[Hỏi đáp cùng bác sĩ] Ăn mặn có tốt không?
Photo by Brent Pace on Unsplash

[Hỏi đáp cùng bác sĩ] Ăn mặn có tốt không?

Thói quen ăn mặn có thể gây ra những hậu quả khó lường đối sức khỏe, đặc biệt là các bộ phận bên trong cơ thể như thận, não, xương, tim mạch…

Muối không phải lúc nào cũng xấu, muối đóng vai trò cần thiết cho sức khỏe thần kinh và huyết áp khỏe mạnh, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ một số chất dinh dưỡng. Bạn cần tiêu thụ lượng nhỏ muối cần thiết hàng ngày để duy trì sức khỏe ổn định.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo bạn nên ăn mặn ở mức độ vừa phải, tiêu thụ khoảng 1.500mg natri mỗi ngày đối với hầu hết người trưởng thành, và tối đa là 2.300mg.

Vậy thói quen ăn mặn có tốt không? Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu 17 vấn đề sức khỏe bạn có thể gặp phải khi ăn mặn nhé!

1. Ăn mặn gây sưng phù

Khi bạn ăn mặn với những thực phẩm giàu natri, lượng natri dư thừa sẽ được giải phóng vào máu. Cơ thể bạn thông thường sẽ tự giữ cân bằng natri và chất lỏng trong máu, nhưng khi có quá nhiều muối trong máu, sự mất cân bằng chất lỏng sẽ làm hút nước ra khỏi tế bào và vào máu.

Tình trạng này có thể gây sưng và tích nước, đặc biệt là ở ngón tay và các chi khác. Sau khi ngừng ăn mặn, cơ thể bạn có khả năng tự cân bằng trở lại và tình trạng sưng sẽ giảm dần theo thời gian.

2. Bụng đầy hơi

Một nghiên cứu trên Tạp chí Gastroenterology của Mỹ cho thấy tình trạng đầy hơi (được đặc trưng bởi sự tích tụ khí và khó chịu trong dạ dày) thường xảy ra phổ biến hơn ở những người ăn chế độ ăn mặn. Nếu bạn thấy mình bị đầy hơi gây khó chịu, bạn uống nhiều nước hơn và ăn các loại thực phẩm giúp giảm đầy hơi.

3. Ăn mặn gây khát nước

Thông thường, khi ăn những thực phẩm nhiều muối mặn, bạn sẽ bị khát nước vì natri có nhiệm vụ cân bằng chất lỏng bên trong tế bào, sự dư thừa natri làm mất cân bằng hệ thống này. Nước được rút ra khỏi tế bào của bạn, gây ra cơn khát. Đây là dấu hiệu cơ thể báo cho bạn biết cần bổ sung nhiều nước hơn để giữ cho toàn bộ hệ thống cân bằng.

4. Ảnh hưởng vị giác

Thói quen ăn mặn có thể khiến vị giác của bạn bị xáo trộn, làm ảnh hưởng đến cảm giác nêm nếm thức ăn hay trải nghiệm thưởng thức các món ăn. Để bổ sung thêm hương vị cho thực phẩm, bạn không nên phụ thuộc hoàn toàn vào muối mà hãy nêm nếm thức ăn với các loại thảo mộc tươi, gia vị và trái cây họ cam quýt.

5. Ăn mặn gây khô môi

Thói quen ăn mặn sẽ góp phần làm mất nước cơ thể, đặc biệt là trên da và trên môi, dẫn đến môi nứt nẻ, do thiếu độ ẩm. Bạn hãy luôn bổ sung nhiều nước và tránh thức ăn quá mặn để tránh cảm giác khô, nứt nẻ da và môi.

6. Mụn trứng cá

Một nghiên cứu trên Tạp chí Da liễu thẩm mỹ cho thấy những người ăn chế độ ăn mặn nhiều natri thường bị xuất hiện nhiều mụn trứng cá hơn bình thường. Mụn trứng cá thường xuất hiện do tình trạng viêm, lượng natri dư thừa cũng có góp phần gây nên vấn đề này. Da mặt xuất hiện mụn là điều không thể tránh hoàn toàn, thế nhưng chỉ cần có phương pháp ăn kiêng hợp lý, bạn có thể hạ thấp nguy cơ xuất hiện tình trạng này.

7. Sức khỏe đường ruột kém

Theo một nghiên cứu trên Cancer Research, việc ăn mặn, nhiều muối sẽ kích thích sự phát triển của vi khuẩn đường ruột xấu có tên Helicobacter pylori. Theo nghiên cứu trên Gastroenterology, vi khuẩn đặc biệt này có xu hướng tấn công niêm mạc dạ dày và gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng. Sức khỏe đường ruột phần lớn được quyết định bởi sự cân bằng của vi khuẩn tốt và xấu trong dạ dày và ruột.

8. Ăn mặn gây khó ngủ

Thói quen ăn mặn cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Một nghiên cứu cho thấy rằng khi thêm nhiều muối vào chế độ ăn uống có thể khiến bạn đi ngủ muộn hơn, không thể ngủ tròn giấc và gặp ác mộng thường xuyên hơn. Những người dùng chế độ ăn mặn cũng cho biết họ cảm thấy ít thoải mái hơn sau khi ngủ.

Một giả thuyết về lý do tại sao điều này xảy ra là việc giữ nước quá mức do muối có thể khiến đi tiểu thường xuyên, điều này làm cho bạn phải thức giấc giữa đêm. Ngoài ra, việc giữ nước có thể khiến bạn khó chịu khi nằm ngủ, đặc biệt đối với những người bị ngưng thở khi ngủ.

9. Ợ nóng rát

Chứng ợ nóng xuất hiện do axit dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, có thể gây khó chịu nghiêm trọng trong nhiều giờ. Thực phẩm mặn hay nhiều muối có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này và khiến chứng ợ nóng tấn công thường xuyên hơn.

10. Ăn mặn gây chóng mặt

Tình trạng chóng mặt thường xuất hiện khi bạn đang ngồi rồi đột ngột đứng lên quá nhanh gây mất thăng bằng. Tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên hơn nếu bạn ăn mặn. Nghiên cứu trên Tạp chí Tăng huyết áp lâm sàng cho thấy lượng natri cao trong thực phẩm có thể khiến tình trạng chóng mặt xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Chỉ khi giảm lượng natri, những người tham gia trong nghiên cứu mới cảm thấy chân ổn định hơn.

11. Đi tiểu thường xuyên

Khi bạn ăn mặn, lượng natri sẽ bắt đầu dư thừa khiến nước được rút ra khỏi tế bào và đi vào máu. Điều này khiến thận sẽ cần phải loại bỏ nhiều nước hơn từ máu để chuyển thành nước tiểu, kích thích bạn đi tiểu nhiều hơn. Thận có chức năng lọc máu cơ thể, nhằm loại bỏ chất thải thông qua nước tiểu, giúp duy trì sự cân bằng lành mạnh của nước, muối và khoáng chất trong máu.

12. Tăng huyết áp

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khi ăn thực phẩm mặn có thể làm tăng huyết áp cao gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Theo thời gian, tình trạng huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ và suy tim.

13. Ăn mặn gây sỏi thận

Thói quen ăn mặn sẽ làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận, theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia. Sỏi thận được hình thành khi các chất trong nước tiểu (như canxi) trở nên cô đặc và tạo thành tinh thể. Những tinh thể đó khi bắt đầu phát triển lớn hơn và đi qua đường tiết niệu có thể bị mắc kẹt lại, và cuối cùng sẽ làm cản trở nước tiểu di chuyển.

14. Đau tức ngực

Khi bạn bị tăng huyết áp sẽ gây áp lực thêm cho các thành động mạch. Do đó, các động mạch dẫn đến tim sẽ bắt đầu cung cấp máu kém hiệu quả hơn. Theo Hiệp hội huyết áp ở Anh, điều này có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực. Những cơn đau ngực này xảy ra thường xuyên nhất khi bạn hoạt động thể chất, do lúc này nhu cầu máu từ tim cao hơn nhiều.

15. Vấn đề nhận thức

Chức năng nhận thức có thể bị tác động tiêu cực khi bạn ăn mặn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã báo cáo rằng lượng natri trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh mạch máu não. Bạn nên giữ cho bộ não luôn khỏe mạnh bằng cách hạn chế các loại thực phẩm nhiều muối và chọn nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe não bộ chứa nhiều omega 3.

16. Ăn mặn gây viêm loét

Việc tiêu thụ quá nhiều muối theo thời gian có thể gây ảnh hưởng đến lớp lót niêm mạc dạ dày. Một nghiên cứu trên tạp chí Gut cho thấy chế độ ăn mặn còn có khả năng làm tăng nguy cơ mắc cả loét dạ dày và tá tràng.

17. Ăn mặn gây yếu xương

Theo Tổ chức Sức khỏe Xương Quốc gia Hoa Kỳ, chế độ ăn mặn có thể khiến bạn có nguy cơ bị yếu xương và dẫn đến loãng xương. Thận có nhiệm vụ loại bỏ clorua trong muối (natri clorua). Natri clorua làm tăng bài tiết canxi (được lấy từ trong xương) qua nước tiểu.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về những vấn đề sức khỏe có thể gặp phải khi ăn mặn, đồng thời giải đáp được câu hỏi ăn mặn có tốt không. Muối trong thực phẩm không phải lúc nào cũng xấu, điều quan trọng là bạn cần tiêu thụ ở mức độ vừa phải mới có thể mang lại lợi ích đối với sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.