Những lợi ích từ gừng sẽ khiến bạn bất ngờ
Photo by Christin Hume on Unsplash

Những lợi ích từ gừng sẽ khiến bạn bất ngờ

Gừng là một loại gia vị thường được dùng trong chế biến các món ăn. Có vẻ gừng là một loại nguyên liệu vô cùng bình thường và dễ thấy, nhưng liệu bạn có biết về những lợi ích từ gừng giúp cải thiện sức khỏe như thế nào không?

Gừng là một loại gia vị không còn quá xa lạ với người nội trợ nữa. Những món ăn có thêm vị của gừng, vừa thơm, vừa the the cay, vừa ấm bụng rất được yêu thích. Bên cạnh đó, những lợi ích từ gừng đối với sức khỏe chắc chắn sẽ làm bạn bất ngờ.

Điều trị các loại bệnh liên quan đến dạ dày

Gừng thường được sử dụng để điều trị các loại các bệnh liên quan đến “các vấn đề về dạ dày” bao gồm say tàu xe, ốm nghén, đau bụng, khó chịu dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích (IBS), buồn nôn, nôn mửa do tác dụng phụ của việc điều trị ung thư, HIV/AIDS, buồn nôn và nôn mửa sau phẫu thuật, chán ăn.

Giảm đau, giảm viêm

Các lợi ích từ gừng tuyệt vời khác bao gồm giúp giảm đau nhức do viêm thấp khớp (RA), viêm xương khớp, đau bụng do kinh nguyệt, nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho, các vấn đề hô hấp, đau nửa đầu, viêm phế quản và tiểu đường.

Trong vài trường hợp, gừng còn được sử dụng để điều trị cơn đau thắt ngực, đau thắt lưng, đau dạ dày, dùng điều trị tình trạng ngưng sử dụng các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), biếng ăn, kích thích sữa mẹ. Ngoài ra, gừng còn được dùng như thuốc lợi tiểu và làm ấm người, gây tăng tiết mồ hôi. Gừng cũng được sử dụng để điều trị bệnh dịch tả, chảy máu, tiêu chảy ra máu do vi khuẩn, sốt rét, viêm tinh hoàn, vết độc do rắn cắn và cả bệnh nhức răng.

Điều trị vết bỏng

Có một số người thoa nước ép gừng tươi lên da để điều trị vết bỏng. Đôi khi, người ta còn dùng dầu gừng thoa lên da để giảm đau. Chiết xuất gừng cũng có tác dụng đuổi côn trùng khi thoa lên da nữa đấy.

Tạo hương

Trong nhiều loại thực phẩm và thức uống, gừng được sử dụng như một chất tạo hương vị do mùi vị đặc trưng.

Trong sản xuất, gừng được ưa chuộng và thường được dùng để tạo hương thơm cho xà phòng và mỹ phẩm.

Một trong số các hóa chất chứa trong gừng cũng được sử dụng như một thành phần của thuốc nhuận tràng, trị đầy hơi và thuốc kháng axit.

Một số lợi ích khác của gừng

  • Ăn một ít gừng tươi ngay trước bữa ăn để kích thích vị giác đồng thời hoạt hóa (tiết ra) dịch tiêu hóa;
  • Ăn gừng giúp cải thiện sự hấp thu và đồng hóa các chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể;
  • Gừng có tác dụng làm sạch các “kênh tuần hoàn mao mạch” của cơ thể, bao gồm cả làm sạch xoang mũi – giúp giảm nguy cơ bị cảm lạnh theo mùa hoặc trong những ngày thời tiết lạnh;
  • Một tách trà gừng có thể giúp làm giảm tình trạng đầy hơi, trị chứng nghẹt mũi và đờm trong cổ họng;
  • Nếu bạn vừa trải qua một ca phẫu thuật, bạn nên nhai gừng sau đó để khắc phục tình trạng buồn nôn.

Tác dụng phụ của gừng

Gừng có tính tương đối an toàn và vô hại khi ăn hoặc uống. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải các phản ứng phụ nhẹ bao gồm ợ nóng, tiêu chảy và khó chịu ở dạ dày nói chung. Một số phụ nữ đã nói rằng họ bị chảy máu kinh nguyệt nhiều khi dùng gừng lúc đang trong chu kỳ.

Gừng cũng khá an toàn để thoa lên da trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, để chắc chắn, bạn thoa thử lên một vùng nhỏ trên cánh tay, sau đó thoa hẳn lên da vì nó có thể gây kích ứng trên da một số người.

Thận trọng và cảnh báo đặc biệt

Đối với phụ nữ mang thai: củ gừng tương đối an toàn khi dùng ở dạng thuốc. Tuy nhiên, các mẹ đang mang thai nên lưu ý vì việc dùng gừng (củ gừng, dầu gừng, tinh chất gừng) trong thời gian mang thai vẫn chưa được chứng minh là hoàn toàn an toàn.

Một số bác sĩ lo ngại rằng gừng có thể gây ảnh hưởng đến hormone giới tính ở thai nhi. Đã từng có một báo cáo về việc một phụ nữ mang thai thường ăn gừng để trị chứng ốm nghén bị sẩy thai vào tuần thứ 12 của thai kỳ. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở phụ nữ mang thai lại cho thấy rằng gừng có thể được dùng để trị chứng ốm nghén mà không gây hại đến thai nhi. Nguy cơ dị tật chủ yếu ở trẻ sơ sinh khi mẹ thường dùng gừng chỉ cao hơn tỷ lệ bình thường từ 1–3%.

Bác sĩ lo ngại rằng gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dẫn đến bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, do đó một số chuyên gia khuyên bạn không nên dùng gừng khi sắp đến chu kỳ.

Cũng như cách chọn dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm nào trong thời kỳ mang thai, điều quan trọng là bạn cần cân nhắc các lợi ích mang lại sẽ nhiều hơn tác dụng phụ. Trước khi quyết định dùng gừng trong thời kỳ mang thai, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để xem xét tính an toàn.

Đối với phụ nữ đang cho con bú

Hiện nay, y học vẫn chưa có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn khi dùng gừng đối với các bà mẹ đang cho con bú. Để giữ an toàn cho con trẻ và bản thân, bạn tránh ăn gừng hoặc các sản phẩm chứa gừng.

Đối với người bị rối loạn xuất huyết

Gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu gây nguy hiểm đối với người bị rối loạn xuất huyết.

Đối với người bị tiểu đường

Gừng có thể làm tăng hàm lượng insulin hoặc làm giảm lượng đường trong máu. Do đó, bác sĩ điều trị cần điều chỉnh lại các loại thuốc trị bệnh tiểu đường của bạn.

Đối với người mắc bệnh tim mạch

Dùng gừng ở liều cao có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tệ hơn.

Gừng là loại gia vị thơm ngon và cũng mang đến nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ. HSSK hy vọng đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho bạn qua bài viết trên.

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.