Bơ ghee: Bơ dành cho những ai dị ứng sữa
Photo by engin akyurt on Unsplash

Bơ ghee: Bơ dành cho những ai dị ứng sữa

Bơ ghee là lựa chọn thích hợp cho những ai muốn dùng sản phẩm từ sữa nhưng lại dị ứng lactose và casein. Bạn có biết bơ ghee là gì để có thêm thực phẩm lành mạnh trong thực đơn hàng ngày?

Ghee từ lâu đã là một món ăn chính trong ẩm thực Ấn Độ nhưng hiện đang dần phổ biến hơn ở những nơi khác. Một số người dùng bơ ghee như một thực phẩm thay thế cho bơ thường vì loại bơ này có nhiều lợi ích hơn.

Bơ ghee là gì?

Bơ ghee là một loại bơ được thanh lọc và được loại bỏ bớt nước cũng như cặn sữa khô. Loại bơ này có nhiều chất béo hơn bơ thông thường. Bơ ghee được sử dụng trong các nền văn hóa Ấn Độ và Pakistan trong hàng ngàn năm vì loại bơ này ít hư hỏng trong thời tiết nóng hơn. Ngoài nấu ăn, bơ ghee còn được sử dụng trong hệ thống y học của Ấn Độ có tên Ayurveda. Bơ ghee không còn cặn sữa khô nên không cần làm lạnh và có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vài tuần.

Bơ ghee được chế biến bằng cách làm nóng bơ thường để tách phần chất lỏng và cặn sữa khô ra khỏi phần chất béo. Đầu tiên, bơ được đun sôi cho đến khi phần nước bên trong bay hơi hết cũng như cặn sữa khô lắng xuống đáy nồi và chuyển sang màu vàng sẫm. Phần dầu còn lại trong nồi chính là bơ ghee. Phần bơ này sẽ được để nguội dần cho tới khi chỉ còn hơi ấm. Sau đó, người ta lọc qua phần bơ này rồi đổ vào hũ bảo quản.

Ưu điểm của bơ ghee

Bơ ghee và bơ thường đều chứa gần như 100% lượng calo từ chất béo nhưng bơ ghee chứa nồng độ chất béo cao hơn. Loại bơ đã qua thanh lọc này có thể có một số ưu điểm như sau:

• Chứa axit linoleic liên hợp: Bơ ghee cũng chứa nhiều axit linoleic liên hợp, một chất béo không bão hòa đa có thể giúp bạn đốt chất béo trong cơ thể tốt hơn.

• Chứa axit butyric: Loại bơ này cũng chứa nhiều axit butyric và các chất béo bão hòa chuỗi ngắn khác hơn. Các nghiên cứu ống nghiệm và động vật cho thấy những chất béo này có thể giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe đường ruột.

• Không có lactose và casein: Bơ ghee hoàn toàn không có đường lactose và protein casein thường thấy trong sữa. Đối với những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với các thành phần trong sữa này thì ghee là lựa chọn phù hợp hơn.

Tuy bơ ghee có thể mang lại một số lợi ích nhưng chất béo bão hòa trong loại bơ này có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Những ai dễ bị tăng mức cholesterol xấu LDL sau khi bổ sung chất béo bão hòa có thể cần hạn chế lượng bơ ghee hoặc bơ thường xuống dưới 15 – 30g một ngày. Hơn nữa, lượng cholesterol trong bơ có thể bị oxy hóa trong quá trình sản xuất bơ ghee ở nhiệt độ cao nên có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh tim.

Lưu ý khi sử dụng dầu ghee

Cả bơ thường và ghee đều rất giàu axit béo bão hòa, một loại axit béo có thể dùng để nấu nướng ở nhiệt độ cao mà không bị sợ bị hư hỏng. Cách nấu nướng bơ ghee ở nhiệt độ cao cũng tạo ra ít hợp chất acrylamide độc ​​hại hơn so với cách nấu bằng dầu từ rau củ và các loại hạt. Trên thực tế, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu đậu nành tạo ra acrylamide nhiều hơn 10 lần so với dầu ghee khi được làm nóng tới mức 160°C.

Tuy nhiên, bơ ghee sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn bơ thường khi bạn cần nấu nướng ở nhiệt độ cao vì loại dầu này có điểm khói khá cao là 250°C. Ở điểm khói này, thực phẩm sẽ tạo ra một số chất nguy hiểm cho sức khỏe. Điểm khói của bơ ghee cao hơn điểm khói của bơ thường là 175°C nên thích hợp với những món nhiệt độ cao hơn. Trong khi đó, bơ thường có thể sẽ phù hợp hơn khi bạn cần nấu nướng ở nhiệt độ thấp vì loại bơ này có vị ngọt và béo hơn.

Khi đã biết bơ ghee là gì, bạn sẽ có thêm một thực phẩm không có lactose và casein để thay thế cho những loại bơ mình vẫn thường dùng. Đây là lựa chọn rất thích hợp cho những ai dị ứng với các sản phẩm từ sữa muốn thay đổi khẩu vị mà không phải lo lắng gặp vấn đề tiêu hóa.

Như Vũ

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2024 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.