Tác dụng của Vitamin D đối với cơ thể
Vitamin D là chất dinh dưỡng có thể dễ dàng tìm thấy trong các loại thực phẩm hoặc từ nguyên liệu làm nên các món ăn chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày. Nhưng điều đặc biệt ở vitamin D chính là ngoài việc hấp thụ thông qua đường tiêu hóa, chúng ta còn có thể “nạp” vitamin D cho cơ thể bằng cách tắm nắng. Nhiều người sẽ cảm thấy việc này khó tin, nhưng nếu da chúng ta tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời, điều này sẽ kích thích quá trình tổng hợp vitamin D ở da và tạo ra vitamin D. Cũng chính vì lí do này mà vitamin D được mọi người mệnh danh là “vitamin ánh nắng”.
Vitamin D đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như:
- Tăng cường khả năng hấp thụ canxi của cơ thể;
- Duy trì mật độ canxi và photpho trong cơ thể ở mức độ an toàn;
- Thúc đẩy sự phát triển của các tế bào và xương trong cơ thể chúng ta;
- Giảm thiểu chứng viêm, sưng trên cơ thể.
Những triệu chứng và tác hại khi cơ thể thiếu hụt vitamin D
Thiếu hụt vitamin D cũng là một dạng bệnh. Những triệu chứng thường gặp khi một người bị thiếu hụt vitamin D là:
- Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ;
- Đau nhức xương khớp;
- Xương trở nên giòn và dễ gãy ;
- Cơ bắp suy yếu;
- Xương mềm yếu, dễ dẫn đến dị dạng xương;
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các triệu chứng trên cũng biểu hiện rõ ràng. Thậm chí có những trường hợp không hề để lại bất kì triệu chứng nào. Nhưng dù có để lại triệu chứng hay không, cơ thể hấp thụ quá ít vitamin D so với nhu cầu sẽ dễ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như:
- Nguy cơ tử vong cao vì dễ mắc bệnh tim mạch;
- Suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi;
- Gây ra hen suyễn ở trẻ em;
- Gây ung thư.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và khuyên chúng ta nên cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể vì vitamin D đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh lý khác nhau như tiểu đường dạng 1 và dạng 2, bệnh cao huyết áp, rối loạn dung nạp glucose và bệnh đa xơ cứng. Thiếu vitamin D tăng khả năng mắc những chứng bệnh kể trên.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vitamin D trong cơ thể
Để có thể ngăn ngừa việc thiếu hụt vitamin D, điều đầu tiên chúng ta cần làm là tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Dựa trên cách thức chúng ta hấp thụ vitamin D vào cơ thể, các nhà khoa học đã chỉ ra được các nguyên nhân cụ thể sau:
Không hấp thụ đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể
Nếu bạn không hấp thụ đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể trong một khoảng thời gian dài sẽ khiến tình trạng thiếu hụt vitamin D trở nên trầm trọng. Khi cơ thể chúng ta lão hóa dần, thận sẽ không còn khả năng chuyển hóa được nhiều vitamin D như khi còn trẻ, từ đó tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D trong cơ thể.
Không tắm nắng thường xuyên
Qua quá trình tắm nắng, cơ thể bạn sẽ tự động tổng hợp vitamin D. Nếu bạn chỉ ở trong nhà, luôn mặc áo choàng hay trùm mũ và ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bạn sẽ mắc bệnh thiếu hụt vitamin D.
Có làn da sẫm màu
Làn da sẫm màu chứa nhiều sắc tố melanin – sắc tố làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D khi tắm nắng. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi có làn da sẫm màu thường có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao.
Cách điều trị thiếu hụt vitamin D trong cơ thể
Đối với các bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin D, thông thường các bác sĩ thường chỉ định hoặc gợi ý họ nên uống thuốc để bổ sung vitamin D. Hàm lượng thuốc nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào mật độ vitamin D trong cơ thể người bệnh, mật độ càng thấp thì hàm lượng thuốc sẽ càng nhiều. Một ví dụ đơn giản, vài người có thể đạt được lượng vitamin D cần thiết chỉ với một viên thuốc vitamin tổng hợp. Những viên thuốc vitamin tổng hợp này thừa chứa đựng trong khoảng 400 đến 800 IU vitamin D. Tuy nhiên, những người đặc biệt thiếu hụt vitamin D sẽ cần được bổ sung loại thuốc bổ sung có lượng vitamin cao hơn gấp nhiều lần – khoảng 1000 IU mỗi ngày. Do vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ bạn nên hấp thụ bao nhiều vitamin D mỗi ngày để tránh trường hợp thừa hoặc thiếu vitamin.
Làm cách nào để ngăn ngừa thiếu hụt vitamin D?
Theo như nghiên cứu chỉ ra, có vài cách để chúng ta có thể duy trì mật độ vitamin D ở mức độ an toàn và thích hợp, bao gồm:
- Tắm nắng mỗi ngày 15 phút. Khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ sáng là thích hợp nhất để tắm nắng vì lúc này tia tử ngoại còn thấp, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Vì thế mỗi buổi sáng hãy dành ra 15 phút để tắm nắng (không dùng kem chống nắng);
- Uống thuốc vitamin tổng hợp có chứa vitamin D;
- Ăn thực phẩm giàu vitamin D ;
- Ăn những loại thức ăn đã được tổng hợp vitamin D như ngũ cốc hoặc sữa.
Sau khi đọc xong bài viết, HSSK mong bạn hãy có một chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ các thực phẩm tăng cường vitamin D và hãy tắm nắng để cơ thể luôn khỏe mạnh và không thiếu hụt vitamin D.