Đừng chủ quan nếu thiếu vitamin C, vì có thể bạn đang bị bệnh scurvy
Photo by National Cancer Institute on Unsplash

Đừng chủ quan nếu thiếu vitamin C, vì có thể bạn đang bị bệnh scurvy

Thiếu vitamin C dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn bạn tưởng. Thực tế là người ta có khả năng bị một căn bệnh với hàng loạt triệu chứng nghiêm trọng chỉ vì thiếu vitamin C. Căn bệnh ấy có tên gọi scurvy.

Bệnh scurvy là gì?

Bệnh scurvy là căn bệnh ít người biết tới. Về cơ bản, bệnh xuất hiện do cơ thể thiếu hụt vitamin C liên tục trong thời gian dài.

Scurvy được cho là căn bệnh của quá khứ, thường gặp ở các thủy thủ sống lênh đênh giữa biển khơi dài ngày, luôn thiếu thốn thực phẩm giàu vitamin C. Song thực tế, xã hội hiện đại vẫn còn nhiều đối tượng không có điều kiện tiếp cận nguồn rau quả, trái cây tươi, vốn là nguồn vitamin C dồi dào.

Thiếu vitamin C gây bệnh scurvy

Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp cũng như dự trữ vitamin C trong thời gian dài. Vì vậy, nếu bạn không thường xuyên bổ sung vitamin C qua đường ăn uống, cơ thể sẽ bị thiếu loại vitamin này.

Vitamin C (hay còn gọi là axit ascorbic) là một chất thiết yếu trong chế độ ăn uống. Nó đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển một số cấu trúc và hoạt động của các quá trình trong cơ thể, cụ thể là:

  • Sự hình thành collagen
  • Quá trình chuyển hóa cholesterol và protein
  • Sự hấp thu sắt
  • Quá trình chống oxy hóa
  • Quá trình làm lành vết thương
  • Sự hình thành các chất dẫn truyền thần kinh (dopamine, epinephrine)

Chính vì vitamin C cần thiết cho cơ thể đến như vậy, nên khi một người bị thiếu vitamin C liên tục trong thời gian dài, những triệu chứng xuất hiện sẽ đa dạng và tương đối nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong.

Triệu chứng bệnh scurvy

Các dấu hiệu ban đầu của tình trạng thiếu vitamin C bao gồm chán ăn, giảm cân, mệt mỏi, cáu gắt, thờ ơ.

Về sau, những dấu hiệu sẽ đa dạng và ở mức độ nghiêm trọng hơn:

  • Thiếu máu
  • Đau cơ, đau xương
  • Tình trạng sưng phù xuất hiện ở một số nơi trong cơ thể
  • Xuất hiện các đốm xuất huyết/ban xuất huyết trên da, là các chấm nhỏ màu đỏ ở lỗ chân lông do chảy máu dưới da
  • Lông tóc trở nên khô, xoắn lại và bị gãy
  • Bị chảy máu, sưng viêm nướu răng, nặng thì mất răng
  • Vết thương lâu lành, một số vết thương tưởng chừng đã lành nhưng lại “há miệng” trở lại
  • Khó thở
  • Tâm trạng thay đổi, bị trầm cảm

Theo thời gian, người bệnh bị phù toàn thân, vàng da nặng nề, xảy ra tình trạng tan máu (hemolysis) do các tế bào máu bị phá hủy khiến người bệnh bị thiếu máu. Bên cạnh đó, tình trạng xuất huyết (ở dưới da, nướu răng, ở vùng xung quanh các cơ và khớp…) diễn ra một cách đột ngột và tự phát. Người bệnh gặp vấn đề với hệ thần kinh khiến tay chân bị tê, cơ thể phát sốt và co giật. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể tử vong.

Trẻ sơ sinh bị bệnh scurvy sẽ hay bứt rứt, lo lắng, dễ cáu kỉnh. Các bé có thể bị đau và phải nằm tư thế chân ếch cho thoải mái.

Cũng có khi người bị bệnh scurvy do thiếu vitamin C gặp phải một tình trạng gọi là xuất huyết dưới màng cứng, một dạng chảy máu xảy ra ở phần cuối của các xương dài.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu vitamin C ở phụ nữ mang thai sẽ dẫn đến các vấn đề liên quan đến sự phát triển não bộ của thai nhi.

Bổ sung đầy đủ thực phẩm để không bị thiếu vitamin C

Những đối tượng thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, có tình trạng sức khỏe khác nhau sẽ có nhu cầu vitamin C khác nhau. Lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày như sau:

Những người hút thuốc hoặc có các vấn đề về tiêu hóa cần bổ sung vitamin C nhiều hơn 35mg một ngày so với người thường.

Trái cây họ cam quýt như cam, chanh, bưởi… được coi là phương thuốc truyền thống để ngăn ngừa và điều trị bệnh scurvy vì chúng là nguồn vitamin C dồi dào. Tuy nhiên, sự thực là có nhiều loại trái cây và rau củ quả khác chứa lượng vitamin C nhiều hơn trái cây họ cam quýt. Nhiều thực phẩm chế biến sẵn như nước trái cây và ngũ cốc cũng chứa vitamin C.

Thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao hơn cam bao gồm:

  • Quả ổi
  • Ớt chuông đỏ
  • Cải xoăn
  • Bông cải xanh
  • Ớt chuông xanh
  • Đu đủ
  • Dâu tây
  • Súp lơ
  • Dứa

Có một lưu ý khi chế biến và bảo quản thực phẩm, đó chính là vitamin C dễ tan trong nước. Quá trình nấu ăn, đóng hộp và lưu trữ kéo dài làm giảm đáng kể hàm lượng vitamin trong thực phẩm. Tốt nhất, bạn nên dùng thực phẩm khi còn tươi, càng sớm càng tốt tính từ lúc được thu hoạch.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.