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn

Những người ăn kiêng có thể trở thành nạn nhân của các “sự thật về giảm cân”, từ đó khiến kế hoạch ăn kiêng không còn lành mạnh, mục tiêu giảm cân cũng khó hoàn thành.

Liệu bạn có là một trong số họ? Quả thật, rất dễ để chúng ta tin vào một “sự thật” nhất định xoay quanh chế độ ăn kiêng, vì chúng được lặp đi lặp lại trên mạng hay truyền miệng. Nhưng nếu bạn tìm hiểu sâu hơn một chút, bạn sẽ nhận ra nhiều sự thật về giảm cân hiện đang bị hiểu nhầm. Đừng bỏ qua bài viết sau đây, HSSK sẽ giúp bạn có một cái nhìn đúng đắn hơn về chế độ ăn uống lành mạnh, nhằm duy trì cân nặng như mục tiêu của mình. Sau đây là 13 sự thật về giảm cân sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn!

1. “Chế độ ăn kiêng không có tác dụng gì đâu!”

Những người muốn giảm cân có thể bỏ qua chế độ ăn kiêng truyền thống (như tính lượng calo) vì họ cho rằng những phương pháp đó không hiệu quả. Trên thực tế, đã có những nghiên cứu xác nhận rằng thực đơn ăn uống quá hạn chế có khả năng phản tác dụng, khiến người giảm cân không giảm được cân mà lại còn dễ tăng hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các chế độ ăn kiêng đều vô ích.

Sự thật là: Khi muốn giảm cân, bạn phải thay đổi những thực phẩm nạp vào cơ thể bằng một chế độ ăn kiêng. Những phương pháp giúp giảm cân nhưng bạn vẫn có thể ăn uống thoải mái sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Để giảm cân thành công, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với bạn. Hiện nay, có rất nhiều chế độ ăn kiêng khác nhau vì mỗi phương pháp sẽ phù hợp với một số người nhất định.

2. “Đừng ăn bánh mì hay cơm trắng!”

Có một sự thật về giảm cân khá phổ biến của những người ăn kiêng: Họ tin rằng bánh mì, khoai tây, cơm trắng… gây béo, do đó cần tránh ăn những loại thực phẩm này nếu muốn giữ dáng.

Sự thật là: Các loại thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì trắng, gạo trắng và carbohydrate tinh chế là nguồn cung cấp calo rỗng phổ biến (những loại thực phẩm dồi dào calo, nhưng lại rất ít thậm chí không cung cấp giá trị dinh dưỡng). Vì vậy, chúng không thực sự khiến bạn tăng cân, trừ khi bạn ăn quá nhiều. Một số thực phẩm carbohydrate tinh bột – như khoai tây – có thể cung cấp chất dinh dưỡng. Vì vậy, bạn nên lên kế hoạch ăn uống có kiểm soát calo để giảm cân lành mạnh. Không nhất định phải tránh hoàn toàn các loại thực phẩm này.

3. “Muốn giảm cân thì hãy ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày”

Có rất nhiều người lựa chọn giảm cân bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ với thức ăn nhẹ cứ sau vài giờ, thay vì ăn 3 bữa chính. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi tăng số lần ăn trong ngày, chúng ta cũng tăng cảm giác đói, tâm lý muốn ăn và từ đó cũng tăng lượng calo, nếu không kiểm soát thật chính xác.

Sự thật là: Có nhiều cách khác nhau để duy trì lượng calo hàng ngày phù hợp cho mục tiêu giảm cân. Một số người ăn kiêng thấy rằng nếu ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên, họ có thể duy trì cân nặng lý tưởng. Cũng có người thích ăn 2-3 bữa một ngày như bình thường vì không có thời gian. Tóm lại, khi giảm cân, chúng ta không nên ép buộc cơ thể, hãy cứ nạp đủ calo cho cơ thể, vì thực tế không có phương pháp nào là tốt nhất, mà chỉ có phù hợp nhất.

4. “Chuối làm bạn béo hơn đấy”

Mỗi quả chuối chứa 100 calo hoặc nhiều hơn. Chuối có kích thước lớn hơn có thể cung cấp hơn 150 calo. Vì lý do đó, một sự thật về giảm cân khác mà nhiều người lầm tưởng là chuối sẽ gây tăng cân.

Sự thật là: Chuối không làm bạn béo. Trên thực tế, chuối có đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nên giúp đảm bảo cơ thể không thiếu hụt chất trong quá trình giảm cân. Do đó, bạn cứ thoải mái đưa chuối vào thực đơn giảm cân của mình nhé.

5. “Bơ đậu phộng rất tốt cho việc giảm cân”

Chúng ta thường suy nghĩ các thực phẩm có nguồn gốc thực vật thì không gây tăng cân. Vì vậy, bạn có thể thoải mái dùng bơ đậu phộng.

Sự thật là: Bơ đậu phộng rất giàu chất béo, có thể nhiều đường (tùy thuộc vào thương hiệu) và rất dễ khiến người dùng ăn không kiểm soát. Theo hầu hết những người ăn kiêng, bơ đậu phộng có quá nhiều calo và chất béo, ảnh hưởng đến kế hoạch giảm cân. Chỉ có một số ít người ăn kiêng biết kiểm soát tốt mới lựa chọn thêm bơ đậu phộng vào chế độ ăn, vì loại thực phẩm này giúp họ cảm thấy no và ngon miệng. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng giỏi kiểm soát các món “khoái khẩu” một khi đã đặt muỗng vào.

6. “Ăn kiêng = nhịn đói”

Rất nhiều người quan niệm đơn giản rằng, khi ăn càng nhiều, bạn sẽ càng tăng cân. Do đó, họ thường cho rằng ăn kiêng đồng nghĩa với nhịn đói, bỏ bữa.

Sự thật là: Đúng là cơ thể bạn sẽ thích nghi với việc thay đổi chế độ ăn uống. Quá trình trao đổi chất có thể chậm lại một chút để bảo toàn lượng calo. Tuy nhiên, không có chuyên gia dinh dưỡng nào khuyên bạn nên ăn kiêng bằng cách nhịn đói nhằm giảm cân. Chúng ta cần phân biệt rõ có rất nhiều chế độ ăn kiêng nhưng không có loại ăn kiêng nào yêu cầu bạn nhịn đói. Chính việc không kiểm soát lượng calo cơ thể tiêu thụ mới là “thủ phạm” khiến bạn lên ký.

7. “Thực phẩm ít đường tốt hơn cho chế độ ăn kiêng”

Chỉ số đường huyết glycemic được sử dụng làm cơ sở cho một số chế độ ăn kiêng phổ biến như phương pháp South Beach. Vì vậy, nhiều người thường cho rằng ăn thực phẩm có lượng đường huyết thấp sẽ giúp giảm cân.

Sự thật là: Không phải tất cả các loại thực phẩm ít đường huyết đều có lượng calo thấp hay lành mạnh. Chẳng hạn như kem (cream) – tuy có lượng đường huyết thấp, nhưng bạn cũng biết đấy, không có mấy người ăn kiêng thành công với việc thường xuyên ăn kem. Ngoài ra, vẫn có một số loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, ít calo và tốt cho giảm cân. Do đó, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn.

8. “Muốn giảm cân thì chỉ cần ăn một bữa sáng đầy đủ là được”

Có rất nhiều người ăn kiêng chia sẻ bí quyết giữ cân nặng ổn định đó là luôn ăn sáng lành mạnh. Họ tin rằng bữa sáng giúp sự trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, tương đương với lượng calo cơ thể được “đốt cháy” nhiều hơn, giúp giảm cân. Từ đó, dễ hình thành xu hướng chỉ ăn sáng và bỏ qua các bữa còn lại.

Sự thật là: Ăn sáng không làm tăng sự trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên, bạn vẫn cần một bữa ăn sáng lành mạnh và không bỏ các bữa khác (xem lại số 6). Mặc dù những người bỏ các bữa khác trong ngày (đa số là bữa tối) có xu hướng gầy hơn, nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc ăn sáng hay không không phải là yếu tố quan trọng trong giảm cân, mà là tổng lượng calo của bạn trong suốt cả ngày.

9. “Nếu muốn hết béo, phải tập luyện cường độ cao”

Sự phổ biến của các bài tập cường độ cao có thể khiến một số người ăn kiêng tin rằng chúng là cách duy nhất để giảm cân.

Sự thật là: Đúng là những buổi tập đầy mồ hôi và công sức này có hiệu quả cho việc giảm béo. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả, bạn cũng cần phải thực hiện một vài bài tập dễ hơn và có cường độ vừa phải. Trên thực tế, các bài tập luyện dễ cũng quan trọng như những bài “nặng đô”. Chúng giúp cơ thể có thời gian thích nghi nhằm giảm cân và duy trì cân nặng một cách lành mạnh.

10. “Hãy ăn protein”

Thực phẩm giàu đạm giúp bạn cảm thấy no trong khoảng thời gian dài hơn cũng như duy trì khối lượng cơ bắp. Nếu bạn đang tập gym, protein là một phần quan trọng nhằm xây dựng các nhóm cơ. Do đó, nhiều người có thể nghĩ nếu muốn săn chắc và giảm cân, cứ ăn protein.

Sự thật là: Không phải cứ nhiều đạm thì tốt. Protein tốt cho bạn, nhưng không phải là điều duy nhất mà cơ thể cần. Ngoài đạm, bạn sẽ phải bổ sung carbohydrate để tạo năng lượng và các chất béo tốt để tế bào khỏe mạnh. Bạn nên ăn các chất dinh dưỡng đa lượng một cách điều độ và kiểm soát lượng calo tổng thể để có thể giảm cân thành công.

11. “Thực phẩm từ thiên nhiên tốt hơn cho người béo”

Người tiêu dùng thông minh thường chọn các loại thực phẩm nguồn gốc tự nhiên để có sức khỏe tốt hơn. Do đó, những người theo chế độ ăn kiêng cũng thường khuyên nhau bí quyết lựa chọn thực phẩm hữu cơ, không biến đổi gene, không chứa gluten.

Sự thật là: Không có định nghĩa nào quy định từ “thiên nhiên”. Vì vậy, nhiều sản phẩm sẽ được gắn mác là “organic”, ngay cả khi món ăn đó không thực sự “xanh” theo cách mà bạn mong đợi. Nhiều loại thực phẩm quảng cáo là hữu cơ vẫn chứa thêm đường, natri hoặc chất bảo quản. Nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, cần đặc biệt cẩn thận khi lựa chọn thực phẩm từ thiên nhiên. Một số thực phẩm lành mạnh cũng rất giàu calo, ví dụ như quả bơ.

12. “Dùng thực phẩm chức năng giảm cân để nhanh gầy”

Chắc hẳn bạn đã từng thấy qua những quảng cáo về các sản phẩm giúp đốt cháy chất béo được “chứng minh khoa học” có thể giúp giảm cân. Các loại viên uống hỗ trợ giảm cân thường được quảng cáo là giúp tăng tốc độ trao đổi chất, giảm cân cấp tốc.

Sự thật là: Bằng chứng khoa học từ các sản phẩm này thường thiếu độ tin cậy. Một số loại thuốc có thể giúp tăng tốc quá trình trao đổi chất nhưng hiệu quả không thực sự rõ rệt ngay. Thậm chí, một số còn có thể nguy hiểm đến sức khỏe, bên cạnh đó còn có những loại hoàn toàn không hiệu quả.

13. “Chất béo làm bạn béo hơn”

Chất béo cung cấp khoảng 9 calo mỗi gram, nhiều hơn so với 4 calo mỗi gram carbohydrate hoặc protein. Ngoài ra, chất béo còn có nhiều trong các món ăn vặt. Vì các lý do trên, chất béo không nên có mặt trong thực đơn của người cần giảm cân.

Sự thật là: Chất béo không làm cho bạn béo, miễn lượng calo của bạn nằm trong phạm vi cho phép. Ngoài ra, chế độ ăn tuy nhiều chất béo nhưng ít carbohydrate (low-carbs) đã được chứng minh là giúp giảm cân. Trên thực tế, chất béo không phải xấu và cơ thể thực sự cần nó. Điều quan trọng là bạn nên cân bằng mức độ tiêu thụ chất béo lành mạnh.

Nếu đang ăn kiêng, bạn có thể đã từng nghe qua những thông tin trên, nhưng đây là những quan điểm sai lầm. Mối quan hệ giữa thực phẩm, cơ thể và cân nặng của chúng ta rất phức tạp. Nếu quan tâm đến giảm cân, bạn hãy tìm hiểu, lựa chọn sáng suốt các chế độ ăn uống phù hợp, thay đổi lối sống một cách tích cực, khoa học hơn. Chúc bạn luôn vui khỏe và thành công!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.