Nhận biết tác hại của dứa để tránh ngộ độc thực phẩm
Photo by Elizabeth Villalta on Unsplash

Nhận biết tác hại của dứa để tránh ngộ độc thực phẩm

Quả dứa được biết đến là một trái cây mọng nước, thơm ngon, bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng quan tâm và biết đến tác hại của dứa. Thật ra dứa có thể gây ra ngộ độc thực phẩm nếu bạn ăn không đúng cách đấy.

Bạn có bao giờ cảm thấy rát lưỡi, sưng môi hoặc sưng má ngay sau khi ăn dứa? Đó có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đã bị dị ứng với dứa. Thông thường, những triệu chứng này sẽ hết sau vài phút hoặc vài giờ và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn ăn loại trái cây này một cách không kiểm soát, bạn sẽ dễ gặp các triệu chứng do tác hại của dứa như đau bụng, buồn nôn, nổi mề đay, tiêu chảy…

Ăn nhiều dứa có tốt không?

Trong dứa có nhiều thành phần giàu vitamin C, ít calo, không chứa chất béo và cholesterol xấu. Trong 100g dứa có khoảng 90,5g nước, 0,8g protein, 1g axit hữu cơ, 6,5 glucid, 15mg canxi, 17mg photpho, 0,5mg sắt, 24mg vitamin C cùng nhiều loại vitamin khác như vitamin B1, B2… Thế nên, dứa sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ thị lực, cải thiện hệ tiêu hóa, chống viêm…

Với thành phần nhiều dinh dưỡng nên loại quả này rất được yêu thích trong những ngày hè. Thế nhưng, liệu ăn nhiều dứa có tốt không, có thể bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng hơn không? Câu trả lời chắc chắn là không bởi trong một số trường hợp, ăn nhiều dứa có nguy cơ dẫn đến chứng ngộ độc hay dị ứng thực phẩm rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Dứa có thành phần đa dạng dinh dưỡng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc lượng dứa tiêu thụ bởi nếu không cẩn thận, bạn có thể gặp phải nhiều tác hại của dứa đấy.

Các tác hại của dứa

Để hiểu rõ hơn, bạn hãy cùng tìm hiểu về 9 tác hại của dứa và cách phòng tránh để ăn dứa tốt cho sức khỏe.

1. Gây dị ứng

Dứa có khả năng dẫn đến phản ứng dị ứng ở một số người. Vì loại quả này có đặc tính làm mềm thịt nên có thể gây ra các triệu chứng như sưng môi, sưng má, rát lưỡi hay gây ngứa họng. Ở một số trường hợp, dứa còn gây ngứa ngáy, khó chịu và nổi mề đay.

Trước khi ăn dứa sống, bạn nên cắt từng lát dứa và ngâm vào nước muối nhạt khoảng 10 phút vì muối có thể diệt vi khuẩn, nấm và ức chế enzyme phân giải protein để người ăn không bị rát lưỡi.

Người hay bị dị ứng và trẻ em nên ăn dứa đã nấu chín vì dưới tác động của nhiệt, dứa sẽ không còn khả năng gây dị ứng.

2. Làm tăng đường huyết

Dứa là một trong những loại trái cây có lượng đường tự nhiên rất cao, bao gồm đường mía và đường hoa quả. Do đó, dứa có khả năng làm tăng đường huyết và không tốt cho những người bệnh tiểu đường. Vì vậy, những người có bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp nên hạn chế ăn dứa và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn.

Hầu hết các loại trái cây có chứa carbohydrate có thể làm tăng đường huyết trong máu. Đặc biệt, một trái dứa có thể chứa đến 122g carbohydrate, vượt hơn 40% mức carbohydrate mà bạn nên tiêu thụ hàng ngày.

3. Gây loãng máu

Việc ăn nhiều dứa nhiều khả năng sẽ gây ra phản ứng bromelain làm loãng máu. Bromelain là một loại enzyme được tìm thấy trong nước ép dứa và thân cây. Bromelain hoạt động như một chất làm loãng máu. Những người uống thuốc chống đông máu, đang xuất huyết hoặc chảy máu không nên ăn dứa vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây xuất huyết quá mức. Một số thuốc làm chậm đông máu bao gồm aspirin, clopidogrel (Plavix), diclofenac, ibuprofen, naproxen, dalteparin (Fragmin), enoxaparin (Lovenox), heparin và warfarin (Coumadin).

Bạn cần tránh tiêu thụ thực phẩm chứa bromelain trước và sau phẫu thuật 2 tuần để phòng ngừa nguy cơ gây loãng máu.

4. Gây tương tác với thuốc

Dứa có thể tương tác với một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ. Tình trạng này sẽ xảy ra khi bạn ăn dứa tươi trong lúc đang sử dụng một số loại kháng sinh như amoxicillin và tetracycline. Điều này dẫn đến sự gia tăng các tác dụng phụ do các loại kháng sinh này gây ra như đau ngực, chảy máu mũi, ớn lạnh, sốt, và chóng mặt. Bên cạnh đó, những người đang uống thuốc chống co giật cũng không nên ăn dứa.

5. Làm hư hại răng

Mặc dù ăn một ít dứa sẽ giúp làm sạch vết bẩn trên bề mặt răng, nhưng quá nhiều dứa có thể gây tổn hại cho răng vì trong dứa có tính axit cao làm thay đổi màu sắc của răng, gây ố vàng, bào mòn men răng, gây viêm nướu răng và sâu răng. Điều này sẽ làm răng nhạy cảm hơn, gây ê buốt khi dùng các thức ăn nóng hoặc lạnh cũng như thực phẩm có tính axit hoặc cay.

Nếu bạn đánh răng sau khi ăn dứa, răng sẽ còn tổn thương nhiều hơn vì men răng sẽ bị axit làm mềm và dễ bị mòn hơn. Tốt nhất bạn nên uống một ít nước sau khi đã ăn dứa để làm sạch răng.

6. Kích thích hội chứng dị ứng đường miệng

Hội chứng dị ứng đường miệng hay hội chứng dị ứng phấn hoa và thực phẩm, xảy ra khi cơ thể xuất hiện phản ứng dị ứng với các hạt trong không khí như bụi và phấn hoa. Phản ứng dị ứng cũng xuất hiện đối với một số loại hoa quả tươi, rau xanh như cần tây, thì là, cà rốt, lúa mì… Lúc này, bạn sẽ thấy xuất hiện cảm giác miệng bị ngứa ngáy rất khó chịu.

Hội chứng này thường xảy ra với người có tiền sử bị viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm thanh quản. Dứa gây ra hội chứng dị ứng đường miệng khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể nhầm lẫn protein trong dứa với phấn hoa nên gây kích ứng hoặc ngứa lưỡi trong một thời gian dài.

Người có tiền sử viêm mũi họng, hen phế quản, viêm thanh quản không nên ăn nhiều để tránh nguy cơ bệnh tái phát và nặng hơn.

7. Ảnh hưởng đến đường tiêu hóa

Dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét dạ dày, đường ruột hoặc làm tăng chứng ợ nóng, trào ngược ở những người có bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này sẽ dễ khiến người bệnh gặp cảm giác gây nôn nao, khó chịu ở cổ họng và thường xuyên thấy khó tiêu.

Một điều lưu ý nữa là bạn không nên ăn dứa vào lúc đói vì sẽ dễ bị mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, thậm chí là đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa.

8. Làm tăng nguy cơ sảy thai

Nếu bạn đang quá ngày sinh dự kiến, dứa có thể hữu ích cho bạn. Dù vậy, điều này không có nghĩa là bạn nên thường xuyên ăn dứa để kích thích sinh con vì mỗi trái dứa tươi chứa một lượng nhỏ bromelain. Nếu bạn ăn một quả dứa mỗi ngày, bạn sẽ trải qua các cơn co thắt tử cung nguy hiểm.

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc uống các loại nước ép dứa vì có thể gây co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai, tiêu chảy hoặc dị ứng.

9. Gây ngộ độc thực phẩm

Dứa là loại cây bụi mọc sát mặt đất, vỏ xù xì, mắt ăn sâu vào thân quả nên dễ trở thành nơi cư trú của một loại nấm độc có tên là Candida tropicalis. Loại nấm này thường phát triển trên mặt đất ẩm vào mùa hè, thời điểm trùng với mùa dứa chín. Khi dứa bị giập nát, nấm và vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi xâm nhập sâu vào trong quả dứa, gây tình trạng ngộ độc thực phẩm. Người nhiễm nấm Candida thường sẽ là mệt mỏi, khó chịu, tiêu chảy, ngứa ngáy và nổi mề đay…

Khi mua dứa, bạn cần chọn những loại quả không giập nát và phải còn nguyên vẹn. Khi ăn, bạn cần gọt bỏ hết vỏ và mắt dứa sâu vào thân quả.

Dứa tuy có nhiều tác dụng không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn làm đẹp da, giảm cân thì vẫn có nhiều tác hại mà bạn phải cẩn trọng. Bạn nên ăn dứa ở mức độ vừa phải để tránh khỏi những tác dụng phụ không mong muốn. Nếu đang gặp các vấn đề về bệnh gây phản ứng với dứa thì tốt nhất là bạn không nên ăn. Trường hợp gặp những triệu chứng nghiêm trọng sau khi ăn dứa, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ ngộ độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hoa Vũ

Có thể bạn quan tâm

© 2010-2025 Hồ sơ sức khỏe. Người đọc nên tư vấn với Bác sĩ trước khi áp dụng các thông tin trên website.