Nhận biết cơ thể bị thiếu chất khoáng để phòng ngừa
Photo by Rad Cyrus on Unsplash

Nhận biết cơ thể bị thiếu chất khoáng để phòng ngừa

Tình trạng thiếu chất khoáng tưởng chừng như không nguy hiểm, nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sức khỏe.

Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu thiếu chất khoáng là gì và những vấn đề xung quanh tình trạng này nhé!

Thiếu chất khoáng là gì?

Khoáng chất là các loại chất dinh dưỡng thiết yếu giúp đảm bảo duy trì hoạt động của cơ thể. Tình trạng thiếu hụt khoáng chất xảy ra khi cơ thể bạn không nhận được hoặc hấp thụ đủ lượng khoáng chất cần thiết.

Cơ thể con người đòi hỏi hàm lượng riêng biệt của từng khoáng chất khác nhau để đảm bảo sức khỏe. Lượng dùng từng loại cụ thể được đưa ra trong nhu cầu dinh dưỡng đề nghị (Recommended Dietary Allowance – RDA).

RDA là mức trung bình đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của khoảng 97% người khỏe mạnh. Bạn có thể bổ sung từ thực phẩm ăn uống hay sản phẩm bổ sung.

Sự thiếu hụt chất khoáng thường xuất hiện chậm từ từ theo thời gian và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong các vấn đề phổ biến là do nhu cầu khoáng chất tăng lên, thiếu chất khoáng trong chế độ ăn uống hoặc khó hấp thụ khoáng chất từ thực phẩm.

Tình trạng thiếu hụt chất khoáng có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như yếu xương, cơ thể mệt mỏi hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch.

Phân loại thiếu chất khoáng

Có 5 dạng thiếu chất khoáng chính bao gồm: canxi, sắt, magie, kali và kẽm.

1. Thiếu canxi

Canxi đóng vai trò cần thiết cho xương và răng chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ chức năng cho các mạch máu, cơ bắp, dây thần kinh và hormone. Tình trạng thiếu canxi gây ra một số triệu chứng rõ rệt trong thời gian ngắn, do cơ thể bạn kiểm soát lượng canxi trong máu.

Sự thiếu hụt trong thời gian dài có thể dẫn đến giảm mật độ khoáng xương gọi là thiếu xương (osteopenia). Nếu không được điều trị, thiếu xương có thể chuyển sang loãng xương (osteoporosis), làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các trường hợp thiếu canxi nghiêm trọng thường do các vấn đề y tế hoặc phương pháp điều trị, chẳng hạn như dùng thuốc lợi tiểu, phẫu thuật dạ dày hoặc suy thận.

2. Thiếu sắt

Hơn một nửa lượng sắt trong cơ thể bạn nằm bên trong các tế bào hồng cầu. Sắt là một phần quan trọng của hemoglobin – một loại protein mang oxy đến các mô của bạn, đồng thời cũng là một phần của các protein và enzyme khác giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.

Tình trạng thiếu sắt thường tiến triển chậm và có thể gây thiếu máu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính trong một báo cáo năm 2008 rằng thiếu sắt gây ra khoảng 50% số trường hợp thiếu máu trên toàn thế giới. Các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt bao gồm cảm thấy yếu sức, mệt mỏi, làm việc, học tập kém hiệu quả. Trẻ em có thể biểu hiện các dấu hiệu phát triển và nhận thức chậm.

3. Thiếu magie

Cơ thể cần magie cho hàng trăm phản ứng hóa học trong cơ thể bao gồm các phản ứng kiểm soát mức đường huyết và huyết áp. Đồng thời kiểm soát chức năng cơ bắp, dây thần kinh, não, chuyển hóa năng lượng và sản xuất protein.

Khoảng 60% magie của cơ thể ở trong xương, gần 40% còn nằm trong các tế bào mô và cơ mềm. Thiếu magie thường phổ biến ở những người có sức khỏe yếu. Một số loại thuốc và tình trạng sức khỏe mãn tính như nghiện rượu có thể gây thiếu hụt magie.

Dấu hiệu ban đầu cảnh báo thiếu magie bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Yếu đuối
  • Ăn mất ngon
  • Buồn nôn, nôn

Tình trạng thiếu magie có thể dẫn đến các triệu chứng sau đây nếu không được điều trị:

  • Co giật
  • Ngứa ran
  • Chuột rút cơ bắp
  • Nhịp tim bất thường

4. Thiếu kali

Kali là khoáng chất có chức năng như một chất điện phân, đóng vai trò cần thiết cho sự co cơ, chức năng tim và truyền tín hiệu thần kinh. Đồng thời hỗ trợ cơ thể biến carbohydrate thành năng lượng. Các nguồn kali tốt nhất thường đến từ trái cây và rau quả, chẳng hạn như chuối, bơ, rau xanh đậm, củ cải đường, khoai tây và mận.

Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng thiếu kali là cơ thể bị mất nước quá mức. Ví dụ, tình trạng nôn mửa kéo dài, bệnh thận hoặc sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu. Các triệu chứng thiếu kali bao gồm chuột rút cơ, yếu cơ, táo bón, đầy hơi hoặc đau bụng.

Tình trạng thiếu chất khoáng kali nghiêm trọng có thể gây tê liệt cơ bắp hoặc nhịp tim không đều có thể dẫn đến tử vong.

5. Thiếu kẽm

Kẽm đóng vai trò trong quá trình trao đổi chất cơ thể bao gồm:

  • Tổng hợp DNA
  • Tổng hợp protein
  • Làm lành vết thương
  • Chức năng hệ thống miễn dịch

Chất khoáng này cũng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển thích hợp trong thời kỳ mang thai, tuổi nhỏ và thanh thiếu niên. Kẽm được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như hàu, thịt đỏ và gia cầm hoặc thực vật như đậu, quả hạch, các loại ngũ cốc và sản phẩm sữa.

Tình trạng thiếu kẽm có thể gây mất cảm giác ngon miệng, giảm chức năng của hệ thống miễn dịch và chậm tăng trưởng. Sự thiếu hụt kẽm nghiêm trọng cũng có thể gây ra tiêu chảy, rụng tóc và bất lực ở nam giới, đồng thời có thể kéo dài quá trình cơ thể bạn thực hiện hồi phục vết thương.

Nguyên nhân thiếu chất khoáng

Nguyên nhân chính của sự thiếu hụt khoáng chất đơn giản là bạn không nhận đủ khoáng chất thiết yếu từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Điều này có thể xảy ra do có nhiều loại chế độ ăn kiêng khác nhau có thể dẫn đến sự thiếu hụt này.

Ví dụ như chế độ thiếu trái cây, rau quả hoặc ít calo để giảm cân. Tương tự với những người ăn chay, dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp đường sữa có thể bị thiếu khoáng chất nếu không kiểm soát chế độ ăn uống hiệu quả.

Ngoài ra, tình trạng khó tiêu hóa thức ăn hoặc kém hấp thụ chất dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu chất khoáng. Nguyên nhân tiềm ẩn của các vấn đề này bao gồm:

  • Nghiện rượu mãn tính
  • Phẫu thuật đường tiêu hóa
  • Bệnh về gan, túi mật, ruột, tụy hoặc thận
  • Dùng các loại thuốc như thuốc kháng axit, thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu

Tình trạng thiếu chất khoáng cũng có thể xuất phát từ nhu cầu gia tăng của cơ thể đối với một số khoáng chất. Ví dụ như phụ nữ có thể bị thiếu sắt khi mang thai, mất máu trong kỳ kinh nguyệt và mãn kinh.

Triệu chứng thiếu chất khoáng

Các triệu chứng thiếu khoáng chất phụ thuộc vào chất dinh dưỡng nào mà cơ thể bị thiếu hụt. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Kém tập trung
  • Ăn không ngon
  • Chuột rút cơ bắp
  • Trẻ chậm phát triển
  • Nhịp tim không đều
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Yếu đuối hoặc mệt mỏi
  • Tê hoặc ngứa ran ở tứ chi
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch
  • Táo bón, đầy hơi hoặc đau bụng

Một số triệu chứng có thể nhẹ đến mức bạn không nhận ra và không được chẩn đoán. Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ sớm nếu bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài, yếu sức hoặc kém tập trung. Đây có thể là dấu hiệu đặc trưng của sự thiếu hụt khoáng chất hoặc cảnh báo tình trạng sức khỏe khác.

Chẩn đoán thiếu chất khoáng

Để điều trị, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng thiếu chất khoáng bằng cách:

  • Khám sức khỏe tổng thể
  • Kiểm tra tiền sử bệnh, bao gồm các triệu chứng và tiền sử bệnh gia đình
  • Xem xét chế độ và thói quen ăn uống của bạn
  • Xét nghiệm máu định kỳ, chẳng hạn như công thức máu toàn bộ (CBC) và đo điện giải (khoáng chất) trong máu

Việc điều trị thiếu chất khoáng phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định mức độ tổn thương trước khi quyết định kế hoạch điều trị.

Cách điều trị thiếu chất khoáng

Có 3 cách điều trị tình trạng thiếu chất khoáng bao gồm:

1. Thay đổi chế độ ăn uống: Việc thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh có thể giúp mang lại nhiều lợi ích trong quá trình điều trị bệnh. Đối với người bệnh thiếu máu do thiếu sắt trong chế độ ăn uống nên ăn đủ lượng thịt, trứng và ngũ cốc tăng cường chất sắt.

2. Dùng thực phẩm bổ sung: Một số tình trạng thiếu hụt khoáng chất không thể được điều trị đơn lẻ bằng chế độ ăn uống. Bạn có thể được yêu cầu bổ sung vitamin tổng hợp hoặc khoáng chất thông qua thực phẩm bổ sung. Thực phẩm bổ sung có thể được dùng một mình hoặc với các chất bổ sung khác giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ khoáng chất. Ví dụ, vitamin D thường được dùng cùng với canxi.

Bác sĩ sẽ quyết định mức độ và tần suất bạn dùng thực phẩm bổ sung để điều trị thiếu chất khoáng, do đó, bạn cần lắng nghe theo chỉ định của bác sĩ và tránh dùng quá liều.

3. Điều trị thiếu chất khoáng khẩn cấp: Người bệnh có thể cần phải nhập viện trong trường hợp thiếu khoáng chất nặng. Khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác có thể được bổ sung thông qua đường tiêm tĩnh mạch. Quá trình điều trị có thể kéo dài từ một ngày trong vài ngày. Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện các xét nghiệm máu bổ sung để xác định xem việc điều trị có thành công hay không.

Trong một số trường hợp không phổ biến, loại điều trị này có thể gây ra tác dụng phụ như sốt hoặc ớn lạnh, sưng tay hoặc chân hay thay đổi nhịp tim.

Tình trạng thiếu chất khoáng có thể khiến sức khỏe của bạn suy giảm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, bạn nên tìm hiểu kỹ để sớm nhận ra các dấu hiệu và kịp thời phòng ngừa nhé!

Hoàng Trí

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.