7 cách làm ngũ cốc ăn sáng tại nhà giúp bạn thon thả hơn
Photo by <a href='https://unsplash.com/@joelgoodman?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Joel Goodman</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

7 cách làm ngũ cốc ăn sáng tại nhà giúp bạn thon thả hơn

Bạn ao ước có vóc dáng thon gọn nhưng vẫn muốn đảm bảo chất lượng mỗi bữa ăn? Vậy hãy thử học ngay cách làm ngũ cốc ăn sáng vừa bổ dưỡng lại không lo tăng cân mà HSSK gợi ý sau đây nhé!

Nếu ưa thích ăn ngũ cốc vào mỗi sáng nhưng lại cảm thấy ngán ngẩm vì hương vị quen thuộc của loại ngũ cốc mua tại siêu thị, đã đến lúc bạn nên tìm đến những công thức chế biến mới. Hãy thử tìm hiểu 7 cách làm ngũ cốc ăn sáng tại nhà sau đây để thay đổi khẩu vị thường xuyên, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng cho bữa sáng nhé.

1. Ngũ cốc hạt diêm mạch và quế táo

Bạn có thể bắt đầu ngày mới thật nhẹ nhàng bằng việc chọn món ngũ cốc hạt diêm mạch và quế táo cho bữa ăn sáng. Trong số các thành phần của món ăn thì hạt diêm mạch (hay còn gọi là quinoa) được coi là “siêu thực phẩm” mang lại nhiều giá trị sức khỏe đáng kinh ngạc. Hơn thế nữa, loại ngũ cốc này còn sở hữu lượng canxi dồi dào hơn cả gạo, lúa mì cùng thành phần chất đạm, chất xơ vượt trội hơn các loại ngũ cốc khác. Cùng vào bếp ngay để trổ tài làm món ăn vừa ngon vừa “thân thiện” với dáng vóc qua công thức cực đơn giản sau:

Nguyên liệu

  • 3/4 chén sữa ít béo
  • 2/3 chén táo đã cắt nhỏ, chia làm 2 phần
  • 1/4 chén hạt diêm mạch
  • 1/4 thìa cà phê bột quế
  • 1/8 thìa cà phê muối
  • 4 thìa cà phê hạnh nhân băm vụn
  • 1/2 thìa cà phê mật ong

Chế biến

Hòa tan sữa tươi, 1/3 chén táo, hạt diêm mạch, quế và muối trong một cái chảo nhỏ. Khuấy đều hỗn hợp cho đến khi sôi hoàn toàn. Sau đó, đậy nắp kín lại và đun ở mức lửa nhỏ cho đến khi nước cô đặc hoàn toàn, trong vòng khoảng 12 phút.

Để yên trong vòng 5 phút. Sau đó, lấy ngũ cốc vừa chế biến cho ra đĩa, phủ thêm táo tươi, hạnh nhân và mật ong trước khi thưởng thức.

2. Ngũ cốc yến mạch và quế táo

Yến mạch là một trong những loại ngũ cốc dinh dưỡng và được dùng khá phổ biến, bạn hãy thử đổi vị một chút cho món yến mạch đơn giản mà bạn hay làm bằng công thức dưới đây nhé.

Nguyên liệu

  • 6 quả táo cỡ vừa, lột sẵn vỏ nếu thích và thái hột lựu vừa ăn
  • 1/4 chén đường đường nâu, điều chỉnh tùy theo khẩu vị của bạn
  • 1 thìa súp bột quế
  • 1/2 thìa cà phê bột nhục đậu khấu
  • Một ít muối
  • 1 thìa súp nước cốt chanh
  • 2 chén yến mạch hạt tấm
  • 2 chén sữa tách béo
  • 2 quả trứng
  • 1 chén rưỡi nước

Chế biến

• Bôi ít dầu vào bên trong nồi nấu chậm. Nồi nấu chậm (slow cooker hoặc crock-pot) là một loại nồi dùng điện năng để làm chín thức ăn trong thời gian dài hơn so với những loại nồi khác.

• Cho táo vào một cái tô cùng với đường, bột quế, bột nhục đậu khấu, ít muối. Cho nước cốt chanh vào sau cùng.

• Khuấy đều hỗn hợp và cho hết vào nồi nấu chậm.

• Trong lúc đó, cho thêm sữa, trứng gà và nước vào một cái tô và khuấy đều cho đến khi hỗn hợp mịn hẳn. Sau đó, rưới hết hỗn hợp vào nồi nấu chậm.

• Bật chế độ nấu chậm trong vòng 8 tiếng hoặc chế độ nấu nhanh trong vòng 4–5 tiếng. Bạn có thể chế biến sẵn ngũ cốc vào buổi tối và dùng bữa vào sáng hôm sau.

3. Ngũ cốc yến mạch và sữa dừa

Nếu đã chán ngấy vị quế táo, bạn nên thử chuyển sang dùng món ngũ cốc yến mạch sữa dừa nhé. Sự hòa quyện giữa vị béo ngậy của dừa và sữa đảm bảo sẽ khiến bạn thích mê.

Nguyên liệu

  • 1/3 chén yến mạch hạt tấm
  • 1/3 chén sữa dừa không đường
  • Một ít muối
  • 1/3 chén mơ khô
  • 1 thìa súp hạt phỉ
  • 1 thìa cà phê siro phong

Chế biến

Cho yến mạch, sữa dừa và muối vào một cái tô và trộn đều. Dùng bọc thực phẩm bọc kín tô và để trong tủ lạnh qua đêm. Sáng hôm sau, bạn hãy hâm nóng lại nếu muốn. Sau đó, cho thêm mơ khô, hạt phỉ và siro phong vào tô và bạn sẽ thưởng thức món ngũ cốc đầy dinh dưỡng mà không kém phần ngon miệng.

4. Ngũ cốc yến mạch và việt quất

Quả việt quất có vị thanh mát, ăn rất ngon, dễ gây nghiện sẽ tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ngũ cốc ăn sáng của bạn đó.

Nguyên liệu

  • 1 chén sữa tươi ít béo
  • 1/2 chén yến mạch hạt tấm
  • 1 thìa cà phê siro phong hoặc mật ong tùy theo khẩu vị
  • 5 lát xoài tươi
  • 15 quả việt quất
  • 3–5 quả mâm xôi

Chế biến

• Cho sữa, bột yến mạch vào một cái chảo nhỏ và đun sôi ở nhiệt độ vừa.

• Sau khi sữa đã sôi, giảm dần nhiệt độ và đun ở mức lửa nhỏ. Trong lúc này, bạn nên thường xuyên khuấy hỗn hợp đều tay cho đến khi sữa cô đặc lại, khoảng 5 phút.

• Cho thêm siro hoặc mật ong vào và cho ra một cái tô. Trang trí lên trên vài lát xoài, quả việt quất cùng với mâm xôi.

5. Ngũ cốc sữa chua với mâm xôi và chocolate

Món ngũ cốc ăn sáng này là lựa chọn vô cùng sáng suốt dành cho bạn, bởi nó cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho mọi hoạt động trong ngày nhờ sự kết hợp giữa nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Bật mí thêm bên cạnh vẻ ngoài “trông đã muốn ăn ngay”, quả mâm xôi hay phúc bồn tử còn mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe chẳng hạn như: tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện trí nhớ và thúc đẩy tuần hoàn máu …

Nguyên liệu

  • 1 chén sữa chua trắng không béo
  • 1/2 chén ngũ cốc lúa mạch hạt vụn
  • 1/2 chén quả mâm xôi tươi
  • 2 thìa cà phê chocolate loại viên nhỏ
  • 1 thìa cà phê hạt bí đỏ
  • 1/4 thìa cà phê bột quế

Chế biến

Cho sữa chua vào một cái tô và thêm vào ngũ cốc, mâm xôi, chocolate vụn, hạt bí đỏ cùng bột quế. Trộn đều lên và bạn đã có thể thưởng thức bữa sáng dinh dưỡng mà vô cùng tiện lợi.

6. Ngũ cốc pudding hạt chia và hạnh nhân

Với những ai cần bữa ăn sáng nhanh gọn, đủ chất thì không nên bỏ qua món ngũ cốc pudding này. Lý do vì bạn chỉ mất khoảng 10 phút để chuẩn bị, thậm chí là có thể làm sẵn từ hôm trước. Nhờ khả năng trương nở trong nước của hạt chia mà món ăn này sẽ có dạng gel trông khá bắt mắt và khơi dậy cảm giác thèm ăn trong bạn.

Nguyên liệu

  • 1/2 chén sữa hạnh nhân không đường (bạn có thể đổi sang loại sữa trái cây khác)
  • 2 thìa súp hạt chia
  • 2 thìa cà phê siro phong nguyên chất
  • 1/8 thìa cà phê tinh chất hạnh nhân
  • 1/2 chén việt quất tươi đã rửa sạch, chia làm 2 phần
  • 1 thìa súp hạt hạnh nhân nướng, chia làm 2 phần

Chế biến

• Cho sữa hạnh nhân, hạt chia, siro phong và tinh chất hạnh nhân vào trong một cái tô. Khuấy đều cho đến khi hỗn hợp hòa quyện hoàn toàn, sau đó dùng bọc thực phẩm bọc kín miệng tô và để trong tủ lạnh tối thiểu 8 tiếng, hoặc lên đến 3 ngày.

• Trước khi ăn, hãy lấy tô ra và khuấy đều lại lần nữa. Cho thêm vào món pudding nửa phần việt quất và hạnh nhân còn lại vào. Thế là bạn đã có thể thưởng thức ngay rồi đấy!

7. Ngũ cốc hạnh nhân, óc chó và mật ong

Loại ngũ cốc này được chế biến phức tạp hơn một chút, tuy nhiên cũng là một gợi ý không tồi để bạn có thể đổi vị vào những ngày cuối tuần thư thả.

Nguyên liệu

  • 4 chén yến mạch hạt tấm
  • 1/4 chén quả óc chó thô, đập vụn
  • ¼ chén hạt hạnh nhân thô, đập vụn
  • 1 thìa cà phê bột quế
  • 1/3 chén mật ong nguyên chất
  • 1/3 chén dầu dừa

Chế biến

• Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 325o.

• Sử dụng một cái tô lớn để trộn đều các nguyên liệu khô lại, bao gồm quả óc chó, hạnh nhân, yến mạch, bột quế.

• Cho dầu dừa và mật ong vào một cái chén nhỏ và khuấy đều tay trước khi rưới vào tô ngũ cốc.

• Trộn đều cho đến khi ngũ cốc đã thấm đều nước sốt.

• Trải đều ngũ cốc ra trên khay nướng. Sau đó, bỏ vào lò nướng và lấy ra khuấy đều mỗi 10 phút cho đến khi ngũ cốc chuyển sang màu vàng nâu. Quá trình có thể mất khoảng 25–30 phút. Sau đó, lấy ngũ cốc ra khỏi lò và để nguội tự nhiên ở nhiệt độ phòng.

Bảo quản ở trong hộp hoặc hũ đậy kín. Lấy ra ăn mỗi khi cần và nếu muốn, hãy rắc thêm một ít trái cây sấy khô lên ngũ cốc trước khi cho sữa ít béo vào.

Với 7 cách chế biến ngũ cốc ăn sáng tại nhà ở trên, bạn đã có ngay cho mình một bữa sáng nhanh gọn, thơm ngon và lại chẳng kém phần dinh dưỡng.Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa trong cách chế biến cũng được xem là một bí quyết ăn nhiều ngũ cốc hơn, điều này không những rất tốt cho sức khỏe mà còn giúp bạn duy trì vóc dáng thon thả nhờ các thành phần dinh dưỡng lành mạnh đấy.

Có thể bạn quan tâm

Yến mạch là gì mà giúp nấu ăn ngon và làm đẹp tự nhiên?
Photo by <a href='https://unsplash.com/@tormius?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Tormius</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

Yến mạch là gì mà giúp nấu ăn ngon và làm đẹp tự nhiên?

Tác hại của hạt chia: Tưởng không hại mà hại không tưởng!
Photo by <a href='https://unsplash.com/@cdc?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>CDC</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

Tác hại của hạt chia: Tưởng không hại mà hại không tưởng!

13 tác dụng của yến mạch: Xứng đáng là nữ hoàng của các loại ngũ cốc
Photo by <a href='https://unsplash.com/@memory_terra?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Alex Diaz</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

13 tác dụng của yến mạch: Xứng đáng là nữ hoàng của các loại ngũ cốc

Hạt diêm mạch là gì: Công dụng, sản phẩm diêm mạch có trên thị trường
Photo by <a href='https://unsplash.com/@christianperner?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Christian Perner</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

Hạt diêm mạch là gì: Công dụng, sản phẩm diêm mạch có trên thị trường

Tác dụng phụ của hạt hạnh nhân mà bạn có thể chưa biết
Photo by <a href='https://unsplash.com/@bill_eccles?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Bill Eccles</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

Tác dụng phụ của hạt hạnh nhân mà bạn có thể chưa biết