Tên chung quốc tế: Digoxin.
Mã ATC: C01A A05.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp, glycosid trợ tim.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc uống: Nang chứa dịch lỏng: 50 microgam, 100 microgam, 200 microgam.
Cồn ngọt: 50 microgam/ml (60 ml).
Viên nén: 125 microgam, 250 microgam, 500 microgam.
Thuốc tiêm: 100 microgam/ml (1 ml), 250 microgam/ ml (2 ml).
Dược lý và cơ chế tác dụng
Digoxin là glycosid trợ tim, thu được từ lá Digitalis lanata. Digoxin tác dụng bằng cách làm tăng lực co cơ tim, tác dụng co sợi cơ dương tính. Như vậy, làm giảm tần số mạch ở người suy tim vì tăng lực co cơ tim đã cải thiện được tuần hoàn. Digitalis còn có tác dụng làm giảm điều nhịp trực tiếp (tác dụng trực tiếp trên tần số tim) và làm giảm tần số tim thông qua kích thích thần kinh đối giao cảm (kích thích dây thần kinh phế - vị). Ngoài ra, digoxin còn làm chậm sự dẫn truyền trong nút nhĩ - thất.
Dược động học
Sinh khả dụng của digoxin dạng viên nén rất cao. Uống viên nén và dung dịch nước có thể đạt sinh khả dụng khoảng 75%. Khi tiêm, tác dụng lâm sàng bắt đầu xuất hiện sau khoảng 10 phút và đầy đủ trong vòng 2 - 4 giờ. Khi uống, tác dụng xuất hiện sau 1/2 - 1 giờ, và đạt tác dụng đầy đủ trong vòng 5 - 7 giờ. Nồng độ điều trị trong huyết tương người lớn ở khoảng 1,5 - 2,6 nanomol/lít. Gắn kết với protein huyết tương rất thấp, và rất ít quan trọng về lâm sàng (20 - 30%). Ở người chức năng thận bình thường, nửa đời thải trừ trung bình là 36 giờ. Phần lớn người cao tuổi có chức năng thận giảm, dẫn đến nửa đời thải trừ dài hơn, và nguy cơ tích lũy cao vẫn xảy ra với liều thông thường. Dùng thuốc ngày một lần, nhưng phải lưu ý đến mức liều và nguy cơ tích lũy. Nếu chức năng thận bằng 50% so với bình thường, để đạt được nồng độ trong huyết tương giống như ở người bệnh có chức năng thận bình thường, có thể hoặc dùng liều hàng ngày bằng 50% liều bình thường, hoặc dùng liều bình thường, nhưng cách một ngày dùng một lần.
Chỉ định
Suy tim, rung nhĩ và cuồng động nhĩ nhất là khi có tần số thất quá nhanh, nhịp nhanh trên thất kịch phát.
Chống chỉ định
Blốc tim hoàn toàn từng cơn, blốc nhĩ - thất độ hai; loạn nhịp trên thất gây bởi hội chứng Wolff - Parkinson - White; bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn (trừ khi có đồng thời rung nhĩ và suy tim, nhưng phải thận trọng). Phải thận trọng cao độ bằng giám sát điện tâm đồ (ÐTÐ) nếu người bệnh có nguy cơ cao tai biến tim phải điều trị.
Thận trọng
Nguy cơ cao tác dụng có hại (ADR) về tim ở người có nhịp tim chậm nhiều, hậu quả của nhịp nút xoang, nhịp tim nhanh nhĩ hoặc rung và cuồng động nhĩ. Ở người có nhồi máu cơ tim cấp tính, nguy cơ ADR tim cũng tăng lên, nhưng thường có nhu cầu cao về digitalis. Với người suy giảm chức năng thận và người thiểu năng tuyến giáp, cần điều chỉnh liều và theo dõi chặt chẽ. Tính nhạy cảm với ADR tăng lên ở người có giảm kali huyết, tăng calci huyết và người cao tuổi.
Thời kỳ mang thai
Không có tư liệu về nguy cơ gây độc hại đối với thai, mặc dù digitalis đã được dùng từ lâu. Việc sử dụng được coi là an toàn, và khi cần cải thiện tuần hoàn, có thể dùng digitalis ở người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Digoxin được phân bố vào sữa người, nhưng với liều điều trị bình thường không chắc có nguy cơ tác dụng trên trẻ nhỏ bú sữa mẹ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
5 - 30% người bệnh dùng digoxin có ADR. Những ADR này do quá liều hoặc do kết quả của mất cân bằng điện giải ở người bệnh. Nồng độ thay đổi của kali, calci và magnesi trong máu làm thay đổi tính nhạy cảm với ADR ở người bệnh; thay đổi cân bằng acid/base cũng có thể làm tăng nguy cơ ADR.
Thường gặp, ADR>1/100
Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tim mạch: Nhịp tim chậm xoang, blốc nhĩ - thất, blốc xoang nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ hoặc nút, loạn nhịp thất, nhịp đôi, nhịp ba, nhịp nhanh nhĩ với blốc nhĩ - thất.
Hệ thần kinh trung ương: Ngủ lơ mơ, nhức đầu, mệt mỏi, ngủ lịm, chóng mặt, mất phương hướng.
Nội tiết và chuyển hóa: Tăng kali huyết với ngộ độc cấp.
Tiêu hóa: Không dung nạp thức ăn, đau bụng, ỉa chảy.
Thần kinh - cơ và xương: Ðau dây thần kinh.
Mắt: Nhìn mờ, vòng sáng, nhìn vàng hoặc xanh lá cây, nhìn đôi, sợ ánh sáng, ánh sáng lóe lên.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Với những ADR điện sinh lý thường gặp, chỉ cần điều chỉnh liều và theo dõi bằng biện pháp thích hợp. Nhịp xoang chậm, ngừng xoang, hoặc blốc và chậm dẫn truyền nhĩ - thất độ hai hoặc độ ba thường đáp ứng với atropin, mặc dù cần tạo nhịp thất tạm thời.
Hiện nay có một thuốc giải độc hữu hiệu khi bị ngộ độc digoxin hoặc digitoxin dưới dạng miễn dịch trị liệu kháng digoxin. Kết quả thử nghiệm trên người lớn và trẻ em đã xác định hiệu lực và độ an toàn của liệu pháp với thuốc kháng digoxin Fab trong điều trị ngộ độc digoxin đe doạ tính mạng, gồm cả những trường hợp uống lượng lớn thuốc để tự vẫn (xin xem thêm "Quá liều và xử trí").
Liều lượng và cách dùng
Cần điều chỉnh liều theo từng người bệnh. Ðiều hết sức quan trọng là xác định để biết người bệnh có dùng dạng thuốc digitalis nào trong 2 hoặc 3 tuần trước, vì một ít tác dụng còn tồn lại đòi hỏi phải giảm liều để tránh ngộ độc. Xác định liều dựa trên thể trọng lý tưởng (khối nạc), vì digoxin không phân bố vào mô mỡ.
Có sự khác nhau về sinh khả dụng giữa các dạng thuốc của digoxin. Khi thay đổi dạng thuốc điều trị, cần phải hiệu chỉnh liều lượng. Liều 100 microgam (0,1 mg) cuả thuốc tiêm hoặc nang chứa dung dịch digoxin tương đương sinh học với liều 125 microgram (0,125 mg) của viên nén hoặc cồn ngọt digoxin.
Liều dùng người lớn
Ðiều trị chậm bằng digoxin: Liều bình thường dùng một lần trong ngày là 125 - 500 microgam (0,125 - 0,500 mg) dưới dạng viên nén; hoặc 100 - 350 microgam (0,10 - 0,35 mg), dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch. Thuốc tiêm tĩnh mạch dùng cho người không uống được viên nén. Có thể chia liều hàng ngày thành 2 lần, một buổi sáng và một buổi chiều. Mức liều điều trị dự định (trạng thái ổn định) đạt được trong vòng 5 - 10 ngày, nếu người bệnh có chức năng thận bình thường. Ðiều quan trọng là phải dùng liều duy trì với thời biểu dùng thuốc rất đều đặn.
Ðiều trị cấp tính, nhanh bằng digoxin: Áp dụng phương pháp này ở người bệnh cần đạt mức liều điều trị nhanh. Không bao giờ cho thuốc mà không có sự theo dõi liên tục người bệnh. Bác sỹ chịu trách nhiệm điều trị người bệnh phải bảo đảm sự theo dõi liên tục qua ghi điện tim và nhân viên y tế đã được huấn luyện.
Người bệnh cân nặng 70 kg và không béo, nói chung có thể cần 1000 microgam (1 mg) digoxin tiêm tĩnh mạch, hoặc 1500 microgam (1,5 mg) uống. Dùng liều này như sau: Bắt đầu 500 - 750 microgam (0,50 - 0,75 mg) tiêm tĩnh mạch, hoặc 750 - 1000 microgam (0,75 - 1 mg) uống. Khi cần, thì cho một liều khác: 250 microgam (0,25 mg) tiêm tĩnh mạch, cứ 3 giờ một lần, hoặc 500 microgam (0,50 mg) uống, cứ 6 giờ một lần, cho tới khi đạt tác dụng đầy đủ.
Tổng liều ngày đầu không được quá 1500 microgam (1,5 mg) tiêm tĩnh mạch, hoặc không được quá 2000 microgam (2 mg), nếu uống.
Liều người cao tuổi: Dùng liều digoxin quá thấp cho người cao tuổi không thỏa đáng (liều như vậy thường cho 1 nồng độ dưới mức điều trị) và liều phải cho tùy theo người bệnh (62,5 microgam/ngày).
Liều trẻ em:
Không dùng viên nén digoxin cho trẻ em dưới 5 tuổi. Có thể dùng thuốc tiêm tĩnh mạch digoxin cho trẻ em nhỏ tuổi hơn. Khi dùng digoxin cho trẻ nhỏ, phải tính liều theo những thay đổi quan trọng về khả năng thải trừ digoxin của đứa trẻ, trong 6 tháng đầu sau khi đẻ.
Trẻ sơ sinh: Liều cần thiết trung bình 20 microgam/kg (0,02 mg/kg) thể trọng là liều tiêm tĩnh mạch để điều trị nhanh bằng digoxin, và sau đó, 7 microgam /kg (0,007 mg/kg) thể trọng mỗi ngày là liều duy trì. Với trẻ sơ sinh đẻ non, phải giảm liều nhiều so với mức liều dùng cho trẻ sơ sinh đẻ đủ tháng.
Trẻ em 6 tháng tuổi: Trung bình có thể cần 30 microgam/kg (0,03 mg/kg) thể trọng là liều tiêm tĩnh mạch để điều trị nhanh bằng digoxin, và sau đó, 10 - 20 microgam/kg (0,01 - 0,02 mg/kg) thể trọng mỗi ngày, là liều tiêm tĩnh mạch duy trì.
Liều cần thiết tính theo kg thể trọng giảm xuống chậm trong năm đầu sau khi đẻ. Ở trẻ 2 tuổi, liều cần thiết lại bằng liều ở 6 tháng tuổi. Ở trẻ lớn hơn, liều cần thiết gần bằng liều tính theo kg thể trọng dùng cho người lớn có thận bình thường, nghĩa là 15 microgam/kg (0,015 mg/kg) là liều tiêm tĩnh mạch để điều trị nhanh bằng digoxin, và 7 microgam/kg/ngày (0,007 mg/kg/ngày) là liều uống duy trì. Thường dùng liều duy trì cho trẻ em cứ 12 giờ một lần.
Thay đổi từ digitoxin sang digoxin:
Trong tuần thứ nhất, sau khi ngừng digitoxin, chỉ dùng nửa liều duy trì digoxin. Nếu không, sẽ có nguy cơ quá liều và ngộ độc, vì digitoxin có nửa đời thải trừ rất chậm. Sau một tuần đã dùng nửa liều duy trì, dùng digoxin với liều duy trì đầy đủ hàng ngày, bắt đầu từ đầu tuần thứ hai, sau khi ngừng digitoxin.
Tương tác thuốc
Những thuốc sau đây gây nhiều tương tác nên cần phải hiệu chỉnh liều: Amiodaron, ciclosporin, indomethacin, itraconazol, calci, quinin, quinidin, cholestyramin, thuốc lợi tiểu quai, propafenon, spironolacton, thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc lợi tiểu giống thiazid, hormon tuyến giáp, verapamil.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản chế phẩm digoxin ở nhiệt độ 15 - 250C và tránh ánh sáng. Dung dịch pha loãng digoxin phải được dùng ngay.
Tương kỵ
Thuốc tiêm digoxin tương hợp với phần lớn các dịch truyền tĩnh mạch. Trước khi tiêm tĩnh mạch, phải pha loãng thuốc tiêm digoxin với thể tích ít nhất gấp 4 lần bằng nước cất vô khuẩn để tiêm, thuốc tiêm dextrose 5%, hoặc thuốc tiêm natri clorid 0,9%; nếu thể tích dịch pha loãng ít, dưới 4 lần, có thể gây tủa digoxin.
Quá liều và xử trí
Ðiều trị quá liều: Ngừng digoxin (thường chỉ cần ngừng digoxin nếu các triệu chứng không nghiêm trọng); dùng than hoạt, cholestyramin, hoặc colestipol để thúc đẩy thanh thải glycosid; dùng muối kali nếu có giảm kali - huyết và giảm chức năng thận, nhưng không dùng nếu có tăng kali - huyết hoặc blốc tim hoàn toàn, trừ phi những triệu chứng này có liên quan với nhịp tim nhanh trên thất. Những thuốc khác dùng điều trị loạn nhịp do ngộ độc digoxin là lidocain, procainamid, propranolol, và phenytoin. Tạo nhịp thất có thể tạm thời có tác dụng tốt trong trường hợp blốc tim nặng. Dùng một tác nhân chelat (ví dụ, EDTA), có tác dụng gắn kết calci, để điều trị loạn nhịp do ngộ độc digoxin, do giảm kali huyết, hoặc tăng calci huyết.
Khi quá liều digoxin đe dọa tính mạng, tiêm tĩnh mạch thuốc Fab miễn dịch kháng digoxin (từ cừu). Một lọ chứa 40 mg Fab miễn dịch với digoxin (từ cừu) có thể gắn kết khoảng 0,6 mg digoxin.
Nguồn: Dược Thư 2002