Gạo tím than là gì? Những lợi ích không ngờ của gạo tím than đối với sức khỏe
Photo by Taylor Heery on Unsplash

Gạo tím than là gì? Những lợi ích không ngờ của gạo tím than đối với sức khỏe

Gạo tím than là một trong những loại gạo có màu sắc độc đáo và lạ mắt. Với giá trị dinh dưỡng cao, gạo tím than hiện đang được rất nhiều chị em nội trợ tìm hiểu để bổ sung vào thực đơn của gia đình.

HSSK mời bạn tìm hiểu những lợi ích sức khỏe của gạo tím than trong bài viết sau.

Gạo tím than là gì?

Giống như tên gọi của mình, loại gạo này có màu tím than như mực. Trước đây, gạo tím than rất hiếm, khó trồng và khó chăm sóc, chỉ dùng để dâng lên vua chúa nên gạo còn có tên gọi khác là gạo hoàng đế, gạo cấm hay gạo đen.

Gạo tím có nguồn gốc từ Nhật Bản và có 2 dạng là gạo nếp và gạo tẻ. Cả 2 dạng đều không chứa gluten – một loại protein có thể gây những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của người dùng nếu người đó dị ứng với thành phần này.

Gạo tím than có phải gạo lứt không?

Do màu sắc và vẻ ngoài khá tương đồng nên nhiều người nghĩ gạo tím than và gạo lứt là một. Tuy nhiên, đây là 2 giống gạo khác nhau.

Dù cùng mang màu tím đặc trưng nhưng gạo lứt không chứa sắc tố anthocyanin còn gạo tím than lại chứa nhiều sắc tố anthocyanin – một hợp chất mang nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, so với gạo lứt, gạo tím than có nhiều calo hơn.

Gạo tím than bao nhiêu calo? Trong 1⁄3 cốc gạo tím có khoảng 200 calo nhưng cùng số lượng đó thì gạo lứt chỉ có khoảng 82 calo.

Về giá, gạo lứt loại thường có giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg và từ 50.000 – 80.000 đồng/kg đối với gạo lứt đỏ hữu cơ. Trong khi đó, giá gạo tím than dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/kg tùy thương hiệu.

>>> Có thể bạn quan tâm: 10 tác dụng của gạo lứt có thể bạn chưa biết

Ăn gạo tím than có tốt không?

Như đã nói ở trên, trong gạo tím than có hàm lượng anthocyanin khá cao. Hợp chất này là một trong những chất màu thiên nhiên. Lớp sắc tố màu tím có tác dụng hỗ trợ tích cực trong việc phòng chống bệnh gút và phòng ngừa ung thư. Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng trong gạo tím than khá đa dạng bao gồm: chất đạm, canxi, magie và các loại vitamin khác. Gạo tím than được nhiều người ưa chuộng vì mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

7 lợi ích của gạo tím than đối với sức khỏe

1. Chống oxy hóa

Sắc tố anthocyanin cũng được tìm thấy trong quả việt quất, cà tím và nhiều loại trái cây, rau quả khác. Anthocyanins có khả năng chống viêm và chống oxy hóa mạnh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và béo phì.

2. Bổ sung chất xơ

Gạo tím còn nguyên lớp cám bên ngoài nên chứa nhiều chất xơ và có vị ngọt tự nhiên. Việc bổ sung chất xơ đầy đủ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, nhuận tràng, làm giảm nguy cơ táo bón, trĩ, viêm ruột, giúp giảm cholesterol trong máu và ổn định huyết áp.

3. Cung cấp chất đạm (protein)

Nguồn protein trong gạo tím khá dồi dào và thường được lựa chọn để ăn chay. Protein trong gạo tím sẽ giúp cơ thể giảm thiểu tình trạng mất cơ, đồng thời hỗ trợ xây dựng và tái tạo các mô cơ.

4. Cung cấp các khoáng chất cho cơ thể

Gạo tím than cũng giúp cơ thể được bổ sung thêm các khoáng chất như sắt, kẽm, mangan. Từ đó, hỗ trợ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh hơn.

5. Gạo tím than tốt cho tim mạch

Theo một vài nghiên cứu, gạo tím chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa hơn gạo trắng. Hợp chất chống oxy hóa này giúp thúc đẩy sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và các gốc tự do có hại. Ngoài ra, gạo tím còn có khả năng làm giảm mức cholesterol xấu trong cơ thể. Điều này rất quan trọng cho một hệ thống tim mạch khỏe mạnh, từ đó giảm sự hình thành các mảng xơ vữa trong động mạch.

6. Hỗ trợ giảm cân

Gạo tím than có giảm cân không? Câu trả lời là có!

Vì khả năng cung cấp protein và chất xơ dồi dào nên gạo tím thúc đẩy giảm cân bằng cách giảm sự thèm ăn và tăng cảm giác no. Hơn nữa, nghiên cứu trên động vật cho thấy, hợp chất anthocyanins trong gạo tím có thể giúp giảm trọng lượng và tỷ lệ mỡ trong cơ thể.

>>> Có thể bạn quan tâm: Giảm cân nên ăn gì? 14 siêu thực phẩm giảm cân nhanh

7. Hỗ trợ sức khỏe mắt

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy trong gạo đen chứa một lượng lớn lutein và zeaxanthin giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi các gốc tự do có khả năng gây hại. Hai hợp chất này còn bảo vệ võng mạc bằng cách lọc các sóng ánh sáng xanh có hại cũng như đóng vai trò quan trọng chống lại sự thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.

Cách nấu gạo tím than

Để nấu gạo tím than, đầu tiên bạn cần vo gạo từ ba đến bốn lần trong nước mát. Nấu với nước tỉ lệ là 1 chén gạo và 2 chén nước. Bạn có thể thêm 1 thìa dầu ô liu hoặc bơ cùng với 1/2 thìa muối để tăng thêm hương vị nếu muốn. Gạo tím cũng có thể được nấu với nước luộc gà, nước luộc rau, hoặc thậm chí nước dừa để có vị ngọt hơn. Nếu sau khi chín, cơm gạo tím vẫn còn cứng thì bạn có thể thêm ¼ cốc nước, nấu thêm khoảng 10 phút để cơm mềm hơn.

Gạo tím có thể làm các món cơm chiên, cơm nắm, nấu xôi hoặc kết hợp cùng sữa chua và các món súp.

Lưu ý khi sử dụng gạo tím than

– Nên bảo quản gạo tím than nơi khô ráo thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời

– Không sử dụng gạo tím than đã bị mối mọt xâm nhập

– Nếu muốn sử dụng gạo tím than để giảm cân, bạn cần kết hợp với chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý và chế độ dinh dưỡng khoa học

– Khi nấu, không vo gạo quá kỹ, dễ làm mất lớp cám giàu chất xơ và dinh dưỡng của gạo

– Để cơm gạo tím than được chín mềm, bạn nên ngâm gạo 30 phút trước khi nấu

Gạo tím than và gạo lứt đều có lượng chất xơ cao và tương đương nhau. Cả hai loại đều được xếp vào nhóm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình. Tuy nhiên, các bệnh nhân đái tháo đường cũng cần sử dụng với một chế độ tiết chế, không nên lạm dụng.

Có thể thấy gạo tím than là thực phẩm mang rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hy vọng bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về loại gạo này và trả lời được cho câu hỏi ăn gạo tím than có tốt không. Chúc bạn và gia đình sẽ có những bữa cơm nhiều dinh dưỡng cùng gạo tím than.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.