Z Quả khế (trái khế): Dùng đúng có lợi, dùng sai gây hại
Photo by Camila Cordeiro on Unsplash

Z Quả khế (trái khế): Dùng đúng có lợi, dùng sai gây hại

Bạn có thể nấu nhiều món ăn đậm đà hương vị với quả khế như canh chua, cá rô kho, ốc xào… Đây là những món ăn vừa thơm ngon lại bổ dưỡng vì mang đến rất nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, đôi khi ăn khế không đúng cách cũng có thể gây ra những tác hại ngoài ý muốn đấy!

Với hình dạng đặc biệt cùng vị chua ngọt đặc trưng, khế là một loại trái cây rất được nhiều người ưa thích. Cụ thể ăn khế có tác dụng gì? Tác dụng và tác hại của quả khế ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu!

Ăn khế có tác dụng gì?

Tác dụng của quả khế mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cụ thể:

1. Quả khế giúp hỗ trợ tiêu hóa

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích nên ăn các thực phẩm giàu chất xơ như quả khế để hỗ trợ tiêu hóa. Chất xơ được sử dụng để điều trị nhiều bệnh đường tiêu hóa như bệnh nhu động ruột bất thường, chứng khó tiêu… Ngoài ra, chất xơ cũng giúp hỗ trợ sự phát triển của lợi khuẩn trong ruột già giúp ngăn ngừa các bệnh đường ruột do nhiễm khuẩn.

2. Quả khế giúp hỗ trợ giảm cân

Người muốn giảm cân ăn khế có tốt không? Quả khế chứa nhiều loại dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng lại chứa rất ít calo. Vì vậy, khế là lựa chọn lý tưởng dành cho những người muốn giảm cân. Cả khế ngọt và khế chua đều chứa nhiều chất xơ và nước nên có thể khiến bạn no lâu. Trái khế cũng chứa một số chất giúp hạn chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

3. Quả khế giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch

Quả khế rất giàu kali, khoáng chất này đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sức khỏe tim mạch, điều hòa huyết áp cho cơ thể. Việc sử dụng khế vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày giúp bổ sung kali, ngăn ngừa các bệnh tim mạch hiệu quả.

4. Tác dụng của quả khế đối với thị lực

Việc ăn khế sẽ bổ sung vitamin A cho cơ thể, hỗ trợ thị lực của mắt. Trái khế còn giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thểthoái hóa điểm vàng.

5. Quả khế là nguồn bổ sung protein dồi dào

Giống như thịt, trứng và cá, trái khế cũng chứa nhiều protein nên giàu dinh dưỡng, giúp cải thiện sức khỏe. Việc bổ sung protein còn làm cân bằng nội tiết và giúp hệ thần kinh hoạt động tốt. Khế còn có tác dụng duy trì sinh lực cho cơ thể bạn.

6. Quả khế giúp giảm đau

Những chứng đau mạn tính như đau đầu, đau nửa đầu hoặc đau lưng khiến bạn rất khó chịu. Quả khế chứa magie có thể giúp giảm đau hiệu quả. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các chế độ ăn giàu magie không chỉ giúp giảm đau đầu, đau nửa đầu, đau lưng mà còn giúp giảm đau khớp và chuột rút.

Nếu bạn bị đau nặng, bạn không nên tự ý dùng thuốc hoặc thảo dược mà cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

7. Quả khế có khả năng kháng khuẩn

Một nghiên cứu cho thấy quả khế có đặc tính kháng khuẩn, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do các loại vi khuẩn như Salmonella typhus, E. Coli, Bacillus cereus… gây ra. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy trái khế cũng giúp loại bỏ các yếu tố gây ung thư ruột, tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn.

8. Công dụng của quả khế giúp kháng viêm

Chỉ cần ăn một trái khế, bạn có thể bổ sung rất nhiều dưỡng chất kháng viêm quan trọng với cơ thể bao gồm saponin, flavonoid và vitamin C. Các chứng viêm cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh gây ra các bệnh mạn tính do viêm, ví dụ như bệnh tim mạch, hô hấp, dạ dày.

9. Quả khế giúp tăng cường miễn dịch

Việc bổ sung các chất chống oxy hóa rất cần thiết để giúp tăng cường miễn dịch, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật. Khế là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào giúp chống oxy hóa. Nhờ đó giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa ảnh hưởng của vi khuẩn, virus, các gốc tự do, độc tố và tế bào ung thư.

10. Tác dụng trị ho của quả khế

Các vitamin và khoáng chất có trong trái khế có công dụng trị ho hiệu quả và giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích dùng khế khi bị cảm cúm trừ trường hợp sốt cao. Không chỉ có công dụng hỗ trợ chữa ho, quả khế còn giúp bạn lợi tiểu.

11. Quả khế giúp ngăn ngừa ung thư

Quả khế giúp cung cấp các chất chống oxy hóa không chỉ giúp tiêu diệt các gốc tự do mà còn cản trở sự phát triển của các tế bào ung thư. Khả năng phòng ngừa ung thư của quả khế đang được các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn.

12. Quả khế giúp kiểm soát đường huyết

Quả khế có chứa ít đường và chứa nhiều chất xơ, vì vậy có khả năng giúp kiểm soát đường huyết. Quả khế là lựa chọn an toàn và lành mạnh cho những người bị bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường có ít lựa chọn các loại trái cây vì phải hạn chế dung nạp đường.

Mặc dù quả khế tương đối an toàn cho người tiểu đường nhưng bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị có thể ăn khế hay không, ăn thời điểm nào và bao nhiêu là hợp lý.

13. Tác dụng của quả khế đối với làn da

Quả khế chứa nhiều dưỡng chất giúp điều trị các bệnh về da như nám da, chàm. Ngoài ra, trái khế cũng giúp trị trứng cá và làm mờ vết sẹo, giúp bạn có một làn da khỏe mạnh hơn. Khế còn chứa nhiều vitamin thấm sâu vào da giúp làm chậm quá trình lão hóa da, hàn gắn các tế bào da và các mô bị tổn thương, ngăn ngừa nếp nhăn giúp da mịn màng.

Tác hại của quả khế bạn cần lưu ý

Quả khế là một thực phẩm có hương vị hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quả khế có thể gây ảnh hưởng như ngộ độc, dị ứng, tương tác thuốc…

Những người bị bệnh thận và những người đang dùng thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn khế. Trái khế có chứa hàm lượng oxalate cao có thể gây sỏi thận. Người mắc bệnh thận khi ăn khế có thể dễ bị ngộ độc khế với các triệu chứng bao gồm nhầm lẫn, co giật, thậm chí bị tử vong.

Một số nghiên cứu cho thấy chất neurotoxin có trong quả khế có thể gây ảnh hưởng tới não và gây các rối loạn thần kinh. Ở những người khỏe mạnh, thận hoạt động tốt có thể đào thải chất neurotoxin này ra khỏi cơ thể, tuy nhiên những người bị bệnh thận không có khả năng này. Hệ quả là sau khi ăn khế, độc tố này sẽ tồn tại trong cơ thể người bị bệnh thận và gây ngộ độc với các triệu chứng nghiêm trọng.

Cách ăn quả khế tốt cho sức khỏe

Quả khế có nhiều loại khác nhau ở hương vị. Có loại khế có vị ngọt, có loại có vị chua. Tùy từng bài thuốc trị bệnh, món ăn bạn có thể dùng khế xanh hoặc khế chín. Để tạo nên những món ăn ngon và tốt cho sức khỏe, bạn cần chế biến trái khế đúng cách. Dưới đây một cách chế biến khế đơn giản và tốt cho sức khỏe:

Xử lý trước khi ăn khế tươi

  • Lựa chọn khế phù hợp với bài thuốc và món ăn. Đối với khế chua, khế chín thường có màu vàng đậm.
  • Rửa sạch quả. Cắt bỏ rìa từng múi khế, vì phần rìa này thường có vị chát, ảnh hưởng tới khẩu vị của món ăn
  • Cắt khế thành những miếng nhỏ, bỏ hạt, chấm kèm khế với muối ớt, muối vừng để tăng hương vị.

Dùng khế để chế biến món ăn

Sau khi rửa sạch và cắt bỏ rìa, bạn có thể sử dụng khế để:

  • Làm mứt, thạch
  • Làm nước ép, thức uống
  • Trang trí các món ăn, cho vào các món bánh
  • Nấu canh chua với cá, hải sản như nghêu, sò
  • Thái mỏng và cho vào món salad, các món trộn

Món ăn ngon nấu với quả khế

Chỉ với 1 – 2 quả khế, bạn có thể nấu những món ăn ngon miệng, mang đậm hương vị quê hương.

1. Món cá rô đồng kho khế thơm ngậy

Để làm món cá rô đồng kho khế, bạn chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu: khế xanh, cá rô đồng, thịt ba chỉ, gừng, nước hàng, hành và gia vị đầy đủ.

Cách chế biến

  • Cá rô đồng rửa sạch, bóc mang, đánh vảy, bỏ ruột, để nguyên con xát muối. Thịt ba chỉ thái miếng. Cá thịt ướp gia vị khoảng 15 – 20 phút.
  • Lót khế xuống đáy nồi, cho vài lát gừng sau đó xếp cá rô đồng và thịt lên mặt lớp khế. Đổ nước vào đun sôi nhỏ lửa.
  • Khi cá chín, nêm gia vị đầy đủ, sau đó đun nhỏ lửa tới khi gần khô nước, cá và thịt chín nhừ thì tắt bếp.

2. Món ốc xào khế đổi vị cho bữa tối

Để làm món ốc xào khế, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu: thịt ốc nhồi hoặc ốc bươu, khế chua, tía tô, hành lá, nước nghệ tươi, gia vị đầy đủ.

Cách chế biến

  • Ruột ốc làm sạch, để ráo nước, ướp với gia vị trong 5 – 10 phút.
  • Phi thơm hành khô, sau đó cho ốc vào chảo xào to lửa đến khi ốc chín, lấy ra để riêng, để lại nước ốc trong chảo.
  • Tiếp tục cho khế xanh thái lát vào xào với nước ốc, sau đó cho ốc vào đảo đều, nêm gia vị vừa ăn. Lấy ra đĩa, rắc tía tô thái nhỏ lên mặt và ăn khi còn nóng ấm.

3. Món canh chua nấu khế giải nhiệt mùa hè

Bạn có thể nấu món canh tôm chua nấu khế, canh ngao chua nấu khế, canh cá chua nấu khế hấp dẫn đưa cơm. Để chế biến món canh tôm chua nấu khế, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu: tôm, khế chua, cà chua, rau ngổ, mùi tàu, lá lốt, hành lá và gia vị đầy đủ.

Cách chế biến

  • Sơ chế tôm, cắt bỏ chân, giữ nguyên vỏ, rửa sạch. Cắt khế theo chiều ngang hình sao, thái cà chua, rau ngổ, lá lốt….
  • Xào tôm chín hồng với dầu ăn đã phi hành thơm, sau đó cho khế và cà chua vào chảo, đảo đều 2 phút.
  • Trút tôm, khế và cà chua vào nồi. Đổ nước, đun sôi, nêm gia vị vừa ăn. Trước khi tắt bếp, cho rau ngổ, hành lá, mùi tàu… và múc ra tô lớn.

4. Món sườn kho khế béo ngậy

Để làm món sườn kho khế, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu: sườn non, sả, ớt, tỏi, gia vị đầy đủ.

Cách chế biến

  • Dùng đường để làm nước hàng. Sau đó cho sả, tỏi, ớt băm nhỏ vào chảo phi thơm rồi xào sườn cho sườn heo săn lại.
  • Cho nước dừa, nước hàng vào chảo, đảo đều để sườn ngấm gia vị và chín mềm, sau đó cho khế chua, ớt.
  • Đun to lửa thêm khoảng 5 phút thì nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp, bạn sẽ được món sườn kho khế vàng ươm, béo ngậy và có mùi thơm hấp dẫn.

Quả khế là loại quả thân thuộc đối với người dân Việt Nam. Hy vọng bài viết đã giúp bạn biết được ăn khế có tác dụng gì cũng như những lưu ý khi sử dụng loại quả này. Chúc bạn chế biến thành công những món ngon bổ dưỡng từ quả khế nhé!

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.