Nhộng tằm: Món ăn bổ dưỡng bạn không nên bỏ qua
Photo by <a href='https://unsplash.com/@karsten116?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Karsten Winegeart</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

Nhộng tằm: Món ăn bổ dưỡng bạn không nên bỏ qua

Nhộng tằm chẳng những là một món ăn ngon miệng với vị béo bùi đặc trưng mà còn có tác dụng hỗ trợ trị bệnh còi xương, suy nhược cơ thể, liệt dương… Nếu bạn vẫn còn hơi sợ vì nhộng tằm dễ liên tưởng với hình dáng con sâu thì sẽ bỏ lỡ một món ăn bổ dưỡng đấy!

Nhộng tằm là loại côn trùng giàu chất dinh dưỡng, được dùng làm thức ăn phổ biến ở Việt Nam. Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước; còn lại có 13g protid; 6,5g lipid và cung cấp tới 206 calo.

Nhộng tằm còn là một loại thức ăn nhiều vitamin (vitamin A, B1, B2, PP, C…). Đặc biệt, thực phẩm này có nhiều acid amin thiết yếu như valin, tyrosin, trytophan… và các chất khoáng, nhất là canxi (40mg) và photpho (109mg) mang đến nhiều lợi ích rất tốt cho sức khỏe.

Lợi ích khi ăn nhộng tằm

Nhiều người rất thích vị béo bùi của nhộng tằm. Hơn thế nữa, các thành phần có trong loại thực phẩm này còn cung cấp cho cơ thể con người những hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu.

1. Chống còi xương cho trẻ em

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì nhộng tằm rất tốt cho trẻ, có thể chống bệnh còi xương và suy dinh dưỡng. Đó là nhờ nhộng chứa nhiều canxi và photpho, cần thiết cho sự phát triển của trẻ. So với các loại thịt cá thường dùng, nhộng tằm không hề thua kém về hàm lượng canxi.

2. Có lợi cho người bị bệnh thận

Người cao tuổi bị yếu thận, hay tiểu tiện són, táo bón dùng nhộng tằm thường xuyên cũng cải thiện được tình hình sức khỏe.

3. Tốt cho người bị bệnh khớp

Nhộng tằm không chỉ là một món ăn ngon, bổ dưỡng mà còn rất hữu ích trong việc chữa trị các chứng bệnh như bị đau nhức xương khớp hay bị chứng phong thấp. Thói quen ăn nhộng tằm thường xuyên sẽ giúp giảm các triệu chứng bệnh rõ rệt.

4. Tăng cường sinh lực phái mạnh

Chiết xuất từ nhộng tằm chứa hàm lượng cao acid amin arginine, đây là một tiền chất giúp tổng hợp nên oxit nitrit có tác dụng tăng cường khả năng tình dục.

Cách chế biến nhộng tằm

Nhộng tằm là món ăn có tính hàn, vị béo, bùi rất lạ miệng. Các món ăn phổ biến là nhộng tằm xào với lá chanh, bông hẹ hay các loại rau quả khác. Ngoài ra, nhộng tằm còn được sử dụng để làm gỏi, kho hay tẩm bột chiên, ăn cũng rất ngon miệng.

1. Nhộng tằm rang lá chanh

Nguyên liệu

  • 300g nhộng tằm
  • 10 lá chanh
  • 3g hành tím băm
  • 1/4 thìa cà phê muối
  • 1/2 thìa cà phê hạt nêm
  • 1 thìa cà phê nước mắm
  • 1 thìa súp dầu ăn
  • 1/2 thìa cà phê bột ngọt
  • 1/2 thìa cà phê tiêu xay

Cách làm

– Rửa sạch nhộng tằm, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút, đổ vào rổ thưa để ráo nước. Ướp nhộng với muối, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt trước khoảng 15 phút cho nhộng thấm gia vị.

– Rửa sạch và cắt nhuyễn lá chanh. Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím băm. Sau đó, trút nhộng vào xào nhanh tay, xào cho nhộng săn lại.

– Tiếp theo, cho lá chanh vào, đảo thêm khoảng 2 phút nữa cho lá chanh dậy mùi thơm. Nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi tắt bếp.

2. Nhộng tằm chiên xù

Nguyên liệu

  • 500g nhộng
  • 1 gói bột cà ri
  • 2 quả trứng gà
  • 1 thìa súp sốt tương cà chua
  • 100g bột rán xù
  • 1 thìa cà phê hạt nêm
  • 50g rau cải xanh
  • Rau mùi, dầu ăn

Cách làm

– Nhộng tằm rửa sạch, vớt để ráo. Sau đó, đập trứng vào tô, cho hạt nêm, cà ri vào rồi đánh tan đều.

– Nhúng nhộng vào trứng, lăn qua bột xù rồi thả vào chảo dầu chiên cho vàng, giòn. Khi nhộng chín thì bạn cho vào lá cải xanh, quấn lại.

– Bạn có thể dùng kèm với tương cà chua. Khi bày ra đĩa có thể trang trí với rau mùi cho đẹp mắt.

3. Nhộng tằm xào măng chua

Nguyên liệu

  • 200g nhộng
  • 200g măng chua
  • Ngò gai
  • Hành, tỏi băm; ớt sừng
  • Đường, tiêu, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm
  • Giấm gạo lên men

Cách làm

– Nhộng tằm rửa sạch, để ráo, trộn với giấm gạo lên men trong vài phút rồi chắt bỏ nước giấm. Ướp 1 muỗng hành, tỏi băm, một chút tiêu, đường, hạt nêm.

– Măng chua vớt ra xả nước, vắt ráo, cắt miếng nhỏ vừa ăn. Rau ngò gai cắt nhỏ. Tiếp theo rang hành tỏi trên chảo cho thơm, cho nhộng vào rang cho ráo nước và thấm gia vị. Tiếp tục cho dầu ăn vào, đảo đều.

– Cho măng chua vào, nêm 1 chút nước mắm, đảo đều cho măng thấm gia vị, nêm nếm vừa ăn rồi tắt lửa, thêm ngò gai và ớt sừng vào trộn đều.

Lưu ý khi ăn nhộng tằm

Tuy nhộng tằm rất bổ dưỡng nhưng nếu bạn ăn nhộng không rõ nguồn gốc hoặc không biết cách bảo quản đúng sẽ gây ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng.

1. Không ăn nhộng tằm để lâu

Khi nhộng tằm chết thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau. Lúc này, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể.

Nếu nhộng tằm để quá 1 tuần khi thời tiết lạnh hoặc quá 20 giờ khi thời tiết nóng thì bạn tuyệt đối không nên ăn.

2. Không ăn nhộng tằm chưa chế biến

Nhộng tằm khi còn sống hay chưa được chế biến cẩn thận có chứa chất độc chết người. Vì vậy, bạn cần tuyệt đối không sử dụng nhộng sống, chưa chế biến kỹ, hay chưa rửa sạch. Bạn nên nấu chín nhộng trong một lần, tránh sơ chế trước, chế biến sau vì có thể khiến nhộng bị biến chất trong quá trình sơ chế.

Bạn không chế biến nhộng chung với các loại hải sản như như tôm, cá… để tránh bị ngộ độc hay dị ứng do phản ứng phụ giữa các loại thực phẩm này.

3. Không dùng nhộng tằm nếu bị bệnh gút

Bệnh gút là một loại viêm khớp đột ngột gây sưng đỏ và đau ở các khớp. Bên cạnh nguyên nhân chính gây ra bệnh gút là ăn nhiều thực phẩm chứa purine, còn rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản.

Những người bị bệnh gút nên tuyệt đối kiêng nhộng tằm, vì nhộng tằm rất nhiều chất đạm ăn vào sẽ khiến biểu hiện bệnh tái phát đau ngay lập tức.

4. Không ăn quá nhiều nhộng tằm

Nếu bạn ăn quá nhiều nhộng tằm thì hàm lượng chất dinh dưỡng có trong nhộng sẽ khiến cơ thể khó hấp thụ hết, gây dư thừa và có thể dị ứng thực phẩm. Đối với trẻ em, bạn cần cho ăn một ít nhộng tằm để thăm dò trước. Nếu trẻ không có dấu hiệu dị ứng thì mới tiếp tục cho ăn lần sau.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, dù bổ dưỡng nhưng bạn không nên ăn nhộng tằm quá nhiều mà chỉ khoảng 2 – 3 bữa/tháng là vừa phải.

5. Cách bảo quản nhộng tằm

Bạn nên chọn loại nhộng còn tươi, màu sắc sáng bóng, không bị thâm đen hay có mùi. Để loại bỏ những con nhộng đã bị hư, nên cho nhộng vào chậu nước sạch pha ít muối, những con bị bầm, giập sẽ tự động nổi lên trên mặt nước. Nhộng tằm có chứa nhiều protein nên khó bảo quản được lâu, dễ bị ôi thiu. Khi không được bảo quản tốt, chất đạm sẽ bị phân hủy thành chất độc gây hại cho cơ thể.

Nhộng tằm đã mua về thì tốt nhất là bạn nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C.

Nhộng tằm là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, do đó bạn nên mạnh dạn thưởng thức vì có thể bạn sẽ thấy thích món ăn này. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý không nên ăn nhiều và nắm rõ các trường hợp không nên ăn nhộng tằm để bảo vệ sức khỏe cả nhà nhé.

Ngoài nhộng tằm, các loài côn trùng khác cũng ăn được bao gồm: dế, cào cào, châu chấu, bọ cánh cứng, sâu bướm… Vậy lợi ích của nó là gì?

Lợi ích khi bạn ăn côn trùng

Việc đưa côn trùng vào thực đơn không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe mà còn góp phần giảm gánh nặng lên môi trường.

1. Ăn côn trùng có thể giúp ngừa béo phì

Côn trùng có hàm lượng chất dinh dưỡng cao với nhiều protein, chất béo lành mạnh, sắt, canxi nhưng lại chứa ít carbohydrate và chất béo xấu. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng hàm lượng chất béo và carbohydrate thấp này có thể giúp ngừa béo phì và các bệnh liên quan hiệu quả.

Thực tế, các báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc còn cho rằng côn trùng giàu dưỡng ngang bằng hay thậm chí là hơn các loại thịt khác. Ví dụ, 100g dế chứa khoảng 121 calo, 12.9g protein, 5.5g chất béo và 5.1g carbohydrate. Trong 100g thịt bò xay tuy chứa nhiều protein hơn (khoảng 23.5g) nhưng cũng chứa nhiều chất béo hơn với khoảng 21.2g.

2. Ăn côn trùng giúp ngừa suy dinh dưỡng

Côn trùng không chỉ hỗ trợ bạn giảm cân mà còn có thể giúp ngừa suy dinh dưỡng, một tình trạng phổ biến ở các nước đang phát triển. Tình trạng suy dinh dưỡng dù do ăn thiếu chất hoặc do không tiêu hóa được thức ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.

Hơn nữa, suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời có thể dẫn đến tình trạng thấp còi, từ đó gây suy giảm chức năng nhận thức. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), gần một nửa số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới là do suy dinh dưỡng.

Côn trùng là một nguồn chất béo và protein tốt cho sức khỏe mà lại khá dễ mua với giá cả phải chăng. Vậy nên, đây sẽ là nguồn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng khá thích hợp cho những ai có chế độ ăn uống thiếu chất.

3. Ăn côn trùng giúp giảm nhu cầu thực phẩm

Theo Ngân hàng Thế giới, dân số toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên 9 tỷ vào năm 2050. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ cần sản xuất thêm khoảng 50% lượng thực phẩm hiện tại để đáp ứng nhu cầu của 2 tỷ người tăng thêm. Thế nhưng, tình hình thay đổi khí hậu có thể ​​sẽ làm giảm năng suất cây trồng hơn 25%. Vậy nên, chúng ta cần tìm cách khác để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng này.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc cho rằng việc ăn côn trùng cũng có thể góp phần giảm nhẹ tình trạng thiếu thực phẩm khi dân số ngày càng tăng. Côn trùng sinh sản nhanh và không cần quá nhiều điều kiện để phát triển nên sẽ là nguồn thực phẩm hợp lý.

Các món ăn ngon từ côn trùng

Các món từ côn trùng tuy không quá bắt mắt nhưng lại rất ngon miệng và nhiều dinh dưỡng. Một số món côn trùng thú vị bạn có thể thử là:

• Nhộng tằm chiên giòn: Nhộng tằm là thực phẩm rất phổ biến ở Việt Nam với rất nhiều tác dụng như ngừa còi xương, cải thiện bệnh thận, giảm nhẹ bệnh khớp… Nhộng tằm có vị béo, bùi kết hợp trong nhiều món ăn. Bên cạnh chiên giòn, bạn còn có thể dùng nhộng tằm rang lá chanh hay xào măng chua đều rất ngon.

• Bọ cạp chiên giòn: Bọ cạp chiên giòn là món ăn vặt được ưa chuộng tại nhiều nước trên giới như Thái Lan, Campuchia, Philippines… Đây là món ăn ngon miệng, giàu protein và các dưỡng chất cần thiết. Nọc độc của bọ cạp cũng hiếm khi ảnh hưởng tới người nên bạn đừng quá lo lắng khi thưởng thức món ăn này nhé.

• Châu chấu rang: Châu chấu là món ăn ngon ở Việt Nam và cả những nước lân cận. Thịt châu chấu giàu protein mà lại rất thơm ngon khi rang với lá chanh và một số gia vị khác. Nếu muốn chế biến châu chấu, bạn cần bỏ đầu và rửa sạch sẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm.

• Dế rang: Dế khá dễ ăn, dễ tìm mua và cũng giàu protein. Tuy nhiên, dế dễ chứa ký sinh trùng nên bạn cần sơ chế cũng như nấu chín cẩn thận trước khi ăn.

• Trứng kiến Thái chiên giòn: Trứng kiến Thái là món ăn độc đáo và khá kỳ công của người Thái Lan. Trứng kiến chỉ thu hoạch được một lần mỗi năm và quy trình thu hoạch cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, cách sơ chế loại trứng kiến này cũng khá phức tạp.

Nhện chiên giòn: Đây là một món ăn đặc sản hấp dẫn ở Campuchia khiến nhiều du khách tò mò muốn thử. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm thử món ăn từ nhện có hình dạng đáng sợ này.

Bọ cánh cứng chiên giòn: Tương tự như nhện chiên giòn, bọ cánh cứng cũng là một món ăn đặc biệt từ Campuchia với hình thức khá đáng sợ thách thức những thực khách can đảm nhất. Món ăn này cũng xuất hiện ở một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản và cả ở Việt Nam nữa đấy.

Chuồn chuồn chiên giòn: Thịt chuồn chuồn được nhiều người tả là ngon và mềm như thịt cua. Ngoài chiên giòn, chuồn chuồn còn thường được chiên với chả lá lốt.

• Đuông dừa ngâm nước mắm: Đây là món khó ăn với những ai chưa quen ăn côn trùng vì bạn sẽ phải ăn đuông dừa sống. Nếu ăn được loại ấu trùng này, bạn sẽ tận dụng được nhiều công dụng chữa suy thận hay tăng cường sinh lực nam giới. Bên cạnh đuông dừa sống, đuông dừa nướng hoặc rán cũng rất đáng thử.

Có thể bạn quan tâm

9 lợi ích từ quả bưởi: Rất đáng để bổ sung vào thực đơn mỗi ngày
Photo by <a href='https://unsplash.com/@tstimp?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Todd Stimpson</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

9 lợi ích từ quả bưởi: Rất đáng để bổ sung vào thực đơn mỗi ngày

10 thực phẩm giàu sắt bạn nên cung cấp cho cơ thể hằng ngày
Photo by <a href='https://unsplash.com/@introspectivedsgn?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Erik Mclean</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

10 thực phẩm giàu sắt bạn nên cung cấp cho cơ thể hằng ngày

10 loại thực phẩm giàu canxi cho hệ xương chắc khỏe
Photo by <a href='https://unsplash.com/@freddygmedia?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Freddy G</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

10 loại thực phẩm giàu canxi cho hệ xương chắc khỏe

10 lợi ích khi bạn sử dụng dầu cá mỗi ngày
Photo by <a href='https://unsplash.com/@monstruoestudio?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Monstruo Estudio</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

10 lợi ích khi bạn sử dụng dầu cá mỗi ngày

10 lợi ích tuyệt vời đến từ hải sản bạn cần biết
Photo by <a href='https://unsplash.com/@purzlbaum?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Claudio Schwarz</a> on <a href='https://unsplash.com/?utm_source=OCA_Images&utm_medium=referral'>Unsplash</a>

10 lợi ích tuyệt vời đến từ hải sản bạn cần biết