Trái cây sấy khô: Ăn có tốt không?
Photo by Pineapple Supply Co. on Unsplash

Trái cây sấy khô: Ăn có tốt không?

Bên cạnh các loại trái cây tươi, trái cây sấy khô là món ăn được rất nhiều người ưa thích vì tiện lợi và dễ ăn. Tuy nhiên, loại trái cây này có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì đấy!

Trái cây sấy khô là trái cây đã loại bỏ gần như toàn bộ lượng nước thông qua các phương pháp sấy khô. Các loại trái cây sấy khô khác đôi khi ở dạng kẹo bọc đường thường bao gồm xoài, dứa, quả nam việt quất, chuối và táo. Vậy ăn trái cây sấy khô có tốt không? Bạn hãy cùng HSSK tìm hiểu nhé!

Lợi ích sức khỏe của trái cây sấy khô

Các loại trái cây sấy khô có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:

1. Trái cây sấy khô chứa nhiều chất dinh dưỡng

Trái cây sấy khô có hàm lượng cao các chất dinh dưỡng. Một miếng trái cây khô chứa lượng chất dinh dưỡng tương đương với trái cây tươi, nhưng cô đặc trong một gói kích thước nhỏ. Tính theo trọng lượng, trái cây sấy khô chứa tới 3,5 lần chất xơ, vitamin và khoáng chất so với trái cây tươi. Do đó, một khẩu phần có thể cung cấp tỷ lệ lớn lượng tiêu thụ hàng ngày của nhiều loại vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như folate.

Trái cây sấy khô thường chứa rất nhiều chất xơ và là một nguồn chứa nhiều chất chống oxy hóa đặc biệt là polyphenol. Chất chống oxy hóa polyphenol có liên quan đến lợi ích sức khỏe như cải thiện lưu lượng máu, sức khỏe tiêu hóa tốt hơn, giảm tổn thương oxy hóa và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh. Một số trường hợp ngoại lệ, hàm lượng vitamin C có thể giảm đáng kể khi sấy khô trái cây.

2. Nho khô giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh

Nho khô là một loại trái cây sấy khô chứa chất xơ, kali và các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe. Nho khô có giá trị chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) từ thấp đến trung bình và chỉ số insulin thấp. Điều này có nghĩa là việc ăn nho khô không gây ra sự đột biến lớn về lượng đường trong máu hoặc insulin sau bữa ăn. Các nghiên cứu cho thấy nho khô có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe như:

  • Hạ huyết áp
  • Tăng cảm giác no
  • Cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu
  • Giảm các dấu hiệu viêm và cholesterol trong máu

Nho khô có thể là một trong những loại trái cây sấy khô an toàn đối với người bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim nếu ăn với liều lượng vừa phải.

3. Mận khô có thể giúp bạn chống táo bón

Mận khô là một loại trái cây sấy khô rất bổ dưỡng, giàu chất xơ, kali, beta-carotene (vitamin A) và vitamin K. Mận khô được biết đến với tác dụng nhuận tràng tự nhiên nhờ vào hàm lượng chất xơ cao và một loại rượu đường gọi là sorbitol. Mận khô thậm chí được đánh giá hiệu quả hơn trong việc làm giảm táo bón so với psyllium, một loại thuốc trị táo bón chứa chất xơ.

Mận khô còn chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể ức chế quá trình oxy hóa của cholesterol LDL và giúp ngăn ngừa bệnh tim và ung thư. Mận khô cũng rất giàu khoáng chất tự nhiên boron, có thể giúp chống loãng xương. Hơn nữa, việc ăn mận không gây tăng đột biến lượng đường trong máu

4. Chà là khô có thể tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai

Chà là khô có vị ngọt ngào chứa nhiều chất xơ, kali, sắt và một số hợp chất thực vật. Trong số tất cả các loại trái cây sấy khô, chà là khô là một trong những nguồn chất chống oxy hóa phong phú nhất, góp phần làm giảm thiệt hại của quá trình oxy hóa trong cơ thể. Chà là khô có chỉ số đường huyết thực phẩm thấp nên không gây ra đột biến lớn về lượng đường trong máu.

Chà là đã được nghiên cứu có lợi cho phụ nữ mang thai và chuyển dạ. Khi bạn ăn chà là thường xuyên trong vài tuần cuối của thai kỳ có thể giúp tạo điều kiện cho cổ tử cung giãn nở, cũng như giảm các cơn chuyển dạ giả. Chà là cũng được phát hiện trên động vật và ống nghiệm cho thấy có thể chữa vô sinh ở nam giới, nhưng nghiên cứu này hiện vẫn chưa có nhiều cơ sở để kiểm chứng.

Trái cây sấy khô mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe nhờ vào hàm lượng cao các dinh dưỡng, tuy nhiên bạn không nên ăn quá nhiều để tránh các tác hại về sức khỏe.

Tác hại của trái cây sấy khô bạn nên lưu ý

Bên cạnh những lợi ích, trái cây sấy khô có thể gây một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sau đây:

Trái cây sấy khô chứa nhiều đường tự nhiên

Trái cây sấy khô có chứa một lượng đường tự nhiên đáng kể. Do nước đã được loại bỏ khỏi trái cây sấy khô nên lượng đường và calo sẽ tăng lên theo trọng lượng. Vì lý do này, trái cây sấy khô có lượng calo và đường cao hơn trái cây tươi bao gồm glucose và fructose. Dưới đây là hàm lượng đường tự nhiên của một số loại trái cây sấy khô:

  • Mơ khô: 53%
  • Nho khô: 59%
  • Mận khô: 38%
  • Sung khô: 48%
  • Chà là khô: 64 – 66%

Khoảng 22 – 51% hàm lượng đường này là fructose. Việc ăn nhiều fructose có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bao gồm tăng nguy cơ tăng cân, bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim. Để làm cho một số trái cây sấy khô thêm phần ngọt ngào và hấp dẫn, đôi khi nhà sản xuất phủ thêm đường hoặc sirô trước khi sấy khô, còn được gọi là “kẹo” trái cây. Đường bổ sung có khả năng gây hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và thậm chí là ung thư.

Trái cây sấy khô có vị ngọt nên dễ khiến bạn ăn quá nhiều, điều này có thể dẫn đến dư thừa lượng đường và calo. Để tránh dùng trái cây sấy khô có chứa nhiều đường, bạn cần phải đọc kỹ các thành phần và thông tin dinh dưỡng có trên bao bì.

Trái cây sấy khô có thể chứa hợp chất độc hại

Một số nhà sản xuất thêm chất bảo quản gọi sulfite vào trái cây sấy khô làm cho trái cây khô trông hấp dẫn hơn, ngăn ngừa sự đổi màu, đặc biệt là các loại trái cây có màu sắc rực rỡ như mơ và nho khô.

Một số người nhạy cảm với sulfite sau khi ăn có thể bị đau dạ dày, phát ban da và lên cơn hen. Để tránh ăn sulfite, bạn không nên chọn trái cây sấy khô có màu sắc sáng, rực rỡ. Bên cạnh đó, nếu trái cây sấy khô được bảo quản và xử lý không đúng cách cũng có thể bị nhiễm nấm, aflatoxin và các hợp chất độc hại khác gây hại cho sức khỏe của bạn.

Như vậy, trái cây sấy khô cũng có mặt lợi và mặt hại phụ thuộc vào cách bạn ăn với liều lượng bao nhiêu cũng như chất lượng của thực phẩm. Mặc dù trái cây sấy khô cung cấp chất xơ, chất oxy hóa và dinh dưỡng tốt cho cơ thể, nhưng bạn hãy nhớ dùng ở mức vừa phải để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!

Hoàng Trí

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.