Thực phẩm bổ sung kẽm tốt cho sức khỏe như thế nào?
Photo by charlesdeluvio on Unsplash

Thực phẩm bổ sung kẽm tốt cho sức khỏe như thế nào?

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu mang ý nghĩa quan trọng với sức khỏe chỉ đứng thứ hai sau sắt. Thực phẩm bổ sung kẽm có thể giúp bạn cải thiện hệ miễn dịch, ngăn ngừa mụn, kiểm soát đường huyết…

Kẽm có sẵn ở nhiều dạng khác nhau nên thực phẩm bổ sung kẽm thường được sử dụng để điều trị các bệnh. Nghiên cứu cho thấy khoáng chất này có thể tăng cường chức năng miễn dịch, ổn định lượng đường trong máu, giúp giữ cho làn da, mắt và trái tim của bạn khỏe mạnh. Hãy cùng HSSK tìm hiểu thực phẩm bổ sung kẽm tốt cho sức khỏe bạn như thế nào nhé!

Các loại thực phẩm bổ sung kẽm

Khi lựa chọn bổ sung kẽm, bạn có thể nhận thấy rằng có nhiều loại thực phẩm bổ sung kẽm trên thị trường. Các hình thức khác nhau của kẽm ảnh hưởng đến sức khỏe theo những cách riêng biệt. Dưới đây là một số thực phẩm bổ sung kẽm bạn có thể tìm thấy trên thị trường:

• Kẽm gluconate: Là một trong những dạng kẽm không kê đơn phổ biến nhất, kẽm gluconate thường được sử dụng trong cảm lạnh như viên ngậm và thuốc xịt mũi.

• Kẽm acetate: Giống như kẽm gluconate, kẽm acetate thường được sử dụng trong viên ngậm để giảm triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi khi mắc bệnh cảm lạnh.

• Kẽm sulfat: Ngoài việc giúp ngăn ngừa thiếu kẽm, kẽm sulfat đã được chứng minh làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.

• Kẽm picolinate: Một số nghiên cứu cho thấy cơ thể bạn có thể hấp thụ dạng này tốt hơn các loại kẽm khác như kẽm gluconate và kẽm citrate.

• Kẽm citrate: Một nghiên cứu cho thấy loại bổ sung kẽm này hấp thụ tốt như kẽm gluconate nhưng có vị đắng hơn.

Kẽm gluconate có thể là một lựa chọn tốt để giúp bạn tăng lượng tiêu thụ trong cơ thể với mức chi phí hợp lý. Thuốc xịt mũi có chứa kẽm có liên quan đến nguy cơ mất khứu giác, bạn nên hỏi bác sĩ trước khi dùng.

Lợi ích của thực phẩm bổ sung kẽm

Kẽm rất quan trọng đối với nhiều khía cạnh của sức khỏe và mang đến nhiều lợi ích khác nhau như:

1. Thực phẩm bổ sung kẽm cải thiện miễn dịch

Nhiều loại thuốc không kê đơn có chứa thành phần kẽm nhờ vào khả năng tăng cường chức năng miễn dịch và chống viêm. Theo đánh giá của 18 nghiên cứu tác dụng của kẽm đối với cảm lạnh thông thường, việc dùng kẽm trong vòng 24 giờ đầu tiên xuất hiện bệnh làm giảm thời gian của các triệu chứng cảm trung bình khoảng 1 ngày.

Một nghiên cứu ở 50 người lớn tuổi cho thấy dùng 45mg kẽm gluconate trong 1 năm đã làm giảm một số dấu hiệu viêm và giảm tần suất nhiễm trùng.

Kẽm có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và bảo vệ chống lại các tình trạng mãn tính, như bệnh tim, ung thư và tiểu đường.

2. Thực phẩm bổ sung kẽm giúp trị mụn

Việc bổ sung kẽm thường được sử dụng để tăng cường sức khỏe của da và điều trị các tình trạng da phổ biến như mụn trứng cá. Kẽm sulfat đã được chứng minh có khả năng làm giảm các triệu chứng của mụn trứng cá.

Một nghiên cứu kéo dài 3 tháng ở 332 người cho thấy dùng 30 mg kẽm nguyên tố có hiệu quả trong điều trị viêm mụn trứng cá.

Việc bổ sung kẽm cũng thường được ưa chuộng hơn các phương pháp điều trị mụn khác vì ít tốn kém, hiệu quả và hạn chế được tác dụng phụ.

3. Thực phẩm bổ sung kẽm kiểm soát đường huyết

Kẽm được biết đến với vai trò kiểm soát lượng đường trong máu và bài tiết insulin. Insulin là hormone chịu trách nhiệm vận chuyển đường từ máu đến các mô. Một số nghiên cứu cho thấy kẽm có thể giúp giữ lượng đường trong máu ổn định và cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin.

Một đánh giá báo cáo rằng việc bổ sung kẽm có hiệu quả trong việc tăng cường kiểm soát lượng đường trong máu ngắn hạn và dài hạn ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu khác cho thấy kẽm có thể giúp giảm kháng insulin, giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin hiệu quả của cơ thể bạn để duy trì lượng đường trong máu bình thường.

4. Thực phẩm bổ sung kẽm cải thiện tim mạch

Bệnh tim là vấn đề nghiêm trọng chiếm khoảng 33% số ca tử vong trên toàn thế giới. Một số nghiên cứu cho thấy dùng kẽm có thể cải thiện một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, thậm chí có thể làm giảm mức triglyceride và cholesterol.

Một đánh giá của 24 nghiên cứu cho thấy rằng các thực phẩm bổ sung kẽm giúp giảm mức cholesterol LDL và triglyceride trong máu hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim.

Ngoài ra, một nghiên cứu ở 40 phụ nữ trẻ cho thấy lượng tiêu thụ kẽm cao có khả năng làm mức huyết áp tâm thu thấp hơn. Nồng độ kẽm trong huyết thanh thấp có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá tác dụng của các thực phẩm bổ sung kẽm đối với huyết áp còn hạn chế, vì thế cần được nghiên cứu nhiều hơn.

5. Thực phẩm bổ sung kẽm ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là một bệnh về mắt phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực trên toàn cầu. Việc bổ sung kẽm thường được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) và giúp bảo vệ chống mất thị lực, mù lòa.

Nghiên cứu ở 72 người bị AMD cho thấy dùng 50mg kẽm sulfat mỗi ngày trong 3 tháng làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Các nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung kẽm đơn độc không tạo ra sự cải thiện đáng kể về thị lực, bạn nên kết hợp thực phẩm bổ sung kẽm với các lựa chọn điều trị khác để nâng cao hiệu quả.

Lưu ý khi dùng thực phẩm bổ sung kẽm

Bạn nên dùng bao nhiêu kẽm mỗi ngày tùy thuộc vào loại, vì mỗi thực phẩm bổ sung kẽm có chứa một lượng kẽm nguyên tố khác nhau. Ví dụ 220 mg kẽm sulfat tương đương khoảng 50 mg kẽm nguyên tố, 70mg kẽm gluconate chứa khoảng 10mg. Đối với người lớn, liều lượng khuyến cáo hàng ngày thường là 15 – 30mg kẽm nguyên tố. Liều cao hơn được sử dụng để điều trị một số bệnh bao gồm mụn trứng cá, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp.

Trước khi lựa chọn thực phẩm bổ sung kẽm, bạn cần xem bảng thành phần và hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc sử dụng liều lượng kẽm nguyên tố sao cho phù hợp.

Bạn nên sử dụng thực phẩm bổ sung kẽm theo đúng hướng dẫn và liều lượng một cách an toàn và hiệu quả để giúp tăng lượng kẽm và cải thiện sức khỏe của bạn. Việc bổ sung kẽm có khả năng cản trở vào hấp thụ một số loại kháng sinh nhất định, làm giảm hiệu quả nếu dùng cùng lúc. Một số tác dụng phụ bất lợi có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày.

Bạn nên tránh dùng thực phẩm bổ sung kẽm quá 40mg/ngày, việc quá liều có thể gây ra các triệu chứng như cúm, sốt, ho, nhức đầu và mệt mỏi.

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu cho của sức khỏe, thực phẩm bổ sung kẽm có bán rộng rãi trực tuyến, tại nhà thuốc… bạn cần lựa chọn nơi bán uy tín trước khi mua. Bên cạnh đó, bạn hãy kết hợp thông qua chế độ ăn uống bằng nhiều loại thực phẩm giàu kẽm như các loại hạt, đậu, thịt, hải sản và sữa.

Hoàng Trí

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.